Thứ Hai, 28/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/07/2016 08:48 1506
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Tân Trào - Tuyên Quang từ lâu đã được biết đến là cái nôi của cách mạng Việt Nam, là một địa danh thân thiết, thiêng liêng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc; nơi gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các bộ, ban, ngành Trung ương trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954).

Tân Trào là tên gọi chỉ chung một khu căn cứ cách mạng gồm 12 xã tiếp giáp nhau thuộc hai huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Xã Tân Trào được chọn làm trung tâm của khu căn cứ. Thời kỳ Pháp thuộc, xã Tân Trào có tên gọi là Kim Long, khi phong trào cách mạng phát triển, xã được đổi tên thành Tân Trào (có nghĩa là phong trào cách mạng mới); đồng thời đình Kim Long được đổi tên thành đình Hồng Thái.

Đình Hồng Thái nơi dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tân Trào (ngày 21/5/1945).

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng, là thủ đô của khu giải phóng, nơi khai sinh ra Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi xuất phát của đoàn quân Giải phóng trong những ngày tháng Tám lịch sử.

Từ khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào kháng Nhật cứu nước dâng lên thành cao trào; khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương. Tháng 5-1945, tình hình thế giới và trong nước chuyển biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Lúc này, căn cứ địa Cao Bằng (được xây dựng từ năm 1941) không còn thích hợp vì cách xa các tỉnh đồng bằng và thành phố. Do đó, Bác Hồ chỉ thị đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm một địa điểm mới làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Địa điểm đó phải hội đủ các điều kiện: nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, phong trào mạnh, quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận cả tiến công lẫn phòng ngự, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương. Thực hiện chỉ thị của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã chọn Tân Trào.

Tân Trào nằm dưới chân núi Hồng, địa thế hiểm yếu kín đáo, xung quanh là rừng đại ngàn che phủ. Dãy núi Bòng vách đứng ở phía Tây như bức thành thiên nhiên trấn giữ ngõ vào Tân Trào. Ở phía Đông có dãy núi Hồng sừng sững, tạo nên ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang; núi Thia nhỏ hơn cũng ở phía Đông liền dải và chạy gần như vuông góc với núi Hồng. Vây quanh thôn xóm còn có các núi nhỏ: Pù Màng án ngữ phía Nam; Nản Đeng - một dải núi đá hiểm trở. Thêm vào đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt: dòng sông Phó Đáy (một phụ lưu của sông Lô) cắt ngang địa hình, cùng với nhiều khe suối nhỏ đổ về: Ngòi Thia, Khuôn Ních, Khuôn Qui, Khuôn Pén, Khe Cả, Khe Bòng… Hình sông thế núi đó đã tạo cho địa hình Tân Trào vừa hiểm trở vừa kín đáo.

Trước đây, đường vào khu căn cứ Tân Trào chỉ có một con đường độc đạo liên xã từ huyện Yên Sơn, qua nhiều chỗ vòng tránh, vượt dốc, vượt đèo, đặc biệt là phải quan đèo Chắn cao hiểm trở, nhiều đoạn chạy ven theo các chân núi, cạnh sông suối, khe sâu, vực thẳm. Tuy nhiên, trong nội địa khu căn cứ có một hệ thống đường mòn xuyên rừng chằng chịt, dọc ngang nối liền các làng xã, thôn bản với nhau. Từ những con đường xuyên núi, vượt đèo đó có thể đi khắp mọi hướng: Tân Trào men theo triền núi ngược theo hướng Bắc qua Bắc Cạn lên Cao Bằng hoặc đi sang các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang), ra biên giới Việt Trung; vượt qua các dãy núi phía Đông sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên); phía Nam dọc theo chân núi Hồng xuống các huyện Tam Đảo, Lập Thạch (Vĩnh Phúc)… Hệ thống giao thông này chính là đường liên lạc của các đoàn quân cách mạng Nam tiến, Bắc tiến trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Cơ sở cách mạng trong vùng được xây dựng từ những năm 1939-1941; nhân dân hăng hái gia nhập Việt Minh. Tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giải phóng huyện lỵ Sơn Dương, thành lập UBND cách mạng châu Tự Do. Chính quyền cách mạng được thành lập ở tất cả các xã trong khu căn cứ. Nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ và bình đẳng. Suốt một dải Hữu Ngạn sông Cầu, từ Thái Nguyên đến Tuyên Quang do chính quyền cách mạng làm chủ. Tân Trào trở thành hình ảnh thu nhỏ của nhà nước công nông kiểu mới. Từ giữa mùa Hè năm 1945, Tân Trào được cả nước biết đến, hướng tới với một niềm khát vọng gắn với chiến khu, gắn với Việt Minh, với cách mạng.

Trước tháng 5-1945, phát xít Đức chưa bị đánh bại, Liên Xô chưa mở mặt trận phía Đông đánh Nhật - kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam; thế cách mạng trong nước chưa đến đỉnh cao, chưa đòi hỏi trung tâm phải gần Trung ương và các tỉnh đồng bằng, các thành phố. Ngày 4-5, Bác Hồ cùng đoàn công tác rời Pác Bó xuống Tân Trào, Tuyên Quang theo con đường Nam tiến do Bác vạch ra từ trước: Pác Bó - Nghĩa Tá - Bản Pài (Trung Minh), Bản Chương, Thành Cóc (Hùng Lợi), làng Chạp (Trung Yên), làng Nhà (Kim Quan Thượng), làng Dõn (Thanh La), Hồng Thái (Tân Trào).

Từ trung tâm Tân Trào, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Tân Trào thực sự trở thành đại bản doanh chỉ đạo tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám; nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước trong “đêm trước của cách mạng”.

Lược đồ Khu Giải phóng Việt Bắc.

Ngày 4-6-1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh đã quyết định thành lập Khu Giải phóng, gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Tân Trào được chọn là Thủ đô của Khu giải phóng. Khu giải phóng được xây dựng thành căn cứ địa vững chắc về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa.

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay đêm hôm đó, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã ra mệnh lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh viết: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!... chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.

Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13-8-1945.

Sáng 15-8-1945, Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng. Trong không khí cách mạng sôi sục, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định họp Đại hội đại biểu quốc dân vào chiều 16-8-1945. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo, có cả đại biểu từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Việt Kiều ở Thái Lan, ở Lào về dự Đại hội.

Đình Tân Trào - nơi được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn để tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945.

Đại hội họp tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh là Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Ủy viên là Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang.

Trong khoảng thời gian ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-1945), từ trung tâm Tân Trào, Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo khởi nghĩa tháng Tám, thành lập Khu Giải phóng; thống nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang thành Quân Giải phóng; mở trường Quân chính kháng Nhật đào tạo cán bộ chỉ huy quân đội; mở các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc; họp Hội nghị cán bộ toàn Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa toàn quốc; họp Quốc dân đại hội nhất trí chủ trương Tổng khởi nghĩa; thi hành mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh; bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, định ra quốc kỳ, quốc ca của nước Việt Nam mới - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thực hiện quyết nghị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân đại hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước với ý chí “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do cho Tổ quốc” đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Tân Trào (cùng với Định Hóa, Thái Nguyên) vinh dự tiếp tục được chọn làm An toàn khu (ATK) của Trung ương Đảng, Chính phủ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một lần nữa, Tân Trào trở thành trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Khu di tích Lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang.

Là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”, Tân Trào đã đi vào lịch sử với những trang vàng chói lọi, trở thành niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10 tháng 5 năm 2012, khu di tích lịch sử Tân Trào đã được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của khu di tích để nơi đây thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống và lịch sử, là “địa chỉ đỏ” trên hành trình tham quan của du khách trong nước và quốc tế.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Đỗ Mạnh Cường, “Tân Trào - Thủ đô Khu Giải phóng”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 8-2009, tr. 48-50.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Phát hiện hai khuôn đúc đồng cổ bằng đá có niên đại cách nay trên 2000 năm ở Yên Bái

  • 30/06/2016 08:11
  • 1037

Theo ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái: hiện nay Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hai khuôn đúc Rìu, Đục đồng cổ bằng đá thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây khoảng 2.000 - 3.000 năm. Khuôn đúc Rìu có thân dài 8,1cm; rộng 5,1cm; dày 2cm; nặng 120gam. Khuôn đúc Đục có thân dài 11,2cm; rộng 5,6cm; dày 3,2cm; nặng 360gam.