Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/05/2016 00:00 969
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ cách mạng Hồ Chí Minh, đất nước ta đã tiến những bước nhảy vọt vĩ đại, mở đầu bằng một cuộc Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Một kỷ nguyên mới của dân tộc đã đến - kỷ nguyên độc lập tự do. Có sự kiện lịch sử vĩ đại này là nhờ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã biết kết hợp một cách tài tình chủ nghĩa Mác - Lênin với giá trị triết lý lịch sử phương Đông và tư tưởng văn hóa Việt Nam làm cơ sở tư tưởng cho mọi hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn của dân tộc.

Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới bị chủ nghĩa đế quốc xâm lược và thống trị. Ách áp bức và thôn tính dân tộc của chủ nghĩa đế quốc thực dân càng nặng, sự phản ứng dân tộc càng tăng, nhu cầu giải phóng các dân tộc khỏi sự nô dịch của chủ nghĩa đế quốc thực dân càng khẩn thiết. Cuộc đấu tranh để giải phóng các dân tộc thuộc địa đã trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng của nhân loại trong thời đại cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Nắm vững quan điểm biện chứng duy vật, Hồ Chí Minh đã phân tích một cách khách quan cấu trúc kinh tế, xã hội và giai cấp ở các nước phương Đông không giống các nước phương Tây nên cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông diễn ra không giống như ở phương Tây. Ngược lại thì cuộc đấu tranh dân tộc diễn ra liên tục. Song các cuộc nổi dậy đó đều đã lần lượt bị dập tắt vì thiếu tổ chức và lãnh đạo đúng đắn. Nhân dân thuộc địa cũng như nhân dân Việt Nam vẫn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, chưa tìm được con đường đến độc lập tự do.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng (Sài Gòn).

Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước đã đến với ánh sáng giải phóng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã ý thức rằng phải dựa vào thực tế, tôn trọng quy luật khách quan trong việc xây dựng lý luận, hoạch định chiến lược, đường lối, chủ trương và phương thức cách mạng. Vào đầu năm 1924, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo L'unité, Hồ Chí Minh nói sau khi học xong ở Trường Đại học Phương Đông Mátxcơva trở về Tổ quốc, Người tiếp tục đi theo con đường Cách mạng tháng Mười và sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được. Nhờ tham gia hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh nhận thấy tình hình ở các thuộc địa của Pháp nói chung và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản - Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó. Vì vậy, trong thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản tháng 4-1924, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó”. Người không có ý định đệ trình với Quốc tế Cộng sản một luận cương mà “chỉ muốn nêu cho thấy sự cần thiết... là phải nghiên cứu tất cả một cách chính xác, và phải tạo ra cái gì đó nếu chưa có gì”. Nói một cách cụ thể là phải khảo sát và nghiên cứu thực tế.

Nhờ có ý thức phải nghiên cứu tất cả một cách chính xác, Hồ Chí Minh đã có một sự hiểu biết phong phú, sâu sắc về lịch sử, đất nước, xã hội và con người Việt Nam. Đây là điểm xuất phát để Hồ Chí Minh xây dựng lý luận, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương và phương pháp cách mạng đúng đắn và sáng tạo.

Hệ quả của chính sách xâm lược, thống trị và bóc lột thuộc địa một cách tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc thực dân đã làm cho mâu thuẫn giữa chúng với các dân tộc bị nô dịch càng sâu sắc. Phong trào dân tộc của nhân dân các thuộc địa đã liên tục phát triển. Nhân dân các thuộc địa nói chung, châu Á và Việt Nam nói riêng sẵn có một tiềm năng cách mạng to lớn. “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”. Khi thời cơ đến, cách mạng thuộc địa sẽ bùng nổ quyết liệt và giành được thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc.

Ngay từ năm 1921, Hồ Chí Minh đã nêu rõ khả năng đó rằng: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Quả là một dự kiến táo bạo, sáng tạo và mang tính biện chứng khách quan, vượt xa những đánh giá của Quốc tế cộng sản về khả năng cách mạng thuộc địa lúc bấy giờ.

Muốn gieo hạt giống của công cuộc giải phóng và tổ chức nhân dân đấu tranh thì trước hết phải có đảng cách mạng. Đảng có vững, cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Chính vì vậy, Người đã tích cực tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng, lập ra Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên (1925). Hội này là cơ sở cho một đảng cách mạng lớn về sau. Tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước, những đại diện ưu tú tiêu biểu của dân tộc thành tổ chức tiền thân là một nét sáng tạo của Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị sáng lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa. Đến đầu năm 1930, trước sự xuất hiện các Đảng Cộng sản hoạt động biệt lập ở nước ta, Hồ Chí Minh đã xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử, chủ động, quyết đoán, độc lập và sáng tạo phát huy đầy đủ quyền quyết định của mình đối với mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương để thống nhất các tổ chức cộng sản lập thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng đạo đức và văn minh, đội tiền phong cách mạng, đại biểu cho lợi ích, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
(Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh).

Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo và tổ chức nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, con đường kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, song trước hết là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã vạch rõ cách mạng ở các nước thuộc địa trước hết là một cuộc dân tộc cách mệnh. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người soạn thảo đã xác định chiến lược cách mạng của Đảng là thực hiện cuộc tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng tuy vắn tắt song đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam phù hợp với nhu cầu của sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc và thuận chiều tiến hóa của thời đại.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Pháp - Nhật cấu kết với nhau thống trị dân ta vô cùng tàn bạo. Quyền lợi của tất cả các giai cấp đều bị chúng tước đoạt. Thái độ chính trị của các giai cấp và các tầng lớp nhân dân Việt Nam có sự chuyển biến lớn. Không chỉ có công, nông, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân lao động khác mà cả số đông tư sản bản xứ; tiểu và trung địa chủ cũng căm tức đế quốc phát xít Pháp - Nhật và tay sai. Vì vậy, Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định phải thay đổi chiến lược. Đảng xác định cuộc cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền có tính chất phản đế và điền địa mà là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhằm đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp giành lấy độc lập tự do. Sau khi đánh đuổi được Nhật - Pháp sẽ thành lập một kiểu nhà nước dân tộc theo thể chế dân chủ cộng hòa, lấy lá cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ Tổ quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân Đại hội cử ra. Sự thay đổi chiến lược quan trọng đó là một bước tiến mới về đổi mới tư duy chính trị của Đảng, của Hồ Chí Minh - một thay đổi có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cách mạng giải phóng phải do lực lượng đại đoàn kết của dân tộc thực hiện. Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ sức để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể nhờ vào sức của mình mà thôi. Từ quan điểm đó, cương lĩnh đầu tiên của Đảng thể hiện thành chủ trương thu phục, tập hợp đông đảo quần chúng công nhân và nông dân, hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, phú nông, tư sản tiểu và trung địa chủ, còn các bộ phận nào phản cách mạng thì phải đánh đổ. Từ tháng 5-1941 trở đi, thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi Nhật - Pháp, Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, tôn giáo và xu hướng chính trị. Đồng thời phải có hình thức tổ chức thích hợp, có khả năng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc với mọi đối tượng đoàn kết. Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, là một tổ chức có sức quy tụ và dẫn dắt cả dân tộc vùng lên đánh đuổi Nhật - Pháp, thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào ta đều mong ước là nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân Việt Nam được sung sướng tự do.

Cách mạng giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng vùng lên đánh đổ ách thống trị tàn bạo của bọn đế quốc thực dân. Khởi nghĩa dân tộc và chiến tranh giải phóng dân tộc là những phương thức đấu tranh cơ bản của nhân dân thuộc địa để đập tan nền thống trị của đế quốc và tay sai. Hồ Chí Minh đã sớm nêu quan điểm về khởi nghĩa dân tộc kết hợp đấu tranh ở nông thôn và đô thị, đặc biệt là khởi nghĩa ở các trung tâm chính trị đầu não của giai cấp thống trị.

Hồ Chí Minh cũng đã sớm dự đoán về khả năng khởi nghĩa vũ trang thắng lợi ở Đông Dương. Để đưa đến thắng lợi, cuộc khởi nghĩa ở đây “phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải là một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng ở châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc theo phương pháp của những nhà cách mạng trước đây”. Những quan điểm rất cơ bản và sáng tạo trên của Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận để chính Người và Ban Chấp hành Trung ương Đảng vạch ra chủ trương, biện pháp tiến hành chuẩn bị và tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền về sau.

Để tiến lên khởi nghĩa, bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hội nghị hợp nhất Đảng đầu năm 1930 thông qua đã nêu lên chủ trương Đảng phải thu phục cho được đông đảo công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, cả phú nông, tiểu và trung địa chủ về phía cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) đã đề cập đến cách tranh đấu để giành chính quyền bằng phương thức “võ trang bạo động” và nêu các nguyên tắc về khởi nghĩa vũ trang theo học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Bút tích trang đầu dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, tháng 10/1930.

Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng của nhân dân ta. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Người trực tiếp chỉ đạo đã nêu rõ cuộc cách mạng Đông Dương phải kết thúc bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang “Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”.

Để đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi, Đảng đã tích cực chuẩn bị cả lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang, đấu tranh cả ở nông thôn và đô thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa mà đòn quyết định là khởi nghĩa ở trong các thành phố như Hồ Chí Minh đã nêu trong năm 1924. Khởi nghĩa dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc, nổ ra trong toàn quốc cả ở nông thôn và đô thị mới xóa bỏ được toàn bộ hệ thống chính trị của bọn đế quốc và tay sai. Song khởi nghĩa ở các đô thị, các thành phố, nhất là các thủ phủ lớn mới đập tan được trung tâm đầu não của giai cấp thống trị. Kinh nghiệm lịch sử các cuộc khởi nghĩa trên thế giới từ Tây sang Đông đều cho thấy rõ ý nghĩa quyết định thắng lợi của khởi nghĩa ở thành phố, ở thủ đô. Từ tháng 3 đến tháng 8-1945, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn quốc, khởi nghĩa từng phần ở vùng rừng núi, nông thôn, phát động du kích chiến tranh, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, lập chính quyền bộ phận, chuẩn bị những tiền đề trực tiếp cho cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Tháng 8-1945, thời cơ ngàn năm có một cho ta giành chính quyền đã đến, song nguy cơ mới cũng đã xuất hiện. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã quyết định phải tập trung lực lượng, thống nhất quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy, kịp thời hành động, không bỏ thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa cả ở thành phố và nông thôn, đặc biệt là các thành phố. Ủy ban Khởi nghĩa đã ra mệnh lệnh phải “tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch”, và “phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm”. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là do lực lượng của toàn dân tiến hành có lực lượng vũ trang làm nòng cốt và xung kích đã diễn ra thắng lợi trong cả nước, tiêu biểu và giữ vai trò thắng lợi quyết định là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19-8), Huế (ngày 23-8), Sài Gòn (ngày 25-8).

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.(Ảnh: TTXVN)

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công rực rỡ. Đây là một thành công sáng tạo của Hồ Chí Minh, của Đảng trong phương thức và nghệ thuật khởi nghĩa dân tộc. “Hành động mau lẹ của Đảng ta chuyển nhanh từ chiến tranh du kích cục bộ ở nông thôn sang phát động tuyệt đại đa số quần chúng nhất tề đứng lên cùng với lực lượng vũ trang mới tổ chức và ít ỏi lúc ban đầu, tiến hành khởi nghĩa ở thành thị là một chủ trương vô cùng sáng suốt của Trung ương Đảng lúc bấy giờ trong việc nắm thời cơ. Chỉ trong một thời gian ngắn mà đã đánh đổ được toàn bộ chính quyền phản động, thiết lập chính quyền cách mạng trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, là nhờ khí thế vùng dậy lay trời chuyển đất của hàng triệu quần chúng, tạo nên một ưu thế áp đảo, giáng một đòn quyết định vào tất cả cơ quan đầu não của bọn Việt gian, làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, khiến cho chúng không kịp trở tay”. Lúc bấy giờ “khi thời cơ đã xuất hiện, mà ta chỉ đưa vào rừng núi và nông thôn mà không nhanh chóng động viên hàng triệu quần chúng đứng lên, không chuyển toàn bộ lực lượng chính trị và vũ trang của ta giáng những đòn tiến công quyết liệt vào trung tâm thần kinh của địch ở thành thị thì có thể ta đã lỡ một thời cơ có một không hai trong những ngày tháng 8 năm 1945”.

Chớp thời cơ thuận lợi ngàn năm có một, bằng sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, Việt Nam đã đứng dậy xóa bỏ nhanh chóng bộ máy thống trị của đế quốc và tay sai, thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một điển hình về cách mạng dân tộc, một cuộc cách mạng vô cùng nhân đạo, thể hiện chủ nghĩa dân tộc sáng suốt.

Thành công của Cách mạng tháng Tám đã đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nước độc lập tự do. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Quốc dân Đại hội bầu ra là một Chính phủ của dân, do dân và vì dân.

Sự ra đời và lớn mạnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một nhân tố cách mạng cơ bản, một vũ khí để động viên và tổ chức sức mạnh của toàn dân tộc tiến hành kháng chiến và kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975) thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc sẽ còn mãi về mặt giá trị lý luận và thực tiễn, với mọi dân tộc và với mọi thời đại. Đó là một sự đóng góp vô cùng lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc được ghi nhận như là một sự đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại, H. Sự thật, 1970, 44 tr.

- Hồ Chí Minh - Nhà chiến lược quân sự thiên tài, H. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2013, 668 tr.



Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Hà Nội lần đầu tiên tổ chức mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hà Nội lần đầu tiên tổ chức mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • 17/05/2016 00:00
  • 764

Ngày 18/5/1946, trên số 243 của báo Cứu Quốc, trong bài “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, Tổng bộ Việt Minh thông báo cho toàn dân biết ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành những lời vô cùng xúc động đánh giá công lao trời biển của Người đối với dân tộc ta: “Ngày 19 tháng 5 này, 56 năm trước đây đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính Ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động cả hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của Ông nhào nặn. Ông là người Cha của cách mạng Việt Nam và là linh hồn của cuộc cách mạng ấy. Ngày 19/5/1890, ngày Ông trông thấy bầu trời Việt Nam là ngày rất quan hệ đến vận mệnh dân tộc Việt Nam. Chúng ta, dân tộc Việt Nam, chúng ta đi từ giai đoạn một nước nô lệ đến giai đoạn một nước tự do là nhờ có Hồ Chí Minh”.