Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/08/2016 00:00 1429
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước ta đã làm một cuộc Tổng khởi nghĩa đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Lực lượng khởi nghĩa bao gồm cả lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng, trong đó lực lượng chính trị quần chúng là lực lượng giữ vai trò chủ yếu quyết định. Lực lượng vũ trang tuy chỉ giữ vai trò bổ trợ chiến lược trong Tổng khởi nghĩa nhưng nếu không có lực lượng ấy thì cũng không thề có quá trình phát triển và thắng lợi rực rỡ của cách mạng.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta đã đi từ xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng lên xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, đi từ xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng rộng rãi lên xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng tập trung, phối hợp giữa đội quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương trong các hoạt động xây dựng và tác chiến.

Từ những ngày đầu nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta, ngay trong Chính cương vắn tắt, Đảng ta đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là “tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị (10-1930), ngoài việc xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cuộc cách mạng tư sản dân quyền là “lập quân đội công nông”, còn đề ra một trong những nhiệm vụ tổ chức lực lượng cách mạng trong giai đoạn đấu tranh chính trị hiện tại là “tổ chức đội tự vệ của công nông” và trong thời điểm chuyển lên khởi nghĩa giành chính quyền là “võ trang cho công nông”. Lúc mới thành lập, Đảng ta không có sẵn một khu căn cứ, một mảnh đất tự do nào, do đó không có sẵn một đơn vị vũ trang tập trung nào.

Bút tích trang đầu dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, tháng 10/1930.

Từ kinh nghiệm của phong trào cách mạng quần chúng đang diễn ra, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (10-1930), đề ra tổ chức các đội tự vệ của công nhân, nông dân và chỉ rõ phải thành lập ra bộ phận chuyên trách quân sự trong Đảng để giúp cho các công hội, nông hội tổ chức lực lượng tự vệ của công nông, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang của quần chúng sau này.

Tháng 3-1940, Xứ ủy Nam Kỳ vạch rõ: Để chuẩn bị bạo động, trước mắt là tổ chức đội tự về và du kích ở các địa phương. Đến tháng 7-1940 tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố các tỉnh Nam Kỳ, ngoài tổ chức tự vệ đã hình thành các tổ, tiểu tổ du kích. Ở vùng nông thôn, nhiều xã tổ chức được từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Biên chế ba người thành một tổ, ba tổ thành một tiểu đội, ba tiểu đội thành một trung đội, trang bị thô sơ, tiến hành huấn luyện quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa. Đội du kích Hóc Môn (Gia Định), đội du kích Cần Giuộc (Chợ Lớn), đội du kích Vĩnh Liên (Vĩnh Long), đội du kích Mỹ Tho là những đội quân du kích đầu tiên của Nam Kỳ tham gia khởi nghĩa tháng 12-1941.

Vào những năm trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở những nơi có các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Từ trong lực lượng tự vệ cứu quốc hết sức rộng rãi ấy lại thành lập ra các đội tự vệ chiến đấu (còn gọi là tiểu tổ du kích) làm hạt nhân, được tổ chức chặt chẽ hơn, trang bị đầy đủ hơn và luyện tập nhiều hơn. Từ sau khởi nghĩa Bắc Sơn, đội du kích (lấy tên là Cứu quốc quân) được duy trì và phát triển. Tại những nơi có phong trào Việt Minh và lực lượng tự vệ phát triển mạnh, nhất là ở hai trung tâm cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn – Vũ Nhai đã hình thành và phát triển các đội du kích thoát ly. Đó là lực lượng vũ trang tập trung làm nòng cốt cho phong trào du kích, cho việc xây dựng và bảo vệ các khu căn cứ tại các tỉnh, các huyện.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.

Trong điều kiện cách mạng nói chung và khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng nói riêng đang trên đà phát triển mạnh, trên cơ sở các lực lượng tự vệ, du kích các địa phương Cao - Bắc - Lạng đã trưởng thành, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt và chuẩn bị cho việc phát động chiến tranh du kích sắp tới, ngày 22-12-1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân không chỉ là một sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào cách mạng ở vùng căn cứ Cao - Bắc - Lạng, mà còn là một sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với sự ra đời của đội quân chủ lực này, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm 3 thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – đội quân chủ lực; Các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, các châu, các huyện và các đội quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố - lực lượng bán vũ trang địa phương.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, khi thời cơ phát động chiến tranh du kích, thực hành khởi nghĩa giành chính quyền bộ phận đã chín muồi, bản Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (12-3-1945) đề ra phải gấp rút tổ chức thêm nhiều bộ đội du kích và tiểu tổ du kích, thành lập Việt Nam cứu quốc quân.

Ngày 15-5-1945, tại một địa điểm thuộc vùng giải phóng ở Thái Nguyên, lễ hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân, tổng số gồm 13 đại đội. Ngoài các đại đội chủ lực đó, nhiều đơn vị Giải phóng quân địa phương đã được thành lập tại một số tỉnh và cả ở một số huyện khác thuộc Khu giải phóng Việt Bắc. Nhiệm vụ về tổ chức quân sự được đề ra cho Khu giải phóng là mỗi xã phải tiến tới thành lập một số tiểu tổ du kích. Do đó ở nơi nào có tổ chức cứu quốc là nơi ấy có các đội tự vệ, du kích.

Đội du kích Ba Tơ là tổ chức vũ trang đầu tiên ở Nam Trung Bộ ra đời sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11-3-1945) do Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi lãnh đạo.

Ngoài Khu Giải phóng Việt Bắc, tại các chiến khu khác và vùng ngoại vi Khu giải phóng, nhiều đội du kích tập trung đã được thành lập và ngày càng lớn mạnh. Tại chiến khu Trần Hưng Đạo (duyên hải Đông Bắc), đội du kích khi mới được thành lập vào tháng 6-1945 có khoảng 200 người, đến hạ tuần tháng 7 lên tới 500 người, biên chế thành 2 đại đội và 3 trung đội. Tại chiến khu Quang Trung (Hòa Bình – Ninh Bình - Thanh Hóa), ở khu căn cứ trung tâm Quỳnh Lưu (Ninh Bình) ngoài các trung đội tự vệ chiến đấu còn có một trung đội vũ trang thường trực mang tên Giải phóng quân. Tại Quảng Ngãi, lực lượng du kích Ba Tơ khi mới thành lập vào trung tuần tháng 3-1945, chỉ có một trung đội, cho tới đầu tháng 8 đã phát triển thành hai đại đội du kích tập trung ở hai chiến khu Vĩnh Sơn (Sơn Tịnh) và Núi Lớn (Mộ Đức). Mỗi đại đội gồm 5 trung đội, 1 trung đội gồm 5 tiểu đội, tổng số tới 1000 người. Tại Bắc Giang, cùng với việc tổ chức các đội tự vệ ở khắp các thôn xã, trung tuần tháng 2 thành lập đội du kích tập trung của tỉnh, đến tháng 6 thành lập thêm bốn đội du kích của các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Phú Bình và Lục Ngạn. Đồng thời tại nhiều địa phương khác như Hải Dương, Hà Đông, Hà Nam, Hòa Bình… các đội tự vệ cứu quốc và các đội du kích tập trung cũng được xây dựng và phát triển. Tại Nghệ An, các đội tự vệ công nhân, tự vệ cứu quốc được thành lập ở Vinh, Bến Thủy. Tại Thừa Thiên, hầu khắp các xã có cơ sở Việt Minh đều có từ vài tiểu đội đến vài trung đội tự vệ. Tại Hà Nội, hầu hết các hội viên Công nhân cứu quốc, các đoàn viên Thanh niên cứu quốc có tinh thần hăng hái dũng cảm đều gia nhập tự vệ chiến đấu.Tới trung tuần tháng 8-1945, lực lượng tự vệ chiến đấu Hà Nội lên tới 700-800 nghìn người…

Bên cạnh các lực lượng tự vệ, du kích, tại nhiều tỉnh còn lập ra các đội thanh niên xung phong vũ trang, các đội “Danh dự” trừ gian, diệt phản như Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây,Vinh – Nghệ An…

Như vậy, từ những đội tự vệ đầu tiên được tổ chức ở Phú Riềng, Nghệ Tĩnh vào năm 1930; từ một trung đội du kích quân (Cứu quốc quân) đầu tiên ra đời ở Bắc Sơn cuối năm 1940 và từ một trung đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở Cao Bằng cuối năm 1944 cho tới trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Đảng ta đã tổ chức được một lực lượng vũ trang cách mạng khá đông và rộng rãi. Đó là lực lượng tự vệ rất đông đảo ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố, nhiều đội du kích tập trung ở các chiến khu và các căn cứ vũ trang khác; hàng chục đại đội, trung đội Giải phóng quân là bộ đội chủ lực hoặc là bộ đội địa phương ở các tỉnh, các huyện thuộc Khu Giải phóng Việt Bắc. Lực lượng vũ trang ấy cùng với đội quân chính trị to lớn của quần chúng nhân dân đã kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành một sức mạnh lớn của khởi nghĩa toàn phần đánh bại mọi sự phản kháng của quân thù, lật đổ toàn bộ cơ đồ thống trị gần 100 năm của đế quốc phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945 đã hình thành lực lượng vũ trang kiểu mới, tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân ta ngày nay, lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám, lực lượng quần chúng có vũ trang thô sơ là lực lượng đông đảo nhất và giữ vị trí quyết định. Lực lượng vũ trang tuy số lượng không nhiều, thiếu trang bị, non yếu về trình độ tác chiến nhưng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động công kích quân sự ở một số nơi, gây thanh thế cho cách mạng, đồng thời là lực lượng nòng cốt, lực lượng xung kích hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Đại tá Hoàng Dũng, “Lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang trong Cách mạng tháng Tám”, Cách mạng tháng Tám - một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, H. Chính trị quốc gia, 2005, tr. 254-262.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng (1955-2016)

Thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng (1955-2016)

  • 24/08/2016 00:00
  • 742

Chấp hành Nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển. Cùng thời gian này, Bộ đã quyết định thành lập Trường Huấn luyện bờ biển (C45) và Xưởng 46. Sự ra đời của các đơn vị này đã mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển các thành phần nòng cốt đầu tiên của lực lượng Hải quân.