Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/08/2016 00:00 911
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản… có rất nhiều chính khách nổi tiếng xuất thân là luật sư.

Ở Việt Nam hiện nay, khái niệm luật sư - chính trị gia khá xa lạ, nhưng trước đó đã có một thời kỳ “hoàng kim” với hàng loạt những luật sư nổi tiếng làm Bộ trưởng. Những con người ấy không chỉ mở đường cho sự ra đời và phát triển nghề luật tại Việt Nam mà họ đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

Các vị Luật sư - Bộ trưởng dưới đây là các vị Bộ trưởng trong Chính phủ tri thức bậc nhất thời bấy giờ - Chính phủ Trần Trọng Kim. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng không thể phủ nhận Chính phủ Trần Trọng Kim là nơi tụ hội hầu hết tinh hoa giới trí thức Việt Nam đương thời. Tài năng, phẩm chất, vai trò của những con người đó đã được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận, nhiều người trong số họ sau này đã trở thành những nhân vật chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo.

Nội các Chính phủ Trần Trọng Kim (ảnh chụp 20/5/1945).

1. Luật sư Trần Văn Chương (1898-1986)

Luật sư Trần Văn Chương (1898 - 1986).

Luật sư Trần Văn Chương - người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời Thủ tướng Trần Trọng Kim và sau đó là Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa trước khi được bổ nhiệm là Đại sứ đầu tiên tại Mỹ. Ông còn nổi tiếng với vai trò là cha đẻ của phu nhân Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa - Trần Lệ Xuân. Luật sư Trần Văn Chương sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, là con trai của Tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông và cháu gọi Bùi Quang Chiêu là cậu. Ông đỗ Tiến sỹ luật và được bổ nhiệm làm Phó Tổng trưởng Nội các (Phó Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945. Trong thời điểm lịch sử rối ren và tình cha con níu giữ, ông vẫn “sáng suốt” nhận biết được chính sách độc tài của chính quyền Diệm - Nhu nói chung và những việc làm sai trái của con gái Trần Lệ Xuân nói riêng, từ đó ông dứt khoát “từ chức” nhằm thể hiện sự phản đối của mình. Để làm được điều đó, ngoài tư duy chính trị nhạy bén còn phải có một trái tim yêu hòa bình, yêu dân tộc. Ông đã đánh đổi bằng cả “sinh mệnh chính trị” để kiên trung bảo vệ những điều ông cho là lẽ phải. Ông mất tại Hoa Kỳ trong một biến cố gia đình năm 1986.

2. Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986)

Trịnh Đình Thảo là một luật sư và một chính khách nổi tiếng của Việt Nam. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim (1945) và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986).

Việc tốt nghiệp Tiến sỹ Luật khoa khi mới tròn 28 tuổi đã mở ra cho ông con đường quan lộ sáng lạn, nhưng ông lại chọn nghề luật sư đầy vất vả để phát triển. Sau này ông được Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim mời làm Bộ Trưởng bộ Tư pháp, về sau, ông từ chức và bí mật tiếp xúc với những nhà lãnh đạo kháng chiến. 5 lần vào tù ra tội không làm ông phai nhạt lòng yêu nước và suy giảm nhuệ khí đấu tranh. Khi đất nước giành được độc lập, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Với tư tưởng tiến bộ tiếp thu từ nền văn hóa phương Tây, sự trải nghiệm sâu sắc về mọi mặt xã hội thông qua quá trình hành nghề luật sư và quá trình đồng cam cộng khổ trong cuộc đấu tranh của dân tộc, Luật sư Trịnh Đình Thảo đã có quan điểm sống, cách nhìn nhận vấn đề sâu sắc, từ đó có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Ngày 3/4/1986, Luật sư Trịnh Đình Thảo mất tại TP Hồ Chí Minh do tuổi cao sức yếu. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ.

3. Luật sư Phan Anh (1912-1990)

Phan Anh là một luật sư nổi tiếng đồng thời là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Luật sư Phan Anh trải qua một tuổi thơ cơ cực khi mồ côi mẹ từ nhỏ, theo cha lưu lạc khắp nơi, nhưng ông vẫn có những thành tích học tập xuất sắc và theo học ngành Luật tại Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật tại trường Đại học Đông Dương và sang Pháp du học. Trở về nước, ông hành nghề luật sư tại văn phòng của luật sư Bùi Tường Chiểu, trên phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội ngày nay.

Luật sư Phan Anh (1912-1990).

Năm 1941, ông đã cùng ông Vũ Đình Hoè và ông Vũ Văn Hiền lập ra Tạp chí Thanh Nghị để cổ vũ tinh thần yêu nước và tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông được Chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên, nhưng sau đó ông từ chức. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sau đó, liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng. Luật sư Phan Anh còn là“cha đẻ” Hội Luật gia Việt Nam, mở đường cho sự phát triển nghề luật sư tại Việt Nam. Luật sư Phan Anh mất năm 1990 tại Hà Nội. Hiện tên ông được UBND TP Hồ Chí Minh đặt cho một con đường tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

4. Luật sư Vũ Văn Hiền (1911-1966)

Luật sư Vũ Văn Hiền (1911-1966).

Luật sư Vũ Văn Hiền là một con người tài hoa, uyên bác: ông là thủ khoa khoa Luật Trường Đại học Hà Nội - Tiến sỹ Luật khoa - Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Trần Trọng Kim và đã tham gia bào chữa cho rất nhiều chiến sỹ cách mạng. Mặc dù xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, mồ côi cha ngay từ nhỏ, phải sống nương nhờ người bà con nuôi nhưng Vũ Văn Hiền có trí tuệ hơn người và sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc để trở thành Tiến sỹ Khoa luật. Ông đã cùng Luật sư Phan Anh, Vũ Đình Hòe thành lập báo Thanh Nghị. Đây được coi là tạp chí tập trung nhiều cây bút tâm huyết với dân, với nước lừng lẫy một thời. Tháng 4/1945 ông được mời tham gia Nội các Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sau ngày 19/12/1946 ông ở lại Hà Nội, mở Văn phòng luật sư. Sau ngày 19/12/1946, ông không tham gia các hoạt động chính trị mà mở Văn phòng luật sư ở Hà Nội, sống cuộc đời bình dị. Nghề luật sư hoạt động dựa trên một nền tảng kiến thức pháp lý vững chắc cùng sự tiếp xúc với muôn mặt của xã hội, đã tạo cho người theo nghiệp luật sư có những cảm quan sâu sắc về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Có lẽ vì thế, trong Chính phủ tri thức nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ - Chính phủ Trần Trọng Kim - nơi tập trung hầu hết những con người tài hoa lại có đến 4/10 vị Bộ trưởng xuất thân là luật sư. Điều đó đã thể sự tôn vinh, sự coi trọng của xã hội đối với nghề nghiệp cao quý này.

Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phòng GD, CC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Cách mạng Tháng 8 và việc giành chính quyền ở tỉnh Lai Châu năm 1945

Cách mạng Tháng 8 và việc giành chính quyền ở tỉnh Lai Châu năm 1945

  • 16/08/2016 00:00
  • 723

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Chiều ngày 2/9 năm đó, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 71 năm đã qua, và mãi về mai sau, cuộc Cách mạng “mùa Thu” ấy sẽ vẫn là một dấu mốc son chói lọi, in đậm trong lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam.