Là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, ở thời điểm quyết định vận mệnh sống còn của đất nước lúc ấy, Nguyễn Văn Linh hiện lên như một kiến trúc sư đầy năng lực, tâm huyết và bản lĩnh tìm đường, mở lối đi lên cho đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với bộn bề khó khăn bên trong và bên ngoài.
Kiên định trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc, sáng tạo trong đổi mới - đó là những gì đã được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, ngày 18.12.1986.(Nguồn: Internet)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915 trong một gia đình công chức tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã giữ các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; Ủy viên Thường vụ xứ ủy Nam Bộ trong kháng chiến; Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước rồi được giao trọng trách làm Tổng bí thư Đảng năm 1986, năm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới.
Trở thành Tổng Bí thư Đảng trong bối cảnh đất nước Việt Nam khó khăn, khủng hoảng. Xuất nhập khẩu thu hẹp, đình đốn, lạm phát tăng cao, lương thực thiếu trầm trọng, viện trợ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cắt giảm, đất nước bị cấm vận. Yêu cầu đặt ra cho đất nước là "đổi mới thì sống, không đổi mới thì chết".
Vừa đổi mới, ông vừa quan tâm đến những việc cần làm ngay, đề ra phương châm nói và làm.Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã khởi xướng công cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên mặt trận báo chí với phương châm: Báo chí không được uốn cong ngòi bút và ông đã đi tiên phong trong trận chiến này.
Ngày 25/5/1987, trang nhất báo Nhân Dân đăng bài Những việc cần làm ngay. Bài viết đi thẳng vào vấn đề khi đó là giá cả tăng vọt của tác giả ký tên N.V.L khiến nhiều người quan tâm. Theo lời kể của nhà báo Hữu Thọ, tối 24/5 là phiên ông trực ban biên tập báo Nhân Dân. Khoảng 17h30, khi mọi người đã về, tòa soạn chỉ còn ông và ban thư ký trực thì thường trực ở cổng đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi đi ôtô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, còn bài báo có đầu đề Những việc cần làm ngay, ký tên N.V.L.
Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân (Ảnh chụp báo)
Từ ngày 25/5/1987 đến 28/9/1990 có 27 bài báo với nhan đề Những việc cần làm ngay, đề cập chủ yếu đến việc chống tiêu cực, phê phán việc ngăn sông cấm chợ, những bất hợp lý trong sản xuất phân phối và lưu thông, nhắc đến đời sống hàng nghìn giáo viên quá chật vật... Loạt bài viết tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: công khai, dám nói thẳng, nói thật trong những năm đầu đổi mới. Sau này, khi được hỏi về bút danh N.V.L, vị Tổng bí thư giải thích đó là "nói và làm", nhưng cũng không ít người dịch ra là "nhảy vào lửa".
"Có đồng chí khuyên tôi nên thôi vì “có bao nhiêu việc cần làm, sao cứ phải hăng hái chống tiêu cực như vậy?” nhưng tôi vẫn cương quyết. Cần đưa các nhân tố mới lên, lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được”. (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - báo Nhân Dân ngày 10/7/1987).
Báo Nhân Dân số ra ngày 10/7/1987. (Ảnh chụp báo)
Khi hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích đó là "Nói và làm". Đúng như đồng chí đã từng giải thích: Thực chất của đổi mới tư duy và phong cách là nói phải đi đôi với làm, lý luận phải gắn liền với thực tế. Thực sự với nhiều người, đó là điều vô cùng quý giá từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Người cách mạng “đã nói thì phải làm”, “đã hứa với dân thì phải làm”, “học phải đi đôi với hành”, phải biết “gắn lý luận với thực tế”. Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hiện thực nó trong thực tế cuộc sống.
Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Tuổi trẻ. (Ảnh chụp báo)
Đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư vào thời điểm bước ngoặt của đất nước, khởi đầu thời kỳ đổi mới, khi tuổi đã ngoài 70, đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước - một nhà lãnh đạo sáng suốt, khách quan và đổi mới - tác giả của 27 bài báo “Những việc cần làm ngay” gây chấn động dư luận. Và với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thời kỳ ấy, việc biết được những bài báo mang đầy sức chiến đấu và tư tưởng tiến bộ với bút danh N.V.L là của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì họ càng ủng hộ, tin tưởng vào Đảng, vào Nghị quyết Đại hội VI - Đại hội đánh dấu chính thức cho tiến trình đổi mới toàn diện đất nước.
Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Đại đoàn kết, số ra ngày1-6-1987. (Ảnh chụp báo)
Là người khởi xướng công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là người trăn trở và đưa “Những việc cần làm ngay” trở thành phong trào lan rộng trong cả nước với bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng bước cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khó khăn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ chỗ có 7 triệu người thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Tầm vóc và vị thế của Việt Nam từng bước được khẳng định và nâng cao trên trường thế giới. Có thể nói, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đạt được kết quả như ngày nay có công lao rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Ngọc Anh