Ủy ban Quân chính là một hình thức tổ chức đặc biệt trong những ngày tiếp quản thành phố Hà Nội, tồn tại từ 17-9 đến 4-11-1954 có nhiệm vụ tiếp quản các cơ quan, công sở do chính quyền Pháp và Bảo Đại bàn giao; sau đó, điều hành bộ máy thành phố hoạt động bình thường, không bị gián đoạn.
Chủ tịch Ủy ban Quân chính - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc diễn văn tại Nhà Hát lớn Hà Nội, tháng 10-1954. (Ảnh Tư liệu)
Ngày 11/9/1954, Thành ủy họp và ra nghị quyết thành lập Ủy ban Quân chính(1), sau đó, ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch. Ủy viên Ủy ban Quân chính là các đồng chí: Lê Trung Toản, Lê Quốc Thân, Trần Minh Việt. Ngày 4/10/1954, Ủy ban Quân chính ra quyết định về nguyên tắc chung và tổ chức bộ máy của Ủy ban, trong đó nêu rõ:
- Bộ máy tiếp quản của Ủy ban Quân chính Thành phố được tổ chức trên cơ sở đảm bảo việc tiếp thu và quản lý tất cả các cơ quan các cấp của chính quyền Pháp và Bảo Đại.
- Ủy ban Quân chính Thành phố lãnh đạo việc tiếp quản các ngành. Trong thời gian tiếp quản, Ủy ban tổ chức thành các bộ phận sau:
1. Bộ Tư lệnh khu Hà Nội.
2. Các Ban và các Sở gồm:
+ Ban Nội chính có Sở Công an và Sở Tư pháp.
+ Ban Kinh tế Tài chính có Sở Tài chính, Sở Thuế, Sở Kho thóc, Sở Kho bạc, Sở Địa chính, Sở Trước bạ Điền thổ, Sở Công-Thương, Sở Mậu dịch, Sở Ngân hàng, Sở Canh nông, Sở Lao động.
+ Ban Xí nghiệp công ích có Sở Hỏa xa, Sở Bưu điện, Sở Giao thông, Sở Công vụ.
+ Ban Tuyên – Văn – Xã có Sở Tuyên truyền, Đài Phát thanh, báo Tin tức, Nhà in Quốc gia, Ban Tiếp quản ngành Giáo dục, Ban tiếp quản ngành Y tế.
+ Văn phòng Ủy ban Quân chính có: Phòng tổ chức và cán bộ, Phòng Quản lý và phân phối tài sản, Phòng Ngoại kiều, Ban Kiểm tra, Ban Cung cấp.
Cán bộ phụ trách các Ban, Sở của Ủy ban Quân chính đều được giao nhiệm vụ cụ thể trước khi vào tiếp quản.
9 giờ 30 sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 dẫn đầu Đại quân từ sân bay Bạch Mai qua ngã tư Trung Hiền lên phố Huế-Hàng Bài-Hồ Hoàn Kiếm rồi vào Cửa Bắc- Thành Hà Nội.
Để tiếp quản các nhà máy xí nghiệp công sở, công trình lợi ích công cộng của chính quyền Pháp và Bảo Đại mà phía Pháp đã ký kết biên bản bàn giao cho ta tại Hội nghị Phù Lỗ(2), Đội hành chính có 422 cán bộ, nhân viên (vào nội thành từ ngày 2 đến ngày 4/10/1954); Đội Trật tự có 158 công an có vũ trang (vào nội thành ngày 5/10) đã kiểm kê tài sản và hồ sơ. Ngày 10/10/1954, cán bộ của Ủy ban vào tiếp thu và quản lý toàn bộ bộ máy chính quyền cũ cả ở 36 khu phố nội thành(3) và trụ sở Đại lý Hoàn Long cùng 5 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Văn Điển, Quỳnh Lôi.
Các nhà lãnh đạo Ủy ban Quân chính thành phố bước vào Nhà Hát lớn giữa hàng quân danh dự, tháng 10-1954. (Ảnh Tư liệu)
Ngay sau khi tiếp quản, Ủy ban Quân chính đã tiếp tục chỉ đạo các Ban và các Sở quản lý cho guồng máy thành phố hoạt động bình thường; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Do đó, đối với các công sở vừa tiếp thu, Ủy ban yêu cầu Pháp phải trả lại những vật dụng còn thiếu so với biên bản bàn giao. Khi ta tiếp quản trong tổng số 137 công sở ở thành phố có 25 công sở bị thiệt hại nặng nề về tài sản, không thể hoạt động ngay được; 31 công sở chỉ còn lại một phần nhỏ tài sản(4). Vì vậy, cần khẩn trương sắp xếp lại bộ máy, tạo không khí phấn khởi giữa cán bộ kháng chiến và công chức cũ. 3.000 công chức cũ đi làm bình thường và được giữ nguyên lương.
Công tác trật tự trị an được đặc biệt chú trọng. Ủy ban đã ra thông báo về thiết lập trật tự trong thành phố. Ủy ban Quân chính đã tiếp nhận 12.000 sĩ quan, binh lính của chính quyền cũ ở lại và tổ chức cho họ học tập chính sách của Chính phủ, yêu cầu họ ra trình diện và động viên họ góp phần xây dựng chế độ mới. Ủy ban đã chỉ đạo Ban Nội chính và Sở Công an làm tốt công tác bảo vệ các cơ quan trung ương, thành phố, xí nghiệp và công trình quan trọng; quản lý hộ khẩu và giải quyết các vấn đề ngoại vụ.
Về chính quyền: Ủy ban Quân chính đã tuyên bố giải tán bộ máy chính quyền cũ. Cuối tháng 10/1954, Ủy ban cho thành lập các tổ công tác để chỉ đạo mọi công việc ở khu phố. Các ông Trưởng phố đã làm từ trước ngày tiếp quản, vẫn được giao làm các công việc cứu tế xã hội, giấy khai sinh, khai tử, thị thực, giấy giá thú… Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo tình hình mọi mặt ở khu phố và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.
Về kinh tế: Ủy ban Quân chính chỉ đạo Ban Kinh tế và các Sở thực hiện tốt chính sách; bảo đảm cho các hộ công thương nghiệp yên tâm sản xuất – kinh doanh. Trừ các cơ sở kinh tế của tư bản Pháp đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, toàn thành phố có 1.522 cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, mang nặng tính thủ công, bị đình đốn sản xuất. Thương nhân Hà Nội có 9.714 cửa hiệu và quầy hàng; ngoài ra, tiểu thương ở 8 chợ nội thành có 1.468 người(5). Giữa tháng 10-1954, ba công ty quốc doanh gồm Công ty Lương thực, Công ty Bách hóa, Công ty Lâm thổ sản được thành lập để đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Nông nghiệp bị ảnh hưởng của chiến tranh, ruộng đất bỏ hoang lên tới 2.694 mẫu.(6)
Do đó, ổn định tư tưởng cho nhân dân bằng việc thực hiện nghiêm chính các chính sách mà Chính phủ ban bố, quản lý tốt các hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán… làm cho nhân dân yên tâm, tin tưởng cán bộ cách mạng về thành phố là nhiệm vụ hết sức quan trọng .
Các loại thuế đánh theo đầu người như thuế căn cước, thuế đảm phụ quốc phòng, thuế an ninh bị bãi bỏ. Ngày 11/10/1954, thành phố bắt đầu thu hồi tiền Đông Dương, tiền tệ được lưu thông bình thường. Các chợ lớn trong thành phố và cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh như thường lệ. Giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh được thông suốt. Đặc biệt, dòng điện vẫn được công nhân Yên Phụ và đèn Bờ Hồ giữ vững, đem lại sự an bình, ổn định cuộc sống nhân dân.
Ở Ngoại thành, Ban Đại diện Ủy ban Quân chính tổ chức giúp dỡ nông dân khai hoang phục hóa, cung cấp nông cụ, sức kéo, tháo gỡ mìn và dây thép gai trên đồng ruộng; đồng thời, giúp dân chống đói, đề phòng giáp hạt.
Các nhà lãnh đạo Ủy ban Quân chính thành phố bước vào Nhà Hát lớn giữa hàng quân danh dự, tháng 10-1954. (Ảnh Tư liệu)
Về văn hóa-giáo dục-y tế: Sinh viên, học sinh đến trường khai giảng năm học mới. Ngày 15/10, các trường tiểu học khai giảng. Ngày 1/11, các trường Đại học khai giảng. Ngày 18/10, các trường trung học khai giảng. Giới văn học- nghệ thuật hoạt động sôi nổi. Ngày 12/10, hơn 200 nghệ sĩ các ngành của trung ương từ Việt Bắc về đã họp mặt với văn nghệ sĩ Hà Nội, làm bừng lên không khí mới trong niềm tin và lạc quan. Ba đoàn nghệ thuật sân khấu (Kim Chung, Kim Phụng, Lạc Việt); 16 rạp chiếu phim, Đài phát thanh Quán Sứ, Phòng thông tin Tràng Tiền, 140 hiệu sách, 100 hiệu ảnh… của xã hội cũ đều được tổ chức, quản lý lại, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phấn khởi phục vụ đại chúng.
Ủy ban Quân chính cử cán bộ ngành y quản lý 5 bệnh viện của Nha y tế Bắc Việt và các cơ sở y tế của quân đội Pháp; đồng thời, quản lý 935 y bác sĩ, nhân viên ngành y tế của chính quyền cũ đã ở lại thành phố khám chữa phục vụ nhân dân. (7)
Cổng chào được dựng lên trước cổng đền Ngọc Sơn chào mừng ngày Thủ đô giải phóng, tháng 10-1954. (Ảnh Tư liệu)
Cuối tháng 10/1954, thành phố đã ổn định mọi mặt về chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội. Do đó, ngày 4/11/1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội gồm: bác sĩ Trần Duy Hưng: Chủ tịch; đồng chí Trần Danh Tuyên, Phó Chủ tịch; các ủy viên: bác sĩ Trần Văn Lai-phụ trách khối văn xã, đồng chí Lê Quốc Thân-phụ trách khối nội chính; đồng chí Hà Kế Tấn, phụ trách công tác bảo vệ thành phố; đồng chí Khuất Duy Tiến, phụ trách khối kinh tế. Ngày 15-11-1954, Ban cán sự ở 4 quận nội thành được thành lập, dưới cấp quận là cấp khu phố. Ở ngoại thành, mỗi thôn có một trưởng thôn. Chính quyền xã do cấp trên chỉ định.
Đoàn quân Pháp rút từ dọc Hàng Bông về phía Bờ Hồ, tháng 10-1954. (Ảnh Tư liệu)
Từ 11/9 đến 4/11/1954 là quãng thời gian hết sức ngắn ngủi nhưng Ủy ban Quân chính do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch và các ủy viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Hà Nội-Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiếp quản và ổn định về mọi mặt. Đó là một sự kiện lớn, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử hiện đại thế giới. Chính phủ đã nhận định: “Công cuộc tiếp quản Thủ đô và các thành phố khác là một kỳ công của nhân dân ta mà kẻ địch phải hoảng sợ và toàn thế giới đều khen ngợi”(8).
62 năm đã qua, Ủy ban Quân chính đã có vai trò vô cùng quan trọng công cuộc tiếp quản. Trong một hình thái đặc biệt để tiến hành tiếp quản- điều chưa có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh-hòa bình trên thế giới từ năm 1914 đến năm 1954, sự quản lý vừa chặt chẽ, vừa năng động, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân, làm cho dân tin tưởng, không mắc mưu những kẻ lợi dụng tình thế để chia rẽ khối đoàn kết giữa lương và giáo, giữa người ở hậu phương về và người sống trong thành phố…đã giúp Chính phủ ổn định, củng cố bộ máy trên tất cả các mặt chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội.
Đó là bài học quý giá cho công cuộc CANH TÂN- ĐỔI MỚI trong hoàn cảnh mới hiện nay!
Ths. Phạm Kim Thanh
Chú thích:
(1) Nghị quyết Hội nghị Thành ủy ngày 11/9/1954, hồ sơ số 05, hộp 52, Lưu trữ Thành ủy Hà Nội. (2) Trung tuần tháng 9/1954, Hội nghị của Ủy ban Liên hiệp đình chiến họp tại Phù Lỗ bàn việc chuyển giao Hà Nội. Đến ngày 28-29/9, hai bên Việt-Pháp thỏa thuận xong về thời gian quân đội Liên hiệp Pháp rút đi và quân đội nhân dân Việt Nam vào tiếp thu Hà Nội. Ngày 30/9, hai bên ký tiếp Hiệp định chuyển giao về quân sự và trật tự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao về hành chính.
(3) Ngày 29-9-1949, Tòa Thị chính chia nội thành thành 25 khu phố; mỗi khu có một Khu trưởng đứng đầu. Ngày 25-7-1950, Tòa Thị chính lại chia nội thành thành 36 khu phố. Địa giới này tồn tại đến thời kỳ tiếp quản.
(4) Báo cáo các cuộc họp của Tiểu ban bồi hoàn tài sản giữa Việt Nam và Pháp. Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Vụ Tây Âu Mỹ châu. HS 71.
(5), (6), (7): BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), NXB Hà Nội, H.2004, tr 298-300.
(8) Biên bản Hội đồng Chính phủ năm 1955, Phông Phủ thủ tướng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.