1. Đất Tổ, là nơi phát tích của dân tộc, đồng thời cũng là miền đất lưu giữ những tài nguyên dân ca của người Việt.
Tài nguyên ấy bao gồm từ tầng dân ca cổ nhất cho đến những sáng tạo mới nhất của nhân dân trong các giai đoạn về sau. Dân ca Phú Thọ có nhiều thể loại, mang tải và phản ánh tâm tư tình cảm con người miền đất Tổ. Ở đây có dân ca phong tục như hát Ví giao duyên, hát Ống, hát Trống quân, hát Đu, hát Đúm, hát Ghẹo; có dân ca nghi lễ - phong tục như hát Xoan, hát hội Chùa; có các dân ca chuyên loại như hát Nhà Tơ, hát Xẩm, và có cả sân khấu ca nhạc như hát Chèo và diễn Tuồng.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình, Ca môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần; Theo truyền ngôn thì Hát Xoan có từ thời các Vua Hùng dựng nước, diễn ra vào những ngày đầu xuân, khi có hội hè, đình đám các làng kết nghĩa mời nhau đến hát và chúc xuân.
Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng Đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24 tháng 11 năm 2011.
Theo sử sách ghi lại thì Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng Đất Tổ. Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền; nhiều người có chức sắc; các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Do nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của Văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta.
2. Hát Xoan có tổ chức chặt chẽ: Hát Xoan phường, Hát Xoan đoàn và Hát Xoan lễ hội. Phường Xoan là tổ chức văn nghệ làng, phần lớn là những người có quan hệ anh em, họ hàng với nhau. Đứng đầu mỗi phường Xoan là ông Trùm, đồng thời là người dạy nghệ thuật hát múa Xoan và cũng là người quản lý, tổ chức biểu diễn; thành viên của phường là các đào Xoan (thôn nữ dưới 20 tuổi, chưa lấy chồng, xinh đẹp, múa dẻo, hát hay) và các kép Xoan. Trong hát Xoan múa và hát luôn đi cùng, kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa cho lời ca.
Hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên.
- Hát nghi lễ: gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám.
- Hát quả cách: gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách.
- Hát giao duyên: gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê - Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mó cá...
3. Tổ chức một phường Xoan
Những người đi hát được tập hợp trong một tổ chức gọi là "phường Xoan" hoặc "họ Xoan".
Tam Thanh một cảnh huê hò / Lòng em muốn lấy nhà trò họ Xoan.
Ba hàng già trẻ khang ninh / Bên dân, bên họ thái bình hơn xưa.
Số lượng thành viên trong mỗi phường (một họ) thường từ 15 đến 18 người, trạc tuổi mười sáu, đôi mươi. Trai gọi là kép, gái gọi là đào. Những tên gọi này thường gặp trong các câu hát.
Tam Thanh một cảnh huê khoai / Lòng đây muốn lấy mười hai cô đào.
Tùy mỗi phường số lượng thành viên có thể ít hơn (không dưới 12 người) nhưng số đào bao giờ cũng đông hơn số kép. Số lượng đào đông để đáp ứng các tiết mục có đội hình múa minh họa cho hát, ứng đáp với trai làng sở tại trong các màn hát giao duyên. Phường nào cũng có 1 - 2 kép trẻ (khoảng 13 đến 15 tuổi) để diễn xướng phụ họa (đeo một chiếc trống con và làm các động tác phụ họa) cho một hai tiết mục nghi thức mở đầu.
Mỗi phường có một ngựời đàn ông đứng tuổi, có uy tín, đã đi hát nhiều năm, biết chữ Hán Nôm... đứng đầu, gọi là "ông trùm". Ông trùm lo việc chung cho cả phường, cả họ, từ việc điều hành luyện tập chuyên môn đến việc giao dịch với làng đến hát. Ông cũng là người huấn luyện các bài bản, làn điệu cho các đào, kép trẻ mới nhập phường. Ông kiêm luôn vai trò người quản trị như quản lý tiền nong, gạo lúa do các làng sở tại ban tặng, thù lao cho phường. Và khi hết mùa đi hát, trước lúc mỗi thành viên trở về gia đình mình để làm ăn, cày cấy thì ông phân phối những sản vật, tiền nong cho các thành viên. Các phường Xoan thường có một quỹ riêng trích ra từ những thành quả lao động trong mùa đi hát hoặc tổ chức nuôi lợn để gây quỹ. Tiền quỹ dùng vào việc sắm sửa một số trang thiết bị tuy đơn sơ nhưng cần thiết cho cuộc hát (trống con, những dải khăn màu...).
Hàng năm, trước mùa đi hát, phường Xoan thường tập dượt, ôn luyện bài bản vào các buổi tối trong tháng cuối năm, địa điểm tập dượt thường là ở nhà ông trùm.
Sau tết Nguyên đán, nơi sớm nhất là từ mùng 5 tháng Giêng, các phường Xoan lần lượt đến các đình làng kết nghĩa để hát thờ, vui chơi trong lễ hội. Thời gian hát ở mỗi cửa đình có thể kéo dài thêm hay không (từ 2 hay 3,4,5 ngày) còn tùy thuộc vào khả năng kinh tế của làng sở tại có đủ tiền gạo để nuôi phường Xoan hay không.
Mỗi lần đi hát ở các cửa đình trở về, phường Xoan thường nhận được tiền hoặc gạo của làng sở tại ban cho. Dân làng Đức Bác có kể rằng: Ngày xưa mỗi lần phường Xoan đến hát, làng thu mỗi hộ có đàn ông (hoặc con trai) một đấu gạo để góp làm phần thưởng cho phường. Nhiều nơi khác lại góp bằng tiền cọc. Thù lao nhận được từ các cửa đình sau khi bớt ra để làm quỹ chung thì thường chia đều cho các thành viên.
4. Phương tiện đạo cụ hành nghề của một phường Xoan rất đơn giản: Một trống nhỏ, tang làm bằng thân cây cọ già hay lõi gỗ mít già, hai mặt bịt da trâu (hoặc da bò), mấy cặp phách làm bằng gốc tre già, một quyển sách chữ Nôm chép đủ 14 quả cách, vài ba chiếc quạt giấy, mấy cái ô đen.
Trong diễn xướng của Xoan có một số tiết mục vừa hát vừa có múa phụ họa và có trống phách giữ nhịp; một số tiết mục không có múa phụ họa (hát các quả cách, các màn đối đáp giao duyên) nhưng có trống phách giữ nhịp, có người hát dẫn và người phụ họa... do đó các thành viên trong phường đều có sự phân công thực hiện các vai trò khác nhau trong diễn xướng. Vai trò của người kép trẻ nhất là đảm nhiệm mấy tiết mục nghi thức mở đầu (đeo chiếc trống con vừa hát vừa làm động tác phụ họa). Các kép khác giữ nhịp trống, phách, có thế hát dẫn một số bài bản dài (đặc biệt là các quả cách). Các cô đào vừa hát vừa múa minh họa trong một số tiết mục từ nghi thức đến vui chơi, là những nhân vật chính của phường đứng ra đối đáp giao duyên với các trai làng sở tại trong một số trò diễn giao duyên ngoài nghi lễ. Ngoài chức năng (điều hành, quản lý ông trùm phường đóng vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật trong diễn xướng, cũng là một "diễn viên", một kép thành thạo trong hát dẫn một số bài bản và thành thạo cả trong giữ nhịp trống phách.
5. Về trang phục trong những ngày đi hát: các cô đào đầu đội khăn nhung đen, mặc quần láng đen, áo the thâm, thắt bao lưng đen, có khi là bao xanh, bao hồng; kép đầu đội khăn lượt hoặc khăn xếp, mặc áo the thâm, quần trắng, cổ quàng thêm dải nhiễu điều.
