Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/02/2017 00:00 969
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đó là tên của một cuộc triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để chào mừng chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến Huế vào đầu tháng 3 này.

Đó là tên của một cuộc triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để chào mừng chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến Huế vào đầu tháng 3 này.

Mối lương duyên giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ năm 736, khi nhà sư người Chăm là Phật Triết từ Lâm Ấp (nay thuộc vùng Nam Trung Bộ Việt Nam) đến tu tập tại chùa Đông Đại ở kinh đô Nara của Nhật Bản, đã du nhập âm nhạc Phật giáo của Lâm Ấp vào xứ Phù Tang, được người Nhật tiếp nhận, truyền thừa và trở thành một bộ phận hợp thành của Nhã nhạc Nhật Bản.

Tuy nhiên, phải đến năm 1591 khi Phó Đô đường Phúc Nghĩa hầu họ Nguyễn ở Đàng Trong gửi thư cho Tướng quân Toyotomi Hideyoshi để xin kết mối giao thương giữa Đàng Trong và Nhật Bản thì quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản mới hình thành và phát triển, nhất là trong thời kỳ mậu dịch châu ấn thuyền.

Quốc thư do Phó Đô đường Phúc Nghĩa hầu họ Nguyễn ở Đàng Trong gửi cho Tướng quân Toyotomi Hideyoshi vào năm 1591 để xin kết mối giao thương giữa Đàng Trong và Nhật Bản.

Tranh cuộn Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển vẽ thương nhân Nhật Bản đến yết kiến quan Tổng trấn tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam).

Trong thời kỳ này, chính quyền Nhật Bản đã cấp châu ấn trạng cho 71 thuyền buôn đến buôn bán ở Đàng Trong và 37 thuyền buôn đến giao thương ở Đàng Ngoài. Thuyền buôn Nhật Bản nhập khẩu đồ sứ, đại bác, thuốc súng, giấy, các loại khoáng sản…vào Việt Nam; đồng thời mua đồ gốm, trầm hương, tơ tằm, các loại nông sản…từ Việt Nam chở về Nhật Bản.

Tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển vẽ cảnh thuyền buôn Chaya từ Nhật Bản vượt biển giao thương ở Đàng Trong.

Chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII đã cho phép thương nhân Nhật Bản đến buôn bán ở Hội An (Quảng Nam) được định cư ở cảng thị này, cho phép họ lập Phố người Nhật ở Hội An, cùng tồn tại với Phố Khách của người Hoa và các thương quán của người Hà Lan, khiến Hội An trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất và thịnh vượng ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

Trong thời hoàng kim của giao thương Nhật - Việt, kiều dân Nhật Bản ở Hội An có quyền tự trị, giữ vai trò lãnh sự và phiên dịch giữa thương nhân Nhật Bản với chính quyền địa phương. Họ cũng là những người điều hành mạng lưới hãng buôn và kho hàng của người Nhật ở phố cảng; cung ứng nơi ở cho các thương nhân và thuyền viên người Nhật khi họ cập bến Hội An.

Trong số những người Nhật đến sinh cơ lập nghiệp ở Đàng Trong, có thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki. Ông đã đến Hội An 6 lần trên các châu ấn thuyền, có mối thâm giao với chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635). Năm 1619, Araki Sotaro kết hôn với công nữ Ngọc Hoa, con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, và được chúa Nguyễn ban cho tên họ Việt Nam là Nguyễn Thái Lang. Năm 1620, ông đưa công nữ Ngọc Hoa về sống ở Nagasaki. Bà rất được người dân Nhật Bản quý mến, gọi bằng cái tên thân mật là Anio-san. Công nữ Ngọc Hoa sống ở Nhật Bản được 26 năm thì qua đời, nhưng người dân ở Nagasaki vẫn luôn nhớ đến hào thương Araki Sotaro và người vợ Việt Nam của ông, nên vào tháng 10 hàng năm đều tổ chức lễ hội Nagasaki Kunchi để tưởng nhớ. Cứ 7 năm một lần, lễ hội này tổ chức đám rước, có các em thiếu nhi đóng vai Sotaro - Ngọc Hoa đứng trên một chiếc thuyền buôn, cũng là để nhớ về một thời kỳ hoàng kim trong quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Việt Nam.

Triển lãm chuyên đềGiao thương Nhật - Việt trong lịch sử do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện. Triển lãm mở cửa từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5.2017, để chào mừng chuyến thăm lịch sử của Nhật hoàng và Hoàng hậu đến Việt Nam và cố đô Huế, và giới thiệu những sưu tập cổ vật có xuất xứ từ Nhật Bản và những cổ vật Việt Nam liên quan đến hoạt động giao thương Nhật - Việt trong hơn 400 năm qua mà hai bảo tàng này đã may mắn thủ đắc.

Đó là sưu tập gốm Hizen hoa lam được các thuyền buôn Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII. Gốm Hizen từng được tìm thấy trong các di tích khảo cổ ở Hội An (Quảng Nam), cảng Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội)… Sự xuất hiện gốm Hizen trong các di tích khảo cổ ở Việt Nam là những bằng chứng của mối quan hệ thương mại phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản từ hàng trăm năm trước.

Đồ sứ Nabeshima. Thế kỷ XVII. Trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đó là sưu tập đồ sứ đại diện cho bốn dòng đồ sứ màu nổi tiếng của Nhật Bản là Kakiemon, Imari, Kutani và Nabeshima. Bốn dòng đồ sứ này được coi là tinh hoa của kỹ nghệ chế tác đồ sứ màu Nhật Bản, từng “làm mưa làm gió” trên thị trường gốm sứ thế giới trong các thế kỷ XVII - XVIII. Nhờ chính sách ngoại thương cởi mở của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, những đồ sứ cao cấp này đã du nhập vào Việt Nam, từng được trưng bày trong phủ chúa Nguyễn và trong hoàng cung triều Nguyễn ở Huế.

Đĩa sứ Imari. Thế kỷ XVII. Trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đĩa sứ Kakiemon. Thế kỷ XVII. Trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đĩa sứ Kutani. Thế kỷ XVII. Trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Chóe sứ Imari. Thế kỷ XVIII. Trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Chóe sứ Imari. Thế kỷ XVIII. Trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đó là sưu tập gương đồng Nhật Bản có niên đại từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, do dòng họ Fujiwara lừng danh ở Nhật Bản chế tác. Những gương đồng này có thể được nhập vào Đàng Trong để phục vụ cho đời sống của các kiều dân Nhật Bản ở Hội An, hoặc là để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của nữ giới thượng lưu ở Đàng Trong đương thời.

Sưu tập gương đồng Nhật Bản do dòng họ Fujiwara chế tác, trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Triển lãm cũng giới thiệu những cổ vật của Việt Nam từng là những mặt hàng được người Nhật ưa chuộng nên được các thương nhân Nhật Bản mua và nhập khẩu vào Nhật Bản như trầm hương, sừng tê, đồ gốm Chu Đậu…

Trầm hương là sản phẩm của xứ Đàng Trong được các thương nhân thời kỳ châu ấn thuyền mua về Nhật Bản

Ngoài những cổ vật hàng trăm năm tuổi, triển lãm còn giới thiệu những văn thư trao đổi giữa chính quyền chúa Nguyễn với chính quyền Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII; những “hợp đồng” mua bán hàng hóa giữa thương nhân Nhật Bản với thương nhân Việt Nam. Đặc biệt, triển lãm trưng bày phiên bản 3 bức tranh cuộn nổi tiếng phản ánh mối quan hệ thương mại mật thiết giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII là tranh Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển; tranh Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển và tranh Tượng chi hội quyển vật.

Tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển vẽ cảnh thương nhân Nhật Bản đến yết kiến quan Tổng trấn tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam).

Cuộc triển lãm là sự tái hiện mối giao thương Nhật - Việt từ hàng trăm năm trước, nơi mà những cổ vật, những văn bản, tranh vẽ… đang “kể chuyện quá khứ” cho lớp du khách hậu sinh.

Bài: Trần Đức Anh Sơn

Ảnh: Hoàng Ngọc Sơn và Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: