Chủ Nhật, 03/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/01/2016 00:00 531
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 77 anh hùng đã từng chỉ huy các chiến sỹ phơi xác B52 trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm năm 1972 - Đại tá Đinh Thế Văn dẫn tôi đi xem nhà thủy đình của nhà rối nước Đào Thục quê ông. Và điều khiến tôi bất ngờ nhất là mô hình tên lửa được ông làm để biểu diễn tiết mục Bộ đội Phòng không Không quân tiêu diệt pháo đài bay.

Câu chuyện cách đây gần 44 năm được ông kể thật giản dị mà xúc động về những người đồng đội thân thiết, những sĩ quan Nga - Việt sát cánh bên nhau và hành trình luyện tập gian khổ để đánh thắng những “thần sấm”, “con ma” của không lực Hoa Kỳ.

*Chuẩn bị vào trận

Trong ngôi nhà rộng rãi trông ra mảnh sân xanh mướt cây cảnh, ông lại nhắc với tôi những chiến sĩ yêu quý của mình đã từng ngồi trên mâm pháo, trải bao trận mạc, từ khi rời khóa huấn luyện ở Canh Nậu (Yên Thế - Bắc Giang) do chuyên gia tên lửa phòng không Liên Xô Phê-đô-tốp trực tiếp dạy năm 1965, bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên F105 ngày 10/8/1966. Đến tháng 10 năm 1968, tiểu đoàn 77 đã hạ 14 máy bay các loại, từ F105, F4 đến máy bay không người lái bay thấp, trong đó, tiểu đoàn đã góp vào chiến công diệt địch trên bầu trời Hà Nội 5 máy bay (hai F4, một F105, một không người lái 147J). Kỷ niệm sâu sắc mà đến bây giờ vẫn không phai nhòa trong tâm trí ông, là ngày tiểu đoàn 77 được nhận lẵng hoa của Bác gửi tặng và tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân chủng Phòng không Không quân cuối năm 1968, Tiểu đoàn được khen thưởng và nhận cờ Quyết thắng.

Tôi ngắm những huân, huy chương ông đeo lấp lánh trên ngực, và chợt nhận ra, mỗi huy chương là một dấu mốc trong cuộc đời người trưởng thành từ sĩ quan điều khiển lên tiểu đoàn trưởng, luôn phải đối mặt với lũ giặc trời, mà ông vẫn còn nhớ như in bao nhiêu lần “nó” bổ nhào xuống trận địa, và máu anh em đã đổ ngay trên mâm pháo.

Đầu năm 1971, theo sự chỉ huy của Quân chủng Phòng không Không quân và Sư đoàn 361, Tiểu đoàn 77 di chuyển từ hướng tây nam đến hướng tây - tây bắc, cơ động về trận địa Chèm, chuẩn bị cho trận đánh lớn mà Trung ương Đảng và Quân ủy dự đoán nhất định sẽ diễn ra.

Từ tháng 10 năm 1972, Tiểu đoàn tăng cường hơn nữa luyện tập đánh B52 bởi vì vấn đề mới và cũng là khó nhất so với những năm trước khi đối đầu với B52 thế hệ mới là làm thế nào để bắt đúng nhiễu của B52 khi các loại máy bay chiến thuật bay bảo vệ xung quanh cũng phát nhiễu điện tử và nhiễu kim loại? Ông nhớ lại: Khi Liên Xô viện trợ tên lửa để đánh máy bay Mỹ, từ năm 1967, các đồng chí chuyên gia có nói với chúng tôi chân thành: “Giao vũ khí cho Việt Nam, chúng tôi tin tưởng các đồng chí với những bộ óc thông minh và những bàn tay vàng sẽ chiến thắng”. Bàn tay vàng, chính là ba trắc thủ trên mâm pháo, dày dạn kinh nghiệm và thông minh tuyệt vời. Mỗi B52 có 16 bộ phát nhiễu, đeo 15 tấn bom. Cả đàn không kích bay theo hình cũi lợn: 3 chiếc B52 ở giữa, hơn chục máy bay các loại bay xung quanh bảo vệ. Chúng tôi đã kiên trì nghiên cứu để tìm ra cách bắt trúng giải nhiễu của B52 giữa biển nhiễu hiện trên màn hình ở trước mặt. Chúng muốn bịt mắt các loại ra-đa, nhất là ra-đa tên lửa. Nếu ra-đa tên lửa nào phát sóng thì chúng sẽ dùng các loại tên lửa để phóng trả theo cánh sóng, đánh vào trận địa, gây tổn thất cho ta. Nhưng bó tay ư? Tôi củng cố ý chí quyết chiến quyết thắng trong tiểu đoàn, nhất là với ba trắc thủ : Nguyễn Văn Đức, sĩ quan điều khiển, Lưu Văn Mộc, trắc thủ góc tà; Đỗ Đình Tân, trắc thủ góc phương vị; Phạm Hồng Hà, trắc thủ cự ly. Do vậy, tiểu đoàn 77 là tiểu đoàn đầu tiên trong trung đoàn đã kiên quyết phát sóng ra-đa để bắt bằng được nhiễu B52. Có một kỷ niệm rất vui, khi đó, chính ủy sư đoàn 361- anh Văn Giang có nói với anh em các trung đoàn: “Văn mở mắt được rồi, các anh cứ mạnh dạn mở mắt ra”. Mắt của chúng tôi, chính là phát sóng ra-đa đấy. Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề nữa khá nan giải: địch thả nhiễu giả của B52 và nhiễu của F111 hòng bịt mắt ra-đa và đánh lừa ta bắt không trúng mục tiêu. Nó chủ quan cho rằng: không có lực lượng nào quan sát và bắn được B52. Sư đoàn 361 nêu cao quyết tâm phải tiêu diệt B52 và mỗi tiểu đoàn phải phát huy sáng kiến để phát hiện chính xác nhiễu thật của nó. Ở tiểu đoàn 77, Nghiêm Xuân Danh là đôi mắt thần của chúng tôi. Ngồi trên chuồng cu lênh khênh, mặt đối mặt với máy bay địch, Danh quan sát chúng bằng kính TZK có bội số 40. Khi B52 bay vào ở cự ly khoảng 40km, tinh mắt là có thể phát hiện được, và đợi nó vào đúng 35km là tôi cho phát sóng ra-đa; chúng tôi bám sát nó bằng phương pháp tự động nên đã phát huy được tính ưu việt của khí tài với xác xuất trúng mục tiêu cao nhất; đồng thời, chủ động chống và gạt được tên lửa địch.

Nghe ông kể, tôi kinh ngạc: vậy là mắt của các trắc thủ như mắt thần để bác cho bắn đón, hạ B52 tại chỗ? Ông cười sảng khoái: Đúng vậy!

* Cao thủ hạ siêu pháo đài bay B52

19 giờ 42 phút ngày 18/12, tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn nghe trung đoàn ra lệnh: Ba tốp B52: 566, 567, 569 bay vào Hà Nội! Tất cả các giàn tên lửa của trung đoàn 257 và 261 có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Hà Nội vươn nòng chống chiến dịch không kích của đế quốc Mỹ, mở đầu 12 ngày đêm oanh liệt của của quân dân Thủ đô và Quân chủng Phòng không Không quân.

“ Chiến công của tiểu đoàn 59, hạ chiếc B52 đầu tiên rơi ở Phù Lỗ đêm 18/12 đã cổ vũ cho chúng tôi càng thêm quyết tâm; 4 giờ 36 phút sáng 19/12, chúng tôi phóng tên lửa, bám sát tự động. Đạn gặp mục tiêu ở cự ly 22km, hai quả đều nổ tốt. Máy bay B52-D bùng cháy rồi rơi xuống Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây lúc 4 giờ 39 phút. Sau này, tôi mới biết, đó là chiếc máy bay từ căn cứ U-ta-pao bay sang, nhằm mục tiêu Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam”- Ông kể tiếp.

Máy bay B52 của Mỹ cháy trên bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972.

Chiến công đầu đã khích lệ anh em toàn tiểu đoàn. Đêm 20/12 rạng sáng 21/12, chúng tôi đánh 4 trận, diệt 2 máy bay B52 rơi tại chỗ trên Ba Vì và Phúc Yên. Thật là một đêm quyết tử, đập tan luận điệu ngông cuồng của Mỹ; chỉ cần ba ngày, Hà Nội phải khuất phục dưới bom B52 rải thảm. Và riêng tôi phải cảm ơn ba trắc thủ tuyệt vời của tiểu đoàn, nếu không có ba con mắt thần này hợp sức phát hiện đúng B52, không thể phóng đạn đi trúng mục tiêu được. Anh em làm phim, không sợ hiểm nguy, vác máy quay lên trận địa. Anh Văn Bảo chụp ảnh, anh Việt Tùng và anh Cường quay phim. Đoàn làm phim phấn chấn nói: Các anh đánh đẹp quá, thật là một trận lịch sử; chúng tôi được bữa no phim ảnh.

Xác máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi tại Hà Nội, tháng

12-1972.

9 giờ sáng 21/12, Mỹ đưa tốp máy bay F4 đến hủy diệt trận địa, chúng tôi bị mất hai trắc thủ giỏi, trong đó, đồng chí Nghiêm Xuân Danh đã hy sinh trên đường tới bệnh viện, khí tài bị hỏng, công sự tan nát. Nén đau thương trong lòng, chúng tôi quyết đánh thắng giặc với tinh thần “ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Sáng 22/12, đúng ngày thành lập quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm hỏi động viên anh em. Giữa bãi bom tan hoang, Đại tướng ân cần trò chuyện với anh em và đánh giá rất cao chiến công của bộ đội tên lửa: “Các đồng chí đánh tên lửa rất giỏi, cảm ơn các đồng chí. Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước trong lúc này. Các đồng chí phải khẩn trương sửa chữa khí tài, xây dựng quyết tâm chiến đấu, tăng cường luyện tập, phát huy chiến thắng, đánh giỏi và đánh thắng hơn nữa”. Sau khi củng cố trận địa, sửa chữa khí tài tại chỗ, đêm 27/12, chúng tôi lại vít cổ một pháo đài B52 nữa. Nhưng đến 8 giờ 30 phút sáng 28/12, trong khi Tiểu đoàn đang di chuyển trận địa, đến cống Chèm thì ba chiếc F4 bổ nhào ném bom làm ba chiến sĩ ở đại đội 2 hy sinh. Tiểu đoàn 77 đã góp máu xương cho chiến thắng của dân tộc. Đồng chí Lê Đức Thọ, sau khi ký Hiệp định Pa-ri về nước, đã đến thăm tiểu đoàn và xúc động nói: “Cảm ơn các đồng chí, chính các đồng chí đã bắt đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri”.

Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng

Võ Nguyên Giáp.

Tôi hỏi ông: Bác có bí quyết gì để thành cao thủ hạ gục B52 như vy?” Ông điềm đạm nói: Các cụ truyền biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng, cứ thế mà kiên trì học hỏi, tìm ra cách đánh địch; nhưng sự hiệp đồng chiến đấu giữa 5 người trên bệ phóng đòi hỏi phải có một kíp chiến đấu ăn ý đến mức, chỉ cần một câu nói, một ánh mắt ra lệnh ngắn gọn, là đủ hiểu nhau để thao tác trong chớp mắt. Tôi cùng anh em đã sống chết có nhau, hiểu lòng nhau đã bao năm trường bom rơi, máu đổ, nghĩa tình đồng đội thật sâu nặng rồi.

*Và sau ngày đất nước hòa bình

Năm 1990, Đại tá Đinh Thế Văn rời quân ngũ. Làng Đào Thục quê ông có nghề rối nước từ thời vua Lê Hy Tông, do Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vinh làm quan Thượng thư về làng, giúp làng dựng phường rối nước. Và cha ông chính là Cụ Trùm phường, đã giữ nghề tổ truyền lại. Có lẽ chất nghệ dân gian ấy đã truyền sang ông, nên vừa về làng, chưa kịp nghỉ ngơi, ông đã lăn vào việc tìm cách khôi phục nghề rối nước bây lâu mai một. Tôi hỏi ông: Bác vít cổ giặc trời giỏi, bác làm cho rối nước Đào Thục nổi đình đám cũng giỏi, bác đã có kế gì hay để văn hóa dân tộc phát triển được? Ông nói mộc mạc: “Ông cụ nhà tôi dặn: làm trai, con đi lập nghiệp; về làng, cũng phải giữ lấy nghề. Giản dị vậy thôi. Đi ra nhà thủy đình với bác, mục sở thị là cháu sẽ thấy ngay”. Tôi ngắm nhìn các con rối và nghe ông giảng giải thêm, ông đã đi gặp ông Hoàng Chương ở Trung tâm Phát triển Văn hóa và Nghệ thuật dân tộc và may mắn được ủng hộ. Ông tận tình giảng cho tôi các tích trò riêng của Đào Thục, làm con rối bằng gỗ sung nên vài tháng phải thay đổi con rối bị hỏng, cũng tốn kém, nhưng làng giữ được nghề ích nước, ích làng. Từ năm 2000, rối nước Đào Thục ra nước ngoài biểu diễn nổi đình đám. Còn bây giờ, 30 nghệ nhân của làng vẫn duy trì các buổi biểu diễn đều đặn. Ai muốn đến xem, có thể đặt lịch trước với phường rối bằng điện thoại. Một con đường nhựa mới trải từ đường liên xã nối về làng Đào Thục, để khách thuận tiện đi ô tô về làng. Thành phố cũng hỗ trợ làng, cho xây nhà để khán giả xem biểu diễn. Rồi bất ngờ, ông hứng khởi lôi ra mô hình quả tên lửa ở góc để đạo cụ, cười rất tươi bên con rối, nói rằng đây là đạo cụ cho tiết mục hạ siêu pháo đài bay hùng tráng mà phường rối làng ông đã từng biểu diễn rất nhiều lần cho khách trong và ngoài nước xem. Khoảng khắc ấy thật xúc động! Tâm hồn nghệ sĩ hòa với phẩm chất của người lính bộ đội cụ Hồ, của người Tiểu đoàn trưởng lẫy lừng nhưng không màng danh lợi, chỉ tâm niệm mong giúp gì cho quê hương, không phải ai cũng được như ông.

Đại tá Đinh Thế Văn tại nhà thủy đình múa rối nước quê hương Đào Thục.

Đại tá Đinh Thế Văn đã gieo vào lòng tôi bao cảm xúc về một thời Hà Nội máu và hoa đã đi vào lịch sử, ẩn sâu trong cuộc đời mỗi cựu chiến binh. Và khi viết những dòng cuối cùng của bài này, đọc lại những trang hồi ký của ông với những dòng cô đọng: “Trong tâm tư tôi, độc lập, tự do vô cùng thiêng liêng, tôi đi chiến đấu để giữ nước, giữ nhà” tôi càng hiểu, vì sao suốt đời, ông thảnh thơi làm công bộc của Dân.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: