Thứ Bảy, 09/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/05/2016 06:56 695
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cải táng hay còn gọi là “sang cát, bốc mộ” của Việt Nam được xếp vào một trong những tập tục ghê rợn nhất thế giới. Chính người Việt cũng cảm thấy “nổi da gà” khi nhắc đến tục lệ này. Đặc biệt đối với dân tộc Tày, Sán Chí… Ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, họ chôn cất người đã mất ngay trong vườn nhà mình. Xung quanh đó còn rất nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng dám tìm hiểu.

Chôn ngay trong vườn “đào sâu chôn chặt”

Trong một lần tìm hiểu về tập tục chôn cất và cải táng của người dân vùng núi phía bắc. Chúng tôi tìm đến xóm Tiền Phong, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để hiểu rõ hơn về phong tục này. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chí và một số dân tộc khác… Theo các cao niên người Tày trong làng thì biết đám ma cho người chết ở đây hết sức chu đáo và phức tạp. Nếu không làm đến nơi đến chốn người chết sẽ về quấy rối, gây ốm đau chết chóc. Ông Chu văn Sáu (55 tuổi) cho biết: “ khi gia đình có người tắt thở, con cháu phải nhịn ăn để tỏ lòng đau đớn, thương tiếc và đặc biệt khi chưa mời được thầy Tào về khâm niệm, nhập quan cho người chết thì tuyệt nhiên con cháu không được khóc, vì hồn người chết vẫn ở trong nhà nếu con cháu khóc họ sẽ không được siêu thoát”. Việc cúng người chết diễn ra khá phức tạp và cẩn thận, khi khâm niệm họ trải một ít tro bếp sạch tượng trưng cho vật thiêng liêng bảo vệ thi hài, một ít lúa nếp đốt cháy tượng trưng cho lúa giống chia cho người chết. Sau khi nhập quan thầy Tào làm phép thu linh hồn người chết vào áo quan đồng thời làm phép thu linh hồn lại cho người sống, theo quan niệm nơi đây việc thu linh hồn người chết được làm chu đáo thì hồn người chết sẽ không luẩn quẩn trong nhà cuộc sống con cháu sẽ được bình yên. Người ta cho rằng linh hồn người chết bị giam giữ dưới địa ngục, để cứu linh hồn thoát khỏi địa ngục người ta lấy vải thành quây tròn giữa để bài vị và một quả trứng sống, một ngọn nến. Lễ vật có một con lợn nhỏ, gà trống và vịt. Bên cạnh ngục quây, người ta dựng một lều nhỏ để kê bàn thờ trên có đặt một bát gạo, một quả trứng vịt sống, và một chậu lá bưởi đun sôi để nguội. Thầy Tào cầu khấn chiêu gọi các hồn tập trung lại rồi nhảy múa như một đội quân hùng hồn, vượt qua những đoạn đường gian khổ, chướng ngại vạt để xuống địa ngục cứu linh hồn người chết. Sau đó thầy cầm kiếm đâm một nhát vào nhà ngục, tắt nến, đèn dầu bên trong rồi rước hồn về. Trước khi đưa người chết đi chôn, thầy Tào phải chọn giờ tốt. Nếu con cháu trùng giờ sinh với người chết phải lánh mặt đi bằng cửa phụ. Bởi họ sợ ma người chết sẽ bắt đi theo. Thầy Tào yểm vào nắm gạo vãi qua trên nhà táng, có ý báo linh hồn người chết chuẩn bị xuất hành. Nhà táng được mang đi đốt với ý người chết sẽ có nhà mới ở ngay. Đồng bào Tày có tục chia của cho người chết. Người ta để quần áo, chăn màn, gạo, gà … vào một cái sọt để dưới huyệt cho người chết. Sau khi đưa ma xong họ ra về và không ngoái đầu lại vì sợ ma theo về nhà hại con cháu. Bà Phạm Thị Hiền (53 tuổi) cho biết: “ trong đám tang của người Tày có một số kiêng kị như : không được ăn bún vì như thế là ăn tóc của người chết, không được ăn lòng động vật vì đó giống như ăn tim và ăn lòng của người chết, không được ăn bầu bí vì nếu ăn sẽ ăn óc của người đã mất, không được quan hệ tình dục khi chưa qua 100 ngày…”. Trường hợp người chết vẫn còn bố mẹ hoặc ông bà thì người đó phải đeo tang trả hiếu. Về việc người chết được chôn ngay trong vườn, mọi người đều cho rằng đây là phong tục có từ xa xưa, điều đó thể hiện sự gần gũi, thân mật giữa người sống và người chết. Theo quan niệm nơi đây, linh hồn của người mất luôn quanh quẩn và muốn về nhà, vì vậy người thân trong nhà không chôn cất người chết ở xa, họ sợ linh hồn không nhớ đường về rồi quở trách gây bệnh tật, tai ương cho con cháu.

