Đây là sưu tập hiện vật trong số hơn 240.000 hiện vật được khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) vào năm 1999 - 2000, là những sản phẩm đặc sắc được sản xuất để xuất khẩu. Hầu hết hàng hóa trên con tàu là những đồ gốm có xuất xứ Việt Nam mà theo các nhà nghiên cứu đó là sản phẩm gốm từ các “lò quan” (lò sản xuất gốm phục vụ tầng lớp quan lại, cung đình). Trong sưu tập, đồ gốm hoa lam chiếm số lượng chủ yếu với nhiều loại hình phong phú như: chén, đĩa, chậu, hộp và các loại tượng… trang trí trên gốm là các đề tài các con vật linh, con người, động, thực vật, phong cảnh quê hương vùng đồng bằng chiêm trũng châu thổ Bắc Bộ… được thể hiện bằng phương pháp kết hợp vẽ công bút (vẽ bằng bút lông với những nét vẽ tỉ mỉ, chi tiết) với vẽ phóng bút (những nét vẽ thoáng, phóng khoáng đầy tính sáng tạo) đã tạo cho hoa văn trang trí vô cùng sống động. Sưu tập gốm không chỉ phản ánh sự tài hoa của những người thợ gốm Việt Nam, mang đến cho người xem cảm nhận được bức tranh muôn màu, muôn vẻ về thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam thế kỉ 15 mà còn phản ánh kinh tế giao thương buôn bán qua đường biển phát triển, minh chứng vào thế kỷ 15, nước Đại Việt thời Lê Sơ thực sự đã trở thành một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á.
Bảo vật quốc gia:
Bình vẽ thiên nga, gốm hoa lam, triều Lê Sơ, thế kỷ 15
Tiêu biểu nhất trong sưu tập gốm Cù Lao Chàm là chiếc bình gốm vẽ Thiên nga. Đây là hiện vật độc đáo, có kích thước lớn nhất và đề tài trang trí đẹp, sinh động. Bình có dáng cao, vai phình, thân thuôn nhỏ về đáy tạo nên sự thon thả, thanh thoát, phản ảnh rõ nét đặc trưng tạo hình gốm men thời Lê Sơ thiên về chiều cao. Từ miệng, cổ và thân bình đều được trang trí hoa văn gồm: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân minh hình khánh cách điệu, phong cảnh, cây hoa lá, sóng nước, lá đề. Trong đó, băng hoa văn chủ đạo chiếm không gian lớn nhất ở giữa thân bình vẽ phong cảnh mang đặc trưng vùng trũng châu thổ Bắc Bộ với hình ảnh khóm tre, rong, rêu, xen kẽ là hình 4 con thiên nga trong 4 tư thế khác nhau theo tích “Phi, Minh, Túc, Thực” nhằm biểu đạt những ý nghĩa biểu tượng cơ bản của cuộc sống con người. Một con đang dang cánh bay (phi), biểu tượng cho kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất trong cuộc sống. Con thứ hai đang nghển cổ kêu (minh), biểu tượng cho giao tiếp tình cảm. Con thứ ba đang rúc đầu vào cánh ngủ (túc), thể hiện nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, hồi phục năng lượng để sinh tồn tốt hơn. Con còn lại đang kiếm ăn (thực), thể hiện nhu cầu cơ bản để tồn tại trong cuộc sống. Đây còn là cách chơi chữ của người xưa khi mượn từ đồng âm nhằm gửi gắm những ước nguyện tốt lành được thăng tiến, tiền đồ sáng lạn, giàu có, no đủ.
Trang trí hình thiên nga trên bình gốm: phi, minh, túc, thực
Lư hương, gốm men nhiều màu, thời Mạc - Lê Trung Hưng, thế kỷ 16-17, Bát Tràng, Hà Nội
Lư hương là một trong những loại hình đồ thờ xuất hiện sớm và khá phổ biến với các chất liệu, dòng men phong phú. Lư hương gồm 3 phần: miệng, thân và đế được tạo bởi nhiều sắc men khác nhau và những đường nét trang trí, đắp nổi cầu kỳ tinh xảo.... Sự xuất hiện dòng gốm men nhiều màu cho thấy trên cơ sở kế thừa những nét tinh hoa, truyền thống, người Việt đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong kỹ thuật làm gốm, tạo ra nhiều sản phẩm đủ chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Sự kết hợp kỹ thuật trang trí đắp nổi đã tạo cho lư hương như một tác phẩm điêu khắc.