(Tiếp theo và hết) Phần 2: Câu chuyện về Tiểu đội 2 dũng cảm và 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn
Chiến tranh lùi xa mấy chục năm, nhưng nhắc đến địa danh Truông Bồn, người dân Đô Lương, Nghệ An không ai quên mảnh đất lịch sử ấy và câu chuyện về 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại Truông Bồn. Ngày ấy, khi tuyến đường 1A bị cắt đứt từ Hàm Rồng vào Bến Thủy, toàn tuyến đường 15A kéo dài từ dốc Bò Lăn (giáp Thanh Hóa) tới phà Linh Cảm, nối ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) có độ dài gần 400km đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng không quân Mỹ. Chúng đặc biệt chú ý đến cung đường Truông Bồn - con đường độc đạo từ Bắc vào Nam chỉ dài 5 km. Khi chiếc máy bay F4H mang mật danh "Con ma" bị trung đoàn pháo cao xạ 233 bắn cháy, xác rơi tại Cát Mộng (Nghĩa Đàn), trong tấm áo bay cháy sém của tên giặc lái đã lộ ra tấm bản đồ quân sự tối mật. Trên tấm giấy cứng chống cháy mang dòng chữ "Carte martial" (bản đồ quân sự) tỷ lệ một phần triệu có ghi chi chít ký hiệu "abruyt Bon", "pente Tram", "Cote Lui" men theo sợi chỉ đỏ ký hiệu "Voie"; nghĩa dịch tiếng Anh là dốc Bồn, dốc Trầm, dốc Lụi thuộc đường 15A. Trên mỗi điểm ký hiệu địa danh ấy đều được vạch chéo chữ thập với dòng chữ "De truire", có nghĩa phải hủy diệt. Riêng bến phà Nam Đàn, Bộ Tham mưu không lực Hoa Kỳ tại căn cứ Guyam ghi vào tấm bản đồ dòng chữ "Decepiter un parti politique" (nghĩa là bộ phận chủ yếu). Và chúng cũng không quên ra lệnh cho giặc lái phải "Aneantir" (cần hủy diệt)... Từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1968, không quân chiến lược Mỹ từ đảo Guyam, căn cứ quân sự Utapao (Thái Lan) đã xuất kích hàng nghìn lượt máy bay với đủ loại F8A, F4, F105D, AĐ6, F111 dội hàng vạn quả bom phá, bom sát thương xuống tuyến đường 15A. Trọng điểm dốc Bò Lăn, dốc Lụi (Nghĩa Đàn), Phà Sen, Khe Thần, Truông Trầm (Tân Kỳ), Cống Hiệp Hòa, Cầu Khuôn, Cầu Om, Truông Bồn (Đô Lương), dốc Cũi Lợn, Nam Nghĩa, phà Nam Đàn (Nam Đàn), Cầu Rào Gang (Thanh Chương)… ngập chìm khói bom. Thâm độc hơn, chúng còn ném bom từ trường, bom hẹn giờ gắn bộ phận chống tháo gỡ ngòi nổ. Và lần đầu tiên, không quân Mỹ thả "cây nhiệt đới", loại thiết bị điện tử dò tiếng động cơ giới để báo tọa độ có xe vận tải dọc tuyến đường 15A cho máy bay ném bom. Tháng 3/1967, máy bay chiến lược B52 từ căn cứ Utapao (Thái Lan) đã rải thảm bom tấn đoạn đường qua dốc Lụi, Khe Thần, Truông Trầm (Tân Kỳ). Gần 300 chiếc xe cơ giới chuyển hàng vào mặt trận đã trúng bom dọc tuyến đường 15A khi chưa chạm Truông Bồn. Mật độ đánh phá dày đặc với tính chất hủy diệt của không quân Mỹ vào hệ thống giao thông Nghệ An, những tháng cuối năm 1967, đầu năm 1968 đã cản trở lượng hàng hóa chuyển tới chiến trường miền Nam. Từ 6.500 tấn hàng mỗi tháng qua Nghệ An, sau chỉ còn 1.420 tấn. Phi công Mỹ xảo quyệt thay đổi thủ đoạn ném bom theo thời tiết, chọn trọng điểm đánh phá liên tục xuống 70 km dốc cao, bờ vực, bãi lầy và 30 chiếc cầu trên tuyến đường 15A. Truông Bồn trở thành "cửa tử" giống như Ngã ba Đồng Lộc.

Bộ đội và lực lượng thanh niên xung phong bàn phương án bảo vệ đường Truông Bồn năm 1968 (ảnh tư liệu).
Trong thời điểm căng thẳng của chiến tranh, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 đến kiểm tra công tác vận tải ở Truông Bồn, đồng chí có căn dặn: Truông Bồn là một trọng điểm giao thông ở đây, nó cũng như dòng máu trong một cơ thể thống nhất, quyết không thể ngừng chảy.
Để đảm bảo nhiệm vụ giữ thông suốt tuyến đường, bộ đội và thanh niên xung phong cùng lực lượng dân quân địa phương luôn đề cao tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”. Hai Đại đội thanh niên xung phong 317 và 304 thuộc Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An tuổi đời họ đều còn rất trẻ, được phân công bám chốt, trụ giữ đảm bảo thông suốt cung đường Truông Bồn. Hai Đại đội đã chia đơn vị thành 18 Tiểu đội, phân công nhau trực, bám cung đường suốt 24/24 giờ. Công việc của họ vô cùng vất vả và bận rộn vì cường độ ném bom liên tục của giặc. Phương tiện làm việc của họ là quang, gánh, cuốc, xẻng. Khi dứt tiếng bom là ào ra đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom, đảm bảo đường cho xe đi. Dụng cụ thiếu, lại chóng hỏng, dựa vào núi rừng có nhiều song mây, các tiểu đội phải tranh thủ vào rừng chặt song mây tết quang, thúng, băng chuyền đất, đá. Ban ngày, mọi người đều hướng ra mặt đường, quan sát vị trí ném bom và các hố bom, rồi vận chuyển đất, đá lấp hố bom. Ban đêm trực chiến, lắm khi giặc đánh phá liên tục, nhiều khi họ phải gánh đất đá trong đêm tối không đèn. Những đêm không có trăng, anh chị em phải dò dẫm từng đoạn hoặc tự mình định vị theo trí nhớ mà làm. Nhiều thời kỳ, họ đang vá đoạn đường mới bị bom phá chưa xong, máy bay Mỹ lại ào đến ném đợt mới, hố bom chống chất hố bom, đào sâu lòng đường; họ vẫn kiên trì vá nối lại từ đầu. Có khi thức trắng đêm, vá xong đoạn đường, vừa về đến lán chưa kịp ngả lưng, lại đã nghe kẻng báo động. Lại ra cứu hộ xe, hàng, lại lấp hố bom mới. Cuộc sống của các anh chị thanh niên xung phong ở Truông Bồn ngày ấy cực kỳ căng thẳng, vất vả, nguy hiểm vì cái chết luôn rình rập trên đầu họ. Hầu như họ không có lấy một ngày ngơi nghỉ. Những khi trời mưa, con đường biến thành hố bùn, bùn dầy có khi tời cả mét, nhão nhoét như hồ. Xe vẫn phải đi, nhưng không tài nào tìm ra đường. Anh chị em TNXP lại thay nhau dò dẫm lội vào bùn, tìm tim đường, giăng tay làm cọc tiêu cho xe đi. Từ đầu chí chân, người nhoe nhoét bùn, bùn chui cả vào tai, vào mũi, vào miệng. Gian khổ là vậy đấy, nhưng không ai bỏ nhiệm vụ bao giờ. Thời chiến, ăn uống lại kham khổ, thiếu lương thực, có khi phải ăn khoai luộc, ăn cháo cầm hơi mấy ngày, nhưng nhiệm vụ thì vẫn phải hoàn thành. Tiểu đội 2 bất tử của Truông Bồn cũng không nằm ngoài sự gian khổ, khốc liệt, khó khăn, thiếu thốn đó.

Chân dung nữ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Thị Thông (năm 1968).
Tiểu đội 2 thuộc đại đội 317 có 14 chiến sĩ do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng, chị Trần Thị Doãn sinh 1948 là tiểu đội phó. Có các chị Phan Thị Dung sinh 1948, Hoàng Thị Nhung sinh 1948, Vũ Thị Hiên sinh 1948, Nguyễn Thị Văn sinh 1950, Nguyễn Thị Hoài sinh 1951, Nguyễn Thị Tâm sinh 1946, Nguyễn Thị Phúc sinh 1947, Hà Thị Đang sinh 1948, Đinh Thị Vinh sinh 1950, Đàm Thị Bốn sinh 1947. Trong tiểu đội có 2 anh là Cao Ngọc Hòa sinh 1948, Trần Văn Hợp sinh 1947.

Chân dung 13 liệt sĩ Tiểu đội 2 thanh niên xung phong hy sinh ngày 31-10-1968.
Nhiệm vụ của Tiểu đội 2 được cấp trên giao cho là trực chiến, bám đường, đánh dấu vị trí bom, làm nhiệm vụ san lấp hố bom, làm cọc tiêu dẫn đường cho xe qua trọng điểm v.v... Tiểu đội đã luôn đoàn kết, thương yêu, giúp nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Họ đã trải qua 3 mùa mưa, nắng khắc nghiệt của miền Trung; qua biết bao nhiêu trận bom nhiều không thể kể xiết. Thế nhưng có 1 ngày định mệnh với toàn Tiểu đội vào cái ngày mà chỉ còn mấy tiếng nữa thì hiệp định ngừng đánh phá miền Bắc có hiệu lực.
Lúc đó, Tiểu đội 2, có các chị Đang, Dung, Phúc, Doãn, Hiên nhận được giấy báo nhập học vào Trường Trung cấp chuyên nghiệp. Chị Tâm được ra quân vì đã hoàn thành nghĩa vụ, chị sẽ về nhà chuẩn bị đám cưới với anh Hòa, người cùng tiểu đội 2. Đơn vị đã làm bữa cơm chia tay nho nhỏ chiều ngày hôm trước tiễn người về đi học và ra quân. Đêm đó, các cô gái và chàng trai Tiểu đội 2 xúc động vừa cười, vừa khóc ôn với nhau nhiều kỷ niệm. Ba năm họ gắn bó, lăn lộn với nhau để làm nhiệm vụ lúc ở Khe Thần, Rào Găng, Phương Tích, khi ở Cầu Cấm, Hoàng Mai. Vậy mà bây giờ kẻ ở, người đi. Người được đi là sung sướng, người ở lại thì gian khổ bội phần và luôn cận kề cái chết. Ai cũng dưng dưng…Trời sáng. Còn 1 ngày ở lại trận địa, ai cũng muốn làm buổi cuối cùng với trận địa, chia tay gian khổ, chia tay với cuốc xẻng, để từ mai cuộc đời họ sẽ sang trang mới. Không ai ngờ rằng ngày hôm sau lại là một ngày định mệnh với họ.

Tượng đài Chiến thắng và tưởng niệm Truông Bồn có tạc tượng 13 liệt sĩ Tiểu đội 2.
Đêm 31-10-1968, anh Trần Văn Hạp làm nhiệm vụ trực ban. Mới 4 giờ 30, anh Hạp đã thổi còi báo thức đơn vị, sớm hơn bình thường 30 phút. Đơn vị đã được cấp trên phổ biến: Sau 12 giờ đêm nay, lệnh ngừng bắn có hiệu lực; nhất định trong ngày, máy bay Mỹ sẽ ném bom nhiều hơn trước khi ngừng bắn. Cả tiểu đội thức dậy sớm ra trận địa. Mới 5 giờ mà đã có mấy tiểu đội cùng ra mặt đường. Hôm nay họ đều làm ở dốc Kỳ Lợn. Vừa làm chưa được bao lâu thì trên chòi gác máy bay của dân quân báo có máy bay địch. Tiếng hét có máy bay vừa dứt thì hàng loạt bom đã dội xuống toàn khu Truông Bồn, xuống dốc Kỳ Lợn. Từng loạt bom nổ một dãy dài, tới tấp. Chìm trong mù mịt khói lửa, Truông Bồn như biến mất sau loạt bom. Điều đau thương không ngờ, là loạt bom đó đã chôn vùi và cướp đi gần như toàn bộ sinh mạng của cả tiểu đội 2. Sau loạt bom, dân quân, bộ đội và thanh niên xung phong các tiệu đội gần đó chạy lại dốc Kỳ Lợn tìm tiểu đội 2 thì chỉ còn là những hố bom toang hoác. Nhờ nòng súng nhô lên mặt đất một tí, họ đã bới và cứu được Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Đào bới, dùng máy gạt cả ngày họ mới bới tìm được 6 thi thể của các chị Phúc, Doãn, Đang, Vinh, Bốn, anh Hòa. Còn lại 7 người là anh Hạp, các chị Dung, Nhung, Hiên, Văn, Hoài, Tâm không thể tìm thấy. Thân xác các anh, chị đã tan vào đất trời Truông Bồn. Họ hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ. Đau xót là chỉ còn gần 1 ngày nữa, lệnh ngừng chiến toàn miền Bắc có hiệu lưc. Ước mơ được đi học của các chị Đang, Dung, Phúc, Doãn, Hiên đành dang dở. Ước mơ cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình của chị Nguyễn Thị Tâm và anh Cao Ngọc Hòa đã cùng anh chị hòa vào mây trời quê hương.

Ngôi mộ chung của các liệt sĩ thanh niên xung phong tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Sau này, khi chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Truông Bồn, bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng, nhân chứng sống duy nhất của tiểu đội, dưng dưng kể lại giây phút đau thương đó với các nhà báo: “Sáng 31-10-1968, trực ban thổi còi báo thức đi làm. Đến hiện trường được khoảng 10 phút máy bay rào rào. Tôi, anh Hòa, o Vinh xuống chung một hầm, nghe Vinh khóc, tôi định nói với nó: Giờ ta chịu chết chứ không kêu được ai đâu, liền đó hoa mắt không biết gì nữa.
Sau này nghe các đồng chí nói lại: Dân quân địa phương đào sẵn 14 huyệt trên đồi vì không hy vọng ai sống sót. Nhờ cái đầu ruồi nòng súng của mày nhô lên mặt đất, lắc lắc nòng súng nghe rên rỉ dưới đất. Bộ đội công binh đang rà phá bom lại giúp sức, đào thấy nửa cái cổ, không nghĩ là mày mà ngờ là con Hoài, sau đó đưa anh Hòa, o Vinh lên thì cả 2 đã chết. Riêng Doãn, Bốn, Phúc, Đang nằm chung một hầm bị chết cả rồi, nhờ máy xúc tìm được 4 chị em, còn nữa đều mất tích. Đơn vị đưa tôi về trường học của xã. Hồi đó các đơn vị bộ đội đi B qua đây thường nghỉ chân để lấy sức hành quân. Bác Thởm chủ nhà nói với các anh bộ đội là còn nước còn tát. Tiểu đội O ni chết cả rồi, đơn vị cũng tan tác. Nhờ các anh cứu lấy mạng sống cho em nó…Tôi tỉnh lại thấy mình được truyền một lọ nước trăng trắng. Các anh bộ đội nói: “Sang đây từ 6 giờ, em không biết gì hết. Đã 3 giờ chiều, các anh không thể dừng lâu”.

Tháp chuông tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Gần 50 năm qua đi, câu chuyện và sự hy sinh của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong Tiểu đội 2 thuộc Đại đội 317 thật vô cùng xúc động. Họ ra đi trong độ tuổi đẹp nhất của đời người vì Tổ quốc. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi câu chuyện về sự hy sinh của các anh, các chị. Ngày nay, Truông Bồn trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục mọi thế hệ về lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Mãi mãi biết ơn cac anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc! Mãi mãi tự hào có một Truông Bồn huyền thoại!
Minh Vượng
Nguồn TLTK:
- Thánh ca Truông Bồn. Nhà xuất bản Phụ nữ, 2012.
- Vai trò của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa phan Đình Phùng (Báo Nhân dân 1987).
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An.
- Truông Bồn - Khúc tráng ca về lòng quả cảm. Nhà xuất bản GTVT, 2012.
- Tài liệu của Ban quản lý di tích Truông Bồn.