Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/03/2016 01:29 837
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử đặc biệt. Tiếp nối những chiến thắng lớn năm 1971 trên khắp chiến trường ba nước Đông Dương (chiến thắng Đường 9 - Nam Lào từ 30-1 đến 23-3-1971, chiến dịch Chen La II ở Campuchia từ 20-10 đến 4-12-1970, chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng từ 18-12-1971 đến đầu năm 1972), cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với mục tiêu kiên quyết đánh bại kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh và học thuyết Ních-xơn của Mỹ.

Sau thất bại của địch năm 1972, nhất là thất bại thảm hại trong chiến dịch “Lam Sơn 719”, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh, có lợi cho cách mạng. Tuy nhiên, địch vẫn ngoan cố vì lực lượng quân sự còn rất mạnh. Cùng với tăng viện khẩn cấp để vực quân ngụy Sài Gòn dậy, Hoa Kỳ ráo riết hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm từ bên ngoài một thỏa hiệp nào đó để kiềm chế sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, quyết tâm thực hiện Di chúccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh và với bản lĩnh chính trị vững vàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã khẳng định quan điểm kiên trì đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (2-1972) nhận định: “Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. So sánh lực lượng và thế chiến lược trên các chiến trường đang thay đổi ngày càng có lợi cho ta. Chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợiđể đưa cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ”.

Sơ đồ tiến công chiến lược mùa hè năm 1972.

Đầu tháng 3-1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương căn cứ vào chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và thực tế chiến trường đã quyết định điều chỉnh phương án, tiến hành cuộc tiến công chiến lược trong năm 1972 trên toàn miền Nam: chiến trường Trị - Thiên từ hướng phối hợp trở thành hướng tiến công chủ yếu; Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu V đẩy mạnh tác chiến phối hợp với chiến trường chính Trị - Thiên.

Mục tiêu của ta là giành thắng lợi to lớn trên chiến trường, từ đó buộc địch phải chấp nhận giải pháp có lợi cho cách mạng miền Nam tại bàn Hội nghị ở Paris.

Kế hoạch tác chiến là đánh địch khắp nơi nhưng tập trung binh lực vào ba mặt trận chính: Trị - Thiên, miền Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên; trong đó chiến trường Trị - Thiên là mặt trận chính.

Tại chiến trường Trị - Thiên, địa bàn tiếp giáp với miền Bắc, địch xây dựng hệ thống phòng thủ thuộc loại vững chắc nhất ở miền Nam. Để đập tan hệ thống phòng thủ của địch, ta tập trung lực lượng rất lớn để tiến công địch.

Ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị phê chuẩn phương án tác chiến chiến lược của Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Sơ đồ chiến dịch tiến công Quảng Trị - Thừa Thiên (30/3 – 27/6/1972).

Trưa 30-3-1972, quân ta bắt đầu cuộc tiến công chiến lược theo kế hoạch của Quân ủy Trung ương. Mở đầu cuộc tiến công, quân ta đánh vào Quảng Trị, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu, rồi phát triển rộng ra khắp chiến trường miền Nam và kéo dài trong năm 1972.

Trong những đợt tấn công đầu, ta đã giải phóng được Quảng Trị, tiêu diệt được toàn bộ sinh lực địch đóng tại địa bàn. Sau đó tiếp tục tiến công địch ở Thừa Thiên.

Khi chiến dịch đang phát triển, Mỹ đưa lực lượng không quân quay trở lại đánh phá ác liệt vùng Trị - Thiên và cả miền Bắc. Từ tháng 6 trở đi, ta chuyển từ chiến dịch tiến công sang phòng ngự, chống địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng. Chiến sự ngày càng quyết liệt khi địch đưa lực lượng dự bị chiến lược ra để “tái chiếm Quảng Trị”. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trở nên vô cùng quyết liệt. Từ cuối tháng 6-1972, bộ đội ta thực hiện chiến dịch phòng thủ bảo vệ vùng giải phóng phía Nam sông Thạch Hãn. Chiến dịch này kéo dài hơn 200 ngày đêm. Trong 81 ngày đêm, tại Thành cổ Quảng Trị, bộ đội quyết tâm giữ thành chống mọi đợt tiến công điên cuồng của địch. Chính vì vậy, sau chiến dịch này cả ta và địch đều tổn thất nặng.

Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, lần đầu tiên ta tổ chức tác chiến hợp đồng binh chủng, tiến công địch và đã giải phóng được một vùng rộng lớn nối liền từ Cà Tum, Thiện Ngôn, Cần Lê, Xa Mát, Lộc Ninh, An Lộc. Lộc Ninh trở thành thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại chiến trường Tây Nguyên, ta giải phóng được vùng rộng lớn ở phía Nam quốc lộ 14, mở rộng hệ thống tuyến đường vận tải chiến lược vào sâu phía Nam Tây Nguyên. Đặc biệt, chiến thắng ở Đắc Tô, Tân Cảnh mở ra khả năng quân giải phóng có thể đánh tiêu diệt lớn chủ lực của quân đội Sài Gòn ở chiến trường Nam Tây Nguyên.

Trước đòn tiến công của lực lượng vũ trang giải phóng trên các chiến trường trong năm 1972, Hoa Kỳ phản ứng quyết liệt, cho máy bay ném bom với mức độ ác liệt chưa từng có. Chỉ 4-5 ngày sau khi ta tiến công Quảng Trị, Hoa Kỳ đã huy động tối đa lực lượng không quân và hải quân đánh phá các tuyến đường vận tải ở Nam Khu IV nhằm cắt đứt chi viện của miền Bắc cho chiến trường Quảng Trị.

Hầu hết các tuyến vận tải vào chiến trường Khu V bị tê liệt. Tối 25-5-1972, khi căn cứ Tân Cảnh, Đắc Tô thất thủ, Mỹ ném bom hủy diệt nhà thờ Kon Hring thuộc xã Diên Bình, Kon Tum làm nhiều dân thường bị thiệt mạng, trong đó có 357 người là đồng bào dân tộc ít người.

Sơ đồ chiến dịch Bắc Tây Nguyên.

Từ giữa năm 1972, trên phạm vi tương đối rộng lớn, thời gian khá dài, sử dụng lực lượng tổng hợp, kết hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của nhân dân, đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp của quân sự, chính trị và binh vận, các chiến dịch tiến công tổng hợp của quân và dân khu VIII, Khu IX, Khu V và Khu VI đã giáng một đòn mạnh, đánh bại phần lớn chương trình bình định của địch; góp phần quan trọng vào việc phát triển thế trận chiến tranh nhân dân ở miền Nam.

Những thắng lợi trên chiến trường miền Nam năm 1972 đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; giáng đòn mạnh vào quân ngụy (công cụ chủ yếu) và quốc sách “bình định” (xương sống) của chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của Mỹ. Cùng với chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân của địch ở miền Bắc, buộc địch phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Hồng Thịnh, “Ngày 30-3-1972: Cuộc Tổng tiến công chiến lược 1972 bắt đầu”, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr. 197-200.

- Lê Mậu Hãn, “Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa”, phối hợp chiến đấu với Lào và Campuchia chống chiến lược “Đông Dương hóa” chiến tranh của Mỹ, Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, H. Giáo dục, 1998, tr. 225-235.

- Lương Ninh, “Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của Mỹ (1960-1973)”, Lịch sử Việt Nam giản yếu, H. Chính trị quốc gia, 2000, tr. 581-586.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: