Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/04/2016 06:03 818
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Làng Gia Phú (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) xưa là làng Cửa Ải hay còn gọi là Khu Cửa Chỉ thuộc trang Hoàng Vân, huyện Phù Lưu, thành Thăng Long. Làng có một người làm quan trong triều, thời Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) 555-602 do có công dẹp giặc vùng “biên ải” đã xin nhà vua đổi tên là làng Cửa Ải và miễn “tô dịch” cho dân. Làng có truyền thống thượng võ, hàng năm vẫn mở hội “Vật thờ” để tưởng nhớ tới vị Thành Hoàng đã có công với dân, với nước, với làng xóm quê hương…

Làng Gia Phú hay dân gian vẫn thường gọi làng Ngã tư Tre (thuộc tổng Già Cầu, trấn Sơn Nam), năm 1948 được đổi là làng Gia Phú. Làng có ngôi đình thờ Thần Hoàng, theo Thần tích Thần sắc do cụ Nguyễn Hữu Ngoạn (CLB Hán Nôm Từ Sơn) dịch: Nước Việt ta xưa, mở mang tại phương Nam, phụ vào sao Ngưu, sao Đẳng, phân cương rõ rệt tự đời Hùng, mở vận thánh tổ cơ đồ.. Đời đời cha truyền, con nối đều xưng gọi Hùng Vương Ngọc Bạch, xa thư sơn hà nhất thống thực rạng ranh nước Việt ta vậy. Bắc quốc, người Chân tịnh họ Triệu tên Đà cử binh xâm phạm, về sau nhà Thục mất. Triệu Đà được nước năm đời làm vua. Đời Lương Vũ cử Tiên Tử tham tàn, bạo ngược, trọng quyền, kết oán, dân ta lòng người oán giận, có ý gây bạo loạn, ý trời cũng muốn diệt trừ.. Bấy giờ ở Long Hưng, Thái Bình có người họ Lý tên Bôn thừa thời khởi ứng. Trên thuận ý trời, dưới thuận lòng người. Ông cùng với người anh họ là Lý Phật Tử làm Hữu tướng, Triệu Quang Phục làm Tả tướng. Bắc đuổi Tiên Tử, Nam bình lâm ấp, ông lên ngôi đế ở Long Biên lấy quốc hiệu là Vạn Xuân.. Lý Phật Tử với con trai Nhã Lang đem binh vào Dã Năng động, nước nhuệ khí, tích thảo lương thực, chiêu mộ binh, có ý đồ khôi phục nhà Lý.. Đương lúc bấy giờ tại Cửa Ải Khu có nhà Đào Công Triết, vợ là Nguyễn Thị Xử, vốn tích đức đủ đầy, từ tâm, khoan hồng, rộng lượng, thường hay giúp người, tạo của cải cho địa phương, làm điều thiện không biết mỏi. Trước sinh hai con đều thích kiếm, ngựa, một ngày vợ chồng cùng than rằng “Nhà ta đời đời làm phúc, ắt có thiện báo. Xem về các con đều khác với mọi người, lại là con ngoan, nay ta muốn một lần cầu nguyện cho thoả ước..”. Đêm ấy mộng thấy thần báo rằng “Mai sau sinh con trai sẽ giúp nước trừ bạo. Nói xong thần biến mất”. Tỉnh dậy ông bà biết là thần báo mộng về nhà, từ đó bà có thai. Năm Giáp Ngọ, ngày 13 tháng 7 bà sinh một con trai, mày ngài, mắt sáng, tai to, mặt vuông, đặt tên là Đào Công Phổ. Được một trăm ngày ông lập bàn văn nói “Ngày thường nên yên tĩnh mà đọc chữ, đọc sách chẳng đợi người thúc dục, về am luật nên tinh thông đàn sáo..”. Năm ông Phổ 16 tuổi tìm thầy học đạo, qua mấy năm tinh thông binh thư, giỏi nghề cung tên, mọi thứ đều tài giỏi, mỗi lần ngồi đàm thoại, nghị bàn với bạn bè trang lứa, mọi người đều kính phục. Khi đương học thầy thường khen “Đây là một nhà có đất trời sinh con văn võ song toàn, thực là con nhà hiếu nghĩa”. Năm ông 18 tuổi thì cha mất, đó là ngày 12 tháng 3, năm 19 tuổi thì mẹ mất, đó là ngày 12 tháng 8. Ông khóc loè thảm thiết, kêu trời lỡ gây tang tóc. Ông chọn nơi đất tốt mai táng cho cha mẹ, lễ nghi, hương khói, phụng thờ. Đến 20 tuổi, ông mãn tang cha mẹ, bèn rắp tâm nuôi chí lớn. Bấy giờ Lý Phật Tử (555-602) ở trong động dấy binh, nạp người, ông bèn mang kiếm đến theo, đó là ngày 12 tháng 8. Phật Tử thấy ông tài kiếm, văn võ, lại có tài thu phục lòng dân, bèn phái phong làm Hữu Tướng quân. Hịch truyền các quận, huyện, hào kiệt đồng lòng báo quốc, phục nghĩa, bình giặc bạo tàn. Trước là vỗ về trăm họ, sau nên công hưởng thái bình. Thửa ấy, mọi người ứng mộ theo hơn sáu vạn người, đều tụ hội ở Dã Năng động.. Triệu Việt Vương (548-571) nghi tin cho các tướng cử binh tướng và Nỏ thần kháng cự. Hai nhà đối địch, mỗi khi lâm trận Việt Vương lấy nỏ móng rồng ra bắn. Phật Tử binh đều bị hư tổn, chỉ một mình Hữu tướng quân (ông Phổ) thường đi trước, đương đầu với muôn xe chừng mười trận. Tuy nhiên, một ngày ông Phổ nghĩ ra kế lớn nói với Phật Tử rằng: Thần nghe nói Chử Đồng Tử đã trao móng rồng cho Việt Vương sử dụng làm nẫy nỏ, xưa chém được Dương Sàn mà tự lên ngôi Đế, ta bại ở Kim Lũ là do nỏ thần vậy. Chẳng bằng cưỡi giáp nghi binh, lấy mưu mà đoạt lại.. Việt Vương có người con gái là Cảo Nương ta xin gả cho Nhã Lang con trai của Minh Công và cho vào ở rể để lừa ngầm đổi móng rồng, được thì đem binh đến đánh, thiên hạ có thể lập mà còn phục hồi được nhà Lý. Phật Tử nghe mưu rất mừng nói: Rất hay, kế ấy việc lớn có thể thành thực ơn lớn của ông đó.. Nhã Lang con của Phật Tử được Việt Vương rất yêu mến, tin tưởng cho ở rể, tự do ra vào.. Nhã Lang ngày đêm bí mật, ngầm đổi được móng rồng, nhân bảo Cảo Nương rằng: Tuy tình nghĩa vợ chồng chẳng thể rời bỏ, mà ơn cha con ta há lìa xa lâu ngày chăng? Nay ta về thăm cha chẳng viết ngày nào lại đến cùng nàng. Nói xong giấu móng rồng mà đi (đó là ngày 12 tháng 3). Đêm ấy, Chử Đồng Tử hiện báo với Phật Tử rằng: Cũng ở mệnh trời, lòng người đã quy thuận, nay ta trao móng rồng cho. Phật Tử tỉnh dậy điềm nhiên đến giờ ngọ thấy Nhã Lang mang móng rồng về. Phật Tử thấy vậy rất mừng bèn cử binh đánh Triệu Việt Vương. Chưa kịp báo, lúc bấy giờ Hữu tướng Phổ công vẫn cùng Triệt Vương đánh cờ, Việt Vương cười rằng: Phật Tử không sợ nỏ thần sao? Phật Tử đem binh đánh úp, Việt Vương dương nỏ thần bắn, thời móng rồng đã mất, vội vàng lên ngựa chạy nhanh đến cửa bể Đại Nha gieo mình xuống nước.. Phật Tử lên ngôi, lập Hậu Lý Nam Đế, đô ở Phong Châu. Phổ Công ở Long Chu Quan đồn, ngày 12 tháng 11 bỗng nhiên bị bệnh nặng, Phật Tử thân đến thăm nói với ông rằng: Trẫm chịu ơn lớn của ông, không biết làm gì báo, nay ông bị bệnh như vậy rất khó qua được. Ông có muốn việc gì Trẫm cũng theo ý, ấy cũng là báo đáp trong muôn một. Phổ Công nói: Thần chẳng nguyện khác chỉ xin Bệ Hạ cho Bản khu Cửa Ải miễn tô dịch các việc, được vi thần ước là thực ấp.. Phật Tử nói: Ông mất đi, Trẫm sau này sẽ cho tên thay là Phúc Phổ Quảng, đó là ngày 13 tháng 2 ông mất. Vua sai sắc phong cho ông là “Phúc Phổ Quảng Long Châu Quan Cửa Ải Phù Huệ Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần” và cho Nghi Lễ Bộ đệ sắc thần, ban thắt miếu. Lễ Bộ đến bản huyện, Cửa Ải khu nói với phụ lão rằng: Đại Vương người bản khu, có công giúp nước, đặc biệt dẹp tan giặc giã phương Bắc sang quấy nhiễu vùng biên giới cửa ải nước ta.. Bệ Hạ ban sắc lệnh cho dân thờ phụng và cấp đất, thưởng 500 quan tiền, đổi tên Cửa Ải cho làng để phân khu lập miếu thờ cúng, miễn tô dịch cho dân mãi mãi. Từ triều Lê Trung Hưng niên hiệu Dương Hoà (1635-1643) đến triều Nguyễn niên hiệu Khải Định (1916-1925), cả thảy 27 lần có sắc phong và chứng chỉ công nhận..

Bản Thần tích Thần sắc làng Cửa Ải – Gia Phú.

Làng Cửa Ải có chỗ ngã tư mà làng Đồng Phố, xã Chuyên Mỹ và các làng xung quanh đều phải đi qua, vì thế dân trong vùng vẫn gọi là làng Ngã Tư Tre (chợ Tre Gia Phú là một trong những chợ lớn của bản huyện, liên 4 xã: Đại Thắng, Quang Trung, Tân Dân và Vân Từ). Sau 1948, đổi tên là làng Gia Phú để nói lên ước vọng của dân mong muốn làng mình giàu có, thịnh vượng. Bản hương ước Lệ làng lập năm Tự Đức 18 (1865) có 95 tờ và lập năm Duy Tân 4 (1910) có 48 tờ để giải quyết điều hoà các tranh chấp, xung đột, đồng thời khống chế và ràng buộc lẫn nhau trong cộng đồng hẹp mà “tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần, gắn kết bền chặt trong cộng đồng làng xã”. Làng Cửa Ải là một làng Việt cổ, có những câu ca dao xưa lưu truyền: “Đồng Sấu giàu ngẩm giàu ngầm/ Ăn cơm bát mẻ ngủ gầm cối xay/ Cửa Ải mà đi ăn vay/ Ăn cơm bát sứ rửa tay chậu đồng”, “Cửa Ải phải đi cầm chồng/ Tết về em có mười đồng trả ngay” hay “Mõ Miêng, chiêng Khê, trống Già Cầu, lệnh Cửa Ải”.

Trụ sở UBND xã Tân Dân trên nền đình cổ nhìn ra sông Nhuệ.

Làng Gia Phú cải tạo xây giếng bằng gạch đá ong.

Diện mạo xây dựng nông thôn mới làng Gia Phú.

