Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/05/2016 00:00 792
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính quyền cách mạng non trẻ cùng một lúc phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thù trong giặc ngoài câu kết với nhau hòng lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Trong lúc thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính quyền cách mạng đã dựa hẳn vào dân, tiếp tục xây dựng và củng cố Mặt trận Việt Minh vững mạnh với phương châm “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”. Nhờ đó, chỉ trong 16 tháng, ta đã xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân thật sự là của dân, do dân, vì dân, chủ động bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, bảo vệ độc lập dân tộc.

Ngày 19-8-1948, cờ đỏ tung bay ở phủ Khâm Sai thì chỉ hai ngày sau, 21-8-1945, Thường Vụ Xứ ủy Bắc kỳ họp, quyết định điều động cán bộ, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền ở Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Trần Quang Huy được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Thành ủy thay đồng chí Nguyễn Quyết đi công tác khác. Thành ủy vẫn duy trì hệ thống bí mật, lấy danh nghĩa Thành bộ Việt Minh để hoạt động công khai. Đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố được cử phụ trách công tác tuyên truyền của Thành bộ Việt Minh, nắm đầu mối Đảng – đoàn của các đoàn thể Công nhân, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân cứu quốc và các Hội quần chúng như Hội Văn hóa cứu quốc, Việt Nam cứu quốc hội; Hội công thương…

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Cách mạng Lâm thời được cải tổ thành Ủy ban nhân dân, mở rộng thành phần Ủy viên Ủy ban gồm cả các nhân sĩ, trí thức yêu nước để chính quyền mang tính chất nhân dân rộng rãi. Ngày 30-8-1945, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thành lập do bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch.

Mặt trận Việt Minh được củng cố và mở rộng theo phương châm “đoàn kết tất cả các lực lượng có thể đoàn kết được” và được tổ chức từ Thành phố xuống dưới các khu phố, làng xã. Các đoàn thể cứu quốc làm nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tiến hành đại hội để kiện toàn tổ chức như Đại hội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (27-8-1945), Đại hội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu (2-11-1945), Đại hội đại biểu công nhân Bắc bộ (26-10-1945). Từ tháng 5-1946, Hà Nội có 17 khu nội thành và 5 khu ngoại thành. Do đó, tổ chức của Mặt trận Việt Minh được phát triển theo hệ thống từ thành phố xuống các Khu của nội, ngoại thành.

Với tính chất, đặc thù của Thủ đô, các hội quần chúng không chỉ của Hà Nội mà còn đại diện cho cả nước đã được mở rộng. Hội Văn hóa Cứu quốc; Dân chủ Đảng đều đã thu hút thêm nhiều hội viên hơn trước. Một số Hội được thành lập mới như Hội Công thương, Cựu Binh sĩ Cứu quốc đoàn, Hội Phật giáo Cứu quốc, Liên đoàn Công giáo Cứu quốc. Mặt trận Liên Việt của Hà Nội cũng được hình thành bao gồm các đoàn thể cứu quốc và các nhân sĩ trí thức ngoài Việt Minh, các lực lượng yêu nước. Ngày 31-7-1946, lập Liên hiệp Công đoàn Hà Nội. Tháng 7-1946, Đảng Xã hội Việt Nam cũng được lập ra để tập hợp rộng rãi trí thức yêu nước của Thủ đô, góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Ngày 20-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội ra đời. Ngày 24-11-1946, Đại hội lần thứ Nhất của Hội Văn hóa Cứu quốc đã khơi nguồn sức mạnh mới cho văn nghệ sĩ Thủ đô chuẩn bị bước vào kháng chiến.

Nhân dân khu Hà Trung, Hà Nội cổ động phong trào diệt giặc dốt, ngày 6-12-1945.

(Ảnh TL BTLSQG)

Đặc biệt quan tâm chăm lo khối đại đoàn kết dân tộc, trong những ngày vận nước gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm các chức sắc Phật giáo ở chùa Quán Sứ và thân mật dự bữa cơm chay (16-10-1945), dự ngày Thu Lễ của Đức Khổng Tử do Hội Tư Văn Thăng Long tổ chức tại Văn Miếu (21-10-1945), dự trại của Hướng đạo sinh (16-11-1945; đi thăm lớp Bình dân học vụ ở trường Hoài Đức (13-4-1946); thăm thầy trò trường Trưng Vương (26-10-1946). Người viết thư cảm ơn các ông Bùi Huy Đức, Hoàng Gia Luận, Hồ Đắc Điềm…đã đóng góp nhiều tiền bạc, của cải giúp Chính phủ cứu đói trong phong trào nhường cơm sẻ áo. Trong buổi lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân tổ chức tại Nhà Hát Lớn ngày 15-11-1946, Người gửi tặng các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận hai chiếc áo trấn thủ để làm gương cho đồng bào ủng hộ may áo trấn thủ cho bộ đội. Đạo đức cách mạng liêm khiết và tấm gương của Người chính là linh hồn của ngọn cờ Việt Minh.

Đoàn xe điện chở gạo cứu đói giúp đồng bào bị lũ ở Hà Đông, năm 1945 (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Dưới ngọn cờ Việt Minh, các tầng lớp nhân dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội bằng nhiều cách thức: tham gia vào Tuần lễ vàng, lập quỹ Độc lập, quỹ Đảm phụ quốc phòng, mở Ngân hàng Việt Nam, ủng hộ tiền để mua vũ khí trang bị cho tự vệ Thành ở các khu phố. Từ các doanh nhân nổi tiếng như Đỗ Đình Thiện, Trần Văn Lai, Trịnh Văn Bô, Vạn Vân, Hòa Tường, Trịnh Đình Kính… đến bà con tiểu thương, nhân dân lao động ở nội ngoại thành đềo đồng lòng hưởng ứng Việt Minh, góp tiền, góp vàng, ủng hộ ngân quỹ Chính phủ, mở những công ty đầu tiên của Nhà nước Việt Nam DCCH như Liên đoàn vận tải các công ty cổ phần, Ngũ cốc công ty; Công ty chế tạo vũ khí…

Các phong trào do Việt Minh phát động đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, với niềm tin tươi sáng vào chế độ Dân chủ - Cộng hòa. Công nhân tham gia “Giờ làm cứu nước”, ủng hộ Nam bộ kháng chiến. Nam nữ Hội Thanh niên Việt Nam và Thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc nhiệt tình, hăng hái xung phong tham gia dạy ở các lớp học bình dân, xóa nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới, đi tiên phong trong phong trào thể dục “Khỏe vì nước”, bỏ các hủ tục trong việc cưới xin, tang ma; xây dựng thí điểm các Hợp tác xã cổ phần ở các khu nội thành và Hợp tác xã nông nghiệp ở Phúc Tân, Long Biên.

Các nhân sĩ, trí thức tham gia xây dựng nền khoa học dưới ánh sáng mới; tiêu biểu là các ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xiển, Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Khắc Hòe; Phan Anh, Dương Đức Hiền, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thành Lê, Ngô Tử Hạ… Đội ngũ văn nghệ sĩ có Văn Cao, Tô Hoài, Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Chính Hữu, Tô Ngọc Vân, Phan Kế An…làm nòng cốt cho Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức Tuần lễ Văn hóa (từ ngày 7 đến 14-10-1946), bước đầu sáng tác văn học- nghệ thuật theo phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Báo chí và các nhà in ở phố Vua Lê, Hàng Bồ, Hàng Gai…phục vụ việc in sách báo: Công báo của Chính phủ, báo Sự Thật của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, báo Sao Vàng của Quân đội, báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh, đã góp phần rất quan trọng trong công tác giáo dục, tuyên truyền chính sách của Đảng và Chính phủ.

Lịch in hình ảnh hoạt động của các tổ chức, đoàn thể cách mạng với khẩu hiệu: Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, ủng hộ Mặt trận Việt Minh. In tại nhà in Lê Hưng, Hà Nội, năm 1947. (HV gốc BTLSQG)

Một số trí thức cảm phục tấm gương Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từ Pháp trở về nước như: Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Giáo sư - bác sĩ Trần Hữu Tước, Giáo sư Trần Đại Nghĩa (tức Phạm Quang Lễ), ông Võ Quý Huân…đã một lòng tận tâm phục vụ nhân dân. Uy tín, ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính sách đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh đã có tác dụng vô cùng to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, khuynh hướng chính trị, miễn là thực tâm ủng hộ chính phủ xây dựng đất nước, củng cố chính quyền. Do đó, những cuộc tập hợp biểu tình chống Chính phủ Hồ Chí Minh, xuyên tạc chính sách của Việt Quốc, Việt Cách đều bị tự vệ và quần chúng nòng cốt ở các đoàn thể tổ chức biểu tình phản đối tại Bờ Hồ, phố Hàng Đào, phố Quan Thánh… làm tan rã hàng ngũ của bọn tay sai. Âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng sớm bị phát hiện và diệt trừ tận hang ổ ở Ôn Như Hầu, Quan Thánh, Ngũ Xã (12/7/1946).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhân sĩ yêu nước tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội,

tháng 10-1946. (Ảnh TL BTLSQG)

Trong 16 tháng xây dựng, Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể, các Hội quần chúng ở Thủ đô Hà Nội đã phát triển mạnh so với giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Nhờ đó mà Đảng - Chính quyền có chỗ dựa vững chắc nhất - sức mạnh vô địch của khối đoại đoàn kết toàn dân.

Từ 50 đảng viên khi khởi nghĩa, phát triển lên 400 đảng viên, Đảng bộ Hà Nội đã dựa chắc vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể, đưa chủ trương của Đảng xuống các chi bộ cơ sở, tạo thành hạt nhân vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Chính quyền thành phố được nhân dân ủng hộ, xây dựng và bảo vệ, đã được kiện toàn. Sau cuộc Tổng tuyển cử (6-1-1946) thắng lợi, 6 ứng cử viên của Mặt trận Việt Minh giới thiệu được bầu với tỷ lệ cao(1), ngày 16 và 30-6-1946, nhân dân đi bầu cử Ủy ban hành chính 17 khu nội thành và các xã của 5 khu ngoại thành(2). Tháng 10-1946, lần đầu tiên thành phố mở Đại hội chính quyền nhân dân các cấp, ghi dấu sự phát triển của hệ thống chính quyền trong chế độ mới.

Tháng 12-1946, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến, Mặt trận Việt Minh của thành phố có hàng ngàn hội viên làm nòng cốt. Từ các đoàn thể cứu quốc, thành phố đã chọn lựa những hội viên ưu tú để đưa vào Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu và Tự vệ Thành. Vì vậy, lực lượng vũ trang của Thủ đô Hà Nội, từ nhân dân mà ra, đã có 7 trung đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu với hơn 400 chiến sĩ và tự vệ của nội thành với khoảng 9.000 chiến sĩ. Ở ngoại thành, hầu như mỗi thôn có một trung đội , xã có một đại đội tự vệ.

Kèn đồng, Ông Bùi Hoành Thử, mục sư Hội giáo Tin Lành dùng để cổ động nhân dân tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây, tháng 8/1945. (HV gốc BTLSQG)

Những thành quả to lớn về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc tuy tồn tại không dài nhưng có ý nghĩa quan trọng để Đảng, Chính phủ tạo sức và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Chẳng những Đảng bộ và chính quyền thành phố được xây dựng củng cố, mà Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô cũng được nhân dân Hà Nội xây dựng và bảo vệ an toàn trước mọi âm mưu thủ đoạn lật đổ, tiêu diệt, phá hoại của thù trong, giặc ngoài.

Cội rễ của những thành quả đó, chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mà Mặt trận Việt Minh là tổ chức được Dân nghe, Dân tin, Dân theo, tự nguyện tham gia các tổ chức là thành viên của Mặt trận và hết lòng, hết sức cống hiến sức lực, của cải, tính mạng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước Dân chủ Nhân dân.

(1): Sáu ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đã trúng cử như sau: - Cụ Hồ Chí Minh: 98,40/0

- Bác sĩ Trần Duy Hưng: 73,70/0

- Ông Vũ Đình Hòe: 72,60/0

- Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện: 61,40/0

- Bà Nguyễn Thị Thục Viên: 55,40/0

- Ông Hoàng Văn Đức: 52,50/0

(Theo báo Cứu Quốc, số 138, ngày 10-1-1946)

(2): - Từ tháng 8-1945 đến tháng 5-1946, chính quyền vẫn sử dụng địa dư cũ: nội thành có 47 khu phố và ngoại thành có 118 làng xã.

- Từ tháng 5-1946, địa dư các khu phố được Ủy ban Hành chính Thành phố phân định lại. Nội thành có 17 khu gồm: Trúc Bạch, Đồng Xuân, Thăng Long, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Quán Sứ, Đại Học, Bảy Mẫu, Chợ Hôm, Hồng Hà, Lò Đúc, Long Biên, Đồng Nhn, Vạn Thái, Bạch Mai; 118 làng xã chia thành 5 khu gồm: Lãng Bạc, Đại La, Đóng Đa, Mê Linh, Đề Thám.

Ths. Phạm Thị Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Dấu tích ngôi chùa cổ trên núi Phương Nhi

Dấu tích ngôi chùa cổ trên núi Phương Nhi

  • 10/05/2016 04:37
  • 738

Năm 2012, trong quá trình khai quật khảo cổ học trên đỉnh núi Phương Nhi (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), chúng tôi phát hiện dấu tích của một ngôi chùa cổ. Tại sườn đông nam của núi Phương Nhi, có một khoảng đất bằng phẳng, bên cạnh có 3 tháp mộ, phía bên phải có một khe nước nhỏ. Toàn bộ nơi này được người dân trong vùng quen gọi là chùa Suối.