Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/03/2017 00:00 748
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Duyên nghiệp sử sách đã cho tôi có một ngày được gặp bà ở nhà riêng số 17 Phan Đình Phùng, Hà Nội - người phụ nữ đã từng khiến nhiều nhà hoạt động chính trị và thông tin báo chí tại nước Pháp kính nể khi bà tham gia công tác tại đoàn Việt Nam DCCH đàm phán với Mỹ từ năm 1968 đến năm 1970. Đất nước hòa bình thống nhất, bà làm Trưởng ban Quốc tế Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Duyên nghiệp sử sách đã cho tôi có một ngày được gặp bà ở nhà riêng số 17 Phan Đình Phùng, Hà Nội - người phụ nữ đã từng khiến nhiều nhà hoạt động chính trị và thông tin báo chí tại nước Pháp kính nể khi bà tham gia công tác tại đoàn Việt Nam DCCH đàm phán với Mỹ từ năm 1968 đến năm 1970. Đất nước hòa bình thống nhất, bà làm Trưởng ban Quốc tế Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà là Dương Thị Duyên, con gái Giáo sư, Liệt sĩ Dương Quảng Hàm.

Sinh năm 1929 ở Hà Nội nhưng bà Dương Thị Duyên lại được giác ngộ và hoạt động trong phong trào Việt Minh khi trường nữ sinh Đồng Khánh sơ tán về thị xã Hưng Yên (niên khóa 1943-1944). Sau đó, từ nơi tản cư, bà trở về Hà Nội, thi đỗ bằng đíp-lôm rồi vào học tú tài ở trường Đỗ Hữu Vị hè năm 1946.

Bà Dương Thị Duyên tại nhà riêng số 17 Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Gần đến ngày Hà Nội có chiến tranh, bà cùng gia đình đi tản cư về quê Mễ Sở rồi lại lên tiếp Vĩnh Yên. Bà học tiếp lớp Đệ nhất ban Tú Tài ở trường Chu Văn An sơ tán lên Đào Giã, nơi anh trai bà là Dương Trọng Bái đang dạy học. Trường lấy tên mới là Trung học kháng chiến Đào Giã. Vừa học tập vừa tích cực tham gia công tác xã hội của Đoàn học sinh cứu quốc, tháng 10-1948, bà được kết nạp vào Đảng. Tốt nghiệp loại ưu, năm 1949, bà công tác ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lúc này, Đài Phát thanh và Thông tấn xã Việt Nam cùng chung cơ quan do ông Trần Văn Giàu (sau này là Giáo sư sử học) làm Giám đốc. Năm 1953, Thông tấn xã Việt Nam tách khỏi nhà đài, bà chuyển sang cơ quan mới do ông Hoàng Tuấn là Giám đốc và chuyên mảng tin bài của Thông tấn xã Việt Nam. Bà gắn bó hơn 20 năm ở Thông tấn xã Việt Nam với bao vui buồn của nghiệp làm báo, mà kỷ niệm không bao giờ quên là khi bà được làm nhiệm vụ của đoàn 37.

Năm 1968, trên mặt trận ngoại giao tại hội nghị Paris, một đoàn cán bộ 37 người được tuyển chọn đi đợt đầu tiên nên gọi bí số là đoàn 37. Bà Duyên ở trong đoàn tiền trạm sang Paris vào tháng 5 năm 1968. Chưa liên hệ được chỗ ở, đoàn tiền trạm ở khách sạn loại xoàng cho đỡ tốn kém, nhưng vất vả nhất là luôn phải tìm cách thoát khỏi sự đeo bám của phóng viên báo chí các nước tập trung rất đông ở Paris để moitin, vì lúc đó cuộc đàm phán giữa Việt Nam DCCH và Mỹ là một trọng tâm chú ý của dư luận thế giới. Bà nhớ lại: “trong phòng khách sạn, chúng tôi trao đổi về công tác với nhau phải viết ra giấy vì sợ có máy ghi âm nghe trộm được giấu trong phòng; sau đó, Đảng cộng sản Pháp nhường cho đoàn ta địa điểm trường Đảng ở Choisy le Roi, ta mới có chỗ ở ổn định, kín đáo, làm công tác huy động bà con Việt kiều yêu nước đón tiếp tưng bừng đồng chí Bộ trưởng Xuân Thủy, dẫn đầu đoàn đàm phán đến Paris. Đoàn 37 lúc đó có các đồng chí Hà Văn Lâu, phó trưởng đoàn, PhanVăn Xoàn, phụ trách công tác bảo vệ; các luật sư Trần Công Tường và Phan Hiền; các cán bộ nghiên cứu và chuyên viên về nhiều lĩnh vực; các nhà báo: Lê Chân - Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Hữu Chỉnh, sau đó thêm Hồng Hà của báo Nhân Dân; nhà báo Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của đoàn; nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, chuyên theo dõi vấn đề miền Nam v..v.

Trong những năm công tác tại Paris, bà Duyên đã hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ: vừa làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường xuyên gửi tin, bài kịp thời về Tổng xã ở Hà Nội; vừa làm thành viên đóng góp tích cực vào công tác của Đoàn 37. Bà nói: đó là nhờ tác phong sâu sát của đồng chí trưởng đoàn Xuân Thủy, hiểu rõ trình độ, sở trường của từng cán bộ, phân công đúng người, đúng việc để tạo điều kiện cho bà có thể kết hợp tốt 2 nhiệm vụ nói trên.

Bà Dương Thị Duyên khi tham gia đoàn công tác ngoại giao đàm phán Hội nghị Paris, CH Pháp.

Công tác trong đoàn 37, bà được phân công tham gia vận động quần chúng: tiếp các đoàn khách, nhất là phụ nữ, từ các địa phương của nước Pháp và các nước khác đến trụ sở đoàn để tìm hiểu tình hình Việt Nam và đi nói chuyện tại nhiều địa phương khắp các vùng, miền của nước Pháp và đến cả một số nước lân cận như Italy, Bỉ , Thụy Điển, CHLB Đức…Qua những chuyến đi ấy, chẳng những bà đóng góp vào công tác quần chúng của đoàn 37; giúp nhân dân Pháp và nhân dân thế giới hiểu rõ tình hình Việt Nam, ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam tại hội nghị Paris; mà còn thu thập được nhiều thông tin, tư liệu quý về phong trào nhân dân các nước ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta để viết tin, bài gửi về nước cho Thông tấn xã Việt Nam. Nhiều nhà trí thức và nhà báo, trong đó có nhà báo Mỹ Benjamin Spock, một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng của Mỹ; sau đó là diễn viên điện ảnh Jên Phôn-đa, đã đến tận trụ sở đoàn ta, bày tỏ chính kiến của họ. Bà cùng một số cán bộ trong đoàn nghe họ với thái độ cởi mở, chân thành và phân tích cho họ những điều chưa rõ. Sau bao năm tháng gió bụi thời gian, nhưng kỷ niệm sâu sắc còn lắng đọng lại đến nay bà vẫn nhớ mãi, là tình cảm nồng hậu của nhân dân thế giới dành cho Việt Nam. Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức ngày hội báo, đã dành hẳn một gian cho đoàn ta trưng bày báo Nhân Dân. Đó là điều chưa từng có của báo giới Pháp. Báo của Đảng Cộng sản Pháp và báo của Hội Phụ nữ Pháp thường xuyên đăng bài ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Từ khi có đoàn ta ở Paris, không khí chính trị ở châu Âu đã được hâm nóng lên qua những hoạt động vì Việt Nam của những người tiến bộ, dân chủ, hòa bình. Cuốn đi trong công việc sôi nổi, vô cùng thú vị; nên mùa thu năm 1970, bà mới được về nước. Từ đó, bà phụ trách bộ phận biên tập Tin thế giới của Thông tấn xã Việt Nam.

Bà Dương Thị Duyên trong một lần diễn thuyết tại Paris, CH Pháp.

Những ngày Mỹ rải thảm bom B52 xuống thành phố Hà Nội, bà cùng nhiều đồng nghiệp vẫn bám trụ tại số 5 Lý Thường Kiệt. Bản tin phổ biến và tham khảo vẫn ra đều đặn; sáng sớm đã có báo “ra lò”. Riêng tin nhanh có thể ra bất cứ lúc nào. Con đi sơ tán, bà ăn ngủ tại hầm cơ quan, viết và duyệt tin, bài. Bánh mỳ, cốc nước, trang báo… đó là chuyện bình thường để sống và chiến đấu trên mặt trận báo chí. Vốn tiếng Pháp và tiếng Anh thông thạo của bà thật đắc dụng trong những ngày này. Kẻ thù muốn hủy diệt Hà Nội, muốn bưng bít bằng được tiếng nói của nước Việt Nam DCCH thì Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam vẫn phát sóng; báo chí vẫn ra đều đặn, thông tin và định hướng kịp thời cho nhân dân, cung cấp tin tức cho bạn bè quốc tế. .. Không thể kể hết những việc thầm lặng bà đã làm ở căn hầm số 5 Lý Thường Kiệt cùng anh em Thông tấn xã Việt Nam, mà đến hôm nay, trong trí nhớ của bà, “tiếng bom dội ùng oàng trên đầu, còn tôi vẫn phải làm việc đêm đêm, đáp ứng yêu cầu gấp rút của cấp trên”.

Bà Dương Thị Duyên tại gian trưng bày báo Nhân Dân trong hội báo
do báo Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức
.

Đất nước hoà bình thống nhất, bà làm Trưởng ban Quốc tế Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho đến ngày nghỉ công tác.

Như ngàn suối đổ ra sông, trăm sông đổ ra biển, mỗi người dân Việt đã góp công sức, máu xương, tô thắm lá cờ đỏ của Tổ quốc tung bay giữa trời độc lập, tự do, hòa bình.

Người phụ nữ nổi tiếng của phái đoàn Chính phủ Việt Nam DCCH xuân này đã sắp sang tuổi 90, sống hạnh phúc bên người bạn đời chung thủy, nồng hậu - ông Đặng Quốc Bảo. Con cháu của ông bà đều hiếu thảo, thành đạt, người là sĩ quan quân đội, người là cán bộ Thông tấn xã Việt Nam, thông thạo hai ngoại ngữ Anh- Pháp như mẹ.

Đó thực sự là niềm vui sướng, hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam.

Ths.Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: