Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh gồm có bốn cánh, hai cánh hiện nay trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, hai cánh còn lại được Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm và đưa về lưu giữ từ năm 1961. Hiện nay hai cánh cửa này đang được trưng bày trên hệ thống trưng bày chính của bảo tàng, thuộc phần lịch sử giai đoạn triều Trần.
Hai cánh cửa nằm ở gian giữa của tiền đường được tạo bằng 2 tấm gỗ lim lớn, to dày, cao 1m92, rộng 0,715m, nguyên khối, gồm 2 cách trang trí đối xứng. Ô trên được chạm trang trí 4 rồng chia làm 2 cặp đối xứng nhau, 2 cặp rồng lớn trong ô lá đề và 2 cặp rồng nhỏ. Các con rồng trang trí trên cánh cửa chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài. Hai rồng lớn thắt túi, miệng há, bờm và râu bay lên tạo mây lửa, thân rồng mập tròn cuốn thành khúc nhỏ dần về đuôi. Cả 2 rồng trong tư thế cuộn trong hình lá đề, xung quanh chấm mây lửa, giữa là bông sen nở. Mỗi rồng đều có 4 chân, 2 chân trước và 2 chân sau cầm dải mây xoắn, chân rồng có 3 móng vuốt. Phần dưới chạm 2 bông hoa cúc nở đối xứng, phía trên chạm lá đề, cánh sen kép, hàng dưới chạm sóng nước. Hai cánh cửa này nằm trong cụm di tích đền Trần - chùa Phổ Minh.
Hai cánh cửa Chùa Phổ Minh trưng bày tại BTLSQG.
Đền Trần và chùa Phổ Minh (thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là cụm di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích thời Trần ở Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.
Tức Mặc vốn là mảnh đất dấy nghiệp, là quê hương của vương triều Trần, tiêu biểu là điện Trùng Quang nơi Thượng hoàng về ngự, điện Trùng Hoa để các vua Trần về chầu. Năm Nhâm Tuất 1262, nhà Trần đã thăng làng Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường. Tức Mặc là một kinh thành lớn lúc đương thời (chỉ đứng sau Thăng Long) nhưng tiếc thay những cung điện, những lầu son gác tía thuở nào đã bị giặc ngoại xâm tàn phá. Tất cả những di vật còn lại giúp chúng ta tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua.
Quá trình hình thành và tồn tại của di tích đền Trần và chùa Phổ Minh gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần. Triều đại nhà Trần tồn tại 175 năm (1225 - 1400), đã để lại cho dân tộc ta những thành tựu to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quân sự…
1. Đền Trần: gồm các hạng mục: ngũ môn, sân trước, hồ nước, nghi môn, sân trong, giải vũ, đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa.
Khu di tích đền Trần hôm nay, rộng khoảng 8 ha, nằm ở một thế đất cao, mọi người có dịp thả hồn về với cội nguồn gần 750 năm trước. Mảnh đất ở đây có dạng ngọa long (rồng nằm) là kiểu rất đẹp, thế phát vương. Khu di tích này bao gồm có đền Thiên Trường hay còn gọi là đền Thượng và đền Cố Trạch còn gọi là đền Hạ được xây dựng sát cạnh nhau. Đền Thiên Trường thờ 14 đời vua trị vì đất nước 175 năm với 3 lần chiến thắng đế quốc Nguyên Mông và chỉ thờ bài vị không có tượng. Đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với tấm bia đá có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” (nhà cũ của Hưng Đạo vương), một danh tướng có công lao với dân tộc và với quảng đại quần chúng. Ở Nam Định có tới gần 200 điểm thờ Hưng Đạo vương. Vào dịp đầu năm tại khu di tích đền Trần, dân làng Tức Mặc bao giờ cũng tổ chức lễ khai ấn, diễn ra vào giữa đêm, cuối đêm của ngày 14 sang rạng sáng ngày 15 tháng giêng ÂL. Lễ khai ấn là lễ mở đầu cho ngày làm việc của một năm mới.
Đền Trùng Hoa nằm ở phía Tây đền Thiên Trường trong khuôn viên của khu di tích đền Trần. Đền này có lối kiến trúc giống như đền Thiên Trường và đền Cố Trạch mang phong cách của thời Hậu Lê. Khác hơn đền Trùng Hoa lại là nơi thờ tượng của 14 vị hoàng đế nhà Trần được đúc bằng đồng.
2. Chùa Phổ Minh: gồm các hạng mục tam quan, ao sen, nhà bia, tháp, sân trước, chùa chính, hành lang, hậu điện, phủ Mẫu, nhà tổ, tăng phòng, khu tháp mộ.
- Tam quan: dài 8,42m, rộng 8,98m, 03 gian, gian giữa rộng 3,72m, hai gian bên rộng 2,38m. Thềm bậc gian giữa đặt đôi sóc đá, dưới dạng tượng tròn, chạy dọc theo chiều từ trên xuống. Khung kiến trúc kết cấu kiểu cổ đẳng (2 tầng 4 mái). Trên cổ đẳng, mặt ngoài tam quan treo bức đại tự có 4 chữ Hán: “Đại Hùng bảo điện” (Điện báu Đại Hùng).
- Sân chùa và nhà bia: sân chùa hình chữ nhật, dài 27m, rộng 9m. Trên sân chùa còn có các thành phần kiến trúc như: tháp, chân tảng đá cánh sen, cột kinh, cây hương đá mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII - XIV.
Nhà bia có mặt bằng hình vuông, rộng 4,m, xây bằng gạch, vữa, kiểu cổ đẳng (2 tầng 8 mái), lợp ngói Nam. Nhà bia phía Tây có bia niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668), nhà bia phía Đông có bia niên hiệu Duy Tân 1 (1907).
- Tháp Phổ Minh: có mặt bằng nền hình vuông, cạnh dài 5,20m. Chiều cao tổng thể của tháp là 19,51m, được chia thành 3 phần: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Phần chân đế, tính từ dưới lên chia thành 12 cấp, mỗi cấp có kích thước khác nhau. Đỉnh tháp là một khối đá hình bông sen, gồm nhiều tầng khác nhau. Đỉnh búp sen có 5 lớp cánh sen ngửa, chụm vào nhau, trong đó, lớp cánh sen cuối cùng có viền kép, phần đỉnh búp sen kết thúc 14 tầng của tháp.
- Chùa Phổ Minh: có mặt bằng kiểu chữ “Công”, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương, thượng điện.
Tiền đường gồm 9 gian, dài 24,93m, rộng 8,22m, gian giữa rộng 3,92m, hai gian bên rộng 3,15m, hai gian tiếp rộng 3,15m và 4 gian phía ngoài tiếp giáp với bờ đốc rộng 2,32m.
Thiêu hương xây quay dọc, giao mái với tiền đường, tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, dài 09m, rộng 8,23m, gồm 3 gian. Bộ khung bằng gỗ lim, kiểu bốn hàng chân cột, mỗi bộ vì được dựng trên đầu hai cột cái cao 4,3m và hai cột quân cao 3,9m. Chân tảng bằng đá, chạm hoa văn hình cánh sen.
Thượng điện gồm 3 gian, dài 12,8m, rộng 8,50m. Bộ khung gỗ lim, kiểu 3 hàng chân cột, gồm hai cột cái và một cột quân. Tất cả các cột được gia công theo kiểu thượng thu hạ thách và được kê trên hệ thống chân tảng đá chạm hoa văn hình cánh sen.
Ngoài ra, trong khu vực này còn có một số hạng mục khác, như hành lang, hậu điện, phủ Mẫu, nhà tổ, tăng phòng, khu tháp mộ…
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.
Có thế nói, khu di tích đền Trần và chùa Phổ Minh đã và đang góp phần làm sống dậy truyền thống hào khí Đông Á, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Nam Định. Khu di tích đền Trần - chùa Phổ Minh là khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, mỹ thuật …là quê hương của vương triều Trần nơi chỉ có một dòng họ, một vương triều có nhiều vĩ nhân lừng danh trong lịch sử nước nhà. Nơi đây không chỉ có các giá trị văn hóa đã đang và sẽ được bảo tồn, khai thác rất tích cực mà còn có giá trị trong lĩnh vực du lịch để giới thiệu, tuyên truyền, những bài học dựng nước, giữ nước của cha ông ta cho các đời con cháu đất Việt sau này nói chung cũng như con người đất Nam Định nói riêng.
Thấy được những giá trị và tầm quan trọng của quần thể di tích đền Trần và chùa Phổ Minh, chúng tôi những cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia với trọng trách bảo quản, lưu giữ một trong số di vật thuộc quần thể trên là vô cùng cần thiết. Hai cánh cửa chùa Phổ Minh đang được bảo tàng lập hồ sơ xin tài trợ từ quỹ Sumitomo cấp cho Dự án bảo vệ bảo quản và phục hồi di sản văn hóa bên ngoài đất nước Nhật Bản năm tài chính 2016. Mong rằng sự hợp tác này ngày càng phát triển và thành công hơn nữa để những di sản văn hóa của nhân loại tồn tại lâu dài theo thời gian.
Đinh Quỳnh Hoa (Phòng QLHV)