Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/10/2016 00:00 722
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Quân dân Sơn Tây kháng chiến phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

Thị xã Sơn Tây cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, là một địa bàn chiến lược quân sự quan trọng ở Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Ngay từ ngày đầu xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã chọn Sơn Tây là nơi tập trung xây dựng căn cứ quân sự khống chế toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng; để từ đây tiến công lên Việt Bắc, Tây Bắc, tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Thực dân Pháp đã tập trung ở đây một lực lượng binh lực mạnh, xây dựng nhiều đồn bốt, tạo thành vành đai trắng, nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng với nhân dân, biến thành nơi chỉ huy các vùng lân cận của tỉnh Sơn Tây, thực hiện chính sách bình định tàn bạo và ác liệt.

Sống trong vùng bị địch tạm chiếm, nhân dân thị xã đã có nhiều hình thức đấu tranh chống địch: Chống càn quét, khủng bố bắt bớ và làm cơ sở giúp cán bộ cách mạng hoạt động. Các trận đánh phục kích, tập kích của lực lượng vũ trang, các đội du của thị xã ở các địa điểm quan trọng: Bến xe, thôn Mai Trang, Sơn Lộc, phố Mía, Phù Sa và các phố xung quanh Thành cổ Sơn Tây… đã làm cho quân giặc hoang mang lo sợ. Ta đã bắt sống và vận động hàng ngàn tên lính ra hàng. Cuối tháng 4 đầu tháng 5/1954, Tỉnh ủy Sơn Tây đã chỉ đạo lực lượng vũ trang trên địa bàn đẩy manh hoạt động thọc sâu vào trong lòng địch, tập kích nhiều vị trí trong thị xã như: Trạm gác Bảo chính đoàn ở Chốt Nghệ; bốt com-măng-đô Phù Sa (Viên Sơn, Sơn Tây) bắt sống 12 tên, tiêu diệt 2 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Việc tiêu diệt bốt com-măng-đô Phù Sa đã gây một tiếng vang lớn trong nhân dân và gây tâm lý hoang mang dao động đối với ngụy quân, ngụy quyền ở thị xã và lính Pháp. Phối hợp với hoạt động quân sự, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ, quần chúng tham gia đấu tranh ngày càng đông đảo, các hình thức đấu tranh tập thể rất linh hoạt và quyết liệt, nhất là đấu tranh chống địch bắt lính, chống khủng bố bắt người. Những hoạt động mạnh mẽ trên cả hai mặt quân sự, chính trị dồn dập đã làm cho địch lúng túng đối phó. Bộ máy tề hoang mang trước những đòn trừng trị của ta, chúng không dám hung hăng như trước, một số khôn ngoan chịu sự điều khiển của ta.

Ngày 7/5/1954, tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ vang đi khắp nơi và nhanh chóng truyền về thị xã. Các khu du kích Quảng Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ ngày càng mở rộng và vững mạnh làm cho địch ở Sơn Tây rất lo sợ và bối rối, mất ổn định về tư tưởng, đào ngũ hàng loạt. Lợi dụng thời cơ đó, ta đã vận động binh lính bốt Zê-ni ở Bến Tàu (là khu vực cảng Sơn Tây ngày nay) trói chỉ huy, mang súng ra hàng lực lượng kháng chiến. 40 tên địch đã mang theo 1 súng cối 61 ly, 2 ca-nô, 2 vô tuyến điện, 6 tiểu liên, 2 trung liên và 100 súng trường ra hàng cách mạng. Từ tháng 6/1954, địch ở thị xã rất hoang mang, lực lượng địch rút dần về Hà Nội, để lại lính ngụy là chính. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngày càng nhiều, truyền đơn, áp phích tuyên truyền tin thắng lợi của ta được tung và dán ở khắp nơi; bến xe, chợ, nơi công cộng, trước công sở địch… nhiều lính Pháp, ngụy thấy áp phích của ta xúm lại xem nhưng không dám xé.

Tuy thất bại ở nhiều nơi nhưng để trấn an tinh thần bọn tề, ngụy đang bị tan rã đêm 16/7/1954, thực dân Pháp dùng đại bác từ Thành cổ Sơn Tây và bốt Phù Sa liên tiếp bắn phá Đường Lâm, Sơn Đông. Đặc biệt sáng ngày 17/7/1954, quân Pháp dùng xe tăng, xe cơ giới và bộ binh có pháo binh yểm trợ gồm 200 tên tấn công vào Đường Lâm giải vây cho bốt Văn Miếu, khai thông đường Sơn Tây – Trung Hà và đón quân từ Trung Hà rút về thị xã. Chúng đi theo đường 32 và đê sông Hồng, trụ quân ở gò Đồng Sấu, dùng súng cối và trọng liên bắn vào các thôn để giết hại và uy hiếp nhân dân, nhưng do vấp phải sự chống trả quyết liệt của bộ đội địa phương và du kích xã nên chúng không vào được làng. Đến chiều, địch phải rút về cố thủ trong thị xã. Đây cũng là phản ứng cuối cùng báo hiệu giờ tận số của Pháp ở Sơn Tây.

* Sơn Tây được giải phóng ngày 3-8-1954

Trung đoàn 57 được giao nhiệm vụ hoạt động ở Sơn Tây và Hà Đông. Vùng giải phóng được mở rộng gần sát với ngoại vi thị xã Hà Đông và thành phố Hà Nội. Địch chỉ còn giữ được một số đoạn đường giao thông trên các quốc lộ 6,11 và 1 gần các thành phố, thị xã. Trung đoàn đang chuẩn bị phương án tấn công các đồn, bốt địch dọc đường 11A thì nhận được tin Hiệp định Giơnevơ đã được ký đêm 20 rạng sáng ngày 21/7/1954. Theo hiệp định, hai bên sẽ ngừng bắn vào 0 giờ ngày 01/08/1954 trên toàn Đông Dương, quân đội Pháp chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng thời gian 80 ngày kể từ khi hiệp định được ký kết.

Thực hiện lệnh ngừng bắn, quân địch còn lại ở Sơn Tây được phép rút về Hà Nội để tập kết ở Hải Phòng trước khi rút vào miền Nam. Quân Pháp tập trung về thị xã, nằm chờ quân ta vào tiếp quản. Theo sự thỏa thuận giữa hai bên: Ngày 5/8/1954 địch phải rút khỏi Sơn Tây, nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân ta và trước khi thế đấu tranh quyết liệt của quần chúng thị xã, quân đội viễn chinh Pháp lặng lẽ rút khỏi thị xã trước 2 ngày. Ngày 3/8/1954, thị xã Sơn Tây được giải phóng, chấm dứt 71 năm đô hộ của thực dân Pháp (1883 – 1954).

Theo kế hoạch đã định, khoảng hơn 2 giờ chiều ngày 3/8/1954, cán bộ và nhân dân thị xã tập hợp xếp hàng đi bộ trên đường 11A cách thị xã khoảng 1km, giương cao cờ, băng rôn, khẩu hiệu tiến về Chốt Nghệ thị xã (là khu vực ngã tư ở cuối phố Phùng Khắc Khoan ngày nay, gần bến xe ô tô, nghĩa trang liệt sĩ của thị xã). Đến đầu Chốt Nghệ, đoàn được đồng bào hai bên đường hân hoan reo hò, mừng đón. Một số đơn vị đã đến trước xếp hàng ở quảng trường ngã năm (nay là khu vực vườn hoa trung tâm thị xã), đặt các loại súng máy, súng cối trước hàng quân. Một số cán bộ trong cơ quan tuyên huấn phân công nhau đi tiếp quản Ty Thông tin của địch và tìm địa điểm bố trí Phòng Thông tin của ta. Cán bộ thị xã đã quyết định chọn ngay trụ sở tòa án ở trung tâm thị xã, cạnh Quảng trường, đối diện với Dinh Tỉnh trưởng cũ (Dinh Tỉnh trưởng lúc đó nằm ở khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã ngày nay). Mọi người gấp rút treo cờ, căng khẩu hiệu, dựng pa-nô trước nhà, treo ảnh Bác Hồ, trưng bày tranh ảnh, báo chí về cuộc kháng chiến trên cả nước và trong tỉnh. Buổi tối, nhân dân tập trung ở quảng trườg và vườn hoa trước Phòng Thông tin để nghe tin tức và ca nhạc rất đông. Thị xã được tiếp quản trong không khí thanh bình, rộn rã với những gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính trực tiếp nhận bộ máy chính quyền quân sự cấp tỉnh của địch. Tỉnh cử ba đoàn đặc phái viên về tiếp quản ba khu phố trong nội thị xã. Mấy ngày sau, cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động thị xã, các đơn vị bộ đội chủ lực tham gia cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích diễu hành qua thị xã trước khi tiến vào sân vận động. Gần một vạn người, xếp theo đội hình ngành, đoàn thể trên sân vận động trong không khí trang nghiêm.

Sau khi giải phóng, thị xã Sơn Tây được Tỉnh ủy Sơn Tây chỉ đạo tách khỏi huyện Thị Tùng (trong kháng chiến, huyện Tùng Thiện và thị xã được sáp nhập với nhau). Bộ máy Đảng, chính quyền, các đoàn thể thị xã chính thức được thành lập. Ngày 22/9/1954, Ban Cán sự thị xã được Tỉnh ủy quyết định thành lập (là tổ chức tiền thân của Thị ủy lâm thời). Thị xã ngày đầu giải phóng gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh: hàng ngàn hec-ta ruộng đất bị bỏ hoang, trâu bò bị giết hại; hệ thống mương tưới tiêu, đê điều bị bỏ hoang, phá hoại nghiêm trọng; sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, giao thông vận tải, buôn bán… bị đình trệ; xóm, thôn, phố xá tiêu điều, xơ xác; tệ nạn xã hội do thực dân Pháp và phong kiến để lại hết sức nặng nề; bọn phản động, tề, ngụy do Pháp cài lại lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép đồng bào Công giáo di cư vào Nam. Để khắc phục tình trạng trên, Thị ủy và Ủy ban hành chính thị xã Sơn Tây đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống xã, khu phố, kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục, nói rõ chủ trương, chính sách nhân đạo và tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước ta, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, gian dối, lừa bịp, dọa dẫm của địch. Mặt khác, chính quyền đã giúp đỡ các hộ nghèo gặp khó khăn về đời sống.

Trước khi rút khỏi thị xã, địch âm mưu tháo gỡ máy móc tại Nhà máy Dẫn thủy nhập điền Phù Sa (nay là Công ty Thủy lợi sông Tích) để mang đi, hòng làm tê liệt hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của thị xã và một số huyện lân cận. Sau ngày giải phóng, với tinh thần sáng tạo, quyết tâm khắc phục khó khăn, chỉ sau 24 giờ, các cỗ máy lại nhanh chóng được lắp đặt an toàn và đưa vào vận hành, đưa nước sông Hồng kịp thời tưới cho đồng ruộng, bảo đảm cho nông dân canh tác thuận lợi. Nông dân thị xã Sơn Tây và các vùng lân cận còn lưu truyền và ngợi ca “Đây là dòng nước Cụ Hồ về với dân ta”. Cuộc sống đang dần hồi sinh trong khí thế nhộn nhịp, tưng bừng của ngày đầu giải phóng.

Đình Phù Sa, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc, tháng 10- 1954.(Nguồn: internet)

Bộ máy hành chính mới được thiết lập: các khu phố có ban cán sự, có trưởng tiểu khu và các ủy viên. Các xã có ban hành chính, dưới xã có thôn trưởng, xóm trưởng, có cán bộ chuyên trách từng mặt công tác như: quân sự, công an, địa chính; mặt trận và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu niên nhi đồng … được thành lập và đi vào hoạt động. Tối tối, trên khắp đường làng, ngõ phố, người người tấp nập mang đèn dầu, sách vở đến các lớp bình dân học vụ. Sản xuất nông nghiệp, các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như làm thủy tinh, gốm, sành sứ, may mặc, da thuộc … được phục hồi và đi vào sản xuất. Các hủ tục trong ma chay từng bước được loại bỏ thay bằng nếp sống mới đơn giản, tiết kiệm. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Cả thị xã bừng lên khí thế náo nức xây dựng cuộc sống mới.

Giữa không khí tươi vui, nhộn nhịp của những ngày đầu giải phóng miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sơn Tây nói chung, thị xã Sơn Tây nói riêng có vinh dự lớn được đón tiếp Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô đã ở lại và làm việc tại thị xã. Trong thời gian ở đây, ngày 12 và 13/10/1954, Bác đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Chính phủ để quyết định một số công việc đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta.

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Sơn Tây, ngày 3-8-2014.

(Nguồn: internet)

Trên chặng đường lịch sử anh hùng, ngày 3/8/1954 trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và quân dân Sơn Tây. Từ đây, Sơn Tây hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, nhân dân lao động vĩnh viễn đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi xây dựng xã hội mới.

Sáu mươi hai năm sau ngày giải phóng, từ một thị xã nghèo nàn lạc hậu lúc mới giải phóng, Sơn Tây ngày nay đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất xứ Đoài. Không những thế Sơn Tây còn có vị trí hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc phía Tây của thủ đô Hà Nội.

Ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: