Chủ Nhật, 15/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/09/2016 00:00 1167
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Phần 3 và hết:

Xuất phát từ thực trạng trên, cái đích của Thực học mà Phan Châu Trinh hướng tới không phải chỉ là những khía cạnh của trung hiếu, hy sinh của Nho gia mà ông nêu ra những yêu cầu về việc đào tạo nên mẫu hình của con người thời đại mới, đó là một mẫu người nhân nghĩa, có óc thực tế, ham hiểu biết, biết học và cần học cái gì để tiến bộ cho kịp với thế giới, phải có chí mạo hiểm, có tinh thần đoàn kết yêu thương nhau. Mẫu hình này có rất nhiều cái mới so với mẫu hình con người trung hiếu ngày xưa, mặc dù nó vẫn giữ được những đức tính tốt đẹp nhất của con người truyền thống. Đào tạo nên mẫu hình này, Phan Châu Trinh hướng tới cái đích đào tạo nên những con người của thời đại Duy Tân, thời đại dân chủ. Có thế nói, tư tưởng xây dựng nên một mẫu người mới mẻ như vậy, nó không chỉ có ý nghĩa với một thời kỳ lịch sử cụ thể, mà thậm chí trong thời đại ngày nay, những tư tưởng ấy lại càng rực sáng hơn, cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi tư tưởng Thực học (giáo dục thực nghiệp) đến nay vẫn là một vấn đề xã hội nan giải. Tư tưởng về cái học mới mà Phan Châu Trinh lãnh xướng đúng là một tư tưởng mang tính cách mạng và hiện đại.

Để đi tới cái mục đích “tự lực khai hóa”, xây dựng được mẫu người mới, để cách tân, “làm mới dân tộc”, Phan Châu Trinh kêu gọi: “Hỡi những người liêm sỉ, công trung/ Thương nhau mà bảo nhau cùng/ Học khôn học khéo để phòng hậu lai”.

Thực trạng của xã hội ta bấy giờ đã đen tối, bế tắc lắm rồi, nếu không mau chóng thức tỉnh để tiếp thu những tiến bộ, văn minh của thế giới, chắc chắn hậu quả về sau sẽ thật sự khôn lường. Dự cảm được hậu quả tất yếu sẽ đến nếu việc học không được tổ chức tiến hành gấp gáp, Phan Châu Trinh đã đứng cao hơn những chí sĩ yêu nước đương thời về tầm nghĩ xa trông rộng.

Để giải quyết nguy cơ hậu quả cho mai sau, theo Phan Châu Trinh thì không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của bất cứ một lực lượng nào mà cốt yếu là phải “tự lực khai hóa”. Trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, tự lực, tự cường mới chính là yếu tố để nhân dân ta giành được hạnh phúc, đất nước Việt Nam gấm vóc thoát ra khỏi “cũi lồng”. Tư tưởng tự lực, tự cường được thể hiện nhất quán trong mọi hành động trên lịch trình hoạt động cách mạng của Phan Châu Trinh. Không trông cậy vào sự viện trợ của “đế quốc hổ đói” Nhật Bản, không tin tưởng vào bản chất đế quốc của nước láng giềng “đồng chủng, đồng văn” Nhật Bản. Phan Châu Trinh có lý khi phát biểu “Bất ngoại vong, ngoại vong giả ngu”.

Thực nghiệp dân báo, số 65 ra ngày 6-4-1926 đăng bài Lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Hà Nội.

Không bạo động, không cầu viện, Phan Châu Trinh không chủ trương giải quyết vấn đề ngoại vong lên hàng đầu. Đối với ông, vận động nhân dân thức tỉnh, mở mang dân trí, trình độ văn hóa, phát triển ngành nghề… để tự cường, tự lực khai hóa là con đường ngắn nhất, có hiệu quả nhất để tiến lên giành độc lập nước nhà.

Phan Châu Trinh còn quan niệm “Công việc ngày nay, ai có thể dạy ta, thì ta xin làm trò; ai có thể nuôi ta thì ta xin làm con; nhờ ơn dạy dỗ nuôi nấng, dìu dắt, ôm ấp lấy nhau, mong cho giống nòi còn sinh tồn ở trên mặt địa cầu này mà thôi”. Đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ, Phan Châu Trinh cũng như các nhà chí sĩ cùng thời với ông đều được đào tạo từ nền giáo dục Nho gia, thì quan niệm về việc học của Phan Châu Trinh quả là rất mới và có tính mở. Quan niệm ấy vẫn luôn đúng cho mọi thời đại, nếu muốn tiến lên dân chủ (dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa). Với quan niệm học tập tiến bộ ấy, Phan Châu Trinh xứng đáng là nhà tư tưởng tiên phong của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ.

Đám tang Phan Chu Trinh ngày 24-3-1926 tại Sài Gòn.

Là một người có tầm hiểu biết sâu rộng, tầm nhìn xa trông rộng vượt thời đại, vượt lên trên cả những quan niệm sống thanh bần của Nho gia, Phan Châu Trinh không chỉ đề xướng việc học văn hóa để nâng cao dân trí mà ông còn quan tâm rất nhiều đến việc giáo dục nhân dân học. Bản thân ông cũng là một người đi tiên phong trong việc tự học nghề để mưu sinh kiếm sống. “Đây cũng là quan điểm trọng thực của các nhà Duy Tân”.

Lòng người hẹp hòi, không trọng tín nghĩa, chí khí ươn hèn… thực trạng ấy không phải không có, chỉ có điều trước Phan Châu Trinh và cả sau này chưa mấy ai có đủ dũng cảm để nói lên cái “căn bệnh” cố hữu của người dân Việt. Căn bệnh trầm kha ấy là hệ quả tất yếu của lối học hủ nho, của những hủ tục lạc hậu. Không những thế, bức tranh xã hội Việt Nam còn trở nên u ám và hài hước hơn khi Phan Châu Trinh vạch rõ cái thiếu hụt căn bản để bất cứ một dân tộc nào muốn tiến lên văn minh, đó là sự vắng bóng các ngành nghề, tâm lý ỷ lại vào sự ban tặng của thiên nhiên “Rừng vàng biển bạc”.

Không những trình bày một cách khách quan bức tranh chung về tình trạng hủ lậu của người dân ta, Phan Châu Trinh còn thẳng thắn lên án thói cậy quyền cậy thế ức hiếp và ăn xớ của dân của những người có chút chức tước ranh mãnh.

Phê phán lối học hủ Nho đã kìm hãm nhân dân ta sống trong đêm dài trung cổ hàng chục thế kỷ, hơn nữa Phan Châu Trinh còn tìm thấy những thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa thực dân Pháp, đó là chính sách ngu dân. Dân mà ngu thì không có sức phản kháng. Nhìn từ góc độ này, Phan Châu Trinh chủ trương kẻ thù sử dụng chính sách ngu dân với dân ta thì chỉ có một cách duy nhất là dân phải học và biết học. Vận động Duy Tân, vận động học tập trước nhất là phải tỉnh ngộ nhân dân ở khía cạnh này.

Sở dĩ tư tưởng cái học mới của Phan Châu Trinh là một tư tưởng có tính chất cách mạng, bởi ông quan niệm việc học tập về văn hóa để nâng cao trình độ hiểu biết phải gắn với thực hành, mục tiêu là đào tạo nên những người có nghề “học phải có nghề nghiệp” để phụng sự xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế, một nền kinh tế hàng hóa theo “con mắt thị trường”.

“Học lấy một nghề”, những nghề phải học là nghề gì? Và vì sao lại phải học nghề? Theo Phan Châu Trinh, sở dĩ chúng ta phải học nghề là vì trong xã hội đương thời và cả về sau: “Người ta trọng có tài có nghiệp/ Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn”. Theo quan niệm của Phan Châu Trinh, dù là nghề nào “Dầu rằng thợ mộc, thợ rèn” nhưng “Tài hay trí tốt tiếng khen vang rần”.

