Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/02/2016 01:07 830
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Xưa nay, Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ được nhân dân và đạo Phật phong là: "Như lai xuất thế, Lý triều Thiên Nam Đệ nhất" mà còn được thờ và tôn làm Thành Hoàng của làng Yên Thái, tổng Tiền Túc, sau đổi là tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Ngôi đình Yên Thái thờ Bà nay tọa lạc ở số 8 ngõ Tạm Thương, phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một góc đình Yên Thái thờ Thánh Mẫu Ỷ Lan.

Dân gian tôn bà Nguyên Phi Ỷ Lan, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, coi trọng nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, là Lý Đại Mẫu nghi. Thần tích đền Yên Thái ghi rõ: Vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, thân hành đi cầu tự chùa chiền. Một sớm mùa xuân năm vua về viếng thăm chùa Dâu, dân làng mở hội nghênh giá… duy chỉ có cô thôn nữ của làng Thổ Lỗi vẫn điềm nhiên hái dâu… Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái đang đứng bên gốc lan trên bãi dâu đến trước kiệu Rồng để hỏi. Cô gái nhẹ nhàng quỳ tâu: Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước”. Vua thấy cô gái ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác người, vua cho cô gái theo Long giá về kinh đô. Vua Lý Thánh Tông cử một nữ học sĩ dạy Yến Nương và gọi cung của nàng là Ỷ Lan… Sau đó năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Kiền Đức.

Sống trong lầu son gác tía, mà lúc nào Ỷ Lan cũng không quên người nghèo. Bà thường phát chẩn thóc lúa cho kẻ nghèo. Bà sùng đạo Phật, ưa làm việc từ thiện, lập nhiều đình chùa. Bà thường lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật. Bà cho xây điện thờ Phật ở phường Kim Cổ và 72 ngôi chùa ở khắp nước. Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), bà mất, được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Dân phường Kim Cổ đã chuyển điện Phật thành nơi thờ Bà, coi Bà như Thành Hoàng, đời đời hương khói phụng thờ”(1).

Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, “cung điện riêng vua cho dựng tại phường Kim Cổ (còn gọi là Cổ Vũ) để Nguyên phi Ỷ Lan ở khi mới về kinh thành. Cung xưa, sau trở thành chùa Kim Cổ, nay là số nhà 73 Đường Thành”(2). Thời gian Nguyên phi ở đây, bà đã cho dựng quán Đồng Thiên trong khu vực cung điện. Đầu thời Tây Sơn, quán được dời sang thôn An Thái, Bài ký của Tiến sĩ Lê Duy Trung, khắc trên tấm bia thôn Kim Cổ, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) ở chùa Kim Cổ đã cho chúng ta rõ, sau khi dời quán Đồng Thiên sang thôn An Thái, đình Yên Thái đã được xây dựng tôn tạo mới trên nền đền cũ (3): Nguyên Bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang thăng chức Lại bộ Thị Lang Bùi Thương Hán là người làm quan hiển đạt ở thôn Kim Cổ ta bỏ ra 100 lạng bạc, công việc bèn thành. Năm Tự Đức Kỷ Mùi (1859), tháng mạnh đông khởi công đến tháng quý đông (tháng 11) thì làm xong”. Đình mới với quy mô lớn, được kiến trúc theo kiểu chữ công. Gian chính giữa đặt tượng Thánh bà Linh Nhân - Ỷ Lan, bên trái thờ Mẫu, bên phải thờ Phật. Trải qua bao cuộc hưng phế, đình đã được tu bổ năm Tự Đức thứ 10 (1857), đến năm 1926, đình được làm thêm ngoại cung (ống muống)”. Đình còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị, trong đó có 10 đạo sắc quý, sớm nhất là sắc phong Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Ngày 16/01/1995, đình Yên Thái đã được Bộ Văn hoá- Thông tin ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Tuy vậy, mưa nắng đã hủy hoại dần và làm cho đình xuống cấp nhiều. Những năm đầu thế kỷ XXI, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đình đã được Thành phố quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu các hạng mục: gian Đại bái, cung Thờ Mẫu, đền thờ Thánh, gian Quan Thái Giám, gian thờ Phật; nhà Tổ; miếu thờ Trời Đất. Do đình nằm sâu trong ngõ nhỏ hẹp nên du khách bước qua mấy bậc thềm vào thẳng cửa đình, vào gian Đại bái có bức hoành phi cổ sơn son thếp vàng với bốn chữ Nho đại tự “Lý Đại Mẫu Nghi” .

Đình Yên Thái được công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 1995.

Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, xuân thu nhị kỳ, để kỷ niệm ngày sinh 15/3 đến 17/3 âm lịch, ngày hoá 23/7 đến 25/7 âm lịch của Thái Hậu. Đặc biệt, ngày 3/9/2010, (tức 25/7 âm lịch), lễ kỷ niệm 893 năm ngày viên tịch của Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và Lễ hội đình Yên Thái đã diễn ra trang trọng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thắp hương và dự lễ cùng đông đảo nhân dân Hà Nội.

Tết đến xuân về, du khách muôn phương về đất Rồng thiêng, thắp hương tri ân các bậc tiền nhân, hãy về đình Yên Thái, tỏ lòng thành trước Anh linh Thánh Mẫu Ỷ Lan, đã góp phần quan trọng, làm rạng danh nước Việt, phá Tống bình Chiêm, xây dựng đất nước cường thịnh.

Ths. Phạm Kim Thanh

Chú thích:

(1) Nguyễn Vinh Phúc - Nguyễn Duy Hinh: Các Thành Hoàng & Tín ngưỡng Thăng Long- Hà Nội, NXB Lao động, 2009, tr 277-279.

(2) Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa, NXB QĐND, H. 2004, tr 176.

(3) Theo tương truyền của dân làng Yên Thái thì năm 1063, vua cho dựng cung Động Tiên để Nguyên phi Ỷ Lan ở và tại đây bà đã sinh ra Hoàng Thái Tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông. Sau này khi bà mất, trên nền cung xưa, nhân dân làng Yên Thái đã lập đền thờ Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và suy tôn là Quan Âm Nữ. Sau đó, đền được tôn tạo, trở thành đình Yên Thái.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: