Sau 60 ngày đêm quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đêm ngày 17-2-1947, các chiến sỹ trung đoàn Thủ đô anh dũng vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch tổ chức vượt sông Hồng rút quân an toàn lên chiến khu. Một cuộc rút lui thần kỳ mà lịch sử mãi mãi ghi nhận như một cuộc rút lui để bảo tồn lực lượng, một cuộc ra đi nhưng đã hẹn trước ngày trở về.
Trung đoàn Thủ đô được thành lập ngày 7-1-1947 tại số nhà 51, phố Hàng Bồ, Hà Nội, giữa cuộc chiến kéo dài 2 tháng tại Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Tên gọi đầu tiên là Trung đoàn Liên khu I.
Ngày 12-1-1947, Hội nghị quân sự toàn quốc quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.
Ngày 13-1-1947, các chiến sĩ Liên khu I nhận được một bức điện ngắn của Ủy ban kháng chiến thành phố Hà Nội:
“ Gửi Trung đoàn bộ Trung đoàn Liên khu I.
Hội nghị quân sự toàn quốc họp ngày 12-1-1947 quyết nghị tặng Trung đoàn Liên khu I là: ĐOÀN THỦ ĐÔ. Sẽ có điện riêng của ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng trực tiếp khen tặng”.
Sau nhiều ngày chiến đấu anh dũng kiên cường, Trung đoàn Thủ đô phối hợp với lực lượng vũ trang các liên khu đã liên tiếp đánh bật địch ra khỏi chiến hào, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng bọn địch rất mạnh, chúng luôn được tăng cường quân số, vũ khí, đạn dược và trang thiết bị hiện đại có sức công phá lớn. Mặt khác, quân Pháp mở các cuộc tấn công về hai cánh: Liên khu II, Liên khu III, dồn ép lực lượng ta tới cửa ô ngoại thành. Chúng tạo thành vòng vây, thu hẹp dần địa bàn Liên khu I.
Phù hiệu và băng đeo tay, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã dùng những năm 1946-1947 (Ảnh chụp HV BTLSQG)
Chiều ngày 15-2-1947, Trung đoàn Thủ đô họp để bàn về chủ trương mới sau khi các đồng chí ủy viên đã đi kiểm tra một số đơn vị. Tình hình lúc này khá nghiêm trọng. Số đạn súng trường trung bình mỗi người còn khoảng 20 viên. Lương thực ăn dè sẻn chỉ còn độ 5 ngày nữa. Nếu ở ngoài không tiếp tế vào được mà địch lại tiếp tục tấn công thì thực là khó khăn lớn.
Đến lúc này, Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy đã cân nhắc việc rút quân của Trung đoàn Thủ đô để bảo toàn lực lượng.
Dịp tết Đinh Hợi năm 1947, khi được Bác Hồ gửi thư động viên, nhân dân tặng cành đào tết Nhật Tân và những bó hoa tươi thắm, Trung đoàn Thủ đô đã cùng đội hình tự vệ chiến đấu ăn Tết bằng tiếng súng giòn giã thay tiếng pháo nổ, mở đợt tấn công nhiều nơi trong thành phố và cắm cờ đỏ sao vàng lên Tháp Rùa để khẳng định chủ quyền của mình trên địa bàn Thủ đô. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giam chân địch trong 2 tháng, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Thành phố. Song, phương án rút quân như thế nào, lại là vấn đề khó khăn, khi địch đã vây ráp ta xung quanh.
Sau cùng, với sự đề xuất của Trung đoàn cùng với Quân khu XI, Bộ Tổng Chỉ huy đã đồng ý phương án:
- Rút Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Liên khu I bằng con đường xuyên qua phía Bắc cầu Long Biên lên Nghi Tàm, vượt qua sông Hồng và sông Đuống sang khu tự do tỉnh Phúc Yên. Thời cơ rút phải tranh thủ điều kiện thuận lợi nhất, có thể vào đêm 17 hoặc 18-2-1947.
- Chuẩn bị rút phải khéo léo, giữ bí mật triệt để, bảo đảm giải quyết thương binh và vũ khí không được để lọt vào tay địch. Những thứ gì không đem đi được thì chôn giấu cẩn thận hoặc tiêu hủy. Trước khi đi phải phá hoại những nơi cần thiết.
- Phải tăng cường lãnh đạo tinh thần bộ đội, chuẩn bị cho anh em ra đi với một tinh thần tấn công.
-Việc đầu tiên là phải tuyệt đối giữ bí mật. Chỉ phổ biến chủ trương và kế hoạch cần thiết cho toàn Trung đoàn 2 giờ trước khi lên đường, cán bộ trung đội, tiểu đội và đảng viên được phổ biến trước 5 giờ. Về đường rút thì không được phổ biến trước. Để đánh lạc sự phán đoán của địch, các đơn vị phải giữ những hoạt động bình thường như mọi ngày. Một bộ phận làm công tác nghi binh và phá hoại được thành lập giao cho đồng chí Hoàng Phương, tham mưu trưởng trung đoàn chỉ huy.
Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội, 17-2-1947.
(Ảnh tư liệu BTLSQG)
Công việc chuẩn bị tiến hành rất khẩn trương để có thể xong trước trưa ngày 17-2. Ở ngoại thành, đại đội du kích Hồng Hà đã được lệnh chuẩn bị rất tích cực, nào là vận động nhân dân đem thuyền tới địa điểm đã chỉ định để sẵn sàng đưa bộ đội qua sông, nào là bố trí người dẫn đường cho các đơn vị, rồi tổ chức những tổ phục kích từ nhà máy nước đến ô Yên Phụ để đề phòng địch tiến ra chặn đường... Anh chị em du kích Hồng Hà đã đóng góp rất nhiều công lao cho cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô được an toàn.
10 giờ sáng ngày 17-2-1947, sau khi nghe Trung đoàn ủy phổ biến chủ trương rút lui, các bí thư chi bộ và các cán bộ tiểu đoàn trở về ngay đơn vị để chuẩn bị. Nội dung phổ biến cho cán bộ và chiến sĩ được quy định rất cụ thể. Cán bộ đại đội chỉ được biết kế hoạch của tiểu đoàn mình thôi. Giờ xuất phát sẽ do các ban chỉ huy tiểu đoàn căn cứ vào mệnh lệnh của Trung đoàn mà công bố. 5 giờ chiều, các chiến sĩ được phổ biến việc rút lui. Thật là một sự bất ngờ. Có nơi anh em đang đào chiến hào, có nơi đang sẵn sàng nhận lệnh đi tấn công. Nhận được lệnh một cách đột ngột, có đồng chí ứa nước mắt khóc. Ra đi bao giờ trở lại? Trong thâm tâm không ai muốn ra rời Thủ đô thân yêu. Nhưng rồi được giải thích, các chiến sĩ hiểu rõ nghị quyết sáng suốt của Đảng đã gạt bỏ mọi tâm tư, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh. Trước khi đi, một số anh em còn tranh thủ kẻ lên tường khẩu hiệu: “Quân xâm lăng! Chúng tao sẽ trở lại đây một ngày mai. Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”.
6 giờ chiều ngày 17-2, tiểu đoàn 103 đi đầu đã lên đường. Tiểu đoàn 101 bố trí yểm hộ cho toàn Trung đoàn rút, một trung đội được cử ra phục kích tại đầu cầu Long Biên. Đêm hôm đó, bầu trời Hà Nội ảm đạm, mưa bụi lấm tấm bay. Trời rét. Các chiến sĩ Thủ đô lên đường, trong lòng không khỏi bồi hồi lưu luyến nơi mình đã chiến đấu suốt 2 tháng ròng rã. Đến 9 giờ tối thì toàn Trung đoàn đã ra đi hết. Phố xá lạnh tanh, vắng ngắt. Bốn bề yên lặng. Mãi đến 10 giờ, về phía Cửa Đông, Hoàn Kiếm mới có vài tiếng pháo nổ của bộ phận nghi binh. Các tổ phá hoại bắt đầu làm việc, anh em gài mìn, lựu đạn ở những nơi cần thiết. Những chỗ cần đốt thì có những bó hương dài cắm vào đống chăn đệm tẩm ét – xăng. Đến 5-6 giờ sau lửa sẽ bùng cháy khắp nơi.
Nửa đêm 17-2, quân ta đã vượt qua gầm cầu Long Biên, trên đầu xe cơ giới Pháp đi tuần ráo riết, đèn pha thỉnh thoảng lại chiếu dọi xuống bãi cát sông Hồng, nhưng quân Pháp vẫn không nghi ngờ gì. Trung đoàn Thủ đô đã nhẹ nhàng lướt nhanh như một “đoàn quân vô hình” vượt qua tất cả các vị trí của Pháp. Trong liên khu I lúc đó, lửa đã bùng lan thành từng đám cháy lớn, đỏ ửng bầu trời.
ư4 giờ sáng ngày 18-2, các chiến sĩ Thủ đô bắt đầu sang sông. Đồng bào ven sông Hồng đã đem hơn 20 chiếc thuyền đến chở bộ đội. Thuyền ít, người đông, mãi đến 9 giờ sáng đại đội cuối cùng mới xuống đò. Cũng may hôm đó sương mù dày đặc, máy bay địch không hoạt động được. Một bộ phận địch đuổi theo ta đến làng Cơ Xá (Gia Lâm) thì bị trung đội hậu vệ của Trung đoàn Thủ đô chặn lại, hai bên chiến đấu giằng co mãi đến trưa.
Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội, sáng 18-2-1947. (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Dựa vào công sự trên bãi giữa sông Hồng, Tiểu đội du kích Hồng Hà do đồng chí Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy đã chiến đấu kìm chân địch, bảo đảm cho Trung đoàn vượt sông an toàn và anh dũng hy sinh.
12 giờ ngày 18-2, toàn Trung đoàn đã về tới làng Long Trực, rồi về tập trung tại làng Hạ Hồi (bên kia sông Đuống). Cuộc rút lui đã toàn thắng. Ngay hôm đó đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi một bức thư ngắn khen ngợi Trung đoàn.
Sông Hồng đã được chứng kiến cuộc rút quân thần kỳ, táo bạo, dũng cảm phi thường của Trung đoàn Thủ đô vượt qua vòng vây dày đặc của địch về nơi tập kết trọn vẹn trong sự lưu luyến nhớ thương của nhân dân Thủ đô. Để rồi bảy năm sau, ngày 10-10-1954, Trung đoàn Thủ đô là đơn vị dẫn đầu "trùng trùng đoàn quân chiến thắng" trong khí thế hào hùng trở về tiếp quản Thủ đô giữa niềm hân hoan vui mừng bất tận của dân tộc Việt Nam.
Hoàn thành suất sắc nhiệm vụ
Cuộc chiến đấu ở trung tâm Thủ đô kéo dài 2 tháng, Trung đoàn Thủ đô đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó: cùng với toàn mặt trận Hà Nội tiêu diệt trên 2000 quân địch, bảo vệ được đồng bào tản cư ra khỏi vòng vây của kẻ thù, thu được nhiều thắng lợi về chính trị. Trong những ngày tác chiến gian khổ và vô cùng khó khăn, Trung đoàn còn tự xây dựng lực lượng lớn mạnh và phút cuối cùng khi Bộ chỉ huy Pháp chắc rằng sẽ tiêu diệt được toàn bộ quân ta trong Liên khu I thì Trung đoàn đã hoàn thành cuộc rút lui kỳ diệu để bảo vệ lực lượng.
ưHai tháng giam chân quân địch ở Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho quân dân ta ở hậu phương chuẩn bị đối phó với những trận tấn công lan rộng của quân xâm lược, và do đó đã làm thất bại một phần chiến lược tốc chiến tốc quyết của quân địch. Các chiến sĩ liên khu I đã xây dựng nên Trung đoàn Thủ đô anh dũng, đã cổ vũ nhân dân trên cả nước đứng lên bảo vệ nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung đoàn Thủ đô đã phát huy được truyền thống yêu nước của dân tộc, chiến thắng kẻ địch còn lớn mạnh hơn mình gấp bội. Ngày 22-2-1947, Trung đoàn Thủ đô về đóng tại làng Thượng Hội (Sơn Tây). Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và tuyên dương công trạng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Và hẹn ngày trở về sẽ không xa.
Nhân dân Hà Nội chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954 (Nguồn: Internet)
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp của quân và dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn đã mang lại cuộc trùng phùng lịch sử. Đầu tháng 10/1954, tiểu đoàn Bình Ca, trung đoàn Thủ đô dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ đã tiến vào Hà Nội nhận nhiệm vụ bàn giao với quân Pháp. Một sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy bởi tiểu đoàn Bình Ca ấy chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi thủ đô hồi đầu kháng chiến toàn quốc. Và đối với mỗi chiến sỹ tiểu đoàn Bình Ca ngày ấy họ tự hào về đơn vị mình là nhân chứng lịch sử hai đầu sự kiện ra đi và trở về.
Trong không khí của ngày vui chiến thắng, từng đoàn quân "trùng trùng điệp điệp" tiến về Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của hơn hai mươi vạn nhân dân Hà Nội. Và đó sẽ là khoảnh khắc lịch sử mãi in đậm trong tâm trí của các cựu chiến binh trung đoàn Thủ đô cùng quân và dân Hà Nội. Đây cũng là nền tảng vững chắc để các lớp thế hệ ngày hôm nay phát huy truyền thống lịch sử anh hùng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước.
Ngọc Anh