Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/05/2016 03:34 605
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đông Xuân 1953-1954, cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt trên chiến trường. Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở ra mặt trận đấu tranh ngoại giao bên cạnh mặt trận quân sự, nhằm đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi toàn diện.

Để tỏ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, ngay từ tháng 3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi Bắc Kinh để bàn với Ban lãnh đạo Trung Quốc về việc Việt Nam tham dự Hội nghị Giơnevơ. Sau đó, đoàn cùng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang Liên Xô họp cấp cao ba nước Liên Xô – Trung Quốc – Việt Nam để bàn giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ sắp được triệu tập.

Trước ngày Hội nghị khai mạc, chúng ta đã giành thắng lợi quân sự to lớn ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải đầu hàng trên chiến trường chính Bắc Bộ. Vì vậy, chúng ta đến với Hội nghị Giơnevơ trên tư thế của người chiến thắng, nắm quyền chủ động trên chiến trường Đông Dương. Tháng 3-1954, Chính phủ Việt Nam chuẩn bị thành lập Đoàn đi dự Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương sau khi nhận lời mời của Liên Xô và Trung Quốc. Chính phủ đã quyết định cử Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Giơnevơ. Tham gia đoàn còn có: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu, Đặng Tích và nhiều chuyên viên khác.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Thụy Sỹ dự Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, tháng 5/1954.

Ngày 8-5-1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh họp ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) đã được triệu tập bởi ý đồ của các nước lớn nhằm giải quyết các vấn đề chiến tranh ở Đông Dương trên bàn đàm phán. Thành phần tham dự Hội nghị gồm có 9 nước: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Campuchia, Lào, đại diện chính quyền Bảo Đại và đoàn đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị Giơnevơ trải qua 3 thời kỳ: từ ngày 8-5-1954 tới ngày 19-6-1954; từ ngày 20-6-1954 tới ngày 10-7-1954 và từ ngày 11-7-1954 tới ngày 21-7-1954 với 75 ngày thương lượng, có tất cả 8 phiên họp mở rộng và 23 phiên họp cấp trưởng đoàn.

Từ ngày 8-5 đến ngày 23-6-1954, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Do lập trường giữa các đoàn có nhiều khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm. Tuy nhiên, sự nhân nhượng lẫn nhau chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luận riêng. Cuối cùng, Pháp và Trung Quốc đã thỏa thuận một giải pháp chung cho vấn đề Đông Dương: giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời giải pháp chính trị tại ba nước Đông Dương.

Quang cảnh Hội nghị Giơnevơ, năm 1954.

Từ ngày 24-6 đến ngày 20-7-1954, phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể, xoay quanh các vấn đề: quyền tham gia hội nghị của các đại biểu chính phủ kháng chiến Lào và chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam.

Tướng Pháp Đen-thây (bên trái) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký kết Hiệp định Giơnevơ, tháng 7-1954.

Ngày 21-7-1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về lập lại hòa bình ở Đông Dương được các nước tham gia hội nghị cam kết chính thức chấp nhận. Đại diện Chính phủ Mỹ ra tuyên bố riêng thừa nhận Hiệp định.

Các văn bản của Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương chủ yếu gồm:

1. Ba hiệp nghị đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

2. Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị (không có chữ ký).

Ngoài ra còn những tuyên bố riêng và những văn kiện ngoại giao riêng giữa các nước tham gia như:

- Bản tuyên bố riêng ngày 21-7 của Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ “ghi nhận” bản tuyên bố cuối cùng.

- Bản tuyên bố của chính phủ Pháp ngày 21-7, trong đó nêu rõ Pháp sẵn sàng rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia theo yêu cầu của các nước hữu quan trong thời gian do các bên thoả thuận, và căn cứ trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới lập lại hòa bình ở các nước đó.

- Các công hàm trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France.

Nội dung của Hiệp định Giơnevơ có 13 điều khoản, gồm các nội dung chính:

- Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước.

- Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương.

- Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh.

- Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết.

- Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương.

- Thành lập Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương (tiếng Anh: International Control Commission, ICC; tiếng Pháp: Commission Internationale pour la Surveillance et le Contrôle, CISC) gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, với Ấn Độ làm chủ tịch.

- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Khoản a, điều 14 ghi rõ “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy”.

- Thừa nhận nguyên tắc về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.

- Các bên tham gia Hội nghị thừa nhận quyền độc lập, thống nhất, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Hai bên Việt Nam sẽ tiến hành Tổng tuyển cử vào tháng 7-1956.

- Quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương. Pháp cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Lào và Campuchia.

- Những nguyên tắc trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương là tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, không can thiệp vào nội bộ của nhau.

Phiên họp bế mạc Hội nghị Giơnevơ, ngày 21-7-1954.

Hội nghị Giơnevơ đã đánh dấu mốc lần đầu tiên trong lịch sử, chủ nghĩa đế quốc đã phải thừa nhận về mặt pháp lý những quyền căn bản: độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, lãnh thổ toàn vẹn của một dân tộc, kết thúc chế độ nô lệ thuộc địa bằng một cuộc chiến đấu anh hùng nhất của lịch sử hiện đại.

Hiệp định Giơnevơ đã ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hiệp định xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn của cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chấm dứt sự nô dịch của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương.

Hiệp định Giơnevơ đã đem lại hệ quả là một nửa đất nước Việt Nam được giải phóng gắn liền với hậu phương xã hội chủ nghĩa rộng lớn và làm cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hòa nhập với trào lưu cách mạng thế giới, vào xu hướng phát triển mang tính thời đại là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Hồng Thịnh, Thùy Dung, Thuận Yến “Từ ngày 8-5 đến 21-7-1954: Hội nghị Giơnevơ, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr. 59-61.

- Hoàng Nguyên, Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương, H. Công an nhân dân, 2015, tr 159.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Ngày 24-4-1970: Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương

Ngày 24-4-1970: Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương

  • 22/04/2016 00:00
  • 1728

Việt Nam, Lào và Campuchia là ba quốc gia - dân tộc trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, chung một dòng sông Mê Kông và đều dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Quá trình xây dựng và phát triển của ba quốc gia có đặc điểm nổi bật: nếu một quốc gia bị xâm lược, thì dù sớm hay muộn hai quốc gia còn lại cũng khó tránh khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Bởi vậy, dù tự giác hay không tự giác, nhân dân ba nước phải cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của mỗi dân tộc.