Những năm đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh phong trào Duy Tân và dân chủ đang dâng lên mạnh mẽ khắp nơi, xã hội Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng mang tính chất cải cách, trong đó nổi bật lên hai xu hướng chính mà người đứng đầu là hai chí sĩ họ Phan. Nếu như Phan Bội Châu chủ trương tập trung các thanh niên yêu nước dưới ngọn cờ Quân chủ (Kỳ ngoại hầu Cường Để) để Đông du sang nước Nhật “đồng chủng, đồng văn” học tập, rồi sau đó chủ trương cách mạng bạo động giành lại độc lập dân tộc với niềm tin còn ít nhiều ngây thơ vào sự thực tâm giúp đỡ của đế quốc “hổ đói Nhật Bản”; thì chí sĩ Phan Châu Trinh lại lựa chọn một con đường, một hướng đi mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng theo ngọn cờ dân chủ tư sản, để làm được điều đó, trước tiên nhà cách mạng hô hào, cổ động quốc dân mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, nhằm làm cho thương gia người Việt giành ưu thế trên chính mảnh đất quê hương mình, lập các đoàn, lập các hội để bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau, đấu tranh đòi thực hành dân chủ hóa xã hội.
Phan Châu Trinh (1872-1926).
Trong thời kỳ lịch sử cận đại, những lãnh tụ và nhà hoạt động yêu nước phần lớn là những thanh niên trẻ, nhiều người trong số họ là những nhà khoa bảng nổi tiếng như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế… Trong dòng chảy của phong trào yêu nước đầu thế kỷ ấy, gương mặt Phan Châu Trinh nổi lên rực sáng và nhất quán nhất, như một ngôi sao dẫn đường toàn thể nhân dân ta đấu tranh chống kẻ thù, đặc biệt là hai tư tưởng Canh tân và Dân chủ hóa xã hội, đây cũng chính là hai tư tưởng chủ đạo thể hiện tính chất “vượt thời đại” của tư tưởng Phan Châu Trinh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập tới tư tưởng Canh tân để thấy được tính chất “vượt thời đại” của tư tưởng Phan Châu Trinh.
I. Thời đại và con người
Phan Châu Trinh sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, đó là khi lịch sử Thế giới và Việt Nam đang ở trong giai đoạn bản lề của thế kỷ: “Có những ý kiến cho rằng những bản lề của thế kỷ thường tương ứng với những khúc quanh của lịch sử” với rất nhiều biến cố trọng đại, đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tư tưởng và hoạt động của nhà yêu nước kiệt hiệt Phan Châu Trinh.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn phát triển và trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản phương Tây, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh, kéo theo những thay đổi to lớn về mặt xã hội, nước Pháp trở thành biểu tượng của “văn minh” nhân loại với khẩu hiệu của cuộc Cách mạng Tư sản 1789 “Bình đẳng, Tự do, Bác ái”.
Trong khoảng thời gian sống ở Pháp (từ năm 1911 - 1925), những sự kiện diễn ra trên đất Pháp, nơi mà cụ Phan có một thời gian dài sống và hoạt động không mệt mỏi là những sự kiện lịch sử có tác động mạnh nhất đến tư tưởng và hoạt động của Cụ.
Tháng 10/1911, chỉ 5 hoặc 6 tháng sau khi Phan Châu Trinh sang Pháp (cùng năm với Nguyễn Tất Thành), cuộc cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc) bùng nổ. Mặc dù thành quả của cuộc cách mạng còn hạn chế, song nó đã hoàn thành một sứ mạng lịch sử vĩ đại là lật đổ chế độ phong kiến đã tồn tại ở đất nước này hàng nghìn năm, và là một trong những biểu hiện cụ thể, sinh động của “sự thức tỉnh Châu Á” như nhận định, đánh giá của Lê-nin. Có thể nói cuộc cách mạng Tân Hợi và thắng lợi của công cuộc Duy Tân Nhật Bản đã tác động không nhỏ tới nhận thức của Phan Châu Trinh. Trong rất nhiều bài nói chuyện, diễn thuyết của Cụ, trước kiều bào mình ở Pháp, Cụ Phan thường nêu trường hợp của Trung Quốc và Nhật Bản như những ví dụ điển hình về sự thức tỉnh Châu Á. Phan Châu Trinh cũng thường nói rằng ở Châu Á hiện chỉ còn Việt Nam là còn đang chìm đắm trong giấc ngủ mê. Kêu gọi quốc dân nhận ra điều ấy và ra sức thức tỉnh đồng bào đi theo con đường Duy Tân, trên tinh thần tự cường để tiến đến văn minh, dân chủ và tiến bộ, theo kịp bước tiến của thời đại lúc bấy giờ là mục đích cuối cùng của Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật ở Pháp.
Tiếp đến là những hoạt động mạnh mẽ và có hiệu quả của Liên minh Nhân quyền của các Nghị sĩ cánh tả và những yếu nhân tiến bộ ở trong Quốc hội Pháp, đấu tranh cho việc thực thi nội dung tiến bộ của Cách mạng Tư sản Pháp 1789; hoạt động mạnh mẽ của Đảng Xã hội Pháp (Nguyễn Ái Quốc cũng từng tham gia Đảng này); sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp… Đó còn là hoạt động của nhiều nhà Việt Nam yêu nước trong Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, như Khánh Ký, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc…; hoạt động của Hội liên hiệp Thuộc địa tại Pháp, nơi tập trung rất nhiều nhà cách mạng ưu tú của các dân tộc thuộc địa: Angiêri, Tuyniri, Marôc… Tất cả những sự kiện có ý nghĩa trên đã góp phần làm thay đổi tầm nhìn, tư tưởng và phương thức đấu tranh của Phan Châu Trinh. Cũng chính qua những hoạt động đó, trong con mắt của người Pháp đương thời, Phan Châu Trinh được đánh giá như là đại biểu tiêu biểu nhất cho khuynh hướng Dân chủ ở Việt Nam.
Ở trong nước, tình hình xã hội Việt Nam trong giai đoạn lịch sử Cận đại khi chuyển từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX là một khúc quanh với rất nhiều những biến cố trọng đại. Mà nổi bật lên đó là sự kiện Thực dân Pháp nổ sung vào bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng (chiều ngày 31/8/1858), chính thức xâm lược Việt Nam.
Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, từ Đà Nẵng đánh vào Bình Định, Trung kỳ rồi Nam kỳ lần lượt nằm dưới sự cai trị của Thực dân, triều đình Huế hèn nhát đầu hàng làm tay sai cho giặc. Sống dưới trướng Thiên tử, vậy mà ngay cả khi vua đã đầu hàng kẻ thù mà muôn dân nào có chịu kiếp nô lệ ngựa trâu. Phong trào yêu nước và cách mạng theo ngọn cờ quân chủ Cần Vương trỗi dậy mạnh mẽ, song cuối cùng chìm dần vào biển máu. Có thể nói, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Phong kiến lãnh đạo đã cáo chung. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cũng tắt hẳn sau một thời gian tạm hòa hoãn với Pháp, mà nếu có chiến đáu thì cũng chỉ là kháng cự bị động.
Thực trạng đen tối ấy làm cho những người quan tâm đến vận nước phải suy tính để tìm ra một phương sách cứu nước mới. Giữa lúc ấy, các sách “tân thư” của Lương Khải Siêu (Trung Quốc), Montesquieu, J.J.Rousseau (Pháp), sách về thành tựu công cuộc duy tân của Nhật Bản, được những người yêu nước tiến bộ nhất tiếp nhận thong qua bản dịch tiếng Hán như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Trong đó, chúng ta thấy Phan Châu Trinh là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và ông lại có điều kiện tiếp thu toàn diện nhất tư tưởng Dân quyền của Cách mạng Pháp.
Bức thất điều thư của Phan Châu Trinh (bản dịch trang đầu) gửi vua Khải Định lên án 7 tội của Khải Định đối với dân tộc, ngày 15-7-1922.
Trong nước lúc bấy giờ có hai khuynh hướng chính trị chủ đạo: một số người yêu nước chủ trương vượt biển ra ngoài cầu viện trợ của người “anh cả da vàng” là Nhật Bản để khôi phục chủ quyền bằng bạo động quân sự (phái Phan Bội Châu với Duy Tân hội); một số khác cho rằng đây chưa phải là lúc đủ điều kiện để tổ chức bạo động, mà cầu viện nước ngoài thì sớm muộn gì cũng đều bị thôn tính, nên chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” tranh thủ hoạt động hợp pháp để phát huy tự cường dân tộc, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đánh đổ ngai vàng phong kiến, xây dựng nền dân chủ, thực hiện dân chủ hóa xã hội (phái Phan Châu Trinh với phong trào Duy Tân). Tuy chủ trương có khác nhau nhưng cả hai phái cùng có chung một mục đích là giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ, để phục vụ cho phương pháp hoạt động của mình, Phan Bội Châu hô hào, cổ động cho thanh niên Đông du (Phan Châu Trinh ủng hộ hoạt động này của Phan Bội Châu), giao thiệp rộng rãi với các yếu nhân chính giới Nhật Bản và các nhà cách mạng Trung Quốc, đồng thời gửi về nước những bức thư thống thiết, nhiệt thành để khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc, truyền bá tư tưởng bạo động võ trang trong nhân dân. Còn Phan Châu Trinh, cùng với những người bạn tri âm của mình là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp các tỉnh Nam, Trung kỳ vận động Duy Tân, mặt khác vạch trần bộ mặt thối nát của phong kiến, gián tiếp tố cáo chính sách thực dân phản động, yêu cầu nhà cầm quyền thi hành những cải cách dân chủ, thực hiện Dân chủ hóa. Những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước tiến bộ, đã tạo nên một thời kỳ vận động yêu nước và cách mạng sôi nổi và hết sức mới mẻ chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
Khi Thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa để phục vụ cho Thế chiến thứ Nhất, chúng đầu tư nhiều hơn vào khai thác mỏ và trồng cao su, kiến thiết thêm nhiều cảng biển, đường xe lửa, cầu cống… Với nông dân ta, chúng tăng cường vơ vét, bóc lột đến cùng cực bằng chính sách thuế má dã man, chúng đặt ra nhiều thứ thuế mới như thuế chợ, thuế thuốc lá, thuế đò… Các nghề thủ công của ta suy sụp, thợ thủ công ở các đô thị thất nghiệp tràn lan… Chính sách thực dân ấy càng làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta và thực dân Pháp thêm sâu sắc. Không kể số ít đại địa chủ, quan chức và tư sản mại bản mà quyền lợi gắn chặt với đế quốc, còn thì nông dân đói rét, tha phương, thợ thủ công thất nghiệp tràn lan, tiểu thương tiểu chủ thoi thóp chết dần vì sự chèn ép của Tư sản Pháp và Hoa kiều.
Sau Thế chiến thứ Nhất (1919), là nước bại trận, thực dân Pháp trút hết gánh nặng chiến tranh cho các nước thuộc địa bằng cách mở rộng khai thác và bóc lột thuộc địa, tăng cường bộ máy đàn áp (quan lại người Pháp, người Nam, quân đội, tòa án, nhà tù, cảnh sát…). Chính sách ấy đã làm cho xã hội Việt Nam có những thay đổi quan trọng, đặc biệt là về mặt kết cấu xã hội. Bên cạnh cơ cấu của xã hội Việt Nam cũ gồm tuyệt đại đa số nông dân và địa chủ, là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của ba giai cấp mới là giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản.
Như vậy, trong 30 năm đầu thế kỷ XX cùng với những biến động của lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam cũng có những biến động hết sức to lớn và dữ dội, đặc biệt là khoảng thời gian từ sau khi Thế chiến lần thứ Nhất bùng nổ. Hoạt động yêu nước và cách mạng trong nước diễn ra sôi nổi nhưng chưa giành được kết quả, bởi nếu soi bóng vào lịch sử ta sẽ thấy, vị cứu tinh của nhân dân và dân tộc Việt Nam – Nguyễn Ái Quốc – lúc bây giờ đang mãi bên trời Âu và đang cùng với những người yêu nước tiến bộ Việt Nam ở nước ngoài, mà chủ yếu ở Pháp như Phan Văn Trường, Khánh Ký…, đặc biệt là Phan Châu Trinh, có những hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả, có tác động không nhỏ vào phong trào đấu tranh trong nước.
Lê Thị Hương(Ban Xây dựng ND &HTTB)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Thị Hòa Hới, 1996, Tìm hiểu tư tưởng Dân chủ của Phan Châu Chu Trinh, NXB Khoa học xã hội Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Xuân, 2000, Phong trào Duy Tân (in lần thứ tư). NXB Đà Nẵng/ Trung tâm nghiên cứu Quốc học Huế.
3. Nguyễn Văn Xuân, 2002, Tuyển tập NVX . NXB Đà Nẵng (Phong trào Duy Tân – biên khảo Tr 658 – Tr 999).
4. Nhiều tác giả, 1993, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. NXB Đà Nẵng.