Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số bộ tranh dân gian với nhiều đề tài khác nhau như: phong cảnh, con người, loài vật, tranh thờ… với các chất liệu khác nhau như: giấy, vải. Trong đó phải nói đến bộ tranh Tứ quý: Tùng - Cúc - Trúc - Mai, một bộ tranh mà nhiều người trong chúng ta nâng niu, trân trọng bởi ý nghĩa sâu sắc hàm chứa trong mỗi bức tranh. Bộ tranh được làm từ chất liệu giấy, có nét vẽ mộc mạc, màu sắc giản dị, chân thực nhưng vẫn toát lên được ý nghĩa sâu xa mà nghệ nhân xưa gửi gắm trên bức tranh. (Ảnh 1- 4: Bộ tranh Tứ quý: Tùng - Cúc - Trúc - Mai lưu giữ tại BTLSQG)
Bộ tranh Tứ quý: Tùng - Cúc - Trúc - Mai là bộ tranh phong thủy, bốn loài cây tượng trưng cho bốn mùa trong năm và theo người xưa tin rằng bốn loài cây này ẩn chứa những khí phách của người quân tử, con người ta lấy đấy để học hỏi và làm gương để răn mình.
Thuận theo cách đọc là Tùng - Cúc - Trúc - Mai nhưng nếu đúng với quy luật của năm phải là Mai - Trúc - Cúc - Tùng tương ứng với bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Ý nghĩa bộ tranh Tứ quý: Tùng - Cúc - Trúc - Mai được nói đến như sự may mắn, sức khỏe, tài lộc cho gia chủ trong cả một năm. Tứ quý là bốn mùa, bốn mùa trong năm, 12 tháng đều bình an, vạn sự như ý.
Phải nói Bộ tranh Tứ quý: Tùng - Cúc - Trúc - Mai là bộ tranh đẹp, tinh tế thể hiện đầy đủ cái hồn của bức tranh và mang rất nhiều ý nghĩa.
Trước tiên nói về Mai:

Hoa mai trong Tứ quý là mai trắng, màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Cây mai là loài hoa tuy mong manh nhưng sinh trưởng và nở hoa trong giá lạnh, chịu qua gió tuyết mùa đông nên thể hiện một sức khỏe, một sức sống mãnh liệt. Khi cây mai nở hoa 5 cánh, báo hiệu xuân về. Bởi vậy Cao Bá Quát đã thốt lên rằng: Nhất sinh đệ thủ bái mai hoa (Cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai). Mai có thể coi là biểu tượng của Quân tử. Vì thế Mai biểu tượng cho mùa Xuân và mang lại sự giàu sang, tài lộc, tình cảm ấm áp trong dịp đầu năm mới.
Tiếp đến nói về Trúc:

Trúc trong tiếng Hán chỉ loài tre nói chung. Trúc (tre) hiểu theo nghĩa ở đây là cây cảnh thì người xưa hay chơi Trúc Quân tử. Với đặc tính sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, đốt cây ngay thẳng từ bé (măng). Nếu đốt cháy thân cây thì mặc dù thành than nhưng đốt vẫn thẳng chứ không bị cong, gãy. Bởi vậy, người xưa nói: “Trúc là quân tử, mai là giai nhân”.
Cho nên, ý nghĩa trong tranh có hình ảnh cây trúc (tre) thì ta hiểu rằng đó là biểu tượng mạnh mẽ của sự trường thọ. Đó là biểu tượng của tính kiên cường, biết vượt qua mọi nghịch cảnh và khả năng chống chọi với mọi sóng gió cuộc đời. Hơn nữa, cây trúc (tre) còn là biểu tượng của tài lộc. Trúc chính là tượng trưng cho mùa Hạ.
Sau đó nói về Cúc:

Có câu thơ: “Cứ mỗi độ thu sang, hoa cúc lại nở vàng”, để nói đến hoa cúc nở là báo hiệu mùa thu đến.
Cúc là biểu tượng của sự trường thọ, phúc lộc dồi dào, vì thế có loài cúc được đặt tên là Cúc Vạn thọ. Trong phong thủy, hoa cúc đem lại nguồn năng lượng cho gia chủ có một cuộc sống bình dị và cân bằng trong mọi việc. Hoa cúc còn mang đến may mắn cho chúng ta. Một đặc điểm nữa của cúc là dù bông đã tàn héo trên cây nhưng chỉ gục xuống mà không rụng khỏi cành, thể hiện cúc cũng có chí khí quân tử của nó ví như câu nói: “Thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.
Cuối cùng phải nói về Tùng:

Tùng là đại diện cho mùa Đông. Chữ Tùng có nghĩa là cây Thông mà ta vẫn thường gọi là Tùng, Bách, Thông. Cây Tùng mọc trên núi đá cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Tùng thường mọc ở những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió nhưng không chết, không bị đổ thể hiện một sức sống bền bỉ. Cây Tùng được cổ nhân xem là đại diện cho trăm loài cây. Ngoài ý nghĩa trường thọ, Tùng còn là đại diện của khí tiết, của bậc quân tử. Cây Tùng còn có một ý nghĩa là mang lại sự bình yên, an lành cho con người (vì theo quan niệm của người xưa: Tùng có khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ rất mạnh). Do đó, trong tranh phong thủy, cây Tùng có nghĩa là bậc trượng phu, đại trượng phu.
Hiểu được ý nghĩa của bộ tranh trên giúp chúng ta thêm thấm nhuần những giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể mà tiền nhân để lại, từ đó nâng cao tinh thần giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Đinh Quỳnh Hoa (Phòng QLHV)