Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/09/2016 01:21 1246
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong đợt hoạt động hè 2016 vừa qua, chúng tôi - những tình nguyện viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện chuyến tham quan, học tập tại một số di tích thuộc địa phận tỉnh Hà Nam.

Chuyến đi đã để lại trong mỗi tình nguyện viên những cảm xúc đặc biệt. Căn cứ trên các tài liệu, hiện vật được tiếp cận tại Bảo tàng và một số bài viết của các nhà nghiên cứu, chúng tôi mong muốn về thực địa để cảm nhận sống động hơn những gì đã đọc trong sách vở. Tại mỗi điểm di tích, chúng tôi đã cùng nhau khảo sát và tìm hiểu, giải mã những thông điệp lịch sử, văn hóa của ông cha bằng góc nhìn của những người trẻ yêu thích lịch sử và có chung đam mê khám phá.

Một trong những điểm dừng chân của chúng tôi là Chùa Long Đọi Sơn thuộc địa phận xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nếu như Thăng Long có núi Nùng, sông Tô thì Núi Đọi, sông Châu là biểu tượng thiên nhiên tiêu biểu của miền đất Hà Nam. Cả hai địa danh này đều lưu giữ những dấu tích của nhà Lý, một triều đại phát triển rực rỡ trên mọi lĩnh vực, triều đại khai mở Thăng Long.

Trên đỉnh núi Đọi có chùa Long Đọi Sơn với hình ảnh ngọn tháp Sùng Thiện Diên Linh ( nay chỉ còn lại những dấu tích) là một trong những di tích cổ thời Lý còn tồn tại tới ngày nay. Núi Đọi cao khoảng 400m so với mực nước biển, diện tích hơn 2ha. Quanh núi có chín cái giếng tự nhiên, dân gian gọi là chín mắt rồng. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra bốn phía cảnh vật thật nên thơ, những thửa ruộng xanh mướt, những nếp nhà san sát với nhiều sắc màu tạo nên bức tranh miền quê Bắc Bộ thật đẹp, gợi niềm thương nhớ quê hương cho những ai phải đi xa. Nhìn xa hơn nữa sẽ thấy dòng sông Châu quanh co lượn khúc như dải lụa chảy qua núi Đọi.

Sông Châu nối sông Hồng với sông Đáy, trước đây cũng là con đường giao thương khá nhộn nhịp. Sông Châu xưa từng có một nhánh chạy qua bên Câu Tử vào đất huyện Duy Tiên, qua xã Đọi Sơn để lên kinh thành Thăng Long. Kết quả khảo sát năm 2004 của Bảo tàng tỉnh Hà Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu, bước đầu nhận định: Tháng 7 năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư về Đại La theo lộ trình đường thuỷ là chính: kinh đô Hoa Lư - sông Hoàng Long - sông Đáy - sông Châu. Đoàn thuyền Ngự đã qua đoạn sông Châu trên đất xã Đọi Sơn ngày nay ra cửa Lỗ Hà để vào sông Hồng rồi ngược lên Thăng Long. Dân gian có bài thơ:

Đầu gối núi Đọi / Chân dọi Tuần Vường / Phát tích đế Vương / Lưu truyền vạn đại

Nhà Lý đã sớm chú ý đến ngọn núi án ngữ ở mặt nam kinh thành Thăng Long, cũng lại mang ý nghĩa phong thủy trấn yểm. Vì thế khoảng thời gian những năm Long Thuỵ Thái Bình (1054 - 1058) triều vua Lý Thánh Tông, tể tướng Dương Đạo Gia đã cho xây dựng ngôi chùa trên núi Đọi. Thiền sư Đàm Cửu Chỉ thế hệ thứ 7 của dòng Thiền Quang Bích nổi tiếng trong tông phái Phật Giáo đã về đây trụ trì. Tên chùa Diên Linh và núi Long Đọi đã có từ thời đó.

Cổng Tam Quan trong quần thể di tích Chùa Long Đọi Sơn.

Long Đọi Sơn chỉ thực sự nổi tiếng kể từ khi vua Lý Nhân Tông cho xây dựng ngôi chùa và cây tháp Sùng Thiện Diên Linh năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), khởi công vào tháng 5 đến chùa Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1121) thì hoàn thành. Tháng 3, năm Nhâm Dần (1122) nhà vua mở hội khánh thành chùa Tháp.

Chùa Long Đọi Sơn với ngọn tháp Sùng Thiện Diện Linh tồn tại được khoảng 300 năm thì toàn bộ công trình kiến trúc quý báu này đã bị quân Minh tàn bạo sang xâm lược nước ta phá huỷ. May mắn còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, sáu pho tượng Kim Cương, tượng chim thần Kinari. Trải qua các triều Hậu Lê, Mạc, Nguyễn có khôi phục lại chùa. Lần tu bổ lớn nhất vào thời Nguyễn, quy mô chùa trên 100 gian, lớn nhỏ kiến trúc nội công, ngoại quốc.

Tháng 3 năm 1947 chùa Long Đọi Sơn thêm một lần bị chiến tranh phá huỷ. Sau năm 1954 hoà bình lập lại ở phía Bắc, chính quyền và nhân dân đã tích cực tiến hành tu bổ, lần lớn nhất vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Năm 1992 chùa Đọi được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia. Từ đây công tác tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng được quan tâm, từng bước khôi phục các hạng mục. Đặc biệt năm 2002 một dự án tu bổ, tôn tạo lớp quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn với vốn đầu tư từ Trung ương trên 10 tỷ đồng. Bước đầu tiên đặt cơ sở cho việc xây dựng dự án là tiến hành khai quật khảo cổ học để tìm lại dấu tích của tháp Sùng Thiện Diên Linh và kiến trúc thời Lý. Cuộc khai quật do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) chủ trì với sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu. Trong hố khai quật nằm giữa Hậu Cung của chùa và nhà hậu đã tìm thấy nền móng, các vật liệu kiến trúc cùng nhiều hiện vật thời Lý như tiêu bản trang trí, đồ gốm, đồ sành, kim khí. Đặc biệt có một số di vật quý có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Quang cảnh hố khai quật nằm giữa Hậu Cung của chùa và nhà hậu.

Các vật liệu kiến trúc cùng nhiều hiện vật thời Lý như tiêu bản trang trí, đồ gốm, đồ sành được tìm thấy.

Ngay khi bước lên 327 bậc đá ta sẽ bắt gặp khoảng sân rộng, trước tòa Tam bảo là nhà bia Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng. Khi xây xong chùa và tháp, vua Lý Nhân Tông sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn văn bia. Văn bia nguyên có tên là “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”. Được viết xong ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121). Văn bia bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời và sự nghiệp của Vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt, đồng thời phản ánh triết lý duyên khởi của Phật giáo cũng như tình hình Phật giáo ở thời Lý. Ngoài ra, văn bia còn ghi lại nhiều tư liệu lịch sử quý về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc xây dựng các chùa lớn, tháp cao như chùa Một Cột, chùa Long Đọi, tháp Sùng Thiện Diên Linh… Đặc biệt là Hội đèn Quảng Chiếu mở bảy ngày, bảy đêm ở Kinh thành Thăng Long, kết hợp hai tính chất Phật giáo và thế tục. Bia Sùng Thiện Diên Linh cũng ghi lại những tư liệu quý hiếm về nghệ thuật múa rối nước.

Giá trị vượt trội của bia Sùng Thiện Diên Linh còn thể hiện qua các hình tượng mỹ thuật, có thể chiêm ngưỡng từ bốn phía (các bia khác chỉ chiêm ngưỡng mặt trước, mặt sau). Hình tượng rồng, mây, sóng nước… được thể hiện trên bia Sùng Thiện Diên Linh với những mô típ, hoa văn giàu cảm xúc thẩm mỹ cho thấy những thông điệp về triết lý Phật giáo, âm dương, tín ngưỡng dân gian và ý nguyện tha thiết của vị Vua thứ tư nhà Lý nước Đại Việt.

Đi theo lối cổng phụ luồn qua Tam bảo sẽ đến nơi trước kia có ngọn tháp Chùa Đọi, một công trình được xây dựng công phu. Tháp gồm "13 tầng chọc trời, mở 40 cửa đứng gió". ở tất cả các cửa vách đều chạm rồng. Đây là loại tháp vuông 4 mặt. Ngoài tầng đế và hai tầng trên không có cửa, còn lại 10 tầng mở cửa cả 4 phía. Tháp Sùng Thiện Diên Linh là tháp mộ, tầng trên "đặt hồng vàng xá lị, tỏa tường quang cho đời thịnh sau này". Tầng đế hợp với tầng đầu tiên thành nơi thờ Phật, trong đó có đặt tượng Đa Bảo Như Lai. Trên các xà của tháp có treo chuông đồng. Đây là loại chuông nhỏ có khả năng là những bộ đinh đang, khi gió thổi va vào nhau tạo thành những âm thanh réo rắt.

Tầng dưới chân tháp trước đây có "tám vị tướng khôi ngô đứng chống kiếm trang nghiêm chia đều ở bốn cửa" (nay chỉ còn lại 6 pho tượng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam), trên nóc có "tiên khánh bưng mâm, hứng móc ngọc cho bầu trời tạnh ráo". Cả cây tháp như là một ngọn bút, một tượng đài cao, bao gồm nhiều hình tượng và được thể hiện bằng nhiều phong cách khác nhau. Bên cạnh đó, ở rải rác trong các thành phần kiến trúc còn có nhiều tượng trang trí như tượng chim thần Kinari đầu người mình chim đặt trên các con sơn, tượng giống như ở các cửa cuốn, các đố dọc. ngay cả những viên gạch dùng để ghép tường cũng có trang trí những hình vũ nữ đang múa. Các di vật tìm thấy tại chùa Long Đọi là những hiện vật rất quý báu đối với việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam cách đây gần một thiên niên kỷ.

Lễ hội chùa Đọi hàng năm mở từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 Âm lịch, chính hội vào ngày 21 là một lễ hội thu hút rất đông du khách gần xa đến tham dự và vãn cảnh. Hoạt động thu hút nhất của lễ hội là đám rước kiệu từ chân núi lên chùa nhằm tưởng niệm Lý Nhân Tông và Nguyên phi Ỷ Lan – người có công xây dựng ngôi chùa. Ngoài ra còn có lễ dâng hương, tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn trời Phật. Lễ hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: chơi cờ người, đấu vật, hát đối…

Nhà bia Sùng Thiện Diên Linh trước sân chùa.

Nếu như trong tương lai, kế hoạch phục dựng Tháp Sùng Thiện Diên Linh, tôn tạo tổng thể khu di tích căn cứ trên những dữ liệu lịch sử, truyền thuyết dân gian và tư liệu khảo cổ học được thực hiện theo lời các nhà nghiên cứu. Cùng với những giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp uy nghi, cổ kính lại thanh thoát, nhẹ nhàng chùa Long Đọi Sơn hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi tới Hà Nam. Núi Đọi – sông Châu mãi là một biểu tượng tiêu biểu của Hà Nam, quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn đã đi vào tiềm thức người dân nơi đây như một niềm tự hào về lịch sử văn hoá của mảnh đất quê hương.

Nguyễn Hữu – Bảo Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: