Đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tiến bộ xã hội trở thành công việc cấp bách, nhưng, vào thời điểm đó, tầng lớp trí thức mới ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện.
Tuy nhiên, những tư tưởng cách tân thực tế đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX ở những trí thức lớn như: Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch…Cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng cách tân và thủ cựu diễn ra lúc sôi động, lúc âm ỷ trong gần suốt thế kỷ thứ XIX kể cả trước khi có mặt của Chủ nghĩa thực dân cho tới khi Chủ nghĩa thực dân hiện hữu tại Việt Nam.
Trong áp lực chung là nếu không tự đổi mới thì cái mới ngoài mong muốn sẽ xuất hiện và làm cho cái chủ thể từng bước bị tiêu vong, từ cục bộ đến toàn thể, triều đình nhà Nguyễn đã lựa chọn cách ứng xử "cách tân để thủ cựu", một lối "đổi mới" mang tính ứng phó, chỉ nhằm mục đích giữ lại cái cũ. Đây cũng là quá trình mà triều Nguyễn đi từ "hòa" đến "hàng" trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương tiếp sau đó thực chất vẫn là nhằm duy trì "hồng đồ" của cha ông để lại. Và cuộc đấu tranh này cũng nhanh chóng thất bại với những bi kịch nội bộ càng ngày càng lớn.
Việc lựa chọn hướng đi của Phan Châu Trinh không phải là một sự ngẫu hứng mà được suy ngẫm, đúc rút từ những kinh nghiệm đấu tranh của bản thân, quê hương, dân tộc. Như ta đã biết, ông đã từng theo cha tham gia phong trào võ trang chống Pháp và đã tận mắt chứng kiến kết cục đau thương của phong trào này. Bản quán quê hương và gia đình đã phải ly tán, chia lìa vì mang tội "theo nghịch đảng". Ông đã quay về với sách vở thánh hiền, tham gia vào quan trường, không phải để "vinh thân phí gia" mà để thực thi chí lớn cứu nước an dân, nên đã có một cái nhìn thực tế về thực chất sự hư hại của chế độ đương thời. Do có óc quan sát đặc biệt sâu sắc và tinh tế mà ông đã đi tới quyết định khác xa với những người đương thời với ông.
1.Phan Châu Trinh – một tư tưởng khác biệt
Việc tiếp cận sớm với tân thư, tân văn đã giúp Phan Châu Trinh hiểu được những vấn đề của thế giới hiện đại, tiếp cận với tư tưởng Khai sáng đã làm thay đổi châu Âu trước đó. Bản chất của tư tưởng Khai sáng chính là nguyên lý: Sự đổi mới, cách tân phải có nền tảng từ nhận thức, từ hệ hình tư duy, hệ hình văn hóa. Đó là quá trình chuyển từ thần học sang khoa học, từ tư duy siêu nghiệm tư biện luận lý sang tư duy thế tục, duy lý. Từ sự duy lý hóa, thế tục hóa xã hội mới ba động và tạo ra tất cả những điều khác.
Trong cả một thời kỳ dài người ta thường hay nhóm sự đa dạng trong hành xử của các thủ lĩnh phong trào vào một vài người nào đó mà không nhận ra sự khác biệt giữa họ. Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cũng thuộc trường hợp như vậy khi người ta coi hai ông là đại diện nổi bật nhất của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX tại Việt Nam.
Phan Châu Trinh (1872-1926), người chủ trương Duy Tân đất nước, mở mang dân trí, tôn trọng dân quyền những năm đầu thế kỷ XX.
Phan Bội Châu (1867-1940), người chủ trương bạo động vũ trang chống Thực dân Pháp, khởi xướng phong trào Đông Du (1904).
Nếu xét ở chiều sâu, trong cách cổ vũ, tập hợp lực lượng và dương ngọn cờ đổi mới, người ta có thể nói về nói về hai cụ Phan. So với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là nhân vật phức tạp hơn, phong phú hơn về mặt nhận thức và "rắc rối" về tư tưởng. Ông được đánh giá là người có tư tưởng dân chủ sớm so với các nho sĩ tiến bộ đầu thế kỷ XX.
Trong bối cảnh cá nhân và xã hội như vậy, Phan Châu Trinh sớm nhận ra khó khăn của công cuộc cải tạo xã hội và những chặng đường gập ghềnh của tiến bộ xã hội. Vì vậy, khác với Phan Bội Châu chủ trương sử dụng bạo lực, Phan Châu Trinh chủ trương đi theo con đường Khai sáng với tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
- Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.
- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.
- Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…
Phan Châu Trinh hiểu rất rõ rằng, không có những điều đó làm nền tảng thì việc khuấy động phong trào thì chỉ dựng lại ngọn cờ cũ, đi lại con đường cũ, gặp thất bại những cái cũ đã từng xảy ra. Đấy là lý do sâu xa vì sao Ông không chủ trương bạo động, "ám xã" như Phan Bội Châu mà chủ trương “minh xã” - tức mọi hoạt động của ông đều minh bạch và công khai.
Bên cạnh đó, khác với chủ trương cầu viện ở nước ngoài của Phan Bội Châu và nhiều người, Phan Châu Trinh lại chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" (Dựa vào người Pháp để cải tạo xã hội). Ở đây, Phan Châu Trinh đã nhận ra mặt thứ hai của Chủ nghĩa thực dân, ấy là mặt xây dựng chứ không chỉ là mặt phá hoại. Có lẽ đó là cái nhìn tiến bộ và xa hơn rất nhiều so với Phan Bội Châu.
Từ góc độ của mình, Phan Châu Trinh nhìn ra đường hướng "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" không phải là đường hướng không sáng suốt. Chúng ta chứng kiến một thực tế về sau này là chính hệ thống giáo dục của nước Pháp đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức mà chúng ta vẫn gọi là "thế hệ vàng của trí thức Việt Nam". Và chính những trí thức này sau đó đã góp một phần rất lớn trong việc loại bỏ Chủ nghĩa thực dân và tạo nền móng cho một xã hội hiện đại tại Việt Nam. Có nhìn như thế thì mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ.
2. Phan Châu Trinh – người khởi xướng phong trào Duy Tân yêu nước.
Phan Châu Trinh với chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" - dựa vào người Pháp đánh đổ giai cấp phong kiến, cải cách mọi mặt cho đất nước rồi mới tính đến độc lập. Ông tiến hành song song duy tân, đánh đổ chế độ phong kiến, quan trường.
Ở Việt Nam khi đó, không ít người đồng quan điểm như vậy và trở thành đồng chí của Ông như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Đào Nguyên Phổ (Bắc kỳ), Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền (Trung kỳ), Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Hưởng (Nam kỳ).
Ở Trung kỳ từ 1906 đến 1908, Phan Châu Trinh trực tiếp lãnh đạo phong trào Duy Tân và phong trào chống thuế. Để cổ vũ cho lối học thực nghiệp, từ năm 1906, Phan Châu Trinh cho thành lập hàng chục trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, văn hóa kỹ thuật, lớn nhất là trường Diên Phong.
Các sĩ phu cải cách cũng rất chú trọng phát triển kinh tế, lập ra các hội buôn (lớn nhất là ở Hội An, Phan Thiết với Liên Thành thương quán nổi tiếng), kinh doanh hàng dệt vải, lâm sản (quế, chè), nông sản (gạo, ngô, sắn), hải sản... giao thương cả với nước ngoài.
Hoạt động sôi động hơn cả là trên lĩnh vực tư tưởng, sinh hoạt, với khẩu hiệu để răng trắng, cắt tóc ngắn, ăn vận theo lối mới, tiến tới phê phán gay gắt biểu trưng của chế độ phong kiến như xé áo lam, giật bài ngà...Từ phong trào cắt tóc khi lan xuống nông thôn, đã dần biến thành phong trào kháng thuế của nông dân. Từ Hội An, Đại Lộc (Quảng Nam) phong trào lan xuống Phú Yên, Khánh Hòa, lan ra Hà Tĩnh, Thanh Hóa, bao vây các phủ huyện, có khi bắt cả quan chức địa phương, đòi giảm sưu thuế, thậm chí có nơi còn cướp chính quyền ở địa phương...
Khi đó, phong trào đã vượt khỏi sự kiểm soát của các sĩ phu cải cách. Thực dân Pháp đã lợi dụng sự kiện này, thẳng tay đàn áp phong trào Duy Tân Trung kỳ. Một số sĩ phu bị xử chém như Trần Quý Cáp, Lê Khiết và hàng chục người bị án lưu đày ở Côn Đảo như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…
Ở Bắc kỳ, sự ra đời Đông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội có thể coi là sự nối dài của phong trào Duy Tân. Ở đây, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền được sự ủng hộ của Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Võ Hoàng, Phạm Duy Tốn... học theo kinh nghiệm của Nhật Bản đã mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, tháng 3-1907.
Trụ sở trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở phố Hàng Đào, Hà Nội, năm 1907.
Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ diễn ra có vẻ lặng lẽ hơn dưới cái tên Cuộc Minh tân, tập trung vào những hoạt động kinh tế. Ngoài Sài Gòn ra, nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Tây Ninh, Biên Hòa... đã mọc lên các khách sạn (Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn, Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho...), các cơ sở công nghệ (dệt, làm xà phòng, may mặc...), các hội Tương tế và đặc biệt một số công ty như Minh Tân công nghệ xã, Nam Kỳ thương cuộc...
Phong trào Duy Tân cải cách lắng xuống từ cuối năm 1908, sau phong trào chống thuế. Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo 3 năm. Được Hội nhân quyền Pháp can thiệp nên Ông đã được thả năm 1911, sau đó sang Pháp sinh sống và hoạt động suốt 14 năm (1911 - 1925).
Tại Pháp, tháng 6-1919, Phan Châu Trinh đã cùng với Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường soạn “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội Nghị Véc-xay đòi một số quyền tự do, tự quyết cho dân tộc mình.
Năm 1922, Khi vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa, Phan Châu Trinh đã viết “Thất điều thư” buộc tội Khải Định và khuyên vua về nước đừng làm nhục quốc thể.
Đám tang Phan Châu Trinh tại Sài Gòn, ngày 24-3-1926.
Cuối năm 1925, Phan Châu Trinh từ Pháp trở về Sài Gòn, sau một vài cuộc diễn thuyết, cụ lâm bệnh nặng và qua đời ngày 24-3-1926.
3. Phan Châu Trinh – lịch sử nhìn lại
Trong một thời gian khá dài, Phan Châu Trinh được coi như một người theo xu hướng cải lương, thiếu tinh thần mạnh mẽ của "thiết huyết", điều mà người ta tìm thấy ở Phan Bội Châu.
Quan niệm máy móc khi nghiên cứu Phan Châu Trinh là cố gắng quy tìm lập trường giai cấp của ông. Đi theo hướng này, hoặc cho rằng ông đang ở lập trường tư sản, hoặc cho rằng về thực chất ông vẫn là nhà nho phong kiến. Bởi vậy, nên thường chỉ thấy mặt hạn chế mặt tiêu cực, của lập trường hai giai cấp này, thể hiện các yếu điểm trong chủ thuyết và hành động của ông.
Khoảng vài chục năm trở lại đây, khi ta nhìn lại mối quan hệ với những cựu thù như Pháp, Nhật, Hoa Kỳ thì ta lại thấy rằng, bản thân thực thể ấy cũng không đứng yên, bản thân thực thể ấy trong quá trình phát triển của nó cũng tồn tại những mâu thuẫn.
Và người ta cũng bắt đầu đánh giá lại tư tưởng của Phan Châu Trinh. Từ chỗ được coi là một nhà cải lương, thiếu "sắt và máu", Phan Châu Trinh được đánh giá như một nhà yêu nước, nhà tư tưởng có chủ trương đường lối sáng suốt. Bằng chứng cho quá trình phản tư này chính là việc tên ông được lấy đặt cho một quỹ văn hóa đang ngày càng có uy tín và một trường đại học mang tinh thần khai phóng rất cao. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được rất nhiều trí thức trong và ngoài nước cộng hưởng.
Gần đây nhất, trong bài phát biểu chiều ngày 24-5-2016 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã nhắc tới Phan Châu Trinh như một đại diện của tinh túy tri thức Việt Nam, cùng với thơ Nguyễn Du và nhà toán học Ngô Bảo Châu. Ông Obama không phải là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên nhắc tới tư tưởng Phan Châu Trinh. Trước đó, cũng đã có nhiều người khác xiển dương con đường mà Phan Châu Trinh lựa chọn. Điều này đặt ra cho chúng ta một yêu cầu phải quay lại, nhận thức lại và thực hành lại con đường mà Phan Châu Trinh đã lựa chọn cho Việt Nam.
Ngày nay, xã hội tiến bộ, nếu chú ý nghiên cứu kỹ yêu cầu cụ thể của xã hội Việt Nam tại thời điểm Phan Châu Trinh sống, ta sẽ nhìn thấy đúng mức tầm chuyển hướng tư duy cho dân tộc của ông, từ một lối tư duy truyền thống, tư duy nông nghiệp phong kiến trì trệ khép kín sang tư duy cận đại hướng ra bên ngoài, hướng tới những giá trị mới mẻ của các nền văn minh cao hơn, phù hợp với hướng chung của thế giới.
Chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế tri thức, với nỗ lực xây dựng nền văn hóa độc lập nhưng đa dạng, toàn diện và thông tuệ, với việc nhìn nhận vai trò động lực của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả phải được đặt trên nền tảng dân chủ hóa, thế tục hóa, duy lý hóa và trong bối cảnh ngày nay cần nói thêm cả toàn cầu hóa nữa. Đó chính là khi chúng ta thực hiện được tư tưởng tiến bộ mà Phan Châu Trinh đã đề xướng.
Tường Khanh (Tổng hợp)