Đối với người Sán Chí, họ có tập tục “đào sâu, chôn chặt” tức là người chết sau khi chôn cất sẽ mãi mãi ở đó và không cải táng. Người chết không để quá 12 tiếng trong nhà và phải đưa ra vườn chôn, khác với người Tày, người Sán Chí không quy định về thời gian làm tang lễ, nhà có điều kiện sau khi chôn cất có thể làm đám tang, có khi để đến 1 tháng mới tiến hành nghi lễ cúng bái.

Cải táng đưa lên đồi núi

Ngoài sự khác biệt, kì quái về đám tang thì cải táng cũng là phong tục độc và lạ của người Tày nơi đây. Thông thường người mất sau 3 năm sẽ cải táng, nhưng với người Tày có trường hợp lên tới 7 đến 8 năm. Đây được coi là điều không mong muốn, nếu trong nhà con cái chết trước bố mẹ hoặc ông bà mà 3 đến 4 năm sau bố mẹ, ông bà mất thì người đó phải đợi cho bố mẹ hoặc ông bà cải táng trước mới được “bốc mộ”. Trong khi cải táng, tục lại có ba điều là tường thụy (tức là mả phát tốt đẹp) mà không cải táng. Một là, khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là Long xà khí vật. Hai là, khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết. Ba là, hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa đều là tốt, nếu gặp phải những điều này lập tức lấp lại ngay. Đối với việc cải táng bình thường, người nhà đi xem giờ đẹp để tiến hành đào huyệt rồi đem xương cốt rửa với lá thơm cho vào 1 cái tiểu, cách đặt xương người chết phải tuân theo qui trình mà thầy Tào chỉ dẫn. Về việc xây lăng cải mả “còn gọi là nhà cho người âm”, sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, tất cả người thân trong gia đình vận chuyển đất cát, nước để phục vụ cho việc xây lăng lên một ngọn núi mà dòng họ định sẵn, mỗi chuyến đi mất khoảng 30 phút, cứ như vậy cho đến khi đủ vật liệu thì thôi. Theo phong tục nơi đây mỗi dòng họ có sẵn một ngọn núi để cải táng trên đó, vị trí của mỗi lăng mộ được xếp từ trên xuống dưới theo thứ tự cấp bậc trong họ, người lớn nhất sẽ được đặt ở trên và con cháu sẽ ở bên dưới. Điều đặc biệt, đàn ông được đặt bên phải và phụ nữ phải đặt bên trái. Để lý giải cho phong tục kì lạ này chúng tôi đến gặp bà Phạm thị Mừng (60 tuổi) “việc cải táng phải đưa lên núi là do quan niệm người âm phải được ở trên cao như thế sẽ mát mẻ, khô ráo, nhìn xa thoáng đãng như vậy con cháu sẽ được phù hộ làm ăn thuận lợi, không lo ốm đau bệnh tật, còn đàn ông đặt bên phải, đàn bà đặt bên trái thì đàn ông là trụ cột gia đình nên phải đặt bên phải để khẳng định vị thế, gánh vác”.

Chính quyền lên tiếng

Bên cạnh niềm tin, tín ngưỡng đó có rất nhiều mối nguy hại đang rình rập tới chính người dân nơi đây. Được biết các hộ dân sử dụng nguồn nước giếng khoan gần nhà, thông thường sâu 6 đến 7 mét, đồng nghĩa với việc các mạch nước nơi đây nối liền với nhau, việc người chết được chôn gần các mạch nước thực sự đáng báo động. Để giải đáp vấn đề này chúng tôi đến gặp bà Lương Thanh Hà - Trưởng phòng Văn hóa huyện Võ Nhai, theo bà Hà việc tục lệ “đất đâu chôn đấy” là phong tục từ xa xưa, phía UBND huyện Võ Nhai chưa có bất kì phản ánh nào về việc chôn cất, cải táng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đời sống tâm linh ở đây có nhiều điểm khác so với miền xuôi, họ tin rằng đã sống ở đâu chết đi phải ở đó và người chết luôn đi theo các thành viên trong gia đình. Bà Hà cho biết: “tất nhiên việc chôn cất, cải táng thế này sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và sức khỏe của dân cũng bị đe dọa, nhưng đó là cuộc sống tâm linh của họ nên chính quyền rất khó can thiệp”. Bà chia sẻ thêm, trước đó UBND huyện Võ Nhai đã tuyên truyền, vận động người dân trong việc quy hoạch nghĩa trang cho tất cả các xã trên địa bàn huyện, nhưng do vướng mắc một số vấn đề liên quan đến tiền đền bù, địa điểm nên công việc trì trệ. Theo dự án nông thôn mới đến năm 2020, tất cả các xã thuộc huyện Võ Nhai đều có nghĩa trang riêng và phong tục “đất đâu, chôn đấy” sẽ bị xóa bỏ để đảm bảo cảnh quan môi trường và sức khỏe của người dân được đảm bảo.

Phong tục nhưng cẩn điều chỉnh lại

Nói chung cải táng, sang cát, bốc mộ là phong tục từ lâu đời, thể hiện cái tâm của người sống với người đã khuất, an tâm với niềm tin… họ không bỏ người thân thối rữa trong đất ẩm mà tặng họ một ngôi nhà mới đẹp đẽ, chắc chắn hơn. Bằng cách bốc mộ giải phóng linh hồn người thân, người chết có thể biến thành tổ tiên linh thiêng, phù hộ cho gia đình được an lành. Nhưng xét về khía cạnh khoa học thực tiễn tập tục này thực sự gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người nhất là người chết được chôn gần nhà nơi nguồn nước được sử dụng hàng ngày cho sinh hoạt. để duy trì phong tục cha ông để lại mà không ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân nơi đây cần nâng cao nhận thức trong việc xây dựng nghĩa trang chung hoặc có thể áp dụng phương pháp hỏa thiêu.

Vinh Dự - Hoàng Nguyên

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Gặp người cựu chiến binh từng đi trên xe Jeep 15770 áp giải tổng thống Dương Văn Minh

Gặp người cựu chiến binh từng đi trên xe Jeep 15770 áp giải tổng thống Dương Văn Minh

  • 27/04/2016 00:00
  • 660

Tình cờ, trong dịp kỷ niệm 45 năm quân tăng cường Thủ đô (1967-2012), tôi may mắn được gặp các cựu chiến binh, những người đã từng có mặt trên chiếc xe Jeep 15770 tiến thẳng vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, sau đó áp giải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh sang Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Trong căn nhà của ông Nguyễn Huy Hoàng ở số 8 ngõ 85/30, đường Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, câu chuyện của hai người từng sống chết bên nhau - ông Nguyễn Huy Hoàng và ông Bàng Nguyên Thất, đã làm sống lại trong tôi chiến công vinh quang của dân tộc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.