II. Tư tưởng canh tân của Phan Chu Trinh
Canh tân đất nước là vấn đề chính trị - xã hội được đặt ra từ trước khi Phan Châu Trinh hô hào cải cách, vận động phong trào Duy Tân. Canh tân là điều kiện thiết yếu để thực hiện dân chủ (dân chủ tư sản hoặc dân chủ xã hội chủ nghĩa), nó là sự tự phủ định những hệ giá trị cũ để thiết lập những giá trị mới trên hành trình phát triển đi lên của xã hội. Tư tưởng canh tân đã được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ và đặc biệt là Nguyễn Lộ Trạch với tác phẩm nổi tiếng “Thiên hạ đại thế luận” (Bài luận về thiên hạ).
Là những kẻ sĩ thức thời bậc nhất lúc bấy giờ, những học giả ít nhiều được tiếp xúc với văn minh Tây phương như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… đều nhận thức được trọng trách của kẻ sĩ. Song, ngay cả Nguyễn Lộ Trạch cũng như các học giả khác, trước sau vẫn chưa có một ai đủ nhạy bén để đặt những vấn đề cấp thiết nhất của thời đại thành vấn đề Duy Tân, nói cụ thể ở đây là cải cách nền giáo dục, thương mại, quân sự, nhằm nâng cao trình độ dân trí và khả năng giác ngộ của nhân dân… theo hướng Tây phương.
Nếu như, Phạm Phú Thứ sau chuyến đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha (1863) trở về, có tấu trình lên vua Tự Đức xin cải cách việc học và mở mang kỹ nghệ, nhưng không được Triều đình chấp nhận; Nguyễn Trường Tộ sau khi sang Ý rồi qua Pháp, trở về quen đem các điều đã học được giúp nhân dân việc khai khẩn đất đai, lập ấp, đồng thời, ông viết nhưng bản điều trần để xin Triều đình cải cách mọi việc, mong để giúp cho việc phú quốc, cường dân để đối phó với thời cuộc (cũng năm 1863), nhiều bản điều trần của ông như: Điều trần về việc Tôn giáo (29/3/1863); Điều trần về việc phái học sinh đi du học ngoại quốc (1866); Điều trần về việc thông thương với nước ngoài (1871)… Nhìn chung, những bản điều trần của ông đã thực hiện chủ trương muốn cải cách trên nhiều phương diện: ngoại giao cũng như cải cách nội chính để cho nước mạnh, dân giàu.
Đến Nguyễn Lộ Trạch cũng dâng lên Vua “Thời vụ sách thứ nhất” (1877), “Thời vụ sách thứ hai” (1882), và “Thiên hạ đại thế luận” (1892) đề nghị những cải cách cấp thiết trên mọi phương diện Chính trị - Ngoại giao – Quân sự… một cách có phương pháp để quốc gia thoát khỏi tình trạng bế tắc.
Thế nhưng, tất cả những bản điều trần hoặc chương trình cải cách của họ đều bị công kích và phản bác gay gắt, mà nếu không công kích thì cũng bị nhìn với con mắt nghi ngờ bởi số đông các nhà Nho hoặc quan lại lúc bấy giờ vốn thiếu hiểu biết về tương quan quốc tế mới.
Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, phải mất mấy chục năm sống dưới chế độ thực dân, người ta mới nhìn ra sự khác nhau giữa bóc lột tư bản chủ nghĩa và bóc lột phong kiến, mới thấy thực dân Pháp ngoài cách bóc lột bằng sưu cao thuế nặng, cưỡng bức bằng vũ lực, còn có cách cưỡng bức, vét kiệt bằng kinh tế, văn hóa. Chính sách thực dân nham hiểm và thâm độc là ở chỗ ấy.
Từ chỗ nhìn nhận thấu rõ thực tế và yêu cầu của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, sự xuất hiện của Phan Châu Trinh với những cải cách toàn diện theo hướng dân chủ tư sản là một hiện tượng xã hội tất yếu, phản ánh tính chất của một thời kỳ lịch sử đang có nhiều biến động.
