Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/10/2016 04:22 676
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tín ngưỡng thuần Việt là một thành tố của văn hoá tổ chức cộng đồng, thuộc phạm vi đời sống cá nhân, được hình thành tự phát, nhưng có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người.

Phú Thọ, đất cội nguộn

Phú Thọ được mệnh danh là vùng Đất Tổ, đất phát tích của dân tộc Việt

Nam. Thời xa xưa, người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên đã sớm gần gũi với họ. Hơn nữa, Phú Thọ lại là ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Yếu tố đó đã làm cho Phú Thọ trở thành tỉnh đa tín ngưỡng. Tính đa tín ngưỡng ấy không chỉ biểu hiện ở số lượng lớn các di tích, các vị thần mà điều đáng nói là, các vị thần ấy cùng đồng hành trong cuộc sống thường nhật và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người dân.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vùng đất này hiện đang bảo tồn, phát huy giá trị 1372 di tích lịch sử gồm 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa, còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc dấu vết kiến trúc và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Trong số đó (tính đến hết tháng 12 năm 2013) có di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 74 di tích được xếp hạng quốc gia, 12 di tích lịch sử; 207 di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Có 260 lễ hội, gồm 223 lễ hội dân gian, 5 lễ hội tôn giáo, 32 lễ hội cách mạng; hiện còn 97 lễ hội được duy trì hoạt động thường niên và mới khôi phục lại; 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là: Di sản văn hóa phi vật thể hát Ca Trù của người Việt năm 2009 (Phú Thọ là 1 trong 15 tỉnh được ghi danh); Hát Xoan Phú Thọ được công nhận tháng 11 năm 2011 là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2012.

Tín ngưỡng thuần Việt ở Phú Thọ

Tín ngưỡng thuần Việt ở Phú Thọ thường được biểu hiện qua tục thờ và lễ hội. Nếu tín ngưỡng là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, sùng bái những thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết do con người tưởng tượng ra hoặc do con người suy tôn, gán cho những phẩm chất siêu nhiên; thì tục thờ: là thói quen thể hiện lòng tôn kính thần thánh; vật thiêng hoặc linh hồn người chết bằng hình thức lễ nghi, cúng bái đã trở thành lâu đời trong đời sống nhân dân, được mọi người nói chung công nhận và làm theo.

Cùng chung văn hóa bản địa, cùng chung tín ngưỡng thờ: phồn thực, thờ thần tự nhiên, thờ tam phủ, tứ phủ, thờ Mẫu, thờ động thực vật, thờ thần người, thờ Vua Tổ, thờ Thổ công, thần tài, tạp thần…song ở Phú Thọ vẫn tập trung vào một số tín ngưỡng tiêu biểu là: thờ phồn thực, thờ Mẫu, thờ Thành hoàng làng và tiêu biểu hơn cả là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tín ngưỡng phồn thực

Thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi nảy nở. Để làm được hai điều trên, những trí tuệ sắc sảo sẽ tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ đã xây dựng được triết lý âm dương, còn những trí tuệ bình dân thì xây dựng tín ngưỡng phồn thực (phồn nghĩa là nhiều, thực nghĩa là sinh sôi, nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện ở hai dạng: thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ và thờ hành vi giao phối.

Tín ngưỡng phồn thực là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và sùng bái sự tin sinh tồn và nảy nở của tự nhiên và con người. Tín ngưỡng phồn thực hình thành từ thời xa xưa trong lịch sử, trên cơ sở tư duy trực quan, cảm tính của cư dân nông nghiệp trước sự sinh sôi để duy trì sự sống của con người (là kết quả của hành vi giao phối Đực - Cái, Nam - Nữ) và trước sự sinh sôi để duy trì sự sống của cây trồng / cây lúa, vật nuôi. Họ nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên và sùng bái các hiện vật - hiện thực đó như thần thánh. Như vậy, bản chất của tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cầu sinh nở và no đủ: Rước lúa thần, thờ “Linh tinh tình phộc” ở Tứ xã; rước ông Khiu bà Khiu ở Thanh Đình; rước lúa, cướp lúa ở vùng Mường Đồng Lạc, Thu Cúc; thờ hạt lúa thần ở Đền Hùng…

Thờ sinh thực khí ở Phú Thọ là hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực. Nó phổ biến hầu hết là thờ sinh thực khí của cả nam lẫn nữ. Việc thờ sinh thực khí được tìm thấy ở trên các cột đá có niên đại hàng ngàn năm trước Công nguyên. Hiện nay trong ngày hội làng vẫn đang tồn tại: lễ hội rước lúa thần,

“Linh tinh tình phộc” ở Tứ Xã; oa nhà Nít trong lễ hội rước ông Khưu bà Khưu ở Thanh Đình. Vào dịp lễ hội rước chúa gái, vùng đất tổ lưu truyền điệu múa "tùng dí" ở 2 làng Vy - Trẹo, thị trấn Hùng Sơn, thanh niên nam nữ cầm trong tay các vật biểu trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Phong tục "đâm đuống" của người Mường Phú Thọ cũng là một biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực, chày và máng là biểu tượng cho sinh thực khí nam và nữ…

Tín ngưỡng thờ Mẫu

Là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như: trời, đất, sông, nước, rừng, núi,...): thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an vật thịnh. Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị: Thánh Mẫu (như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu,...), Quốc Mẫu (như Quốc Mẫu Âu Cơ,...), Vương Mẫu (như người mẹ của Thánh Gióng,...)

Do ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta phát triển thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ - miền trời, Nhạc phủ - miền rừng núi, Thủy/ Thoải phủ - miền sông nước), Tứ phủ (ba phủ trên và có thêm Địa phủ - miền đất đai). Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước. Mẫu Địa cai quản đất đai. Đến thế kỉ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành - đó là Đạo Mẫu. So với tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẫu, Đạo Mẫu đã có bước phát triển; đã có một hệ thống tương đối nhất quán về điện thần, với các phủ, các hàng (hàng Cô, hàng Cậu,...) tương đối lớp lang, rõ rệt. Điện thần của Đạo Mẫu có hàng chục vị thần linh nhưng đều quy tụ dưới sự điều khiển của Tam tòa Thánh Mẫu, trong đó có một vị thần Mẫu cao nhất, mang tư cách một vị giáo chủ, đó là Mẫu Thượng Thiên. Đạo Mẫu đã có một sự khái quát hóa nhất định về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ; đó là một vũ trụ gồm 4 miền, do bốn vị Thánh Mẫu cai quản. Những nghi lễ của Đạo Mẫu đã bước đầu được chuẩn hóa, trong đó nghi lễ hầu bóng là một điển hình.

Tục thờ Mẫu ra đời trên cơ sở tục thờ nữ thần. Các Thánh Mẫu đều là nữ thần. Các vị được thờ trong các đền, chùa, miếu, điện: đặc biệt có Thánh Mẫu Âu Cơ được thờ tại đền Hiền Lương và nhiều nơi khác; mẫu Thượng thiên, mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải và một số nhân vật lịch sử là các nữ tướng thời Hai bà Trưng: Trưng vương (Lâu Thượng), Bát Nàn (Phượng Lâu), Xuân Nương (Hương Nha), Thiều Hoa (Hiền Quan), nữ tướng Nguyễn Thị Hạnh (Chí Tiên), Chi Đám (Đoan Hùng)…

Trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam tòa Thánh Mẫu được thờ chung một hàng ngang với thứ bậc vị trí rõ ràng: Mẫu Thượng Thiên choàng khăn màu đỏ ngồi giữa, bên trái là Mẫu Thượng Ngàn choàng khăn màu xanh, bên phải là Mẫu Thoải choàng khăn màu trắng.

Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển khá sâu rộng trên cả nước, được nhiều người Việt ở nước ngoài thờ phụng. Ở mỗi địa phương khác nhau, tín ngưỡng thờ Mẫu có sắc thái riêng, do ảnh hưởng của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa.

Tín ngưỡng thờ thần

+ Thờ tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên (ở miền Nam gọi là đạo ông bà): Toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm bày tỏ lòng tôn kính của các thế hệ sau với những người thộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời. Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời từ lâu, trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn sau khi con người đã chết; tin rằng con người ta chết đi là về với tổ tiên nơi chín suối nhưng ông bà, cha mẹ vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu. Do người Việt Nam coi trọng ngày mất (kỵ nhật) nên vào các ngày này hàng năm, người ta tổ chức lễ cúng tưởng nhớ người chết, gọi là ngày giỗ. Ngoài ra, việc cúng tổ tiên còn làm vào các ngày sóc, vọng (mồng một, rằm hàng tháng) và vào dịp lễ tết hay bất kỳ khi nào trong nhà có việc (như dựng vợ, gả chồng) hay khi cần phải báo cáo tổ tiên, cầu tổ tiên phù hộ (như làm nhà, đi xa, thi cử) hoặc để tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ khi thi đỗ, đi xa bình yên trở về ...

Ngoài việc rất coi trọng, chăm nom phần mồ mả tổ tiên ("sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm''), người Việt thờ cúng tổ tiên tại bàn thờ đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà và từ đường của gia tộc. Đó là không gian thiêng, nơi tổ tiên "đi về". Mồ mả và bàn thờ tổ tiên là biểu tượng thiêng liêng không thể tách rời nhau.

Thờ cúng tổ tiên là tấm lòng thành kính thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu. Người Việt là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và sớm nhất, nó gần như trở thành một tôn giáo: Đạo ông bà.

Người Việt coi trọng ngày mất. Họ cho rằng người đã mất đi về nơi chín suối. Bàn thờ tổ bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất. Khi cúng lễ bao giờ cũng có nước (hoặc rượu) cùng với những đồ tế lễ khác như vàng mã. Sau khi cúng xong thì đem đốt vàng mã rồi đổ rượu hoặc nước lên đống tro tàn - khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất - theo họ như thế tổ tiên mới nhận được. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước - Lửa (âm dương) và Trời - Đất - Nước (tam tài) mang tính triết lý nhân văn sâu sắc.

+ Thờ Thành hoàng làng

Ở phạm vi gia đình, người Việt thờ tổ tiên và Thổ Công; ở phạm vi làng xã, người Việt thờ Thành hoàng làng. Giống như Thổ công, Thành hoàng làng cai quản và quyết định họa phúc của một làng. Không có làng nào ở Việt Nam mà không có Thành hoàng. Thành hoàng làng được thờ tại các ngôi đình làng.

Những người được thờ thường là những người có tên tuổi và địa vị, có công lao đối với làng đó. Tuy nhiên một số làng còn thờ những người lý lịch không "hay ho" gì như trẻ con, ăn xin, ăn mày, trộm cắp... nhưng họ chết vào "giờ thiêng", có sự hiển linh, âm phù, dương trợ cho mọi người.

Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức các nghi thức cúng lễ trang trọng, linh thiêng và thành kính. Chương trình tham gia phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của các dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Hùng Vương là nhân vật huyền thoại tồn tại trong lịch sử - được cô kết trong tâm thức của người Việt, là ông Vua mở nước; tổ tiên của người Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hình thái ý thức xã hội, là niềm tin trong đời sống tinh thần của con người. Thờ phụng Tổ tiên là nét đẹp về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; nét đẹp trong tình cảm, tâm tư của người sống với người chết; họ mong muốn Tổ tiên "bất tử" để dìu dắt, che chở cho con cháu nối đời phát triển.

Thờ cúng Hùng Vương là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý "Con người có tổ có tông". Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, là người chung một dân tộc, một nước, có cùng một tổ, tạo nên đạo lý đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng tồn tại và phát triển. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, điểm tựa tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hoà hợp. Thờ cúng Hùng Vương như tổ tiên của dân tộc Việt trở thành một biểu tượng kết nối quá khứ với hiện tại, giữa các triều đại phong kiến và nhà nước đương đại. Đối với các cộng đồng làng xung quanh Đền Hùng, Hùng Vương còn như là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng cấy lúa, ban năng lượng thiêng cho đất, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn hiển hiện đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hiện nay.

Trong tâm linh người Việt Nam, các Vua Hùng là Thánh nhân, là người có công dựng nước, là thần linh bảo vệ cho cả cộng đồng. Việt Nam có 3 cộng đồng vốn từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, đó là: gia đình, làng xã và quốc gia. Theo đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay nói một cách khác tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được “phát triển” thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng hiếm có, nếu không nói là độc nhất trên thế giới khi cả quốc gia dân tộc Việt Nam đã tự coi mình là có chung một nguồn gốc (đồng bào), rồi lập nên một khu mộ Tổ chung và đặt ra ngày giỗ Tổ chung để thực hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng - vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia, dân tộc.

Thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa - tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta vốn có đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” vì thế tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được truyền từ đời này qua đời khác, không có biên giới; không có giáo chủ, giáo thuyết và tổ chức giáo hội truyền bá nào.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Từ lòng biết ơn, đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng phụng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc: Các Vua Hùng”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, giúp con người Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Với những giá trị di sản có một không hai, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lời khẳng định về nét đặc trưng văn hóa của người Việt.Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện nét đặc trưng bản sắc văn hóa và trở thành tín ngưỡng thuần Việt cao đẹp nhất của người Việt./.

Phạm Bá Khiêm

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: