12 giờ 12 phút ngày 30-4-1975, nhà báo, nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết có mặt tại Sài Gòn rợp cờ hoa mừng toàn thắng và ông cũng là một trong hai người trực tiếp tiếp xúc và hỏi cung một số thành viên nội các Dương Văn Minh vừa đầu hàng Quân giải phóng. Nhân kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xin giới thiệu với bạn đọc ghi chép “Ngày lịch sử của tôi” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết về thời khắc đáng nhớ ấy.
12 giờ 12 phút ngày 30-4-1975, nhà báo, nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết có mặt tại Sài Gòn rợp cờ hoa mừng toàn thắng và ông cũng là một trong hai người trực tiếp tiếp xúc và hỏi cung một số thành viên nội các Dương Văn Minh vừa đầu hàng Quân giải phóng. Nhân kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xin giới thiệu với bạn đọc ghi chép “Ngày lịch sử của tôi” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết về thời khắc đáng nhớ ấy.
Chúng tôi gánh trên vai hai trách nhiệm nặng nề. Là những cán bộ quân đội, chúng tôi được thay mặt đội quân chiến thắng hỏi cung tù binh cỡ đại tướng, bộ trưởng... Là những phóng viên quân sự, chúng tôi sẽ ghi lại cảm tưởng của viên tổng thống và các phụ tá của ông ta mới đầu hàng để kể lại cho đồng bào cùng rõ.
Nhà báo, nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết.
Đồng chí cán bộ bảo vệ dẫn chúng tôi vào phòng Khánh Tiết trên tầng 2. Anh thì thào:
- Họ ngồi kia, mỗi người một ghế. Ghế có ba người ngồi chung là Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu. Các anh rất dễ nhận ra họ. Tổng thống Dương Văn Minh to, cao khoảng 1m80, đeo kính trắng, mặc áo sơ mi cộc tay màu xám. Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyên gầy khẳng khiu, mặc com-lê. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu da trắng, thấp đậm. Đây, các anh xem danh sách sẽ rõ.
Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng, ngày 30-4-1975.
Chúng tôi đọc họ tên và chức vụ trong danh sách. Toàn là cỡ bộ trưởng, thứ trưởng và các cấp tương đương chúng tôi dễ nhầm lẫn quá. Trong vòng mấy ngày qua, ngụy quyền Sài Gòn đã 3 lần thay đổi nội các khiến chúng tôi không rõ bộ trưởng nào thuộc chính phủ Trần Thiện Khiêm, “vị” nào trong nội các Nguyễn Bá Cẩn, và ai ở dưới trướng Vũ Văn Mẫu. Tôi nảy ra sáng kiến ghi tên 3 “ngài” tổng thống và thủ tướng lên trên rồi kẻ thành ba cột dọc, ghi tên họ những người thuộc quyền “ngài” tiếp theo. Danh sách quá dài và còn biết bao nhiêu việc cần làm. Anh cán bộ đề nghị:
- Thôi, ta cúp bớt cái cỡ trung tá hoặc cục trưởng trở xuống.
Chúng tôi đồng ý với một cảm giác thật khoan khoái. Còn nhớ mới hôm nào, anh em đã tốn biết bao công sức để bắt một tên tù binh cỡ hạ sĩ. Giờ đây ta không cần hỏi cung đến loại trung tá nữa. Trước mắt chúng tôi đã có quá nhiều nhân vật nổi tiếng, từng được phương Tây ca ngợi hết lời. Bước vào phòng, chúng tôi đến bên ghế có 3 người đang ngồi. Mặc dù đã nhận ra từng người theo lời tả của anh cán bộ bảo vệ, chúng tôi vẫn hỏi:
- Ai là Dương Văn Minh?
Người to lớn ngồi bên trái, đứng dậy:
Tôi! Xin các ông cho biết: Bao giờ, đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời vào tới đây?
Dương Văn Minh vẫn còn hy vọng đàm phán? Tôi trả lời:
- Chúng tôi là cán bộ quân sự. Chúng tôi chỉ biết chiến đấu.
Dương Văn Minh thăm dò:
- Thưa các ông, tôi đã tuyên bố bàn giao...
- Đâu còn chính quyền nữa để bàn giao? Người ta không thể giao cái gì không còn có trong tay, Ngụy quyền cũ từ dưới lên trên sụp đổ hoàn toàn rồi.
Dương Văn Minh:
- Các ông có thấy Sài Gòn nguyên vẹn, không đổ nát, không tắm máu? Đó là điều mơ ước của chúng tôi.
Chúng tôi cùng mỉm cười, trả lời:
- Đúng, Sài Gòn gần như không đổ máu, không bị tàn phá. Đó là sức áp đảo và khí thế thần tốc của cách mạng. Bộ đội đội cùng nhân dân tấn công và nổi dậy nên đã làm chủ Sài Gòn nhanh chóng.
Tôi hỏi một câu xã giao:
- Ông Minh năm nay bao nhiêu tuổi?
Không hiểu sao, Minh trả lời có pha tiếng Pháp.
- Thưa, tôi sinh min-nớp-xăng se-dơ (mille neuf cents seize- nghĩa là 1916), lẽ ra đến tuổi nghỉ hưu rồi.
- Ông Minh có lo lắng, có đề nghị gì không?
Suy nghĩ giây lát, Dương Văn Minh đặt vấn đề:
- Thưa, gia đình tôi cũng có ở đây. Không hiểu tôi sang thăm có được không?
Việc này chúng tôi đã biết. Trước khi vào đây, chúng tôi đã vào chỗ vợ con và họ hàng Dương Văn Minh ở. Họ có khoảng hai chục người, thuộc đủ mọi lứa tuổi. Họ tự giới thiệu là vợ, là anh, là em, là cháu và bạn bè ông Minh. Chúng tôi giải thích cho họ yên tâm. Thấy không có gì trở ngại và cũng muốn lấy thêm tài liệu, chúng tôi đưa Dương Văn Minh sang phòng bên. Mọi người có vẻ vui mừng vì trông thấy nhau còn đông đủ.
Cuộc di tản của những người theo chính quyền cũ khi Sài Gòn được giải phóng, tháng 4-1975.
Chính ông ta, đúng 9 giờ 25 phút đọc trước đài phát thanh Sài Gòn lời kêu gọi: “Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc, để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam cộng hòa hãy bình tĩnh, ngừng nổ súng và ở đâu ở đó, để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam.
Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngừng nổ súng.
Chúng tôi đang chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Dương Văn Minh về phòng ông ta. Chỉ có gian phòng này mới có hai cờ chéo, một thêu chữ “Danh dự Tổ quốc” còn chiếc khác có 4 ngôi sao, biểu tượng của người mang cấp bậc đại tướng.
Dương Văn Minh đã thổ lộ với chúng tôi:
- Quả thật chúng tôi tin các ông nên mới mang cả gia quyến vào đây để chờ các ông đến. Các ông thắng nhanh, chúng tôi rất mừng.
Nỗi mừng này trong ít giờ sau đó Dương Văn Minh đã thay mặt Phó Tổng thống Huyền, Thủ tướng Mẫu, các bộ trưởng, thứ trưởng trong chính quyền Sài Gòn tuyên bố: “Tôi hân hoan đến tuổi 60 được trở thành công dân một nước độc lập”.
Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tại Đài Phát thanh Sài Gòn, ngày 30-4-1975
Chúng tôi trở lại phòng cũ. Người có vóc khẳng khiu đứng dậy tự giới thiệu:
- Thưa các ông, tôi là Nguyễn Văn Huyền, phó Tổng thống.
Huyên cao hơn và có vẻ già hơn Minh. Ông ta nói:
- Chúng tôi không tán thành di tản. Người Việt Nam phải sống trên đất nước, quê hương mình.
Và như đã quá mức cố gắng của mình, ông ta xuống giọng:
Tôi bị lao xương. Mệt quá, xin các ông cho tôi một chỗ nằm nghỉ.
Tôi ra ngoài trao đổi với đồng chí bảo vệ. Anh tỏ vẻ dễ dãi:
Đúng, ông ta bệnh thật. Để ông ấy sang phòng bên nằm nghỉ.
Công việc đơn giản như thế tại sao mãi phút này mới được giải quyết? Tôi để ý tìm hiểu. Thì ra, Nguyễn Văn Huyền đã ra gặp cảnh vệ. Hai đồng chí chiến sĩ trạc 18, 19 tuổi, mặt còn trẻ măng, cầm lăm lăm trong tay khẩu AK, đã chấp hành rất nghiêm túc lệnh của cán bộ: “Các đồng chí trông coi không phải cỡ sĩ quan cấp úy, cấp tá, cỡ thứ trưởng, bộ trưởng, mà là những nhân vật chóp bu của ngụy quyền Sài Gòn. Phải giữ nguyên kỷ luật, giữ vững tư thế của người chiến sĩ đội quân chiến thắng. Không được phép tiếp xúc, giao dịch với tù binh”.
Nguyễn Văn Huyền ra gặp các anh. Không ai trò chuyện với viên Phó Tổng thống mà các anh còn loạch xoạch kéo cơ bấm cho viên đạn lên nòng. Không còn cách gì hơn, Huyền quay trở vào.
Đại tá, nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết