Đạo Phật do Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập tại miền Bắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Sau đó, đạo Phật đã được truyền đi khắp nơi, phát triển lên phía Bắc đến vùng núi Tây Tạng, qua miền Trung Á đến Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản với dòng Bắc tông (Đại Thừa); xuống phía Nam đến Sri Lanka, các quốc gia thuộc khu vực Nam Á và Đông Nam Á như: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào… với dòng Nam tông (Tiểu Thừa).
Khi du nhập vào các nước, đạo Phật đã hòa nhập với tín ngưỡng tôn giáo riêng của mỗi nước, để hình thành sắc thái văn hóa Phật Giáo đặc trưng của mỗi vùng, miền khác nhau, thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo, hình thức thờ cúng và nghệ thuật điêu khắc tượng thờ.
Phật Giáo truyền vào Nhật Bản khá muộn, vào khoảng thế kỷ thứ 6, do các vị truyền giáo đại sư người Hàn Quốc và sau đó là các vị Tăng Trung Quốc, cho nên nghệ thuật điêu khắc, hội họa và kiến trúc của Phật Giáo Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phật Giáo của hai nước này, nhất là văn hóa Phật Giáo Bắc truyền Trung Quốc đời nhà Đường, nhiều nghệ nhân và Tăng sĩ Nhật Bản sang Trung Quốc học hỏi và mang các tranh tượng cũng như văn bản về Nhật bản, sau đó chính họ là những con người nền móng, hình thành và phát triển thành nghệ thuật Phật Giáo Nhật Bản với các thời kỳ sau:
Thời Nara (710 – 794), điêu khắc Phật giáo Nhật Bản vẫn còn chịu ảnh hưởng nghệ thuật Gupta ở Ấn Độ qua việc mô phỏng phong cách này từ Triều Tiên và Trung Quốc. Cuối thời Nara, Phật giáo Nhật ít nhiều chịu ảnh hưởng của Phật giáo thời Đường Trung Quốc.
Thời Heian (794 – 1185) là thời kì phát triển nhất của nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản, đây là giai đoạn sáng tạo thật sự của các nghệ nhân Nhật Bản, không còn những tác phẩm sao chép, bắt chước những khuôn mẫu của Triều Tiên hay Trung Quốc. Hình tượng Phật giáo cũng phong phú thêm do sự xuất hiện của tư tưởng Mật Tông. Hình tượng được chú ý nhiều trong nghệ thuật tạc tượng Phật giáo Nhật Bản là A Di Đà và chư Bồ tát. Đây cũng là giai đoạn Phật giáo Nhật bắt đầu mang dấu ấn bản địa.
Thời đại Kamakura (1185 - 1333), điêu khắc Phật giáo mang tính hiện thực hơn. Các pho tượng Phật đã thể hiện rõ nét nhân chủng Nhật Bản với khuôn mặt nhân hậu, thân hình đầy đặn. Sau thời đại này, điêu khắc Phật giáo Nhật Bản không có sự thay đổi nhiều nữa.
* A - Di - Đà tiếng Sanskrit là Amitabha, theo người Nhật thường gọi là Amida, có nghĩa là Vô lượng quang, Amitayus là Vô lượng thọ. Đây là vị Phật đại diện của đời sau, của thế giới bên kia. Phật A - Di - Đà tượng trưng mặt trời lặn, cũng như cõi Tây phương cực lạc. Với vai trò đấng cứu thế trong học thuyết Tịnh Độ khiến cho biểu tượng A - Di - Đà được nhiều tín đồ Nhật Bản tin theo.
Hình tượng A - Di - Đà xuất hiện rất sớm ở Nhật Bản, vào thế kỷ thứ 9, nhiều đền chùa thờ A - Di - Đà đã được xây dựng trên đất nước Phù Tang. Một trong những hình tượng xưa nhất của vị Phật này ở Nhật Bản có lẽ là hình tượng Phật được đặt trong Zushi (một thứ trang thờ hay còn gọi là khám thờ, dễ dàng mang đi được).
Tượng A - Di - Đà thường được diễn tả trong hai tư thế đứng và ngồi. Đôi khi Phật thường được biểu thị ngồi với đôi chân hoàn toàn được dấu kín trong áo choàng như một dấu hiệu thuộc về Mật tông, có lúc hình tượng vị Phật này lại được biểu thị ngồi với đôi tay làm thủ ấn Dhyana hay Vitarka một mình hoc với hai môn đồ.
Tượng có khuôn mặt tròn, tóc xoắn nhỏ dạng nụ bèo, trên đỉnh đầu có nhục kế (Unisa) như bát úp xuống, giữa hai hàng chân mày cong, mềm mại nhô lên núm tròn thường gọi là Bạch ngọc hào (Urma) được đính bằng đá. Hai mắt khép hờ, mũi cao, miệng nhỏ và thanh, hơi mỉm cười, cổ cao có ba ngấn. Khoác áo cà sa phủ hai vai hở bộ ngực đầy đặn, trên thân áo có nhiều nếp gấp mềm mại.
Tượng tạc trong tư thế ngồi kiểu Kim cương tọa hay còn gọi là thế Kiết già (Vajrasama) là một trong tư thế Liên hoa tọa (Padmasanas) với chỉ một bàn chân lộ ra đặt chân trái trên chân phải hoặc ngược lại. Tay tượng trong thế định ấn (Dhyana mudra), hai bàn tay đặt trước lòng đùi, đầu ngón tay cái chạm nhau, hai ngón kế cong giáp lưng nhau.
Tượng ngồi trên bệ gồm 2 phần: phần trên có 5 hàng cánh sen xếp xen kẽ nhau, bao quanh đài sen, eo thắt cổ bồng, dưới là lớp cánh sen lật ngửa còn gọi là “hoa thỉnh nguyệt” phần dưới có nhiều tầng lục giác với những hồi văn hoa thị, chân bệ có văn hoa lá, cạnh góc dạng chân quỳ, được thể hiện dưới hình thức sư tử.
Sau lưng tượng là vòng hào quang, biểu tượng của sự tỏa sáng tự thân.
* Quan Thế Âm trong tiếng Nhật là Kannon. Quan thế âm Bồ tát được sùng bái và thờ cúng từ thế kỷ VII. Hình tượng Quan Thế Âm được phát hiện đầu tiên trong đền chùa ở Nagamo, gần Shinamo được xây dựng năm 602, tượng Quan Thế Âm được thờ chung với bộ tượng A - Di - Đà tam tôn (A - Di - Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí). Tại chùa Yakushi - Ji ở Nara, một tượng đồng của Quan Thế Âm cũng được dựng lên cuối thế kỉ thứ VII.
Ở Nhật Bản, Quan Thế Âm thường được thờ với nhiều hình tượng khác nhau như: Thập Nhất Diện Quan Thế Âm, Thiên Thủ Quan Thế Âm, Thiên Nhãn Quan Thế Âm, Quan Âm Chuẩn Đề.
Nghệ thuật điêu khắc tượng Phật của Phật Giáo Nhật Bản đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao được xếp vào loại nhất nhì thế giới. Đặc biệt phải nói đến lĩnh vực tạc tượng, các nghệ nhân đã hoàn tất nhiều bức tượng đặc biệt tả chân bằng chất liệu gỗ, thường được tô họa và trang trí với cặp mắt bằng thủy tinh, đồng thời nụ cười mỉm trên các gương mặt đã nhường chỗ cho nét mặt yên tĩnh, hiền dịu. Từ thế kỷ thứ 8, nghệ thuật Phật Giáo Nhật Bản bắt đầu khác biệt phong cách của các nước láng giềng với kĩ thuật sơn đặc biệt của người Nhật.
Nghệ thuật điêu khắc tông giáo nhất là tượng Phật Giáo, ngoài trình độ chuyên môn về nghệ thuật thẩm mỹ ra người thợ điêu khắc còn cần sự hợp nhất về tâm của chính mình vào tượng Phật, để làm sao đưa được lòng từ của Phật, trí tuệ của Phật và Phước báo của Phật vào tượng, để khi chiêm ngưỡng lễ bái người và tượng như tương ứng được với nhau (cảm ứng đạo giao), như vậy mới là đạt đến sơ quả của điêu khắc tượng Phật. Các nghệ nhân Nhật Bản được thể hiện rõ ràng và không thể lẫn lộn với tượng của các tượng Phật của nước khác. Đây chính là điểm chính của nghệ thuật tượng Phật Nhật Bản.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện nay đang lưu giữ một nhóm hiện vật tượng Phật Nhật Bản bằng chất liệu gỗ sơn đen thếp vàng. Qua nghiên cứu và nhận định của các chuyên gia Nhật Bản, các tượng phật có niên đại khoảng thế kỷ 13 - 14. Nhóm hiện vật gồm có:
Tượng Phật A - Di - Đà đứng trên bệ sen, cao 196cm.
Tượng Phật A - Di - Đà đứng trên bệ sen, cao 117cm.
Tượng Bồ Tát đứng, đặt trong khám thờ, cao 95cm, hai bên có 02 tượng nhỏ cao 67cm.
Tượng Bồ Tát ngồi trên bệ sen, cao 192cm.
Các tượng Phật này được bảo quản trong các tủ nhôm kính, một trong số 06 tượng đang được các chuyên gia Nhật Bản tu sửa, bảo quản theo dự án tài trợ của nước bạn Nhật bản. Và tới đây, dự án sẽ tiếp tục được thực hiện có thể là một trong số các tượng Phật còn lại trong nhóm tượng trên, bởi vì đây chính là thế mạnh của các chuyên gia Nhật Bản trong việc bảo quản hiện vật chất liệu hữu cơ.
Có thể nói nhóm tượng Phật Nhật Bản rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… Do vậy, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam luôn xác định được trách nhiệm cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản quý giá của các thế hệ đi trước để lại cho muôn đời sau.
Tượng Phật Nhật Bản lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Quỳnh Hoa (Phòng Quản lý hiện vật)