Có thể nói việc hình thành nên tư tưởng dân chủ tư sản mà cụ thể là những chính sách cải cách “để làm mới dân tộc” của Phan Châu Trinh có được do sự kết hợp giữa hai luồng tư tưởng – tư tưởng dân chủ tư sản của các học giả phương Tây, đặc biệt là các học giả người Pháp như Montesquieu và J.J.Rousseau, mà ông tiếp thu được thông qua các bản dịch Hán văn và những bản điều trần đề nghị cải cách đất nước của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch. Giữa đêm tối mịt mùng của kiếp sống nô lệ mất nước, tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh lóe lên như một ánh sang nhiệm màu mở đường cho sĩ phu và nhân dân ta tiến dần lên văn minh. Nếu như bài luận của Nguyễn Lộ Trạch đã đặt vấn đề “tự cường” lên trên vấn đề ngoại vong, mà muốn tự cường thì cần phải chấn chỉnh “chánh giáo” (Nước mạnh hay yếu là tại chánh giáo chớ không phải là tại nước lớn hay nhỏ), và dạy cho dân biết học thẳng các phương pháp để tiến bộ, các ngành nghề, các môn khoa học – kỹ thuật nơi người Pháp chứ không phải ở đâu xa lạ…Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là những nét phác họa chính của một phong trào Duy Tân còn thô sơ và trên lý thuyết. Phải đến khi Phan Châu Trinh tiếp thêm vào những tư tưởng canh tân của người trước chủ thuyết dân quyền để làm chánh giáo, phong trào Duy Tân mới thực sự mở màn, nhận được sự ủng hộ của quần chúng và có những bước phát triển mạnh mẽ ngoài tầm kiểm soát của những người khởi xướng và lãnh đạo. Bởi so với người trước và đương thời, cống hiến xuất sắc của Phan Châu Trinh là ông đã chủ trương phát huy vai trò của người dân, trước hết là giáo dục thức tỉnh họ nâng cao dân trí, rồi bày cho họ ý thức lấy quyền và trách nhiệm của mình, từ đó họ tự quyết định nhiều việc khác, ngay cả vận mệnh của đất nước. Phan Châu Trinh là người đã kế thừa và phát triển một cách xuất sắc nhất, hơn bất cứ nhân vật đương thời nào, những đề nghị cải cách tiến bộ của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ và đặc biệt là Nguyễn Lộ Trạch. Song để truyền tải những tư tưởng tiến bộ đó, Phan Châu Trinh cũng như nhiều chí sĩ yêu nước đương thời, phải dùng đến văn chương như một phương tiện tối ưu nhất, nhất là khi trong tay họ không có một tổ chức chính trị nào. Điều này lại đúng với Phan Châu Trinh hơn cả, bởi trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù, Phan Châu Trinh luôn lựa chọn phương pháp đấu tranh ôn hòa, tận dụng tối đa khả năng đấu tranh công khai, hợp pháp, sử dụng ngòi bút sắc sảo của mình vào công cuộc vận động cứu nước. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết, Phan Châu Trinh đã hăng hái đi đầu vận động, hô hào nhân dân, chủ động đưa ra thuyết của mình vào thực hành trong đời sống nhân dân, và cùng với hai người bạn thân, hai chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân, làm cho nó phát triển rộng khắp miền Trung và sau đó lan rộng ra khắp cả nước. Những tư tưởng cải cách của ông đã bám rễ sâu vào đời sống người dân và thức tỉnh tinh thần đấu tranh của họ. Phong trào xin xâu, chống thuế (1907) của nhân dân miền Trung là hệ quả tất yếu của công cuộc vận động Duy Tân.
Nói đến cống hiến của Phan Châu Trinh, trước tiên chúng ta phải nói đến vai trò khởi xướng, là lãnh tụ xuất sắc của phong trào Duy Tân, một phong trào cách mạng Tân văn hóa. Quyết tâm từ bỏ chốn quan trường, nhưng không giống các danh sĩ cáo quan về ẩn dật. Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp không tìm chốn thảo am, khe suối sáng tối vui với thiên nhiên, để giữ thanh sạch phẩm giá của mình, quay lưng lại với thế sự, mà các ông đã lựa chọn cách hành động hoàn toàn khác hẳn lối xử thế hành, tang, xuất, xử của Nho gia. “Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng, các bậc đại khoa từ bỏ quan trường để vận động cứu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản. Hành động này là sự phủ nhận bảng giá trị cũ, cổ vũ nêu gương về một mẫu người anh hùng mang màu sắc tư sản mới lạ, vừa kế tục truyền thống, vừa cách tân táo bạo truyền thống”.
Sách Phan Tây Hồ Di thảo xuất bản tại Hà Nội, năm 1927.
Là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Duy Tân, ông đã thể hiện rõ ba phương châm hành động của ông, đó là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đây chính là ba nội dung, ba mục tiêu, ba phương diện chính của công cuộc Duy Tân.
Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.
Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, nhân dân giác ngộ được quyền lợi và trách nhiệm của mình, có như thế mới thoát được nọc độc chuyên chế.
Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, hợp đoàn để doanh sinh, bảo chủng, sản xuất và tiêu thụ hàng nội hóa…
Trong bài này, chúng tôi muốn đề cập đến mục tiêu “Khai dân trí”, một mục tiêu được coi là nội lực, là đòn bẩy, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác, theo phương châm “Tự lực khai hóa”.
Tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh trước hết được thể hiện trong những chủ trương cải cách về mặt văn hóa – giáo dục, trong đó lối học tầm chương trích cú vốn đã làm cho người Việt Nam vẫn còn sống trong giấc mê phong kiến trong khi lịch sử thế giới đã bước sang một trang mới.
Sau năm 1906, khi từ Nhật Bản trở về, Phan Châu Trinh càng nhận thức sâu sắc hơn thực trạng đen tối của đất nước và hơn bất cứ nho sĩ cùng thời nào, ông đã tìm thấy được nguyên nhân của sự yếu kém, cảnh nô lệ mất nước là vì chúng ta còn kém xa kẻ thù về mặt văn hóa, chính “ở những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội của xã hội ta so với phương Tây”. Choáng ngợp trước cảnh tượng văn minh và nhận thấy rõ sự cách biệt giữa các nước Âu – Mỹ và nước ta, Phan Châu Trinh càng tỏ ra bi quan…..
Với Phan Châu Trinh, dẫn đến tình trạng mất nước, nô lệ như lúc bấy giờ là bởi cái điều hủ bại đã tích tụ trước đó hàng nghìn năm, mà một trong những nguyên nhân của sự “tích tệ” đó không phải là do người dân gây ra, mà theo ông, lỗi ấy trước hết là thuộc về những người có chữ nhưng thiếu “tâm” với đời.
Thư của Phan Châu Trinh (đoạn trích) gửi Toàn quyền Đông Dương in trong sách Phan Tây Hồ di thảo xuất bản tại Hà Nội, năm 1927.
Tiếp thu những tư tưởng và học thuật mới mẻ, Phan Châu Trinh đã dùng chính cuộc đời mình như một sự thí nghiệm cho công cuộc Duy Tân, cải cách “làm mới dân tộc”. Trong những nội dung được phản ánh trên tư tưởng nổi bật nhất của Phan Châu Trinh đó là Học, học để nâng cao dân trí, để làm người có nghĩa khí, học để tự cường. Học với Phan Châu Trinh không chỉ là học chữ, học văn hóa, mà còn phải học lấy một nghề…
Huỳnh Thúc Kháng – người bạn thân và cũng là một nhà Nho tiêu biểu cho công cuộc giải phóng dân tộc là người có công lớn nhất khi bền bỉ đưa ra những học thuyết, tư tưởng của Phân Châu Trinh đến với nhân dân, ông đã trích một câu nói nổi tiếng của Phan Châu Trinh trên báo Tiếng Dân số 613 năm 1933: “Xin có lời chính cáo cùng người nước ta rằng: Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông người ngoài, trông người ngoài thì tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý ban tặng cho đồng bào, là: Chi bằng học”.
“Chi bằng học” (chữ Hán là Bất như học) là một quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh trong việc học ông cũng có quan niệm hết sức mới mẻ và táo bạo, thoát ly hẳn cái học “Thi vân, Tử viết” của nền giáo dục Nho học. Có lẽ chính vì thế, mà trong quan niệm về cái học mới của Phan Châu Trinh, ông đã cực lên án cái học chữ Hán của nước ta vốn là cái học “ù ù cạc cạc”, “khiến cho con người tối tăm, mù mịt, mều yếu ươn hèn” (“Thư gửi toàn quyền Đông Dương”, chữ Hán, bản dịch của Ngô Đức Kế). Học chữ Hán đã thế, thì việc học tiếng Pháp cũng rơi vào bế tắc. Từ chỗ nhìn thấu rõ thực trạng của việc học ở nước ta, Phan Châu Trinh đã đi đến một kết luận hết sức tổng quát về thực trạng xã hội Việt Nam “Thử xem các nước dinh hoàn/ Hai mươi thế kỷ ai còn như ta” (Tỉnh hồn quốc ca II, câu 263-264).
Lê Thị Hương(Ban Xây dựng ND &HTTB)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Thị Hòa Hới, 1996, Tìm hiểu tư tưởng Dân chủ của Phan Châu Chu Trinh, NXB Khoa học xã hội Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Xuân, 2000, Phong trào Duy Tân (in lần thứ tư). NXB Đà Nẵng/ Trung tâm nghiên cứu Quốc học Huế.
3. Nguyễn Văn Xuân, 2002, Tuyển tập NVX . NXB Đà Nẵng (Phong trào Duy Tân – biên khảo Tr 658 – Tr 999).
4. Nhiều tác giả, 1993, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. NXB Đà Nẵng.