Học nghề không phải là mới, nhưng quan niệm mỗi người phải học lấy một nghề để “tự lực khai hóa”, để bảo chủng giống nòi, để thoát kiếp cũi lồng, để nâng cao nội lực dân tộc… thì quả thật trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, phải đến Phan Châu Trinh vấn đề này mới được đặt ra. Phan Châu Trinh đã có cái nhìn khách quan khi nhìn nhận rằng nhân dân ta vốn có tài về những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng do thói ươn hèn, tâm lý ngại đổi mới, tính thiếu sáng tạo, lại không biết học hỏi nên chưa hề có sự cải tiến, rút kinh nghiệm của người Âu – Mỹ để cho hàng hóa của ta tinh xảo hơn. Phan Châu Trinh không những đã cổ động nhân dân phát huy nghề cổ truyền trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của người Âu – Mỹ, mà ông còn khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ hàng nội hóa, khuyến khích việc cạch tranh, đua tài trong sản xuất và buôn bán để tạo nên một nền hàng hóa dưới con mắt thị trường. Tư tưởng xây dựng một nền kinh tế hàng hóa, mở rộng thông thương buôn bán, nhất là với các đối tác nước ngoài của Phan Châu Trinh quả là rất mới trong xã hội khép kín ngày xưa và so với yêu cầu của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta ngày nay, tư tưởng ấy vẫn rất cập nhật và cần thiết. Đề cao phát triển buôn bán với nước ngoài, Phan Châu Trinh còn khuyến khích dùng hàng nội đối với người mua, Phan Châu Trinh cũng yêu cầu người bán phải không ngừng đổi mới, học hỏi để làm nên những sản phẩm “tinh khéo”. Có làm được như vậy, nội lực của nền kinh tế nước nhà mới ngày mạnh. Phan Châu Trinh kêu gọi nhân dân “đoàn kết, thương yêu nhau” trong mọi lĩnh vực. Phải có được quan niệm như thế thì dân tộc ta mới đủ sức tự lực, tự cường, đủ sức chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Trong buôn bán công thương nghiệp, hợp đoàn chính là để bảo chủng. Hợp đoàn để người giàu giúp đỡ kẻ nghèo, chung vốn để cùng nhau phát triển, làm giàu.

Tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh không chỉ hướng đến những vấn đề kinh tế - giáo dục, mà còn hướng tới cải cách những vấn đề văn hóa – xã hội. Phan Châu Trinh đã nhận ra được những thói ươn hèn “Người mình một bước chẳng đi, loanh quanh xó bếp, biết gì đến ai”, kém hiểu biết “Đất bỏ hoang biết là hiếm mấy. Lợi chan chan đều thấy bỏ qua”.

Yêu nước, thiết tha với sự nghiệp giải phóng dân tộc, hơn ai hết, với một nhãn quan sắc sảo, Phan Châu Trinh hiểu rằng “hung lợi phải trừ hại”, muốn chấn hung dân tộc khôi phục độc lập, trước hết phải tăng cường nội lực, phải vạch rõ những thiếu sót, lạc hậu cố hữu của dân tộc…

Tự hào vì nòi giống Rồng Tiên, đau xót trước cảnh giang sơn gấm vóc cha ông bao đời gây dựng nay đang bị quân thù tàn phá, nhận thức rõ tình trạng mù mịt của đất nước cũng như sự ngu dốt, ươn hèn… của người dân, Phan Châu Trinh đã dùng những vần thơ đầy gân guốc của mình để vạnh rõ thực trạng xã hội lúc bấy giờ, đồng thời bằng những lời thơ thiết tha, ông kêu gọi nhân dân cần phải học để mở mang dân trí, để có hiểu biết, có nghề nghiệp, để được làm con người mới của một nền dân chủ, văn minh.

Những tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh vẫn luôn mới và sống mãi với mọi thời đại. Bởi việc học luôn là vấn đề sống còn của mọi xã hội. Tư tưởng về học thuật của Phan Châu Trinh vượt lên trên thời gian để ngày càng khẳng định đó là một học thuyết của một bậc trí giả lớn của dân tộc.

Từ lý thuyết đến thực hành, từ những vần thơ ca chứa đựng tư tưởng canh tân, giáo dục tư tưởng dân quyền đến những hành động in đậm màu sắc những tư tưởng mới mẻ ấy… là một chặng đường dài và không dễ gì thực hiện, trở thành một phong trào lôi cuốn hàng vạn người tham gia lại càng khó khăn, nhất là trong khi thực dân xâm lược nham hiểm đang muốn thực thi chính sách “ngu dân” để chúng dễ bề cai trị. Tuyên truyền, cổ động canh tân không ngừng nghỉ, thậm chí phải chịu tù đày, Phan Châu Trinh đã phần nào đưa được chủ thuyết của mình vào đời sống của nhân dân, tạo nên một phong trào Duy Tân phát triển mạnh mẽ đặc biệt là ở Quảng Nam – quê hương nhà chí sĩ, trường học Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội; phong trào xin xâu, chống thuế dâng lên mạnh mẽ ở miền Trung rồi lan rộng ra khắp cả nước. Những phong trào tiêu biểu ấy tự nó đã nói lên vai trò tiên phong và hiệu quả của những hoạt động bền bỉ của Phan Châu Trinh, trong đó thơ văn tuyên truyền của ông đóng một vai trò không nhỏ.

Trong số những sự kiện nổi bật trên, “thực sự chỉ có phong trào Duy Tân (1905-1908) là quan trọng nhất, xuất hiện như một ánh sáng lồ lộ, phát ra tiếng vang dội khắp núi sông, đẩy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi đã góp phần lớn lao làm mới con người và làm mới xã hội”

Nhiều ý kiến cho rằng phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ là một và được thực hành ở hai thí điểm khác nhau, một ở thành phố lớn một ở tỉnh lẻ. Và như vậy, phong trào vận động Duy Tân do Phan Châu Trinh và hai người bạn thân Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chủ xướng và lãnh đạo thực sự là một phong trào có phạm vi rất rộng, “ngoài các lớp học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, các hội thương, hội nông, các cuộc diễn thuyết công cộng, nhất là những bài ca, bài vè được phổ biến rất rộng trong quần chúng thiếu học”.

Phần trưng bày về Phan Châu Trinh tại hệ thống trưng bày BTLSQG.

Về mặt lý thuyết, phương pháp, cơ cấu tổ chức phong trào Duy Tân đều do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyệt… phụ trách. Còn việc thực hành sắp đặt mọi công việc đem ra áp dụng thì ở mỗi xã hay huyện đều do người địa phương ấy quản lý và chịu trách nhiệm.

Như vậy, “có thể nói rằng phong trào Duy Tân là một phong trào toàn diện, là thực sự Duy Tân theo bóng cờ dân quyền, chứ không phải là những vá víu cải lương, hơn thế nữa, những nhân vật phong trào Duy Tân đã phục vụ bằng tâm huyết, bằng tinh thần cách mạng để quyết tâm làm mới con người, làm mới xã hội. Từ đầu thế kỷ đến 1945, chưa hề có một phong trào thứ hai có tính cách toàn diện và phát triển rộng khắp ba kỳ như thế”.

Là một trong những nhân vật khởi xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân, có công lớn đưa phong trào bám rễ vào cuộc sống của nhân dân, Phan Châu Trinh là người tiến xa nhất trong số các nhà canh tân trước và cùng thời với ông. Vấn đề Duy Tân đến thời Phan Châu Trinh không còn là mới mà nhất định cũng chưa cũ, nó là điều kiện cơ sở, là tất yếu nếu muốn thực hiện chủ thuyết dân chủ (dù là dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa). Để có được những thành quả lớn lao như vậy, tạo nên ý nghĩa đặc biệt “đẩy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi góp phần lớn lao làm con người và làm mới xã hội”.

Lê Thị Hương (Ban Xây dựng ND &HTTB)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đỗ Thị Hòa Hới, 1996, Tìm hiểu tư tưởng Dân chủ của Phan Châu Chu Trinh, NXB Khoa học xã hội Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Xuân, 2000, Phong trào Duy Tân (in lần thứ tư). NXB Đà Nẵng/ Trung tâm nghiên cứu Quốc học Huế.

3. Nguyễn Văn Xuân, 2002, Tuyển tập NVX . NXB Đà Nẵng (Phong trào Duy Tân – biên khảo Tr 658 – Tr 999).

4. Nhiều tác giả, 1993, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. NXB Đà Nẵng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: