Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/04/2017 00:00 470
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nặng lòng với miền Nam, luôn khát khao giải phóng miền Nam - Nỗi lòng ấy, tâm huyết ấy chính là tinh thần cách mạng triệt để, ý chí tiến công quyết liệt, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là những quyết sách của đồng chí cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trong việc cụ thể hóa đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế… để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai đến thắng lợi hoàn toàn.

Nặng lòng với miền Nam, luôn khát khao giải phóng miền Nam - Nỗi lòng ấy, tâm huyết ấy chính là tinh thần cách mạng triệt để, ý chí tiến công quyết liệt, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là những quyết sách của đồng chí cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trong việc cụ thể hóa đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế… để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai đến thắng lợi hoàn toàn.

Đồng chí Lê Duẩn “là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã có gần 60 năm sống, chiến đấu gắn liền với tiến trình cách mạng Việt Nam từ thập niên 1920 đến thập niên 1980. Một trong những đặc điểm nổi bật ở đồng chí Lê Duẩn (tên gọi trân quý - Anh Ba) là luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vẫn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử, trong những tình huống phức tạp của thực tiễn, qua những nhận định, quyết sách trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người học trò xuất sắc ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là “nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội”[1].

1. Cuộc đời Anh Ba luôn ở nơi tiền tuyến

Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Thiệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Yêu nước và sớm tham gia hoạt động cách mạng, năm 1928, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng. Năm 1931, trở thành Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ và cũng trong năm đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù và đã từng lần lượt bị giam ở các nhà tù Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo.

Trong nhà tù của chế độ thực dân, đồng chí “vẫn thấy ấm áp tình đồng chí, bạn bè”, không chỉ luôn có mặt, thường xuyên đóng góp ý kiến, hăng hái đi hàng đầu trong các cuộc đấu tranh, tin tưởng ở tương lai, mà còn lạc quan biến nơi khổ ải trần gian ấy thành trường học cách mạng; tranh thủ thời gian đọc sách tiếng Pháp, nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì?, Nhà nước và cách mạng… để nâng cao trình độ lý luận cách mạng, rèn luyện trí tuệ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Theo đồng chí thì, “khi còn ở ngoài đi làm cách mạng là do tình cảm thôi thúc, do yêu nước và căm ghét địch. Vào tù, nhờ biết tổ chức, chúng tôi được học, được đọc, do đó mới hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin và càng tin chắc cách mạng Việt Nam nhất định thắng”[2]... Và nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận…mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”[3].

Cuối năm 1936, ra khỏi nhà tù, đồng chí tiếp tục hoạt động ở các tỉnh miền Trung. Năm 1937, được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, với tư duy năng động, nhạy bén và trình độ lý luận sắc sảo, đồng chí đã cùng với tập thể Xứ ủy lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở miền Trung với nhiều chủ trương và phương pháp sáng tạo, sát đúng với tình hình thực tiễn, góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước thời kỳ này. Năm 1939, theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Lê Duẩn cùng với Tổng Bí thư trực tiếp chuẩn bị những nội dung văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (tháng 11/1939).Tại Hội nghị, những quyết định trọng yếu liên quan đến sự phát triển của cách mạng đã được thông qua, đó là: Quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay Mặt trận Dân chủ; tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, tập trung mũi nhọn vào bọn đế quốc và tay sai, chuẩn bị những điều kiện trực tiếp để đánh đổ thực dân, phát xít, giành độc lập dân tộc… Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng, kịp thời này có sự góp sức không nhỏ của Anh Ba, đã đưa phong trào cách mạng ở nước ta bước sang giai đoạn mới. Có thể nói, “đó là một thời kỳ chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940-1945” dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám sau này như lịch sử đã chứng minh.

Lại bị thực dân Pháp bắt giam ngày 18/1/1940, bị đày ra Côn Đảo; và sau đó, trong những ngày Tháng Tám mùa thu năm 1945 lịch sử, đồng chí Lê Duẩn cùng một số chiến sĩ cộng sản đã thoát khỏi địa ngục Côn Đảo, trở về đất liền. Sẵn sàng và có mặt ngay ở tiền tuyến; không chỉ trình bày rõ nhận định, sự phân tích của mình về tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch ở Nam Bộ, về sự tất yếu phải tiến hành cuộc chiến tranh với thực dân Pháp tại hội nghị cán bộ Xứ ủy Nam Bộ (Mỹ Tho, tháng 10/1945)… mà đồng chí Lê Duẩn còn hòa mình vào cuộc đấu tranh của đồng bào Nam Bộ; dành nhiều thời gian, ngược xuôi trên các kênh rạch ở Rừng U Minh, Đồng Tháp Mười… cùng Xứ ủy Nam Bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngay khi chúng nổ súng tái chiếm Nam Bộ.

Trong những giờ phút cách mạng miền Nam đang phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách ấy, đồng chí Lê Duẩn và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Nam Bộ nhận được lệnh lên đường ra Hà Nội học tập và công tác. Được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh Ba Duẩn đã từ thực tiễn chiến trường, báo cáo với Người và Trung ương về âm mưu thâm độc muốn thôn tính nước ta một lần nữa của kẻ thù; tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và dự báo nguy cơ tất yếu cuộc chiến tranh sẽ lan rộng ra trong toàn quốc… Đón nhận trọng trách và nhiệm vụ đươc giao, tại hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (5/1946), đồng chí Lê Duẩn được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ lâm thời và nhận lệnh quay trở lại Nam Bộ… Lại nhận lệnh ra Bắc; lại quay trở về Nam Bộ; đầu năm 1947, “Anh Ba Duẩn vô Nam”! Đây không chỉ là thông tin, là tiếng reo của một người lính, đó còn là lời khẳng định về việc đồng chí luôn có mặt ở vị trí “nơi đầu sóng ngọn gió”, trong lòng đồng bào miền Nam, với tiền tuyến “Miền Nam Thành đồng Tổ quốc”.

Bộn bề với công việc: xây dựng lực lượng, củng cố hệ thống tổ chức đảng trong toàn xứ, tổ chức nghiên cứu đường lối kháng chiến, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh ở nông thôn, đẩy mạnh công tác dân vận…, tâm huyết và sự nỗ lực của đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí trong Xứ ủy đã được ghi nhận. Không phụ lòng tin yêu của Trung ương và đồng bào Nam Bộ, tại Đại hội Xứ Đảng bộ Nam Bộ (cuối năm 1947), đồng chí Lê Duẩn đã được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Tiếp tục nghiên cứu kỹ tình hình Nam Bộ, các đặc điểm của cách mạng Việt Nam, trăn trở nghĩ suy, những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn từ thực tiễn chiến trường miền Nam, quan điểm của ông về vai trò của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, địa chủ…; về việc giải quyết ruộng đất ở Nam Bộ; về xây dựng và củng cố khối đoàn kết trong hàng ngũ cách mạng, nhất là khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng,v.v.. đã góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ, góp sức vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1946-1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 7/1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết. Đồng chí Lê Duẩn đang ở Liên khu V nhận được chỉ thị của Trung ương “đi gấp vào Nam Bộ” để tập kết ra Bắc, song đồng chí đã xin cho được ở lại miền Nam để cùng đồng bào đấu tranh và điện của Trung ương đã chấp thuận đề nghị đó.

Những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ đã không được thực hiện; không có hiệp thương tổng tuyển cử sau 2 năm để thống nhất đất nước, cách mạng miền Nam lại đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức với chính sách đàn áp tàn bạo, tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm khi được sự ủng hộ từ phía sau của đế quốc Mỹ… Và hơn bao giờ hết, với trọng trách của mình, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Xứ ủy bám sát địa bàn công tác , dựa vào quần chúng, lãnh đạo đồng bào đấu tranh để bảo toàn lực lượng. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở Nam Bộ đã từng bước được gây dựng lại và Đề cương cách mạng miền Nam cũng đã được đồng chí khởi thảo, xuất phát từ thực tiễn, từ sự chỉ đạo sâu sát phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam những năm 1954-1959, đặc biệt là từ phong trào đấu tranh của nhân dân Bến Tre.

Nung nấu ý nghĩ sục sôi về con đường cách mạng miền Nam, về đường lối cách mạng miền Nam, trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã viết Đề cương cách mạng miền Nam tại ngôi nhà số 29, đường Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn- trung tâm đầu não của đối phương. Đề cương chỉ rõ chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền thực dân kiểu mới, tay sai của đế quốc Mỹ đã chà đạp thành quả cách mạng nhân dân ta giành được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Đồng thời xác định rõ đối tượng của cách mạng miền Nam là đế quốc và phong kiến; kẻ thù cụ thể và trước mắt của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản phản động, tay sai của đế quốc Mỹ và bản chất của chính quyền Ngô Đình Diệm là “con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới”... Việc nhận định đúng tính chất xã hội miền Nam; xác định đúng kẻ thù của cách mạng miền Nam; khẳng định đúng: “Để chống lại Mỹ- Diệm, nhân dân miền Nam chỉ có một con đường cứu nước và tự cứu mình, là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng không có một con đường khác”[4]… ở thời điểm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy sắc sảo và nhãn quan chính trị sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn. Đề cương cách mạng miền Nam cũng là minh chứng sinh động cho thấy luôn có mặt ở những nơi nước sôi, lửa bỏng; nghị lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và những nhận định, quan điểm và quyết sách của đồng chí Lê Duẩn về miền Nam, cho miền Nam luôn xuất phát từ thực tiễn, mang hơi thở của thực tiễn nhằm giải quyết yêu cầu của thực tiễn; góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết Trung ương 15 (1959) và Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9/1960) về đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta.

2. Đau đáu khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nặng lòng với miền Nam, khát khao giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhưng thấu hiểu sâu sắc rằng, hành trình gian khổ ấy không thể diễn ra một sớm một chiều… khi tiễn đồng chí Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) từ Nam Bộ xuống tàu ra Bắc (đầu năm 1955), đồng chí Ba Duẩn đã nói: “Anh ra báo cáo với Bác Hồ và các anh trong Bộ Chính trị, 20 năm nữa, chúng ta sẽ gặp nhau”. Tiên lượng đó của Anh Ba đã trở thành hiện thực sịnh động. Hơn 20 năm sau, “sau ngày toàn thắng, trả lời câu hỏi: vì sao Anh Ba nêu 20 năm? Anh Sáu Thọ giải thích rằng, đó là vì Anh Ba đã sớm thấy cách mạng miền Nam không tránh khỏi sẽ phải đối đầu với quân xâm lược Mỹ; do nhiều nguyên nhân cuộc đụng độ lịch sử này sẽ vô cùng ác liệt trong thời gian dài”[5].

Tháng 4/1957, đồng chí Lê Duẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị mời ra Hà Nội. Với thực tiễn lăn lộn trong phong trào cách mạng miền Nam, đồng chí đã có những góp ý, bổ sung và hoàn chỉnh Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khoá II (tháng 1-1959). Phản ánh đúng và giải quyết kịp thời yêu cầu của cách mạng miền Nam, khẳng định phương pháp đấu tranh dùng bạo lực cách mạng để tự giải phóng mình là đúng đắn, phù hợp với tình thế cách mạng đã chín muồi, khi địch đã dùng bạo lực phản cách mạng thẳng tay giết hại cán bộ và nhân dân ta…, Nghị quyết Trung ương 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, đã xoay chuyển tình thế, dẫn đến cuộc "Đồng khởi" của nhân dân miền Nam năm 1959- 1960, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của chính quyền địch ở thôn xã, từng bước giành quyền làm chủ, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng miền Nam. Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 15 về đường lối cách mạng miền Nam là một cuộc tháo gỡ vĩ đại, mang tính đột phá, nhạy bén; xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo bước ngoặt quyết định đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam; là tiền đề quan trọng dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nghị quyết ấy có sự đóng góp rất to lớn và quyết định của đồng chí Lê Duẩn; là kết quả những năm tháng lăn lộn ở chiến trường miền Nam, thông hiểu sâu sắc tình hình và chỉ đạo thực tiễn cách mạng miền Nam của đồng chí.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960), đồng chí Lê Duẩn đã được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong 15 năm (1960-1975) trên cương vị này, khi đất nước phải trải qua bao những khó khăn, thử thách cực kỳ nghiêm trọng; trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến vô cùng phức tạp và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bất đồng sâu sắc, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng Trung ương hoạch định đường lối chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trên phạm vi cả nước. Đó là, xác định rõ nhiệm vụ cách mạng chung và nhiệm vụ cách mạng mỗi miền, xác định mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng hai miền, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới...

Luôn hướng về đồng bào miền Nam, đau đáu khát vọng giải phóng miền Nam, quyết tâm giải phóng miền Nam của đồng chí hiển hiện trong từng lời phát biểu tại các cuộc họp Bộ Chính trị, trong các bức điện, thư, chỉ thị gửi các đồng chí lãnh đạo miền Nam từ đầu năm 1961- 1975 in trong cuốn sách Thư vào Nam. Nỗi lòng ấy, tâm huyết ấy chính là tinh thần cách mạng triệt để, ý chí tiến công quyết liệt, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là những quyết sách của đồng chí cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trong việc cụ thể hóa đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế… để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai đến thắng lợi hoàn toàn.

Theo đó, hiểu sâu sắc về tình hình miền Nam, điều kiện cụ thể của cách mạng miền Nam, đặt cách mạng miền Nam trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam và tình hình thế giới, đồng chí chỉ rõ: Mục tiêu của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam là lật đổ chế độ nguyện quyền tay sai, đánh bại chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam. Vì vậy, “chúng ta đã đề ra yêu cầu đánh lùi đế quốc Mỹ, làm thất bại chính sách xâm lược và nô dịch của chúng, bằng cách đánh đổ chính quyền tay sai, thiết lập một chính quyền độc lập và trung lập ở miền Nam”[6]; cách mạng miền Nam đi theo “con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân (…) Cách mạng miền Nam không thể phát triển ngoài quy luật chung ấy”[7]; “đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang”[8]; “phải có thực lực, đồng thời chúng ta cũng phải biết nắm thời cơ, bất ngờ tiến công địch, khởi nghĩa từng phần, đánh thắng định từng bước tiến lên đánh thắng địch trên toàn chiến trường, khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền”[9]...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta là một cuộc chiến tranh nhân dân hào hùng và sáng tạo. Vượt lên mọi gian khó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, sự kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của quân dân ta đã từng bước đánh bại nhiều chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai. Ở miền Nam, sau Đồng khởi, phát huy thắng lợi của quân dân ta ở hai miền Nam- Bắc, việc giữ vững và phát huy thế chiến lược tiến công đánh địch và thắng địch trên các chiến trường miền Nam, nhất là chiến thắng ở Núi Thành (5/1965), Vạn Tường (8/1965) và Tây Nguyên đã “chứng tỏ một cách hùng hồn khả năng của ta đánh bại được quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực”[10]; tạo đà cho quân dân ta ở hai miền Nam- Bắc tiến lên giành những thắng lợi mới… Tiếp đó, sau chiến thắng của quân và dân miền Nam mùa khô 1965-1966, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một hình thức tiến công chiến lược mới với hiệu lực chiến đấu cao, đã góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của chính quyền Mỹ. Sự kiện lịch sử oanh liệt này không chỉ là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của quân và dân ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự, mà còn để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chiến tranh cách mạng.

Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 được ký kết đã tạo ra một bước ngoặt căn bản cho việc chuẩn bị kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đầu năm 1975, khi thời cơ lịch sử giải phóng miền Nam đã đến rất gần; khi thế và lực, lực lượng so sánh giữa ta và địch trên các chiến trường và sự can thiệp của đế quốc Mỹ cho thấy “đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam”, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”[11]… và chúng ta phải “chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”…

Sâu sát thực tiễn tình hình quốc tế và trong nước, nắm vững quy luật của chiến tranh, chủ động trước diễn tiến thế và lực của ta, của địch trên chiến trường, khi thực tiễn chiến trường cho phép quân dân ta có thể hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam 2 năm trong năm 1975, với tinh thần “nắm thời cơ”, “quyết giành thắng lợi, càng nhanh càng tốt”, cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi ở chiến trường Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng. Cả nước dồn về một hướng, hướng về miền Nam yêu quý, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, từ ngoài Bắc, Bộ Tổng tham mưu nhận định: thời cơ đã rất thuận lợi, phải tranh thủ giải phóng miền Nam xong trước tháng 4/1975 và các binh đoàn phải hành quân và tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn (chiến dịch Hồ Chí Minh) với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc, thần tốc, táo bạo, tạo bạo, vững chắc”. Thời cơ nối tiếp thời cơ, tạo bước nhảy vọt để tiến tới giành toàn thắng, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh, “bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến ngày toàn thắng”[12], “sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”. Tiếp đó, ngày 29/4/1975, điện và chỉ thị gấp của đồng chí Lê Duẩn cho Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chỉ rõ: “Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan mọi sự chống cự của chúng”[13]… Biết mở đầu cuộc chiến tranh nhân dân để trường kỳ kháng chiến, đồng thời biết điều hành cuộc chiến tranh để từng bước giành thế chủ động về chiến lược, nhất là quyết tâm chủ động tiến công, đánh Mỹ và thắng Mỹ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Ba Duẩn đã thắng lợi, đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước!

Hơn 30 năm sau kể từ khi qua đời, nói về vai trò của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nói riêng thì có rất nhiều, nhưng tựu trung lại, đó là một người con ưu tú của miền Nam, luôn gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào. Mang theo khát vọng giải phóng miền Nam, đồng chí Ba Duẩn đã nỗ lực, tận tâm và quyết tâm cùng đồng chí, đồng bào biến khát vọng ấy thành hiện thực sinh động vào mùa Xuân đại thắng năm 1975 lịch sử.

Với những công hiến của Anh Ba, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định đó là “người luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, mà sự sáng suốt nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”[14]. Cùng đó, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng: “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi có nhiều lần từ chiến trường được ra Bắc báo cáo tình hình với anh. Sau giải phóng 1975, tôi có điều kiện gặp anh nhiều hơn. Không phải ở anh cái gì tôi cũng tán thành 100%, nhưng có hai điểm thì tôi luôn đồng ý: Một là, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày đêm anh đau đáu suy nghĩ việc đó. Hai là, anh luôn là một con người đôn hậu. Sự đôn hậu không chỉ thể hiện khi anh đưa ra những chủ trương, chính sách để cải thiện, mang lại cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn, mà còn cả trong tiếp xúc, ứng xử đối với anh em, đồng chí, với bạn bè quốc tế… Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã rất tin tưởng, sáng suốt khi giao cho anh trọng trách là người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước”[15]. Còn Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhấn mạnh: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta, do Hồ Chủ tịch đứng đầu - sau khi Người qua đời do Tổng Bí thư Lê Duẩn kế tục - thực sự là Bộ Thống soái kiệt xuất trong chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam”[16]… Và có thể khẳng định rằng, “Lê Duẩn là nhân vật mang tầm vóc lịch sử hiện đại, chỉ xếp sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói giản đơn, sự nghiệp cứu nước, xây dựng nước hiện đại, Bác số 1, anh Ba số 2”[17] đúng như nhà báo Trần Bạch Đằng trân trọng ghi nhận./.

Văn Thị Thanh Mai

Ths. Đinh Quang Thành




----------------------

[1]Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 11/7/1986.

[2] Lê Duẩn: Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1978, tr.366.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.3-4.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.17, tr.785.

[5] Đậu Ngọc Xuân, in trong: Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Hồi ký, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.491.

[6] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.56.

[7]Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.31-35.

[8] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.43.

[9] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.36.

[10] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.131.

[11] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.375.

[12] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.389.

[13] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.394.

[14] Điếu văn do đồng chí Trường Chinh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, ngày 15/7/1986.

[15] Đại tướng Lê Đức Anh nói về “Ông Hai trăm bugi” Lê Duẩn, viettimes.net.vn, ngày 17/7/2015.

[16] Hoàng Văn Thái: Những năm tháng quyết định, Nxb. Quân đội nhân dân, 1985, tr.321.

[17] Trần Bạch Đằng, in trong: Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Hồi ký, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr.706.

tuyengiao.vn

Chia sẻ: