Chấp hành Nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển. Cùng thời gian này, Bộ đã quyết định thành lập Trường Huấn luyện bờ biển (C45) và Xưởng 46. Sự ra đời của các đơn vị này đã mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển các thành phần nòng cốt đầu tiên của lực lượng Hải quân.
Ngày 24/8/1955, tại trường Huấn luyện bờ biển, bên bờ sông Cấm, thành phố Cảng Hải Phòng, lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng đã được tổ chức trọng thể. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Nguyễn Chánh, Đỗ Mười…chủ trì và tham dự buổi lễ. Đại tướng đã chuyển lời hỏi thăm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, công nhân viên Cục Phòng thủ bờ biển, đến cán bộ, thủy thủ hai đội. Về nhiệm vụ của hai thủy đội, Đại tướng chỉ thị: “Các đồng chí là những người được lựa chọn trong toàn quân về đây để xây dựng binh chủng mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hai thủy đội này là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam sau này”. “Các đồng chí từ con em của nhân dân mà ra nên phải ra sức phát huy truyền thống của quân đội nhân dân anh hùng, hãy dũng cảm khắc phục khó khăn để làm trong nhiệm vụ bảo vệ bờ biển của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta…”. Hai thủy đội chiến đấu đầu tiên của quân đội ta lần lượt ra mắt trước niềm phấn khởi của nhân dân thành phố Cảng. Hai thủy đội đã lần lượt thao diễn các đội hình hành quân, tuần tiễu, chiến đấu để báo cáo với Đại tướng và các đại biểu về kết quả tập luyện, biểu thị quyết tâm sẵn sáng nhận nhiệm vụ hoạt động, bảo vệ an ninh trên biển.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đọc quyết định thành lập hai thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng tại buổi mít tinh ngày 24-8-1955.
Ngay từ sau ngày thành lập, các thủy đội đã bước vào nhiệm vụ hoạt động tuần tiễu, vừa kết hợp huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các phương tiện trang bị, vũ khí, khí tài, vừa nắm vững địa hình, luồn lạch trên vùng biển Đông Bắc, Hải Phòng và các cửa sông Hồng để thực hiện tốt các phương án tuần tra, tác chiến. Thời gian đầu ra biển hoạt động, các cán bộ thủy thủ gặp nhiều khó khăn, thử thách phức tạp của biển khơi. Ngày 25/9/1955, các cán bộ, thủy thủ đối diện với thử thách đầu tiên: một cơn bão lớn đổ bộ vào vùng biển Hải Phòng, các cán bộ, thủy thủ đã vật lộn ngày đêm với gió cấp 10, cấp 12, quyết tâm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện…Hai canô 505 và 507 đã cứu được 4 thuyền đánh cá và chín người dân thoát khỏi tai nạn nguy hiểm. Với thành tích ấy, đơn vị đã được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 12 và 14/10/1955, Chấp hành chỉ thị của Bộ, Trường Huấn luyện bờ biển thay mặt Cục Phòng thủ bờ biển đã bàn giao thủy đội Sông Lô cho Liên khu Việt Bắc và thủy đội Bạch Đằng cho Liên khu Tả Ngạn. Hai thủy đội được giao nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải mau chóng quét sạch bọn thổ phỉ, hải phỉ trên vùng biển để nhân dân yên ổn làm ăn. Tình hình ven biển và các đảo mới giải phòng lúc này rất khó khăn, nhưng các thủy đội đã len lỏi hết đảo này tới đảo khác, suốt từ vùng ven biển Trung đến Bắc bộ, đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tiễu, góp phần ổn định an ninh vùng hải đảo trong nhiều năm sau đó…
Lễ ra mắt hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng trên Sông Cấm, Hải Phòng, ngày 24-8-1955.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng chụp ảnh cùng các chiến sĩ lực lượng bảo vệ bờ biển tại đảo Hòn Rồng, năm 1959.
Những chiếc canô nhỏ bé nhưng đã trở thành những phương tiện vũ trang có hiệu lực khi mọi cán bộ, thủy thủ ý thức được nhiệm vụ của mình và biết làm chủ các trang bị, vũ khí trong tay. Hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng ra đời, hoạt động trong thời kỳ kinh tế, kỹ thuật của ta còn nhiều khó khắn đã thể hiện được tinh thần sáng tạo, quyết tâm khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, góp phần dẹp yên bọn thổ phỉ, hải phỉ, chống cưỡng ép di cư, bảo vệ an ninh trên biển. Họ chính là những người tạo tiền đề cho sự phát triển lực lượng bảo vệ chủ quyền trên vùng biển, là viên gạch nền móng của Lực lượng tàu chiến Hải quân Nhân dân Việt Nam sau này.
Đức Toàn (tổng hợp)
Nguồn tư liệu:
- Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển (Võ Nguyên Giáp). Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1972
- Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nxb quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1985
- Việt Nam những sự lịch sử. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 2006.
- vn.wikipedia.