Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới để đánh bại Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã không chỉ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân chủ lực miền Nam mà còn góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuối năm 1964 ở miền Nam, Mỹ - Ngụy âm mưu đẩy mạnh những cố gắng cuối cùng trong cuộc “chiến tranh đặc biệt” để cứu vãn tình thế đang thua. Với kế hoạch “bình định có trọng điểm”, địch đã biến khu vực Bình Giã, Đức Thanh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự. Lực lượng địch tại đây có 4 Tiểu đoàn biệt động quân (30, 33, 35, 38), 2 Tiểu đoàn thủy quân lục chiến (4 và 1 của Lữ đoàn 147), 2 Tiểu đoàn dù (5, 6) và 3 Tiểu đoàn bảo an, một Chi đoàn cơ giới M113, 2 trung đội pháo binh 105 mm.
Về phía ta, cuối năm 1964, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược, tranh thủ thời cơ đánh bại quân Ngụy trước khi Mỹ tăng cường ồ ạt lực lượng vào miền Nam nước ta.
Hỏa lực ĐKZ 75mm của ta trong Chiến dịch Bình Giã. (Nguồn: Internet).
Cuối tháng 11, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch tiến công trên địa bàn thuộc 4 tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Thuận. Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm: 2 Trung đoàn bộ binh (761, 762), 2 Tiểu đoàn bộ binh của Quân khu 7 (800, 500), Tiểu đoàn pháo binh 186 của Quân khu 6, Đại đội 445 tỉnh Bà Rịa; đoàn pháo binh Biên Hòa có 4 sơn pháo 75mm, súng cối từ 60mm đến 82mm có 53 khẩu, ĐKZ loại 57mm và 75mm có 41 khẩu; súng phòng không có 8 khẩu 12,7mm; cùng lực lượng dân quân du kích trên địa bàn Chiến dịch.
Theo kế hoạch, Chiến dịch chia làm hai đợt: Đợt 1 (từ ngày 2 đến ngày 17 tháng 12 năm 1964): tiến công ấp chiến lược Bình Giã và một số cứ điểm để khơi ngòi đánh bại quân địch giải tỏa. Đợt 2 (từ ngày 27 tháng 12 năm 1964 đến ngày 3 tháng 1 năm 1965), tập trung toàn bộ lực lượng đánh những trận quyết định, đánh quân đổ bộ đường không.
Sơ đồ chiến dịch Bình Giã (từ 2-12-1964 đến 3-1-1965). (Nguồn: Internet).
Rạng sáng ngày 2 tháng 12 năm 1964, Chiến dịch mở màn, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng Đại đội 445 (bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa) đánh vào “ấp chiến lược” Bình Giã thực hiện mở đầu và “khơi ngòi” chiến dịch. Khi ấp Bình Giã bị tiến công, địch điều Tiểu đoàn 38 biệt động quân đến ứng cứu và đã bị ta đánh thiệt hại nặng. Tuy nhiên, do ta sử dụng lực lượng “khơi ngòi” không phù hợp, nên không chiếm được toàn bộ “ấp chiến lược” Bình Giã; khi địch phản kích, ta không trụ lại được, chưa tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự, trận đánh khơi ngòi không đạt yêu cầu đề ra, bộ đội ta phải chuyển ra ngoài khu vực Bình Giã.
Đến ngày 7 tháng 12 năm 1964, Bộ Tư lệnh tiếp tục sử dụng Đại đội 445 và một Đại đội của Trung đoàn 761 tiến công ấp Bình Giã, cho pháo binh đánh phá chi khu quân sự Đức Thạnh. Đồng thời sử dụng một Tiểu đoàn của Trung đoàn 762 tiến công chi khu quân sự Đất Đỏ.
Sáng ngày 9 tháng 12 năm 1964, do áp lực của ta ở Bình Giã, Đức Thạnh, Đất Đỏ, địch phải tổ chức cuộc hành quân “Bình Tuy 33”, dùng Chi đoàn thiết giáp số 3 giải tỏa dọc Đường số 2, từ Bà Rịa lên đến Đức Thạnh. Khi đoàn xe cơ giới địch từ Đức Thạnh trở về, lọt vào trận địa phục kích của ta, Trung đoàn 762 vận động xuất kích, thực hiện chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt đội hình địch ra làm hai. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu, ta làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp số 3, phá hủy 14 chiếc M113, diệt 107 tên địch, có 9 cố vấn Mỹ, 5 sĩ quan quân đội Sài Gòn, thu nhiều vũ khí trang bị. Trận then chốt thứ nhất của Chiến dịch thắng lợi giòn giã.
Ở hướng Hoài Đức, Tánh Linh, Tiểu đoàn 186 đánh chiếm ấp chiến lược Mê Pu. Địch đưa quân từ Hoài Đức lên chi viện, ta chặn đánh làm thiệt hại nặng 1 Đại đội bảo an và 1 Đại đội dân vệ. Ngày 17 tháng 12, ta chủ động kết thúc đợt 1 Chiến dịch.
Vào đợt 2, ta có thuận lợi là đêm 22-12-1964, tiếp nhận chuyến tàu thứ hai từ miền Bắc vào cửa biển An Lộc, cung cấp cho chiến trường miền Đông 44 tấn vũ khí. Hậu cần mua thêm được 200 tấn gạo. Sự tiếp tế kịp thời từ miền Bắc vào là nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ đang tham gia Chiến dịch.
Đêm 27 tháng 12, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng 2 Đại đội của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 761 và Đại đội 445 tiến công “ấp chiến lược” Bình Giã lần thứ 2. Vào 5 giờ ngày 28, ta chiếm toàn bộ ấp, Tiểu đoàn 1 và Đại đội 445 tổ chức trận địa giữ ấp Bình Giã buộc địch phải cho quân ra giải tỏa. Sáng 28 tháng 12, địch cho trực thăng đổ Tiểu đoàn 30 biệt động quân xuống trảng trống ở Tây Nam Đức Thạnh. Sau khi đổ quân, địch hình thành 3 mũi tiến vào ấp Bình Giã; mũi đi đầu bị Đại đội 2 của ta chặn đánh quyết liệt. Do ta khóa đuôi không chặt nên Tiểu đoàn 30 của địch chạy thoát về ấp La Vân.
Sơ đồ trận Bình Giã, ngày 28-12-1964. (Nguồn: Internet).
Trưa 28-12, địch tiếp tục dùng 28 máy bay trực thăng vũ trang hộ tống cho 50 máy bay lên thẳng chở Tiểu đoàn biệt động quân 33 từ Biên Hòa đổ xuống Đông Bắc ấp chiến lược Bình Giã. Hỏa lực phòng không của ta bắn rơi 12 chiếc, trong đó có 5 chiếc chở đầy quân, địch phải đổi hướng đổ quân xuống cánh đồng trũng ở Đông Nam ấp Bình Giã 400 mét và cách trận địa của ta 500 mét. Trung đoàn 761 cho bộ đội xuất kích thành 2 hướng vây chặt quân địch khi chúng chưa kịp triển khai đội hình. Đến 18 giờ, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn 33, bắn rơi 11 máy bay lên thẳng. Đây là trận then chốt thứ hai của Chiến dịch giành thắng lợi.
Ngày 30-12, địch cho 30 máy bay chở Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến đổ xuống Đông Nam ấp La Vân 600 mét. Lúc 18 giờ, ta bắn rơi 1 máy bay trực thăng ở Quảng Giới trong đó có 4 tên Mỹ bị chết. 14 giờ 30 phút ngày 31 tháng 12, Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến đến Quảng Giới. Trung đoàn 761 dùng một Đại đội của Tiểu đoàn 2 tiếp cận vừa đánh vừa dụ địch vào sâu trong khu vực ta phục kích, rồi đồng loạt nổ súng; Tiểu đoàn 3 đánh bọc phía sau; súng phòng không của ta kịp thời hạ nòng chi viện cho bộ binh tiêu diệt gần 600 tên địch. Đến 18 giờ, ta làm chủ trận địa, hoàn thành thắng lợi trận then chốt thứ 3.
Phối hợp với hướng chủ yếu, ngày 1 tháng 1 năm 1965, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 762 phục kích diệt gọn một đoàn xe 10 chiếc trên đoạn Cóc Tiên, Đường 15. Ngày 3-1, Trung đoàn 762 phục kích trên Đường số 2 diệt đoàn xe 16 chiếc, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 35 biệt động quân.
Nhân cơ hội địch ở các ấp chiến lược dọc Đường 2 hoang mang, ta tiến công đánh chiếm ấp Mê Pu, Sung Nhơn, Đậm Rim, Tà Bao làm tan rã lực lượng dân vệ ở các ấp này. Ngày 3-1-1965, Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc Chiến dịch.
Kết quả: Ta diệt được 2 Tiểu đoàn (33 biệt động quân, Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến) và chi đoàn thiết giáp M113, đánh thiệt hại 6 Tiểu đoàn khác, diệt 1700 tên, bắt 293 tên; thu hơn 1000 súng các loại và 100 máy bay thông tin; phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi 56 máy bay các loại.
Máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bình Giã. (Nguồn: Internet).
Chiến dịch Bình Giã thắng lợi, góp phần tạo bước ngoặt trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta; đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch, giải phóng vùng ven Hàm Tân, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí của miền Bắc bằng đường biển vào miền Nam.
Chiến dịch Bình Giã tuy nhỏ, với quy mô liên Trung đoàn, nhưng có ý nghĩa lớn về chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, có nghệ thuật đặc trưng, đó là nghệ thuật “tạo thế, khơi ngòi”, một cách đánh độc đáo và sáng tạo của quân chủ lực miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch đã để lại những kinh nghiệm vô cùng quý báu cho chiến dịch sau này trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
- Đại tá, TS. Phạm Huy Dương, “Chiến dịch Bình Giã (Tiến công, từ ngày 2 tháng 12 năm 1964 đến ngày 3 tháng 1 năm 1965)”, Ba mươi năm chiến tranh giải phóng - Những trận đánh đi vào lịch sử, H.: Công an nhân dân, 2005, tr. 276-283.
- Nguyễn Văn Tòng, “Trận Bình Giã”, Những trận đánh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, H.: Văn hóa - Thông tin, 2013, tr. 181-184.