Nền văn minh cổ đại Peru ít được nhắc tới như đế chế La Mã hay Ai Cập, nhưng sự phát triển tân tiến trong các lĩnh vực nông nghiệp, kiến trúc từ hơn 5.000 năm về trước lại là một bí ẩn thách thức các nhà khoa học.
Các nhà kiến trúc đang tìm kiếm những giải pháp cho một cuộc sống bền vững trong thế kỷ 21 ở thành phố cổ Caral, Péru được xây dựng cách đây 5000 năm, nổi tiếng với tập quán canh tác đa dạng, nền văn hóa phong phú cùng với nhiều công trình kiến trúc hoành tráng.
Từ xa xưa, các nhà xây dựng đã tạo nên một thành phố với các kim tự tháp, những giảng đường có bậc, các tòa nhà chống động đất, những ống dẫn thông gió để duy trì bếp lửa luôn cháy tại các hộ gia đình. Tất cả đều được thực hiện với những công cụ thô sơ.
Di tích của thành phố linh thiêng Caral, Peru.
Đây là di chỉ nền văn minh lâu đời nhất ở châu Mỹ, có tên là Caral hay còn gọi là Norte Chico. Nền văn minh này phát triển từ năm 3000 đến năm 1800 năm trước Công Nguyên và cùng thời với nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Người ta đã tìm thấy ở đây 6 kim tự tháp lớn bao quanh một quảng trường rộng. Các công trình công cộng bao gồm cầu thang, phòng ốc, sân vườn, một nhà hát ngoài trời và ba quảng trường trũng ở giữa.
Các nhà khảo cổ học tin rằng Caral là vùng đất trọng yếu trong lịch sử cổ đại, bởi đây là một trong những nơi đầu tiên xuất hiện nền văn minh nhân loại ở châu Mỹ. Hơn thế nữa, đây cũng là một trong số rất ít nền văn hóa phát triển mà không có chữ viết trong giao tiếp xã hội.
Khoảng 5.000 năm trước đây, người Peru cổ đại đã định cư tại Caral và gây dựng nên một vương quốc tiên tiến, lâu đời bậc nhất tại Nam Mỹ. Kiến thức của họ về một số lĩnh vực khoa học đã khiến các nhà nghiên cứu ngày nay phải lúng túng và chưa thể đưa ra câu trả lời hợp lý cho rất nhiều bí ẩn đằng sau nền văn minh vĩ đại đã phát triển đơn độc này.
Các kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt ở Caral để tìm cảm hứng từ những phế tích màu nâu cát còn lại và thảo luận về những thách thức mà nhân loại phải đối mặt 5000 năm sau đó.
Hiệp hội kiến trúc sư quốc tế đã có cuộc họp bàn về di sản thế giới của UNESCO này và đã ký kết một văn bản Lettre de Caral, cho thấy thành phố cổ đại này là một điển hình về quy hoạch đô thị bền vững có cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Văn bản được trình bày trong các cuộc đàm phán về khí hậu ở Paris.
Jose Arispe, một trong các nhà kiến trúc sư ở Péru, cố vấn cho Hội liên hiệp kiến trúc sư quốc tế cho biết : «Chúng tôi nhìn vào quá khứ để xem xét các nền văn minh đã tự tổ chức như thế nào cách đây 5000 năm, xem thái độ của họ đối với thiên nhiên và biết được tầm nhìn về vũ trụ của họ». Ông ngạc nhiên về những kỳ công trong kỹ thuật như việc sử dụng những ống dẫn ở Caral dùng để cung cấp không khí cho các bếp lửa.
Thành phố Caral biết cách tận dụng sức gió để áp dụng trong lĩnh vực khai thác năng lượng và cơ học chất lỏng bằng cách dẫn gió đi qua những ống dẫn ngầm để đạt được nhiệt độ cao và giữ lửa luôn bùng cháy. Ngày nay phương pháp này được gọi là hiệu ứng Venturi. Ông Arispe cho biết thêm: “Chúng tôi cũng phát hiện ra những công việc của các kiến trúc sư và các kỹ sư thời đại đó, khi mà không có các công cụ như máy thủy chuẩn hay dây dọi. Đây là một kỹ thuật tuyệt vời”.
Khối đá có biệt danh “Huanca” trên di chỉ Caral.
Những công trình trong thành phố cổ nằm ở khu vực có hoạt động địa chấn, trên những nền móng được gọi là “shicras” trông giống như những chiếc giỏ lớn chứa đầy đá, một kỹ thuật được sử dụng để giảm thiểu thiệt hại trong những trận động đất.
Các nghiên cứu phát hiện ra những kim tự tháp Caral được xây dựng vào cùng thời điểm với các kim tự tháp Ai Cập (khoảng năm 3200 trước Công nguyên). Những công trình hoành tráng này là minh chứng về sự khéo léo của con người cổ đại. Họ đã làm được những điều không tưởng và dựng lên những tượng đài hùng vĩ và chính xác, thể hiện khả năng hoạch định và tổ chức đáng kinh ngạc. Thật may mắn đây là một điểm khảo cổ được bảo toàn khá nguyên vẹn bởi nó được phát hiện khá muộn và thực tế là nơi này cũng không có mấy vàng bạc để trộm cắp.
Cách thức quy hoạch thành phố, tượng đài và khu định cư cao cấp là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của những nghi lễ. Vì vậy, chắc chắn Caral là nơi có một hệ ý thức tôn giáo mạnh mẽ.
Người dân Caral dường như không có vũ khí và không có các bức tường bao quanh nơi ở. “Đó là một nền văn hóa hóa bình, rất đáng để các thế hệ tương lai học hỏi”. Điểm quan trọng nhất và cũng là đặc sắc nhất trong nền văn minh này đó là thành phố Caral không hề có vũ khí, không có xác người bị cắt chém, hay bất kì manh mối nào về chiến tranh. Vì vậy, chắc chắn Caral là nơi có chính sách ngoại giao hòa hoãn, văn hóa nhân văn phát triển.
Họ xây dựng thành phố trên những vùng đất khô cằn để ưu tiên những khu đất màu mỡ cho nông nghiệp. Ổng Ruth Shady, nhà khảo cổ học Péru, người tiến hành những cuộc khai quật đầu tiên ở Caral vào năm 1996 đã thu hút sự chú ý của thế giới về thành phố cổ này, cho biết: “Xã hội này rất đáng được quan tâm bởi sự phát triển hài hòa với thiên nhiên. Họ không bao giờ chiếm đóng thung lũng và không trồng cây trên những khu đất sản xuất. Những cánh đồng màu mỡ như những vị thần”.
Thành phố Caral nằm trong thung lũng Supe, một vùng bán khô hạn cách khoảng 200 km về phía Bắc của Lima.
Di chỉ thành phố có 7 kim tự tháp bằng đá. Thành phố được xây dựng xung quanh hai quảng trường trũng, các cuộc khai quật cho thấy những phiên họp chợ thường xuyên thu hút các thương nhân đến từ khắp nơi trong khu vực.
Ngư dân và nông dân có thể trao đổi tài sản, đổi lấy những chiếc sáo làm từ xương của con kền kền Nam Mỹ hoặc vỏ sò để làm dây chuyền, những hàng hóa này đến từ những vùng đất xa xôi như Ecuador ngày nay.
Các cuộc khai quật đang tiếp diễn sẽ cho biết thêm về lịch sử của di tích thành phố này.
Thành phố cũng là nơi ra đời của Quechua, một ngôn ngữ sau này đã trở thành ngôn ngữ của Đế chế Inca, hiện vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Ông Shady cho biết thêm: “Đây là một nền văn minh rực rỡ và uy tín. Đó là một thông điệp cho thế giới ngày nay, chúng ta có thể sống hòa hợp với thiên nhiên để bảo vệ hành tinh của mình, có sự tôn trọng và quan hệ hòa bình với các nền văn hóa khác”.
Thành phố Caral đã chịu một đợt hạn hán kéo dài vào khoảng năm 1800 trước CN, buộc người dân nơi đây phải từ bỏ khu vực. Sau khi họ dời đi, thành phố bị chôn vùi dưới cát.
Nguyễn Thúy (sưu tầm)
Theo: http://decouvertes-archeologiques.blogspot.com/