Năm 2012, trong quá trình khai quật khảo cổ học trên đỉnh núi Phương Nhi (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), chúng tôi phát hiện dấu tích của một ngôi chùa cổ. Tại sườn đông nam của núi Phương Nhi, có một khoảng đất bằng phẳng, bên cạnh có 3 tháp mộ, phía bên phải có một khe nước nhỏ. Toàn bộ nơi này được người dân trong vùng quen gọi là chùa Suối.
Các tháp mộ được xây bằng gạch chỉ và vôi vữa, độ cao khoảng 7 đến 10m với nhiều tầng tháp, trong mỗi tháp đều có bia mộ ghi lại thông tin chủ nhân là những hòa thượng và ngày tháng viên tịch.
Phế tích tháp mộ ở chùa Suối.
Hiện tại, những tháp mộ này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Có tháp bị những thân cây xuyên qua làm nứt các đường mạch xây và mọc xuyên lên đỉnh tháp.
Trong quá trình tham khảo các thư tịch cổ, chúng tôi thấy trong cuốn Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục của tác giả Nguyễn Ôn Ngọc có ghi “núi Báu Đài còn gọi là núi Bình Phong, là nơi danh thắng thứ nhất trong huyện. Trên núi có chùa Bình Phong. Bên chùa có khe Tuyền Nhật, từ lưng núi chảy ra, dưới có cái hồ đá, nước rất trong, chảy suốt ngày đêm không ngừng". Theo các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, núi Báu Đài hay núi Bình Phong chính là núi Phương Nhi hiện nay, khe nước nhỏ chính là “Nhật Tuyền”. Do đó, phải chăng, chùa Bình Phong mà Nguyễn Ngọc Ôn nhắc tới chính là chùa Suối hiện nay?
Tấm bia trong một tháp mộ.
Trong cuốn Hoàng Việt dư địa chí của tác giả Phan Huy Chú cũng đề cập tới việc chúa Trịnh Sâm từng lên thăm chùa và có đề thơ để lại như sau:
“Ẩn nước nhan yêu sưởng phạn dinh
Vân vi liêm mạc thạch vi bình
Châu lưu thuỷ giã tuyền song phái
Thạc tích sơn tâm nguyệt nhất hoằng”.
Dịch nghĩa:
“Thấp thoáng ở giữa lưng núi có một ngôi chùa lớn
Mây làm rèm màu, đá thì làm bình phong
Nước trong như ngọc châu hai dòng chảy suốt đêm ngày
Đá đẹp như ngọc, chứa ở lòng khe có bóng trăng lai láng”.
Như vậy, tuy dấu tích về ngôi chùa hiện nay chỉ còn 3 tòa tháp mộ nhưng qua quan sát hiện trạng mặt bằng và nghiên cứu các tài liệu cho thấy, tại đây đã tồn tại một ngôi chùa cổ. Theo ghi chép từ thư tịch thì quy mô ngôi chùa tương đối lớn và có niên đại thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên, khi quan sát cấu trúc và kết cấu vật liệu tháp, cùng những thông tin trên bia mộ cho thấy, niên đại của những tháp mộ có từ thời Nguyễn.
Khe suối bên cạnh các tháp mộ.
Thiết nghĩ, để có những tư liệu thực tế và khách quan hơn, các nhà nghiên cứu cần tiến hành khảo sát và khai quật khảo cổ học phế tích của ngôi chùa này. Từ đó có thể đánh giá được giá trị lịch sử của ngôi chùa cũng như có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong tương lai.
Chu Mạnh Quyền (Phòng NCST)
Tài liệu tham khảo:
1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 2013. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực núi Phương Nhi thuộc quần thể di tích Bảo tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) năm 2012. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
2. Phan Huy Chú 1997. Hoàng Việt dư địa chí. Nxb. Thuận Hóa.
3. Nguyễn Ôn Ngọc 1997. Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục. Phòng Địa chí -Thư mục, Thư viện tỉnh Nam Định, Nam Định.
4. Khiếu Năng Tĩnh 1896. Tân biên Nam Định tỉnh dư địa chí lược. Vương Đăng Vượng dịch. Phòng Địa chí - Thư mục, Thư viện tỉnh Nam Định, Nam Định.