6. Phần chuẩn bị cho các cuộc hát trong nghi lễ và vui chơi thuộc khuôn khổ lễ hội. Không phải chỉ có một phía là các phường Xoan mà ở những làng có cửa đình hàng năm mời phường Xoan đến hát thờ, vui chơi; đồng thời cũng có sự chuẩn bị về mặt nhân lực để phối hợp trong một vài tiết mục diễn xướng. Gần đến ngày mở hội mỗi làng thường tuyển chọn một số chàng trai trạc tuổi mười tám, đôi mươi tốt mã, dẻo tay, trong giọng... hàng đêm đến luyện lập dưới sự chỉ đạo của một số đàn anh hoặc bậc cha chú có kinh nghiệm để ngày tiệc hội góp vui với phường Xoan.
7. Về góc độ đặc tính nghệ thuật, hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa nằm trong thành phần các trò diễn hội làng. Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc trong hát Xoan khá đơn giản, nghệ thuật trình diễn trong hát Xoan cũng không đòi hỏi cao. Nhưng, nhìn tổng thể, sinh hoạt hát Xoan lại có tính tổ chức khá cao và chặt chẽ, có thể tóm lược trong mấy đặc điểm sau:
- Hát vào thời gian nhất định: tổ chức vào mùa xuân.
- Hát ở những điểm nhất định: hát cửa đình; mỗi phường Xoan giữ một số cửa đình nhất định.
- Hát Xoan có tổ chức rất chặt chẽ: Hát Xoan đòi hỏi phải tổ chức thành phường Xoan hoặc họ Xoan. Mỗi phường Xoan có một ông trùm.
- Hát có trình tự nhất định: Hát Xoan phải theo trình tự đã quy định, gồm ba phần: phần lễ nghi tôn giáo, phần trình diễn các quả cách và phần hát hội.
Với những đặc điểm mang tính quy định khá “nghiêm ngặt” như vậy thì hình thức thực hành sinh hoạt hát Xoan cần phù hợp với yêu cầu nghệ thuật của loại hình.
Hát Xoan là lối hát cửa đình, do đó chỉ hát vào những ngày hội đám, tế thần ở trong đình chứ không hát ở nhà hay những sân bãi khác.
Đó là cuộc hát thuộc lề lối hoặc trong khuôn khổ lề lối. Những trường hợp phường Xoan được tư gia mời đến hát để thưởng ngoạn nghệ thuật, văn chương với một số bài bản thơ Hán Nôm (các quả cách) hoặc ngâm phú, ca lý... cũng như hát đối đáp giao duyên với trai làng trước khi vào lễ hội hoặc ngoài lễ hội... đều là những cuộc hát ngoài lề lối.
Trong thực tế, lề lối của Hát Xoan thật ra không cứng nhắc. Bên cạnh lề lối hát "lối thiểu" (tức là diễn xướng trong một ngày, một buổi) còn có 16 lối hát "mở rộng" (hát trong vài ba ngày). Bên cạnh việc hát theo lề lối, trong lề lối, còn có sự đan xen giữa trong lề lối và ngoài lề lối. Các dạng thái khác nhau của cuộc hát hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của làng sở tại, vào khả năng kinh tế của làng đó. Tất nhiên ở đây không thể loại trừ yếu tố tập tục, thói quen, nếp nghĩ, của cộng đồng từng nơi.
Hát Xoan vừa là sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng Đất Tổ Hùng Vương. Là một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền phát triển theo phương thức truyền khẩu, truyền ngôn, truyền nghề; có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân nông nghiệp. Người dân Phú Thọ quan niệm rằng: đầu xuân năm mới, đi thắp hương Đền Hùng, thờ cúng tổ tiên; được nghe câu Hát Xoan sẽ mang lại sự nhân đôi những điều may mắn trong suốt cả năm.
Hát Xoan đã vượt qua không gian văn hóa Phú Thọ để đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả nhân loại trên toàn thế giới. Hát Xoan Phú Thọ qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống./.
Phạm Bá Khiêm (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ)