Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà (Bình Minh, Thanh Oai, Tp Hà Nội), xưa mang danh Cổ Nõi/ Kẻ Nõi hay tên Nôm là làng Bùi (thời Lê đổi Bảo Cựu, thời Lý đổi Bảo Đà và Bình Đà có từ Minh Mệnh 1820 thuộc phủ Ứng Thiên – Đỗ Động Giang). Cổ Nõi ngọc phả hiện lưu tại Đến Hùng, niên hiệu Thái Bình thứ hai 971 có ghi “Mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân táng tại Ba Đống (Ba Gò) đồng Thượng Bảo Cựu, hậu Bảo Đà..”. Để tri ân Đức Quốc Tổ, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội thờ cùng bức phù điêu (Bảo vật quốc gia) trên nghìn năm tuổi..
Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trên 1000 năm tuổi được dát vàng.
Người dân vùng Thanh Oai còn lưu truyền: Khởi nguồn dân tộc Việt thời các vua Hùng, vua Đế Minh có hai người con “con trưởng là Đế Nghi, con thứ là Lộc Tục”. Nhà vua yêu Lộc Tục hơn nên muốn cho Lộc Tục làm vua phương Bắc. Lộc Tục là người khiêm nhường nên đã nói với cha nhượng cho anh cả. Vì vậy vua cha cử Lộc Tục làm vua phương Nam (đất Văn Lang sau này). Đất Văn Lang tức nước Xích Quỷ có nhiều phong cảnh thanh kỳ. Dải Lĩnh Nam trùng trùng, điệp điệp, xanh như chàm, xa trông như rồng uốn khúc.. Lên làm vua, Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương, buổi đầu toan đóng đô ở chân núi Miễu Sơn, sau ấn định xây thành, đắp lũy ở Cửu Lĩnh.. Vua lấy Long Nữ con gái vua Động Đình Quân, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân kế nghiệp vua cha. Lạc Long Quân lấy hiệu là Hùng Hiền Vương di chuyển kinh đô về Nghĩa Lĩnh. Khi Kinh Dương Vương qua đời, Hùng Hiền Vương lấy nàng Âu Cơ con gái Đế Lai chúa tể động Lăng Xương, một xứ lân cận Văn Lang bên bờ giải Âu Giang. Âu Cơ có mang được 3 năm 3 tháng 10 ngày mới thấy chuyển dạ. Nơi nàng lâm bồn là một chiếc lều tranh bên đường không xa kinh thành, nàng sinh ra một cái bọc. Long Quân vô cùng kinh ngạc, Ngài cho quần thần dựng đàn tế cáo trời đất. Trong lúc cử hành lễ bái thì trời nổi mây ngũ sắc, năm người cao lớn dị thường đầu đội mũ Kim Quang, mặc áo bào xanh, lưng đeo đai ngọc.. tuyên bố “Ngọc Hoàng Thượng Đế cử chúng ta xuống để thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Hoàng Hậu sinh ra một cái bọc đó là điềm vô cùng tốt đẹp, trong bọc có một trăm trứng. Chúng tôi có bổn phận biến ra thành một trăm con trai, những người con này sẽ giúp nhà vua trị dân giữ nước”. Đúng ngày rằm tháng giêng năm sau, mây ngũ sắc lại tái hiện, ngôi nhà rực sáng, bọc trứng tự nở ra một trăm người con trai. Một hôm vua bảo Âu Cơ “Ta vốn là con cháu thủy thần, nàng thuộc loài tiên, nước lửa khắc nhau, không thể kết hợp lâu dài được. Vậy xin chia tay để giữ lấy dòng giống. Nàng nên đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển, cùng nhau khai cơ mở nghiệp, tạo thế cho con cái và dân chúng dài lâu”.
Bức phù điêu giá tượng mẹ Âu Cơ tại đền Đức Quốc Tổ.
Âu Cơ vâng lời, truyền lệnh đem 50 người con về đất Phong Châu, phong con trưởng nối ngôi vua Quốc hiệu là Văn Lang, tụ tập anh tài xây dựng cơ đồ, truyền ngôi được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương. Long Quân cùng 50 người con xuôi đường lần ra Nam Hải. Đến đất Bình Đà bây giờ, cách biển không xa, truyền cho các con dừng chân dựng trại, thấy thế đấtlục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi.. Chẳng bao lâu, cả vùng Bảo Cựu được coi là đất quý trở lên trù phú, tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng...
Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trên 1000 năm tuổi, được thờ trong hậu cung.(Bảo vật quốc gia)
* Từ ngày 24/2 đến mùng 7/3 âm Bình Đà mở hội và rước “bánh vía”: Ngày 24/2 (tế Quán Sái - tế lễ mục dục tắm rửa, lau chùi, quét dọn đền, hương án, các đồ thờ tự và tắm rửa cho trâu, bò phục vụ tế); ngày 25/2 (tế cáo Tiền Nhật, chuẩn bị trâu, bò tế cùng dân làng ra sân miếu tế lễ sống Thánh, sau đó đem về các giáp giết mổ “ngưu nhục/thịt trâu bò- trư nhục/thịt lợn đen” dâng tế ở đình Ngoại (thờ Linh Lang Đại Vương); ngày 26/2 (ngày hóa Đức Thánh Linh Lang, cũng là ngày Đệ niên kỷ niệm Dương Cảnh Thành Hoàng – 7 thôn cùng nhau rước 2 lễ vật của mình (1 lễ chay, có oản, bánh trôi, bánh chay, thanh bông hoa quả, trầu cau để dâng ở đền Nội thờ Đức Quốc Tổ – 1 lễ mặn dâng ở đình Ngoại thờ Linh Lang Đại Vương); ngày mùng 1/3 tổ chức lễ dâng, rước đón mã (kèm cây vàng, cây bạc) ra nhà văn chỉ, thông qua Hội đồng trưởng lão của làng duyệt theo thứ tự (mã, vàng, bạc được thờ tròn một năm, kỳ hội sau mới hóa); ngày mùng 2/3 (lễ Nhật luân nhập tịch kỳ phước do một thôn chọn phải có 2 lễ (lễ chay tế tại đền Nội, lễ mặn tế tại đình Ngoại) để cầu phúc; ngày mùng 3/3 (lễ Nhật luân nhập tịch kỳ phước, chủ yếu đón dân chúng, chính quyền, đoàn thể các làng quanh vùng đến lễ và dự hội cổ truyền); ngày mùng 4/3 (lễ phần mã ký hoàn, lễ hóa mã năm trước, rước sắc, kiệu Long đình, Giá cỗ, Bát cống cùng lễ vật dâng vào đền Nội và đình Ngoại, hành tiến rợp trời cờ thần, chấp kích, trống chiêng, bát âm, diễn ra náo nhiệt cổ súy của dân làng); tối mùng 5/3 (lễ Trào, theo tục từ chập tối cửa đền tạm khép, nội bất xuất, ngoại bất nhập sau một tuần nhang, chỉ có quan tế chủ 2 đền Nội và đình Ngoại và người đứng đầu chính quyền dự lễ, hành lễ mật cúng, thỉnh mời các bậc Thánh hiền và truyền thông điệp khẩn cầu của dân tới Thành Hoàng và bách thần, cầu phúc, cầu an cho bàn dân thiên hạ); ngày mùng 6/3 (diễn ra các cuộc đại lễ, tế cộng đồng trước hương án có bát nhang Đức Quốc Tổ và Đương Cảnh Thành Hoàng, sau tế Thiên Quan gồm tế trời, đất, khao quan và khao các vong – lễ bánh Thánh theo tục hèm của làng từ xa xưa với hình thức mật cúng dâng “bánh vía” được rước vào cầu Thiên Quan trước, bánh 3 cái, chỉ được biết như vậy, vì không ai thấy bao giờ, để trong đài đậy kín, đọc mật khẩu xong chủ tế mở đài lấy từng chiếc bánh bóp nát thả xuống nước trong khung cót Giếng Ngọc gọi là giếng Chùa Cả, thả bánh Thánh xong, bánh chìm hết mới tốt – sau đó nhà đền tổ chức lễ dâng hương cho các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, rồi khách thập phương lễ- buổi chiều tổ chức lễ yên vị rước 6 kiệu từ đền Nội ra đình Ngoại); ngày mùng 7/3 làm lễ tạ yên vị để lại 3 kiệu, còn 3 kiệu rước trả về đền Nội (hoàn cung). Những năm gần đây, lễ hội Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà chỉ tổ chức trong 3 ngày từ mùng 4 đến mùng 6/3 âm. Với nhiều nội dung phong phú, xen kẽ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, tranh giải Cúp bóng đá Quốc Tổ Lạc Long Quân…
Hương án mặt tiền đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
* Giá trị lịch sử nổi bật của Di sản: Từ huyền thoại, qua tâm thức dân gian, nhân vật Đức Thánh Tổ Lạc Long Quân trở thành biểu tượng giá trị lịch sử độc đáo, khâu nối liền mạch từ Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng cội nguồn dân tộc, bệ đỡ cho truyền thống quý báu mang bản sắc văn hóa dân tộc của người Lạc Việt. Năm 2014 Lễ hội đền thờ Đức Quốc Tổ được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ra Quyết định công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
* Giá trị văn hóa – tín ngưỡng: Lễ hội đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân hàm chứa hàng loạt biểu tượng văn hóa, khởi nguồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tới “Đức Quốc Tổ” người có công với dân với nước với làng xóm quê hương. Hàng loạt các biểu tượng văn hóa được phục dựng, các lớp lang văn hóa bản địa, những dấu vết của tín ngưỡng văn hóa cổ, nghi lễ, tục hèm, tập quán.. dung hợp văn hóa tín ngưỡng qua hàng nghìn năm trở thành đỉnh cao của truyền thống nhân văn, minh triết Việt Nam.
Ba bộ kiệu tại đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa.
Bằng vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại lễ hội Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Bia đá khắc tóm tắt di tích Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
* Giá trị nghệ thuật, xã hội – nhân văn:Kiến trúc nghệ thuật ở đền Nội, đình Ngoại có nhiều bảo vật, cổ vật có giá trị di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo. Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân với nhiều lớp hình ảnh được trạm khắc, truyền ngôn: Dài 2,8 mét, rộng 2,2 mét, 5 tầng; đầu 20 vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn; 16 vị quan võ cân đai bố tử hung dũng, quắc thước, cầm long đao; 18 thị nữ áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với cờ quạt, tàn, tán, ô, lọng; có voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả; dòng nước mênh mang hiện lên những con thuyền rồng cong mũi đang rẽ sóng lao nhanh; từng thuyền rồng các cặp đôi hai hàng trai tráng, mình trần khỏe mạnh, gò mình mải miết tay chèo; nổi bật chiếm phần tư diện tích là chân dung tượng Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm lưỡng long chầu nguyệt, khoác áo hoàng bào vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thể theo 36 quý tướng nhà Phật.. toát lên đầy đủ cảnh sinh hoạt thuộc về triều đại Hùng Vương. Tục truyền, bức phù điêu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ, người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này”. Ngày 1/4 Nhâm Thân 1032, vua Lý Thái Tông mở lễ hội Tịch Điền ở Đỗ Động Giang (Bình Đà), vua hiến Sắc suy tôn Lạc Long Quân là Khai Quốc Thần “Lý triều hiến sắc/ Thánh Tổ tiên vương/ Nhất bào bách noãn/ Sinh hạ bách thần/ Hộ quốc cứu dân/ Vạn xuân an lạc”. Năm 1985, 1990, 1991 đền Nội và đình Ngoại được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Khu Ao sen, cây quéo, giếng ngọc (có long mạch thông với thủy cung vươn xa về tận đất Thăng Long), nhà bia, miếu ông, trống đồng Đông Sơn Hêgơ1, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ là các chứng tích cổ. Không gian sinh hoạt văn hóa lễ hội Quốc Tổ Lạc Long Quân độc đáo, tạo ra sức mạnh cấu kết cộng đồng người Việt lan tỏa ra khỏi phạm vi làng, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cuốn hút từ nhiều vùng miền trong cả nước – Xứng đáng được tìm hiểu, nghiên cứu và vinh danh vào hệ thống Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận./.
Ths.Phùng Quang Trung (Cục NTBD)