12 giờ 12 phút ngày 30-4-1975, nhà báo, nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết có mặt tại Sài Gòn rợp cờ hoa mừng toàn thắng và ông cũng là một trong hai người trực tiếp tiếp xúc và hỏi cung một số thành viên nội các Dương Văn Minh vừa đầu hàng Quân giải phóng. Nhân kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xin giới thiệu với bạn đọc ghi chép “Ngày lịch sử của tôi” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết về thời khắc đáng nhớ ấy.
12 giờ 12 phút ngày 30-4-1975, nhà báo, nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết có mặt tại Sài Gòn rợp cờ hoa mừng toàn thắng và ông cũng là một trong hai người trực tiếp tiếp xúc và hỏi cung một số thành viên nội các Dương Văn Minh vừa đầu hàng Quân giải phóng. Nhân kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xin giới thiệu với bạn đọc ghi chép “Ngày lịch sử của tôi” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết về thời khắc đáng nhớ ấy.
Người thứ ba thấp đậm, nở nụ cười ngoại giao, đứng dậy chào chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng Vũ Văn Mẫu hay cười, câu nào cũng điểm nụ cười. Khi hỏi về bộ tóc mà Mẫu đã cạo trọc trong một phiên họp quốc hội Sài Gòn để phản đối Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, Mẫu xoa đầu cười:
- Thưa, tóc mọc rồi, nước nhà mới thống nhất:
Ông ta thăm dò:
- Thưa các ông, tôi quê ở Thường Tín. Không biết bao giờ tôi mới có dịp về thăm quê?
- Điều đó chúng tôi chưa thể nói trước được, có thể nhanh và cũng có khả năng còn lâu, do thái độ của ông hợp tác với chính quyền mới quyết định.
Chúng tôi nhìn đồng hồ. Đã 3 giờ 30 chiều rồi. Từ chiều hôm qua đến bây giờ, chúng tôi chưa ăn gì. Từ 5 giờ sáng ngày 28-4 đến lúc này, chúng tôi chưa chợp mắt. Chúng tôi hỏi một người trạc 45 tuổi, có vẻ thư sinh:
- Anh tên gì?
- Thưa ông, tôi là Bùi Hòe Thực.
- Anh giữ chức vụ gì?
- Thưa, tôi là Viện trưởng giám sát viện.
- Anh vào đây làm gì?
- Dạ. Tôi đến đây cùng hai ông thẩm phán nữa. Chúng tôi có trách nhiệm: sau khi chính phủ Dương Văn Minh với Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký biên bản bàn giao chính quyền cho nhau xong, chúng tôi ký xuống dưới xác nhận việc bàn giao đó là hợp pháp.
Tôi nhìn người vừa nói. Đến giây phút này mà hắn còn huênh hoang về pháp luật của ngụy quyền ư? Tôi vặn lại:
- Thế việc anh bị buộc ngồi đây và việc chúng tôi có mặt ở đây có hợp pháp không?
Viện trưởng giám sát viện cúi mặt không trả lời được. Tôi nói anh ta ngồi xuống và hỏi người bên cạnh.
- Anh tên là gì? Làm chức vụ gì?
- Thưa, tôi là Bùi Tường Huân, Phó Thủ tướng.
Tuy đã có danh sách sẵn, chúng tôi vẫn hỏi tiếp.
- Phó thủ tướng nào nhỉ?
Huân lắp bắp:
- Dạ, thuộc chính phủ Vũ Văn Mẫu chưa kịp công bố.
Cùng cánh với Huân còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bùi Thế Dung trình bày:
- Thưa tôi là thứ trưởng mới nằm trong dự kiến của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu thôi!
Báo Nhân Dân ra ngày 1-5-1975, đưa tin miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Phó Thủ tướng chính thức của chính phủ Trần Thiện Khiêm rồi của Nguyễn Bá Cẩn cũng có mặt đây. Tên anh ta là Nguyễn Văn Hảo. Năm đó, tôi 46 tuổi, tôi nghĩ là Hảo trẻ hơn, Hảo có dáng tri thức được là một trong số ít người có 3 bằng tiến sĩ kinh tế của Pháp, của Mỹ và Thụy Sĩ. Hảo chủ động đứng dậy khi chúng tôi đến và nêu luôn thắc mắc bằng những lời lẽ khác hẳn những người trước.
- Mấy anh! Tụi này có một thắc mắc. Không hiểu sao không có một anh nào bắt tay tụi này?
Nào có hẹp hòi gì chuyện đó! Tôi chìa tay về phía Hảo.
- Tôi bắt tay anh Hảo.
Hảo lắc mạnh bàn tay tôi. Tôi nhắc anh ta:
Cái bắt tay vừa rồi để anh Hảo biết. Một là không có lệnh cấm bắt tay các anh; hai là, nếu các anh đem tài năng phục vụ đất nước với thái độ chân chính sẽ được trọng dụng.
Báo Quân đội Nhân dân ra ngày 1-5-1975, đưa tin miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Không đủ thì giờ dừng lại lâu, chúng tôi rời phe dân sự tiến sang phía quân sự. Chỉ trừ Nguyễn Hữu Hạnh đeo lon chuẩn tướng còn lại tất cả đều mặc thường phục. Đại tá Vũ Quang Chiêm, chánh Văn phòng phủ tống thống nói:
- Tôi được lệnh tổ chức lễ bàn giao. Khi phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời tới, tổng thống và toàn bộ nội các sẽ ra đón.
Chúng tôi hỏi:
- Lễ bàn giao không phải tiến hành, đại tá có tiếc không?
Chiêm tạc lưỡi:
- Thưa các ông! Tôi là loại đại tá gọi dạ bảo vâng ấy mà!
Trung tá Vũ Trung Thứ phụ trách khối cảnh vệ phủ tổng thống báo cáo rành rọt về số lượng sĩ quan binh sĩ trong phủ tổng thống và không quên nói rõ mình giữ chức vụ trưởng ban an ninh của tổng thống.
Người chúng tôi chú ý nhất là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người đã đọclệnh cho binh lính đầu hàng sau tuyên bố của Dương Văn Minh. Tôi hỏi Hạnh. Anh xác nhận.
- Vâng! Chính tôi đã thảo và đọc lệnh đó trên đài phát thanh.
Lúc đó, tôi làm sao mà biết được vai trò Nguyễn Hữu Hạnh. Sau này, khi anh Hạnh trúng cử vào ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có tờ bào Mỹ đã than thở: “Tình báo Việt Nam rất giỏi. Có những nhân vật cộng tác đắc lực với ông Thiệu chống cộng ghê gớm, bây giờ rút cuộc hóa ra là thân cộng”.
Người dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón quân giải phóng, ngày 30-4-1975.
16 giờ 30, chúng tôi rời Dinh Tổng thống sang tòa đại sứ Mỹ. Quãng đường dài khoảng 800 mét mà chúng tôi phải đi mất gần một giờ. Đồng bào quây lấy chúng tôi, người đi trước, người đi sau, hỏi han tíu tít như đón người thân ruột thịt đi xa mới về.
Đại tá, nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết