Việt Nam, Lào và Campuchia là ba quốc gia - dân tộc trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, chung một dòng sông Mê Kông và đều dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Quá trình xây dựng và phát triển của ba quốc gia có đặc điểm nổi bật: nếu một quốc gia bị xâm lược, thì dù sớm hay muộn hai quốc gia còn lại cũng khó tránh khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Bởi vậy, dù tự giác hay không tự giác, nhân dân ba nước phải cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của mỗi dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho tới chống đế quốc Mỹ, cứu nước thì vấn đề dân tộc đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và giải quyết đúng đắn với tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo. Đó là cơ sở vững chắc để củng cố và tăng cường khối đoàn kết Đông Dương, khối liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc, tạo ra một nhân tố chiến lược, đảm bảo thắng lợi của cách mạng mỗi nước.
Bước sang năm 1970, tình hình Đông Dương có những chuyển biến mới. Ở Lào, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bạn mở chiến dịch phản công giải phóng hoàn toàn vùng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, đập tan cố gắng lớn về quân sự của Mỹ và tay sai ở một địa bàn chiến lược quan trọng, giáng đòn nặng vào âm mưu tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào của đế quốc Mỹ. Tiếp đó, từ ngày 6-3-1970, Mặt trận Lào yêu nước đã đề ra giải pháp chính trị 5 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ, lập lại hòa bình ở Lào trên cơ sở Hiệp nghị Giơnevơ 1962 và tình hình thực tế hiện nay ở Lào, nhằm xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.
Ở Campuchia, ngày 18-3-1970, đế quốc Mỹ chủ mưu gây ra cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ Vương quốc Campuchia, đưa bè lũ Lonnon lên nắm quyền. Mục tiêu của Mỹ là biến nước trung lập này thành thuộc địa kiểu mới.
Ngày 30-4-1970, mười vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ồ ạt tiến công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, vào sâu từ 30km đến 40km.
Từ ngày 30-5, phối hợp chặt chẽ với bạn, ta và bạn đẩy mạnh tiến công địch, hỗ trợ cho nhân dân Campuchia nổi dậy giải phóng một vùng rộng lớn từ phía Bắc tỉnh Ratanakiri đến nam tỉnh Campốt dọc tuyến biên giới với chiều sâu từ 20km đến 40km.
Tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (1970). Từ trái sang phải: Các vị Xihanúc, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Xuphanuvông.
Trên đà thắng lợi, trong 2 ngày 24 và 25-4-1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương được tổ chức ở Trung Quốc, tại một địa điểm gần biên giới ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Tham dự Hội nghị có: Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu; đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu; đoàn đại biểu Campuchia do Quốc trưởng Xihanúc dẫn đầu và đoàn đại biểu Lào do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu. Tham dự Hội nghị còn có Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai.
Hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhất trí ra Tuyên bố chung, xem đó như Cương lĩnh đấu tranh chung của nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương. Tuyên bố chung của Hội nghị chỉ rõ mục tiêu chiến đấu của các bên Campuchia, Lào, miền Nam Việt Nam là độc lập, hòa bình, trung lập, không cho phép nước ngoài có quân đội hoặc căn cứ quân sự trên đất nước mình, không tham gia liên minh quân sự nào, không cho phép nước ngoài dùng lãnh thổ mình để xâm lược nước khác. Để đạt tới mục tiêu đó, các bên cam kết hết lòng ủng hộ lẫn nhau theo yêu cầu của mỗi bên và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt giữa ba nước, trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể là: “Các bên Campuchia, Lào, Việt Nam khẳng định mục tiêu chiến đấu của mình là độc lập, hòa bình, trung lập, không cho phép nước ngoài có quân đội hay căn cứ quân sự trên đất nước mình, không tham gia liên minh quân sự, không cho phép nước ngoài dùng lãnh thổ mình để đi xâm lược nước khác. Về quan hệ ba nước, việc giải phóng và bảo vệ đất nước là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước, các bên cam kết hết lòng ủng hộ lẫn nhau; các bên tuyên bố quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa ba nước, trước mắt ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung và sau này hợp tác lâu dài trong việc xây dựng đất nước theo con đường riêng của mỗi nước”.
Các đại biểu dự Hội nghị nhấn mạnh các vấn đề bất đồng trong quan hệ ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng, trên tinh thần tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Hội nghị quyết định khi cần sẽ tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao của các bên nhằm trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Thành công của Hội nghị gây tiếng vang trên thế giới, đánh dấu bước phát triển về chất của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia.
Như vậy, Hội nghị là cột mốc đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của tình đoàn kết gắn bó giữa cách mạng và nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương. Thành công của Hội nghị là làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đoàn kết giữa ba dân tộc của đế quốc Mỹ. Trên thực tế, liên minh chiến đấu Việt Nam, Lào, Campuchia đã hình thành và ngày càng được củng cố vững chắc. Đó là một thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao của nhân dân ta.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
Hồng Thịnh, Thùy Dung, “Ngày 24-4-1970: Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương”, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr.180-183.