Làng vẫn duy trì các ngày việc trong năm: Ngày Mồng 7 tháng giêng âm có lễ khai hạ tổ chức hội “Vật” thờ Thành Hoàng; ngày 13 tháng 2 âm, ngày giỗ Thành Hoàng; ngày 12 tháng 3 âm, ngày giỗ bố Thành Hoàng; ngày 13 tháng 7 âm, ngày sinh Thành Hoàng; ngày 12 tháng 8 âm, ngày giỗ mẹ Thành Hoàng cùng là ngày đầu quân Lý Phật Tử; ngày 12 tháng 11 âm, ngày nhận phong và cáo quan về làng. Làng tổ chức lễ “Vật thờ” vào Mồng 7 tháng Giêng: Dâng hương tế Thánh (lễ vật dâng là thủ lợn đen, thịt trâu nước, gà tịnh, xôi, oản, thanh bông hoa quả và cỗ chay).. sau đó mở hội “Vật thờ”, tổ chức rước Thánh. Làng chôn cây nêu (cử một người đàn ông trên 50 gia đình song toàn xuống cắm cây nêu bằng tre (dài trên 6 mét), buộc các thoi vàng, giấy ngũ sắc.. và cắm xuống giữa ao bùn, trên tổ chức mọi người nhảy múa, đả (ném) các cây mạ vào quanh người đó; buổi chiều tổ chức “đấu vật”, “bắc cầu đi lễ hội” và các hoạt động trò chơi dân gian cổ truyền (đánh gậy, kiếm, cờ bỏi, đập niêu, cây đu, kéo co), thể thao lành mạnh có giải thưởng. Trao đổi với chúng tôi, cụ Đặng Văn Toá (85 tuổi) nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Đình làng Cửa Ải xưa to nhất vùng, kiến trúc “chữ nhất”, ba gian hai trái, gian giữa sơn son thiếp vàng vẽ rồng phượng nguy nga lộng lẫy, trong có đến 48 cột, cột cái bằng gỗ lim to đến trên 80 phân vuông, có đầy đủ hoành phi câu đối và các đồ thờ khí tự, một kiệu long đình (kiệu ông), một kiệu bát cống (kiệu bà), một kiệu rước choé (rước nước lấy từ giữa sông), một bộ lệnh cổ: Lệnh Cửa Ải, tức là một bộ “pháo lệnh cổ”, có thuốc pháo tống vào, có ngòi pháo, vào tế khi đọc huý hiệu Thành Hoàng thì ông chủ tế châm ngòi đốt pháo lệnh – đây là biểu tượng để tưởng nhớ vị Thành Hoàng Hữu Tướng quân.. hiện móng đình đang nằm trên nền đất của Uỷ ban nhân dân xã nhìn ra sông Nhuệ Giang. Nguyện vọng của nhân dân mong muốn được xây dựng lại ngôi đình để thờ phụng Thành Hoàng. Làng Văn hoá Gia Phú đã được UBND huyện Phú Xuyên công nhận từ năm 2007 đến nay. Việc bảo tồn giá trị Di sản văn hoá làng Việt cổ Cửa Ải trong kho tàng lịch sử văn hoá Thăng Long ngàn năm văn hiến xưa thật là rất cần thiết./.

Ths. Phùng Quang Trung (Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Di tích lịch sử Đền Cửa Ông - Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Di tích lịch sử Đền Cửa Ông - Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

  • 22/03/2016 07:08
  • 1118

Khu di tích lịch sử Đền Cửa Ông thuộc phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả cách thành phố Hạ Long khoảng 40km về phía Đông Bắc. Đền nằm trên một quả đồi, cửa đền nhìn ra Vịnh Bái Tử Long, lưng quay vào dãy núi trùng điệp chạy dài từ Cẩm Phả đến Mông Dương, hai bên tả hữu đều có núi làm thế tay ngai và đều có 3 khu được phân bổ 3 vị trí khác nhau theo chiều cao dần: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; khu đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền Hạ và Đền Trung đã bị bom Mỹ phá hủy toàn bộ.