Thứ Bảy, 09/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/04/2016 00:00 659
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tình cờ, trong dịp kỷ niệm 45 năm quân tăng cường Thủ đô (1967-2012), tôi may mắn được gặp các cựu chiến binh, những người đã từng có mặt trên chiếc xe Jeep 15770 tiến thẳng vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, sau đó áp giải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh sang Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Trong căn nhà của ông Nguyễn Huy Hoàng ở số 8 ngõ 85/30, đường Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, câu chuyện của hai người từng sống chết bên nhau - ông Nguyễn Huy Hoàng và ông Bàng Nguyên Thất, đã làm sống lại trong tôi chiến công vinh quang của dân tộc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Câu chuyện của hai người chiến sĩ thông tin trong thời khắc lịch sử.

Vốn là thanh niên phố, mà lại ở ngay số 1 Tràng Thi, rồi trúng tuyển vào trường Đại học Kiến trúc năm 1972, ông Nguyễn Huy Hoàng thời đó đã gác bút nghiên lên đường vào chiến trường theo tiếng gọi của tổ quốc để giải phóng miền Nam thân yêu. Ở nơi huấn luyện thuộc huyện Tân Lạc, Hòa Bình, ông được phiên chế trong đại đội 70, tiểu đoàn 68, trung đoàn 59 cùng ông bạn Bàng Nguyên Thất, nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Hành quân vào Nam, hai ông được phiên chế về đại đội 18, trung đoàn 66, sư đoàn 304. Số phận đã gắn bó hai ông với nhau từ ngày mặc áo bộ đội Cụ Hồ cho đến trận đánh căn cứ Thượng Đức (Đà Nẵng) nổi tiếng năm 1974; sau đó tấn công xuống thành phố. Ông Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại: chúng tôi chốt ở Thượng Đức, chiến đấu với lính dù ngụy rất gian nguy. Hơn 1.000 chiến sĩ đã nằm lại nơi đây để giữ điểm chốt quan trọng này, sau đó chúng tôi tấn công địch, giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Cũng chính ở Đà Nẵng, đơn vị tôi lấy được chiến lợi phẩm là chiếc xe jeep. Nó gắn bó với cán bộ chiến sĩ của trung đoàn tôi suốt từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Nói thêm để cháu hiểu: Anh Bàng Nguyên Thất làm thông tin luôn có máy 2w kè kè ở bên người; còn tôi làm thông tin truyền miệng nên luôn phải đi cạnh cán bộ trung đoàn.

Chiến đấu liên miên, chú làm thông tin truyền miệng là phải làm những gì?

Là truyền đạt khẩu lệnh cấp tốc xuống các đơn vị, hoặc có những lệnh không thể đưa lên sóng được, phải truyền miệng, nên anh Thất và tôi luôn luôn ở bên thủ trưởng để làm nhiệm vụ thông tin.

Ra vậy! Câu chuyện mỗi lúc một nóng lên theo bước chân thần tốc của đại quân ở mũi thọc sâu từ Đà Nẵng đến Hàm Tân, sau đó, dừng chân ở rừng cao su Dầu Giây để chỉnh đốn đội ngũ và làm lễ trao cờ quyết chiến quyết thắng. Ông Hoàng kể tiếp: Mờ sáng 30/4, chúng tôi nhận lệnh chính thức bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung đoàn 66 được phân công ở mũi thọc sâu, tiến thẳng theo hướng xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc rồi cầu Sài Gòn. Tại đây, địch từ trên đỉnh cầu xả đạn xuống, từ dưới sông câu pháo lên, Anh Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 ra lệnh cho bộ binh dừng lại, tiêu diệt hai xe tăng địch trên đỉnh cầu. Ta cũng bị cháy hai xe tăng, nhiều chiến sĩ đặc công đã hy sinh để mở đường cho đại binh tiến vào. Trước tình thế đó, anh Thệ ra lệnh cho anh Đào Ngọc Vân, lái xe jeep tách khỏi đội hình, vọt lên gần đầu đoàn quân, ở sau hai xe tăng. Lúc này, trên xe có các anh: Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, trung úy Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý tác chiến của Trung đoàn, trung úy Phùng Bá Đam, trợ lý cán bộ Trung đoàn; hạ sĩ Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin máy 2w và tôi, chiến sĩ binh nhất. Đại quân tiến đến ngã tư Hàng Xanh, diệt địch ở cầu Thị Nghè, thừa thắng xông lên, tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Trước cổng dinh, xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận húc tung cổng tiến vào thì bị chết máy, quặt về phía tay phải, vì thế, xe tăng 390 ở sau vọt lên, tiến thẳng vào trong sân. (Giây phút này, nhà báo Pháp Françoise Mulder đã ghi hình được, trở thành bức ảnh có tính chính xác nhất về sự kiện xe tăng 390 tiến thẳng vào Dinh Độc lập). Xe jeep chở chúng tôi nối sau xe tăng vào sân. Anh Thệ hô mọi người xuống xe. Chúng tôi chạy lên cầu thang phía bên phải, vào gặp nội các Dương Văn Minh.

