Huyện An Lão nằm phía Tây bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 115 km. Chiến dịch giải phóng An Lão là một sự kiện lớn trên chiến trường khu 5, cùng với chiến thắng Bình Giã ở Nam bộ đã làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận” trong “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy.
An Lão là nơi định cư của đồng bào dân tộc thiểu số Bana, H’re và người Kinh. Trong kháng chiến, An Lão từng là căn cứ của Khu 5 và Tỉnh ủy, huyện ủy, nên địch xác định vùng đất này là một trong những trọng điểm đánh phá ở chiến trường Bình Định. Để tách rời quần chúng với cách mạng, địch đã thực hiện gom 15.000 dân từ các làng ở các xã về sống chung quanh quận lỵ và một số khác sống ven đường 56 (nay là 639). Nhằm biến An Lão thành một khu vực phòng thủ, địch đã xây dựng ở đây cụm phòng thủ liên hoàn bao gồm 1 chi khu quận lỵ với 3 cứ điểm và 8 ấp chiến lược.
Một góc Chi khu quân sự An Lão, năm 1964. (Nguồn: Internet)
Từ tháng 7 đến tháng 11-1964, thực hiện chủ trương của Quân khu V và Tỉnh ủy Bình Định về việc tập trung toàn bộ lực lượng, bao gồm bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tấn công địch ở đồng bằng để mở rộng vùng giải phóng, phong trào “Đồng khởi” tiếp tục diễn ra ở Bình Định, phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi to lớn khắp cả 3 vùng chiến lược (nông thôn miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị).
Đầu tháng 12-1964, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão (nơi được quân địch xây dựng thành một khu vực phòng thủ), với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, cùng sự ủng hộ to lớn của quần chúng nhân dân huyện An Lão. Chiến dịch giải phóng An Lão diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-12-1964, với chiến thuật tấn công bất ngờ, liên tục, chủ động dự báo tình hình và đẩy lùi quân chi viện bằng cả đường không lẫn đường bộ, gây cho địch những tổn thất nặng nề.
Nhân dân An Lão cắm chông xây dựng làng chiến đấu, năm 1964 (Nguồn: Internet)
Lực lượng ta trong chiến dịch An Lão gồm Trung đoàn bộ binh 2 và tiểu đoàn đặc công 409 của quân khu, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương. Mở màn chiến dịch là trận đánh tiêu diệt cao điểm núi Một - một chốt điểm quan trọng của địch nằm ở vị trí cao khống chế cả một khu vực rộng lớn bảo vệ cho quận lỵ.
Đúng 1 giờ 5 phút ngày 7-12-1964, quân ta phát lệnh nổ súng tấn công vào cao điểm 193 (núi Một), mở đầu cho cuộc tổng công kích trên toàn tuyến. Sau gần 1 giờ chiến đấu, toàn bộ quân địch đóng ở 11 cứ điểm và 8 ấp chiến lược trên toàn tuyến phòng thủ của địch nằm dọc tỉnh lộ 629 (Bồng Sơn - An Lão) dài 17km bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Sau đó, lực lượng của ta chuyển sang bao vây Chi khu quận lỵ An Lão và bố trí phục kích, sẵn sàng đánh quân tiếp viện của địch.
Trong suốt ngày 7-12 đến 8 giờ sáng ngày 8-12-1964, địch dùng máy bay tập trung bắn phá cao điểm 193 để đổ quân ứng cứu, nhưng đều bị quân ta đánh trả quyết liệt, nên chúng phải chuyển vị trí đổ quân cách đó 5km. Cánh quân bộ từ Bồng Sơn có 6 xe M113 dẫn đầu và 1 tiểu đoàn bộ binh phản kích tiến lên theo đường 56 (tức tỉnh lộ 629) cũng bị tiêu diệt và đẩy lùi.Co cụm lại để chống trả, nhưng cũng chỉ cầm cự được cho đến ngày 23-12-1964 thì toàn bộ quân địch ở An Lão phải rút chạy xuống Mỹ Thành (Hoài Ân), đánh dấu cuộc tiến công của quân ta ở An Lão toàn thắng.
Chi khu quận lỵ, điểm khoanh vùng để bảo vệ di tích quốc gia Chiến thắng An Lão năm 1964. (Nguồn: Internet)
Kết thúc chiến dịch An Lão, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 tên địch, bắn cháy 5 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay… giải phóng 11.000 dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược; toàn bộ thung lũng An Lão dài 22km trở thành căn cứ của ta.
Huyện An Lão được giải phóng, nối liền căn cứ phía Tây Bắc và khu Đông tỉnh Bình Định với hai huyện Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi), nối liền với Tây Nguyên tạo thành một vùng căn cứ địa vững chắc, liên hoàn của cách mạng, là hậu phương đóng góp tích cực về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh trong suốt thời gian còn lại từ 1965 đến 1975.
Chiến thắng An Lão có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Lần đầu tiên trên địa bàn Khu V, quân ta đánh bại hệ thống phòng ngự của địch bằng cụm cứ điểm kết hợp với hệ thống ấp chiến lược; đồng thời đánh bại thủ đoạn đổ bộ bằng “trực thăng vận” của địch. Chiến thắng An Lão cũng đánh dấu bước trưởng thành của quân chủ lực Khu V, lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích trong việc phối hợp thực hiện phương án tác chiến mới dưới hình thức chiến dịch quy mô trung đoàn.
Chiến thắng An Lão đã làm thất bại chiến thuật “Trực thăng vận, thiết xa vận” của Mỹ - Ngụy, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường khu V.
Các cựu chiến binh năm xưa bên Tượng đài Chiến thắng An Lão. (Nguồn: Internet)
Về chiến thắng An Lão, đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng viết: “Chiến thắng An Lão phối hợp kịp thời với chiến thắng Bình Giã và phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào nguy cơ bị tan rã đưa chiến tranh du kích tiến lên một bước mạnh mẽ. Đối với Khu V, chiến thắng An lão đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào”. Ghi nhận tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, ngày 18-4-2013, Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử Chiến thắng An Lão (địa điểm xã An Tân, huyện An Lão) là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão (7/12/1964-7/12/2014) được Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức trọng thể vào ngày 1-9-2014 tại huyện An Lão. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Chiến thắng An Lão là chiến thắng đầu tiên của miền Nam Trung bộ, khởi đầu cho việc đánh bại chiến lược phòng ngự cứ điểm, kết hợp với hệ thống ấp chiến lược trong “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Với chiến dịch An Lão, lần đầu tiên ta vận dụng thành công phương thức tác chiến quân chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích trong quy mô chiến dịch. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc; là biểu tượng của bản lĩnh trí tuệ Việt Nam khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão (1964-2014), tháng 9-2014. (Nguồn: Internet)
Nhân dịp này Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho quân và dân huyện An Lão.
Minh Vượng (tổng hợp)
Nguồn:
- Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945-1975; Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2003.
- Báo Bình Định.