Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/12/2016 00:00 1428
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và du kích), Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng và khéo giải quyết việc xây dựng từng thứ quân, kết hợp và phát huy vai trò to lớn của ba thứ quân phù hợp với yêu cầu của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Mỗi thứ quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân đều giữ một vai trò nhất định trong chiến tranh.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức, xây dựng quân đội của giai cấp vô sản trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và căn cứ vào điều kiện đất nước ta bị thực dân Pháp áp bức bóc lột nặng nề, Đảng ta ngay trong Chánh cương vắn tắt (đầu năm 1930) đã đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng nước ta là “tổ chức ra quân đội công nông”. Tiếp đó, trong Luận cương chính trị (10-1930), Đảng ta một lần nữa xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam là “lập quân đội công nông” và đề ra một trong những nhiệm vụ trước mắt về tổ chức lực lượng cách mạng nước ta là “tổ chức đội tự vệ của công nông”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong phong trào cách mạng những năm 1930-1931 diễn ra ở khắp cả nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Đảng bộ địa phương, các chi bộ ở các xí nghiệp, đồn điền, làng xã, các đội tự vệ công nông đã lần lượt ra đời. Ở Nam kỳ, những tháng đầu năm 1930, một số đội tự vệ công nông lần lượt được tổ chức ở các tỉnh Gia Định, Sa Đéc, Chợ Lớn, Long Xuyên, Bến Tre và vùng ven Sài Gòn. Tiêu biểu là đội tự vệ công nông của đồn điền Phú Riềng, Biên Hòa (còn gọi là Tự vệ đỏ hay xích vệ) do Đảng viên Trần Tử Bình làm đội trưởng, gồm 40 người, đã hỗ trợ công nhân bãi công (4-2-1930) buộc chủ Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận một số yêu sách của công nhân.

Ở Bắc kỳ, các đội tự vệ công nông được hình thành ở các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam. Ở Nam Định, Đội Tự vệ đỏ do Tỉnh ủy tổ chức đã hỗ trợ công nhân Nhà máy Sợi Nam Định bãi công, giành một số kết quả. Đội Xích vệ (Hải Phòng) với vũ khí chủ yếu là kìm, búa, dao găm và một số ít súng ngắn luôn hỗ trợ công nhân, nông dân chống địch khủng bố.

Đội Tự vệ đỏ ở Hòa Quân, Đông Sớ, Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh 1930 -1931 (Nguồn: Internet).

Những tháng cuối năm 1930, đầu 1931, phong trào cách mạng diễn ra mạnh mẽ ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây cũng là hai địa phương hình thành nhiều đội tự vệ công nông. Tổng số tự vệ ở các làng xã, nhà máy thuộc 17 phủ, huyện và khu công nghiệp Nghệ An, Hà Tĩnh là 13.500 người. Lực lượng tự vệ được tổ chức thành các tiểu đội, trung đội, đại đội. Những đội viên khỏe mạnh, trung kiên nhất được bố trí vào các đội cảm tử. Các đội tự vệ công nông là một hình thức tổ chức bán vũ trang của quần chúng. Khi Xô Viết ra đời tại Nghệ An, Hà Tĩnh, các đội Tự vệ đỏ trở thành tổ chức vũ trang ban đầu, được tổ chức theo hình thức của “Hồng quân công nông”, trở thành công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng, làm nòng cốt cho quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố.

Trên cơ sở các đội tự vệ công nông hình thành và phát triển trong phong trào cách mạng 1930-1931, Đại hội Đảng lần thứ Nhất (3-1935) đã ra Nghị quyết về Đội Tự vệ, xác định những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đó là những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong buổi đầu xây dựng đội tự vệ công nông, tạo cơ sở để xây dựng các đội du kích, tự vệ chiến đấu những năm sau này.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cách mạng ban đầu của Đảng trên cả nước và ở từng địa phương vẫn được bảo toàn trong điều kiện bí mật những năm 1932-1939, để rồi lại được khôi phục, phát triển, làm lực lượng nòng cốt cho toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Cuối năm 1940, phát xít Nhật đánh chiếm Đông Dương, chớp thời cơ quân Pháp tan rã khi rút chạy qua Bắc Sơn, ngày 27-9-1940, Đảng bộ địa phương đã quyết định và tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi ở châu lỵ và một số làng xã. Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh - Xứ ủy viên tổ chức quân du kích làm lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa. Đến cuối 10-1940, từ một vài chục người, lực lượng du kích đã tăng lên gần 200 người, biên chế thành từng tiểu đội, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. Về vũ khí có khoảng 20 súng trường mới thu được của địch và hơn 100 súng kíp.

Nhằm duy trì lực lượng du kích Bắc Sơn, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (11-1940) quyết định củng cố và bồi dưỡng quân du kích làm vốn quân sự của Đảng, chuyển từ hoạt động quân sự sang chính trị, bí mật gây dựng cơ sở quần chúng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị, đầu năm 1941, Trung ương Đảng cử đồng chí Lương Văn Tri - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Bùi Sinh, Bình Tiến, Bùn, Thống… lên chi viện cho quân du kích Bắc Sơn.

Đội du kích Bắc Sơn (Nguồn: Internet).

Sau một thời gian củng cố, ngày 14-2-1941, tại Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao cờ đỏ sao vàng và giao nhiệm vụ cho Đội. Các đội viên du kích đội ngũ chỉnh tề, tuyên đọc năm lời thề. Toàn đội có 32 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Lương Văn Tri làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó. Đội du kích Bắc Sơn đã trở thành nòng cốt để xây dựng căn cức cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai. Ngày 1-5-1941, Đội du kích Bắc Sơn tổ chức lễ ra mắt ở Khuổi Nọi.

Trong lúc đó, tại Nam Kỳ, phong trào cách mạng có các đội du kích, tự vệ làm nòng cốt phát triển mạnh. Tháng 7-1940, tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố các tỉnh Nam kỳ, ngoài tổ chức tự vệ, đã hình thành các tổ, tiểu đội du kích. Ở nông thôn, các xã tổ chức được từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích, biên chế 3 người thành một tổ, 3 tổ thành 1 tiểu đội, 3 tiểu đội thành 1 trung đội. Đến tháng 11-1940, 18 trong số 21 tỉnh Nam kỳ đã tổ chức được các đội du kích, quân số có đội lên tới 100 người. Các đội du kích trang bị vũ khí thô sơ, khẩn trương huấn luyện quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa.

Mặc dù những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bị bắt, mệnh lệnh hoãn cuộc khởi nghĩa của Trung ương Đảng chưa kịp phổ biến tới cơ sở, thực dân Pháp ra lệnh cấm trại, tước vũ khí của binh lính người Việt phản chiến, nhưng đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn nổ ra ở 18 tỉnh từ Biên Hòa đến Hà Tiên.

Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ

(Nguồn: Internet)

Cùng với quần chúng khởi nghĩa ở các tỉnh, quân du kích Nam kỳ đã nêu tấm gương chiến đấu oanh liệt. Các đội du kích Long Châu Hạ, Bình Thạnh Trung, Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung (Hóc Môn, Gia Định); đội du kích Cần Đước; đội du kích Cần Giuộc (Chợ Lớn); đội du kích Châu Thành (Mỹ Tho); đội du kích Vũng Liêm (Vĩnh Long)… đã phối hợp với nhân dân phá hoại giao thông, chặn đánh tàu địch trên sông, bức rút đồn bốt, làm tê liệt 10 tuyến giao thông quan trọng, xóa bỏ chính quyền địch ở nhiều làng xã và thành lập chính quyền cách mạng.

Đầu năm 1941, thực dân Pháp tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Quân du kích Nam kỳ phải phân tán, bí mật rút vào các vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, U Minh duy trì hoạt động, bảo toàn lực lượng đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Những tháng đầu năm 1941, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ. Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đổi tên các tổ chức trong Mặt trận Việt Minh thành Hội cứu quốc, trong đó có Đội tự vệ cứu quốc.

Sau Hội nghị, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, thay mặt Trung ương phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cho cán bộ, chiên sĩ du kích Bắc Sơn và quyết định đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành đội Cứu quốc quân Bắc Sơn cho phù hợp với nhiệm vụ cứu nước mới. Đây là Trung đội Cứu quốc quân 1 do đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên và Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó. Toàn đội có 37 người, biên chế 3 tiểu đội, trang bị 15 súng trường, 10 súng kíp và dao găm, giáo mác.

Đội Cứu quốc quân tập luyện tại hang Lùng Đán, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Internet).

Ngày 15-9-1941, tại Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Võ Nhai (Thái Nguyên), Trung đội Cứu quốc quân 2 được thành lập gồm 47 người (3 nữ), biên chế 5 tiểu đội, do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm Chính trị - chỉ đạo viên, đồng chí Trần Văn Phấn làm Chỉ huy phó. Cuối tháng 10-1941, Trung đội Cứu quốc quân 2 phát triển lên 70 người, biên chế 7 tiểu đội, do đồng chí Đào Văn Trường - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm Chính trị - chỉ đạo viên, các đồng chí Chu Văn Tấn, Lê Dục Tôn, Trần Văn Phấn làm Chỉ huy phó. Trang bị vũ khí gồm 4 súng ngắn, 32 súng trường và súng khai hậu, súng kíp.

Cuối năm 1943, con đường “Quần chúng cách mạng” từ căn cứ Cao Bằng nối liền với khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai đã tạo điều kiện cho Cứu quốc quân mở rộng địa bàn hoạt động sang vùng Tuyên Quang. Ngày 25-2-1944, tại Khuổi Kịch, châu Sơn Dương (Tuyên Quang), Trung đội Cứu quốc quân 3 được thành lập, gồm 30 người do đồng chí Triệu Khánh Phương làm Trung đội trưởng, đồng chí Phương Cương làm Chính trị viên, đồng chí Chu Phóng làm Trung đội phó. Vừa mới thành lập, Cứu quốc quân 3 tranh thủ huấn luyện quân sự, học tập chính trị, đẩy mạnh hoạt động. Địa bàn hoạt động của các trung đội Cứu quốc quân 2 và 3 lan rộng, thúc đẩy phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn phát triển mạnh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về “sửa soạn khởi nghĩa”, các địa phương trong cả nước ra sức củng cố, xây dựng lực lượng du kích, tự vệ chiến đấu và tổ chức những đội vũ trang mới, chuẩn bị khởi nghĩa. Trước khí thế sôi sục của cách mạng, tháng 8-1944, Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng họp quyết định gấp rút chuẩn bị phát động khởi nghĩa ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Cuối tháng 10-1944, sau khi nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Cao-Bắc-Lạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa và nêu rõ: “Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy mạnh phong trào tiến lên”.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập ngày 22/12/1944. (Nguồn: Internet).

Tình hình cách mạng nước ta lúc bấy giờ đòi hỏi phải gấp rút tổ chức Lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa. Tháng 12-1944, Người viết Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị trên, ngày 22-12-1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được tổ chức tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, được Trung ương Đảng và đồng chí Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo và chỉ huy, đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự.

Buổi đầu thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 người, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội, trang bị 34 khẩu súng các loại và có chi bộ Đảng lãnh đạo. 34 cán bộ, chiến sĩ của Đội là những người kiên quyết, dũng cảm được lựa chọn từ các đội vũ trang ở Cao-Bắc-Lạng, những người đi học quân sự ở nước ngoài về có lòng yêu nước, chí căm thù giặc và hầu hết đã trải qua chiến đấu.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, đánh dấu một hình thức tổ chức quân sự kiểu mới của dân tộc Việt Nam. Tại Cao-Bắc-Lạng, hình thức tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân đã xuất hiện, trong đó Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân chủ lực.

Như vậy, trong những năm 1930-1944, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến dần hoàn chỉnh. Trong những năm 1940-1941, từ các đội du kích, tự vệ chiến đấu, Đảng ta lập ra các đội du kích tập trung.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), cùng với sự phát triển của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân, hàng loạt đội du kích, tự vệ chiến đấu tiếp tục được hình thành ở các chiến khu, căn cứ cách mạng: Kim Sơn, Câu Trung (Kiến An), Bãi Sậy (Hưng Yên), Quỳnh Côi (Thái Bình), Hương Sơn, Đá Bạc (Hà Tĩnh), Trung Thuần, Võ Xá (Quảng Bình), Triệu Phong (Quảng Trị), An Lỗ, An Sơn (Bình Định), Bầu Bàn (Ninh Thuận), Chánh Lưu, Bến Cát (Thủ Dầu Một), U Minh (Bạc Liêu)… Nổi bật là Đội du kích Ba Tơ hình thành trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, các đội du kích ra đời ở chiến khu Quang Trung, chiến khu Trần Hưng Đạo, Vần - Hiền Lương đã gây được thanh thế ngày càng rộng lớn, phát triển nhanh chóng trong cao trào kháng Nhật, cứu nước.

Đội du kích Ba Tơ. (Nguồn: Internet).

Để chuẩn bị về lực lượng cách mạng đón thời cơ Tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã gấp rút phát triển đội quân chủ lực, thống nhất Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang tập trung thành Việt Nam Giải phóng quân. Các đơn vị du kích tập trung của các tỉnh, huyện chuyển thành giải phóng quân địa phương. Việt Nam Giải phóng quân cùng với các đội du kích, tự vệ chiến đấu đã trở thành một trong những lực lượng quân sự quan trọng, cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Quân đội Nhân dân Việt Nam 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, H. Chính trị Quốc gia, 2009, 1156 trang.

- Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-1975), H. Quân đội Nhân dân, 2005, 814 trang.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Đất và người Phú Yên qua ký sự Phú Yên kháng chiến

Đất và người Phú Yên qua ký sự Phú Yên kháng chiến

  • 19/12/2016 00:00
  • 889

Mùa hè năm 1946, một cán bộ văn hóa đồng thời là phóng viên báo Cứu Quốc, từ mặt trận Phú Yên trở về Thủ đô đã mang theo tập bản thảo tác nghiệp đặc biệt của mình - ông là Hoàng Việt Sinh. Tiếp tục hoàn chỉnh thiên ký sự chiến trường nóng hổi tại nơi trung tâm đầu não của Chính phủ Việt Minh với dòng cuối “Viết xong tại Hà Nội ngày 19.5.1946”(1), một thời khắc hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc, chỉ sau một tuần lễ, ngày 26.5.1946 tác phẩm đã được Nhà xuất bản Hoa Lư viết xong Lời tựa/Lời Nhà xuất bản với nhan đề sách Phú Yên kháng chiến, được kiểm duyệt hai ngày sau đó, trước khi cho phát hành rộng rãi.