Kíp chiến đấu Trung đoàn 66 bên chiếc xe Jeep trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Trong ảnh, từ phải sang trái: Ông Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin 2W; ông Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý tác chiến trung đoàn 66; ông Đào Ngọc Vân, chiến sĩ lái xe; ông Phạm Xuân Thệ, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66; ông Nguyễn Huy Hoàng, chiến sĩ thông tin; ông Phùng Bá Đam, trợ lý cán bộ Trung đoàn; người đứng sau: Thiếu tướng Lê Mã Lương, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).

Ngày ấy, ông Huy Hoàng mới là binh nhất, 24 tuổi, 3 tuổi quân, rất trẻ; còn ông Bàng Nguyên Thất là hạ sĩ; nhưng trong giờ phút trọng đại ấy, ai cũng ý thức rõ từng việc nhỏ mình đang làm. Ông Hoàng nói rõ chính kiến về sự kiện này sau hơn 41 năm giải phóng Sài Gòn: Toàn bộ quá trình gặp nội các Dương Văn Minh tại phòng họp Dinh để làm thủ tục tuyên bố đầu hàng của chính quyền ngụy đã có nhiều bài báo viết. Nhưng từ dinh Độc Lập sang Đài phát thanh, chúng tôi áp giải Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, sau đó ông Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện có những chi tiết mà chúng tôi là người chứng kiến, nên đã nói rõ trong cuộc tọa đàm do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức ngày 19-10-2005 và bộ Quốc Phòng đã có kết luận thông báo kết quả cuộc tọa đàm(1). Đó là sự thực lịch sử với những chi tiết rõ ràng mà anh em tôi đã được gặp các đồng chí chỉ huy của Quân đoàn 2 năm 1990 nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đoàn; sau đó, anh em lại phát biểu trong cuộc giao lưu Tiếp lửa truyền thống ngày 30-4-2005 tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc hội thảo khoa học do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức gặp gỡ các nhân chứng và kết luận, là lần thứ ba, chúng tôi đã làm sáng tỏ trước toàn quân việc đưa Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh để ông ta tuyên bố đầu hàng như thế nào.

Tướng Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính phủ ngụy quyền Sài Gòn,

ngày 30-4-1975.

Giờ phút lịch sử - trưa ngày 30-4-1975 tại dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn. (Trong ảnh, từ trái sang: Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh; đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó E66, F304, quân đoàn 2; binh nhất Nguyễn Huy Hoàng, chiến sĩ thông tin).

Sự thực là, ở dinh Độc Lập, chúng tôi lên thẳng tầng hai, gặp ngay ông Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, trợ lý Tổng thống và nội các của chính quyền ngụy. Ông ấy đưa chúng tôi sang phòng họp, gặp Dương Văn Minh. Chỉ sau vài phút gặp gỡ, trao đổi, anh Thệ yêu cầu ông ta phải sang Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và đi luôn bằng xe jeep của chúng tôi. Ngồi trong xe jeep, ở hàng ghế đầu có anh Thệ, ông Dương Văn Minh. Hàng ghế sau có anh Đam, ông Vũ Văn Mẫu, anh Nhu; hai bên thành xe là anh Thất và tôi. Đài phát thanh do tiểu đoàn 8 đã giữ. Khi đó, nhân viên của đài đã bỏ đi hết, ta phải yêu cầu tìm một hai người về xử lý kỹ thuật và phát sóng. Anh Thệ viết nội dung đưa cho Dương Văn Minh đọc, nhưng chữ anh Thệ xấu, ông ấy không đọc được nên ông ta nói đọc lại cho ông ta chép. Nói đến đây, ông Hoàng chỉ cho tôi xem bức ảnh ông Thệ đang cầm bản thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc rồi ông trở lại câu chuyện: Sau khi Dương Văn Minh chép xong, anh Thệ đọc và kiểm tra lại từng từ lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Sau đó, anh Bùi Tùng, chính ủy Lữ đoàn 203 vào phòng. Anh Thệ mời anh Tùng cùng làm việc và anh Tùng đã soạn lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Khi ghi âm, cái máy Hitachi và cuộn băng cũ mà chúng tôi mang từ Đà Nẵng vào bị hỏng, băng bị rối nên phóng viên Bô- rít Glats, người của Cộng hòa Liên bang Đức cho mượn máy ghi âm để ghi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh; “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Còn Lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng thì anh Tùng trực tiếp đọc: “Tôi, Bùi Tùng thay mặt quân giải phóng, chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh. Tôi long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng” Ngày sau đó, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu xin được phát biểu ngắn gọn, và mọi người đồng ý. Ông ta đọc vào máy ghi âm: “Tôi, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu kêu gọi đồng bào yên tâm, Quân giải phóng đã vào giải phóng Sài Gòn, không có đổ máu, không có tàn sát, mọi hoạt động trở lại bình thường”(2).

Hoàn tất mọi công việc, chúng tôi chở Dương Văn Minh về dinh Độc Lập bàn giao cho sở chỉ huy sư đoàn và quân đoàn. Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện do Tổng thống Dương Văn Minh đọc đã được phát đi ngay trưa 30/4 trong niềm hân hoan, vui sướng trào nước mắt của toàn dân. Đài còn phát lại Lời tuyên bố đầu hàng nhiều lần trong buổi chiều. Tôi đi cùng anh Thệ xuống các đơn vị của Trung đoàn đang đóng ở Sài Gòn. Tự hào, mừng vui, lạ lùng với thành phố được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, nhưng ở đâu, anh em bộ đội cũng được bà con yêu quý. Bốn giờ sáng ngày 1/5/1975, chúng tôi rút khỏi Sài Gòn, đóng quân tại Phước Tân, Biên Hòa chờ nhận nhiệm vụ mới: đến tháng 6 năm 1975, tôi lên đường đi Lâm Đồng diệt phun-rô đang quấy phá, hoành hành; sau một thời gian, tôi lại chuyển sang Ban Tuyên huấn Trung đoàn 66. Từ đó, anh em tôi mỗi người mỗi ngả, cho đến năm 2005 mói gặp nhau đủ đầy như xưa.

Người lính sau cuộc chiến tranh

Năm 1976, ông Nguyễn Huy Hoàng trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ ở tập thể Xưởng phim đèn chiếu Trung ương, số 1 Tràng Thi, rồi tiếp tục vào học tại trường Đại học Kiến trúc. Ra trường, ông làm việc ở Công ty Xây dựng Dân dụng Hà Nội. Ông Bàng Nguyên Thất về với gia đình ở Ngõ chợ Khâm Thiên, làm ở Sở Giao thông Công chính rồi nghỉ hưu sớm năm 2005. Bốn anh em vẫn ở Hà Nội, chỉ có ông Vân lái xe jeep 15770 thì về quê ở Thanh Hóa, ông Nhu vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Năm 2005, 30 năm sau, đúng ngày 30-4, chúng tôi mới gặp nhau đủ cả 6 người ở dinh Thống Nhất. Chiếc xe jeep quen thuộc mang số hiệu 15770 đã được phục chế và trưng bày tại Hội trường dinh Thống Nhất. Chiếc xe jeep đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là phiên bản hai. Ban liên lạc Trung đoàn vẫn “gọi” anh em về ôn lại kỷ niệm ngày chiến thắng vinh quang, rồi ngậm ngùi kiểm lại người còn, người mất. Chính bản thân ông, biết được mình có trong ảnh ở thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 lại do bà chị họ tên là Lê Thị Lý gửi từ Pháp về, bà chụp lại trong tạp chí Paris Match, đăng ngày 7/5/1975 (trang 61). Trong ảnh, ông và đồng đội còn trẻ măng.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với những nhân chứng lịch sử của Trung đoàn 66, Sư 304, Quân đoàn 2 Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội,

ngày 13-4-2010.

Trung tâm Lưu trữ II tại Thành phố Hồ Chí Minh trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn thư lưu trữ cho các nhân chứng lịch sử, năm 2012.

Thoáng chốc đã hơn 40 năm qua đi, nhưng các ông luôn như thấy mình mắc nợ đồng đội đã ngã xuống. Trong dịp kỷ niệm thành lập quân đội năm 2012, các ông được Trung tâm Lưu trữ II tại Thành phố Hồ Chí Minh trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn thư lưu trữ. Những kỷ vật và ghi chép của các ông về thời khắc lịch sử của dân tộc sẽ lưu lại mãi mãi trong lịch sử anh hùng của dân tộc đã chiến đấu vì hòa bình, độc lập, tự do của đất nước.

Ths. Phạm Kim Thanh

(1) Theo sách của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Tiến vào Dinh Độc lập, 30-4-1975, NXB QĐND, H. 2006, tr 152: trong sách có in Thông báo về cuộc hội thảo khoa học của Viện Lịch sử Quân sự về một số vấn đề xung quang sự kiện đánh chiếm dinh Độc Lập đã được phát hành trong buổi giao ban báo chí toàn quốc do ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì ngày 17-1-2006. Về việc thảo lời Tuyên bố đầu hàng và tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh, thông báo có kết luận như sau: “Tại Đài phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Tùng tiếp tục hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh. Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh.

(2) Tiến vào dinh Độc Lập, 30-4-1975, sđd, tr 119-120.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Di tích và lễ hội đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân

Di tích và lễ hội đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân

  • 25/04/2016 05:45
  • 753

Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà (Bình Minh, Thanh Oai, Tp Hà Nội), xưa mang danh Cổ Nõi/ Kẻ Nõi hay tên Nôm là làng Bùi (thời Lê đổi Bảo Cựu, thời Lý đổi Bảo Đà và Bình Đà có từ Minh Mệnh 1820 thuộc phủ Ứng Thiên – Đỗ Động Giang). Cổ Nõi ngọc phả hiện lưu tại Đến Hùng, niên hiệu Thái Bình thứ hai 971 có ghi “Mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân táng tại Ba Đống (Ba Gò) đồng Thượng Bảo Cựu, hậu Bảo Đà..”. Để tri ân Đức Quốc Tổ, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội thờ cùng bức phù điêu (Bảo vật quốc gia) trên nghìn năm tuổi..