Thứ Hai, 02/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/11/2016 03:29 788
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Làng Chảy Văn Minh (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) xưa thuộc làng Do Lễ, tổng Vạn Điểm, phủ Thường Tín, Đạo Sơn Nam. Do quá trình biển lùi và sự bồi đắp của phù sa sông Hồng từ hàng vạn năm đã kiến tạo và hình thành nên. Tổ tiên nơi đây xưa từ thời Tiền Lê đã khai phá đất đai, đắp đê trị thủy, tạo dựng 3 xóm: Nho Tống, Văn Minh, Chanh Thôn và lập thành làng Do Lễ gắn với tên “Kẻ Chảy, Kẻ Trên, Kẻ Dưới”…

Làng Do Lễ ban đầu có ngôi đình cổ (ở khu Quán đá) thờ Thành Hoàng Làng Đoàn Thượng Đông Hải Đại Vương, do sự phát triển sau tách ra: Làng Chanh Thôn vai “anh cả” do giữ bát hương, làng Nho Tống vai “anh hai” giữ bộ long ngai, làng Văn Minh vai “em út” giữ các đồ khí tự. Khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, có dừng quân nơi đây để chỉnh đốn binh mã, tiếp tục chẩy quân và tiến đánh thành Thăng Long, từ đó các làng có tên gọi là làng Chảy. Với phong tục tập quán thuần hậu qua vần thơ cổ: Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về làng Chảy với anh thì về/ Làng Chảy có quán Bồ Đề/ Có sông tắm mát có nghề trồng dưa, trên bến dưới thuyền, hàng ngày có phiên chợ Chảy buôn bán thương mại tấp lập, dịch vụ chung chuyển từ xứ Đoài sang xứ Đông…

Ngôi đình cổ làng Chảy Dưa.

Theo thần phả: Đoàn Thượng “Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng tối linh Thần tích” thờ ở miếu Văn Minh, sinh ngày 12/8 năm Trinh Phù thứ 6, đời Lý Cao Tông vào giữa tiết Thu năm Tân Sửu. Thân mẫu Lý Thị mơ thấy mình bắt được Giao Long bên bờ Đông Hải. Thân phụ Đoàn Trung chọn ngay chữ Thượng đặt tên con, 15 tuổi mẹ mất, 4 năm sau cha về cùng tiên tổ. Ngài tạm biệt gia hương, đi khắp trốn thôn quê tầm sư học đạo. Triều đình mở khoa thi Tam Giáo, Ngài ứng thí đỗ Mậu Tài và được nhà vua chọn làm quan Trung Thị. Ghi tạc lời cha “Mấy đời họ Đoàn hưởng ơn mưa móc, nên hết lòng mẫn cán, phò tá Lý triều, vì nước tận trung. Nhờ võ công xuất chúng, kiến thức rộng sâu, uy tín vang xa, Hoàng Gia tin tưởng, thuộc cấp tôn phò, đồng liêu kính phục.. Năm Canh Ngọ 1210, Lý Cao Tông lâm bệnh băng hà. Huệ Tông bị ép xuống tóc đi tu chùa Chân Giáo. Chiêu Thánh ngây thơ, nhường ngôi báu cho chồng. Nhà Trần tuy chiếm được ngai vàng, nhưng còn đó lưỡng tướng Nguyễn, Đoàn dương cờ phù Lý. Năm Mậu Tý 1288, hai chủ soái cựu thần, hẹn gặp nhau ở Đồng Đao thảo bàn Minh Thệ. Thái sư Trần Thủ Độ, ngầm giao ước cùng Nguyễn Nộn mưu hại Hồng Châu. Đúng là “Mệnh trời khó tránh, thế sự khôn lường”; Ngài đã “Trung nghĩa cả tin, vô tình y hẹn, một mình, một ngựa đến xứ Đồng Đao”. Nào ngờ “Mắc phải mưu gian, sa vào bẫy độc; ba bề, bốn mặt, phục sẵn tinh binh; mé Thiên Đức quân Nộn tràn sang; từ Văn Giang tướng Trần ập đến; trong rừng gươm giáo, hữu đột tả xung; một lưỡi kiến oan, đầu lìa khỏi cổ”. Thế nhưng: Ngài lắp trả đầu, lấy dải khăn đỏ quàng buộc lại; áo bào đẫm máu, quay chiến mã chạy về đông; đến đầu làng An Nhân, bỗng thấy ông lão áo đen khoanh tay kính cẩn “Chỗ đất kia là huyệt, dành cho Tướng quân Trung liệt, Thượng đế chọn rồi. Ngài xuống ngựa, đầu gối lên gươm rồi hóa. Mối đùn thành mộ, linh ứng động đến trời. Mười tám trận hùng uy, võ công lừng lẫy. Thương tiếc và nhớ ơn ông, cả ba làng Chảy lập miếu, đình thờ Ngài. Khắp Hồng Châu làng xã, bao Vương Đế hậu triều, bấy đạo chỉ sắc phong Thượng đẳng Tối Linh Thần Đông Hải“Anh hùng trung tín, dẫu chết vẫn như còn/ Đông Hải Đại Vương, Danh Thần thiêng vạn thế. Đức Thánh Đoàn Thượng hóa ngày 7/11. Ngài hiển thánh về đời vua Trần Thái Tôn, ngài là bậc trung thần phù nhà Lý, chống lại nhà Trần, chiêu dân lập ấp ở Bần Yên Nhân (Hưng Yên).

Hậu miếu làng Chảy Dưa.

Bản thần tích, thấn sắc “Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục” thờ ở đình có nghi: “... Gia đình chồng là Nguyễn Đôn, vợ là Lê Thị Bảo. Vốn người tu nhân tích đức, hay cứu giúp người nghèo túng, ba sinh hương lửa, một gối phong lưu, trong nhà rất là dư dật. Lúc đó đã ngoại tứ tuần mà vẫn chưa hề sinh nở. Cụ ông một hôm nghe nói ở huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc có chùa núi Phật Tích rất linh ứng cầu gì được nấy. Vợ chồng bèn sắm sanh tiền nhang lễ vật, tới chùa thắp nhang mà khấn rằng: “Tôi ở cõi trần, của cải chẳng thiếu, chỉ hiếm một nỗi không con, cầu xin chư Phật đại đức từ bi, chúng giám cho tấc lòng thành này mà ban phúc cho, để vợ chồng tôi được chở che, muôn phần nhờ ơn đức lớn của chư Phật, chư Tôn”. Cầu khấn xong, đêm đó cả hai vợ chồng đều nằm trước hương án rồi ngủ thiếp đi. Bỗng mơ thấy trong chùa mây báu rực rỡ, gió thơn ngào ngạt, kim đồng, ngọc nữ đàn sáo hát ca, giống hệt như cảnh các tiên trên cung trăng cách biệt với trần gian. Cụ ông lấy làm lạ, vội đến làm lễ, bèn thấy trên điện có tiếng phán rằng: “Các ngươi phúc hậu, trời đã chứng chỉ. Vậy ta cho một tiên đồng thác sinh vào nhà các ngươi. Sớm muộn đã định, các ngươi chớ có lo nghĩ về việc này”. Nghe chưa rứt lời, bỗng bừng tỉnh dậy, biết đó là mộng lành. Hôm sau lạy tạ trước Phật rồi trở về quê nhà. Từ đó quả nhiên thấy phu nhân có thai, đến kỳ đủ ngày, đủ tháng. Vào rằm tháng 8, năm Giáp Dần (1434) bèn sinh hạ được một trai muôn phần khác hẳn người thường. Cụ ông cả mừng cho đó là trời ban cho, đất phúc có hưng thịnh, ngày sau ắt sẽ làm rạng rỡ cho gia đình làng xóm, bèn đặt là Phục Công. Tới khi khôn lớn 14 tuổi, cha mẹ kế tiếp nhau qua đời. Tới năm Phục Công 20 tuổi, năm đó là năm Thái Hòa thứ 10 (1453), thi khoa Quý Dậu, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân làm quan tới chức Hàm Lâm viện đông các đại học sĩ. Ông là người văn võ song toàn, học cao biết rộng, được vua Lê Nhân Tông tin yêu và ủy quyền cho việc nuôi dạy Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành) lúc nhỏ. Khi Lê Thánh Tông lên ngôi, ông vẫn là một trong những danh tiếng có uy tín lớn trong triều, làm giám thí và được thăng làm Hàn lâm viện Tham trưởng, ba lần đi sứ Trung Quốc lập được nhiều công trạng. Tháng 2 năm 1470, ông làm đến chức Đô chỉ huy sứ Tẩm y vệ. Khi Lê Thánh Tông đem 26 vạn quân tiễu phạt Chiêm Thành, Nguyễn Phục cùng Lê Khôi (gọi Lê Lợi bằng chú) được giao trọng trách lo việc quân lương với chức: Chuyển vận sứ tướng quân. Chuyện kể: Khi đoàn thuyền trở lương vào đến cửa biển Tư Dung (Tư Hiền bây giờ) thì gặp bão lớn. Ông cùng Lê Khôi quay thuyền vào cảng. Các quan tùy tùng đều nhắc nói: “Quân lệnh rất nghiêm”. Hai ông trả lời rằng: “Ta thà liều tấm thần nhỏ mọn của ta dưới ba thước gươm của triều đình hơn là để mấy nghìn quân lính làm mồi cho cá”. Sau khi gió tạnh, thuyền đến ngự doanh lỡ hẹn, hai ông xin chịu quân pháp. Bọn cung nhân và cận thần nhân dèm với vua xin giết đi… bấy giờ là ngày 15 tháng 7. Đến lúc, vua sực giác ngộ ra liền tuyên chiếu tha tội cho ông, thì ông đã bị xử tử rồi. Sau khi chết uy phong lẫm liệt, thường hiển linh, nên địa phương lập đền thờ cúng. Nguyễn Phục hiệu là Tùng Giang Tiên sinh, vua biết oan, đã truy tặng phong Thượng Đẳng Phúc Thần Đông Hải Đại Vương.

Hiện vật hậu cung đình làng Chảy Dưa.

Ấm đồng cổ đình làng Chảy Dưa.

Làng Chảy Văn Minh có tục kiêng tên húy là “Thượng” và “Phục”, lúc đọc tế, nói trong ngày lễ hội cũng phải kiêng, đặc biệt kiêng “chít khăn màu đỏ”, đi vào đình miếu phải bỏ mũ nón, người dân không được làm nhà gần đình miếu và có nóc nhà cao hơn. Việc tế lễ xưa do tiên chỉ, thứ chỉ, kỳ mục, tư văn, nay giao cho Chi Hội Người cao tuổi đảm nhận. Trước khi tế lễ người được dự phải chay tịnh và tắm gội sạch sẽ, khi rước ngài trong lễ hội chọn giai tân, gái tú, các bô lão vợ chồng song toàn. Làng tổ chức lễ hội chính ngày 13/8 hàng năm để tưởng nhớ công đức của nhị vị Thành hoàng đã có công khai sinh, lập địa, lập làng, giữ nước, đồng thời thông qua đó để giáo dục các thế hệ con cháu tự hào về quê hương, xứ sở. Đặc biệt làng còn lưu các địa danh khi vua Quang Trung hành quân qua nơi đây: Vườn ông Bống, khu Tờ Chỉ (địa danh phất cờ tập chung của đại quân), cánh đồng Cổ Ngựa (nơi buộc ngựa chỉnh đốn binh mã), các xứ đồng (Đường Ngang, Đường Xít, Đường Râm, Đường Cầm, Xà Leo, Xà Bẫm, Gốc Đề, Đồng Sau, Đồng Cửa, Đồng Thuyền, Đồng Trung) lượng quân và dân hội tụ về đông như “chảy hội”.. Lễ nghênh giá nhị vị Thành Hoàng từ miếu rước về đình. Làng tổ chức hành lễ, dâng cúng: Hương, trà, phẩm oản, mâm xôi, trầu cau, rượu, gà tươi, thủ lợn, gạo mới, cùng các thứ hoa quả mới. Khi cúng xong đồ lễ ấy đồng dân thụ lộc. Tổ chức ca hát, văn nghệ, hát ca mới, hát chèo, hát văn, ca trù, hát trống quân, các trò vui chơi dân gian: Vật lầu, đánh cờ, đấu gậy, kéo co, bắt vịt, thể thao.. có thưởng. Cứ 5 năm một lần làng lại tổ chức quy mô để tưởng nhớ công đức của nhị vị Thành Hoàng Làng, tổ chức hành lễ, dâng cúng: Trà, cau, oản, xôi, rượu, gà luộc, thủ lợn luộc, bánh dày, cơm mới, hoa và quả mới. Xuân thu nhị kỳ, ngày Tết Nguyên Đán, ngày 12/giêng (Thượng khánh lão), 12/2 (tống trùng), 3/4 (trùng tam), 10/4 (nhật thần), 20/4 (quan viên tế), 5/5 (trùng ngũ), 15/7, 15/8, 12/9 (thường tân), 7/11 (giỗ Đoàn Thượng), 12/chạp (tất niên), 30/chạp (trừ tịch) làng tổ chức hành lễ, dâng cúng: Hương, hoa, trà, cau, phẩm oản, quả mới, gạo mới, mùa nào thức ấy theo phong tục không có gì thay đổi. “Chiêng Trào, trống Chảy, mõ Cổ Châu” xưa là sự hội tụ liên vùng (3 Làng Chảy có 3 bộ trống cái to thường vào ngày hội làng (11+12+13)/8 âm ngân vang cả vùng nghe thấy và Miếu của 3 làng Chảy đều thờ Đoàn Thượng – Điều đó minh chứng miền đất nơi đây khai sinh lập địa từ thời Tiền Lê).

Chùa Lưu Ly tự làng Chảy.

Đình Chảy chứ đinh hiện còn: Thần tích thần sắc, 12 đạo sắc phong, 2 quả chuông, 3 bộ đỉnh, 1 ấm, 2 chóe, 6 bát hương (3 sứ, 3 đồng), 3 hoành phi, bộ ngai (áo, mũ, hia), 2 bộ kiệu, biển, bát bửu, chùy, đồ khí tự cổ. Chùa Lưu Ly tự với địa thế đẹp nhìn ra hướng Tây Chúc, kết cấu theo chữ đinh là công trình tín ngưỡng thờ Phật khá đồ sộ, tiêu biểu trong vùng: Cổng giả tam quan, tiền đường, thượng điện, điện mẫu, nhà tổ, nhà bia, một số công trình nhỏ phụ cận, có 31 pho tượng Phật tròn trên Phật điện (3 pho Tam Thế) được tạo tác khá tỉ mỉ công phu cuối thế kỷ 18, tượng (Kim Đồng Ngọc Nữ, Ngọc Hoàng, Nam Tào Bắc Đẩu..) đầu thế kỷ 19 và 20, 3 bộ cửa võng (cúc hóa rồng), 6 hoành phi, 5 câu đối, 1 chóe sứ, 2 đôi lộc bình, 5 bát hương sứ, 1 bia, 1 chuông đồng, 2 đôi cây nến, mâm đồng.. cổ giá trị. Miếu Chảy kết cấu chữ đinh: Có thần phả, 1 chuông, sắc phong, bộ đỉnh, 2 bát hương, bộ ngai (áo, mũ, hia), lọ lục bình. chùy, biển, bát bửu, 4 cây nến cổ. Quán đá Bồ Đề (xuất xứ từ thời tiền Lê) chữ đinh có giếng cổ, kết 4 mái đao cong, các hàng cột đá cổ giữa cánh đồng trên trục đường liên xã... Đền Trung Lân và đền Đề Thám thờ Thổ thần và Thổ địa. Nhà thờ Đạo Thiên Chúa và khu văn chỉ ở cuối làng..

Đại tự Văn Minh Lạc Thổ làng Chảy.

Làng Chảy Văn Minh có hệ thống giá trị văn hóa lịch sử lâu đời mà các bậc tiền nhân để lại – Đó là bảo lưu được cụm kiến trúc di tích Lịch sử-Văn hóa đẹp, tiêu biểu đầy đủ nhất trong vùng: Đình+ miếu+ chùa Lưu Ly tự+ quán đá Bồ Đề+ đền Trung Lân+ đền Đề Thám+ nhà thờ Đạo Thiên Chúa+ 3 giếng cổ+ khu văn chỉ+ bản thần tích thần sắc+ 13 đạo sắc phong+ bản hương ước cổ và nhiều nhà thờ họ kiến trúc cổ trên 100 năm. Ngôi chùa Lưu Ly tự còn lưu bức hoành phi đắp cốt giấy bản thổ cổ có chữ đại tự “Văn Minh Lạc Thổ” nghĩa là: Vùng đất văn học, vùng đất vui, trù phú, nơi chốn tổ, an lành, thanh tịnh, giàu có, điền viên, mỹ tục khả phong, khoa bảng từ ngàn xưa…

Quán Bồ Đề làng Chảy.

Xóm Đề Thám làng Chảy ngày nay.

Làng Chảy Văn Minh hiện nay đã hai lần được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) công nhận đạt danh hiệu Làng Văn hóa cấp tỉnh, liên tục được UBND huyện Phú Xuyên công nhận giữ vững danh hiệu Làng văn hoá, huy động sức dân đóng góp bảo tồn hệ thống giá trị di sản văn hóa./.

Ths. Phùng Quang Trung (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: