Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/12/2017 07:14 360
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)

Trống đồng Đông Sơn còn gọi là trống loại I theo phân loại của Heger (tên một học giả người Áo), được phân bố chủ yếu dọc theo những triền sông lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, rải rác ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nước Đông Nam Á. Trống là một loại nhạc khí dùng trong những nghi lễ như lễ hội cầu mưa, cầu mùa, tang ma, cưới xin, làm hiệu lệnh trong chiến trận...vừa là biểu tượng quyền lực thời các vua Hùng dựng nước. Hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn phong phú, phản ánh sinh động đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Đông Sơn. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và trưng bày sưu tập trống đồng Đông Sơn với số lượng nhiều nhất và giá trị nhất trên cả nước.

Bảo vật quốc gia:

Trống đồng Ngọc Lũ, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay

Trống đồng Ngọc Lũ là một trong những hiện vật đặc sắc của di sản văn hóa Việt cổ. Trống được phát hiện vào khoảng những năm 1893-1894 ở làng Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam). Với vẻ đẹp hoàn hảo, hình dáng hài hòa, cân đối, hoa văn trang trí vô cùng tinh xảo, đứng đầu trong những trống đồng Đông Sơn đẹp nhất hiện biết. Trống màu xanh xám, gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân trống. Giữa mặt trống đúc nổi mặt trời 14 tia, xung quanh khắc chìm 16 vành hoa văn gồm các loại: hình học, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, đặc biệt là các băng trang trí diễn tả cảnh sinh hoạt, lễ hội, đánh trống đồng, cầu mùa, giã gạo....Tang trống cong đều, trang trí 6 hình thuyền, người hóa trang, chim, thú..., thân trống hình trụ đứng, chân choãi. Trống đồng Ngọc Lũ là hiện vật vô cùng quý hiếm, có giá trị trên nhiều phương diện phản ánh về lịch sử và văn hóa Việt Nam, thể hiện đỉnh cao rực rỡ của kỹ thuật đúc đồng trong nền văn hóa Đông Sơn, hội tụ đầy đủ những tri thức và quan niệm nhân sinh sâu sắc cũng như tài năng, nghệ thuật và tâm hồn của người Việt cổ, đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Bảo vật quốc gia:

Trống đồng Hoàng Hạ, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay

Phát hiện năm 1937 tại Hoàng Hạ, Phú Xuyên, Hà Nội, trống đồng Hoàng Hạ cũng là một trong những trống đồng Đông Sơn đẹp, hình dáng cân đối, hoa văn trang trí tinh xảo, gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân trống. Mặt trống chờm ra khỏi tang, chính giữa đúc nổi mặt trời 16 tia, xung quanh là 15 vành hoa văn gồm các loại: hình học, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, đặc biệt là băng hoa văn chủ đạo mô tả người hóa trang, cảnh sinh hoạt, 6 chiến thuyền chuyển động từ trái sang phải; trong đó có người chèo thuyền, những chiến binh tay cầm vũ khí; cảnh xử tử tù binh; xen giữa các thuyền là những hình chim lạc. Tang trống phình, đúc nổi hình thuyền, người hóa trang, chim mỏ dài..., thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi. Trống đồng Hoàng Hạ là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống Ngọc Lũ, Sông Đà, Cổ Loa. Với những băng hoa văn trang trí độc đáo, sống động, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cư dân Đông Sơn; biểu đạt sinh động và sâu sắc tâm thức của cư dân trồng lúa nước. Trống đồng Hoàng Hạ thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Hoa văn trang trí mặt trống


Chia sẻ: