Nữ hoàng Nefertiti là người phụ nữ xinh đẹp và quyền lực nhất thời Ai Cập cổ đại, biến mất bí ẩn sau 12 năm cùng chồng cai trị vương quốc.
Bức tượng bán thân của Nữ hoàng Nefertiti hiện được trưng bày tại Bảo tàng Altes, Đức. Ảnh: New World Encyclopedia.
Theo Biography, Nữ hoàng Nefertiti (1370-1330 trước Công nguyên) là vợ cả của Pharaoh Akhenaten (Amenhotep IV), người cai trị Ai Cập trong thế kỷ 14 trước Công nguyên. Nefertiti cùng chồng đã thực thi cuộc cách mạng tôn giáo, khi họ bắt đầu chỉ thờ một vị thần linh duy nhất, đó là thần Aten hay thần Mặt Trời. Sự biến mất của Nefertiti khi đang trong thời kì đỉnh cao quyền lực vẫn là một bí ẩn đến nay chưa thể giải đáp.
Nữ hoàng Nefertiti trở nên nổi tiếng khi bức tượng bán thân của bà được phát hiện trong di chỉ khảo cổ ở Amarna, Ai Cập, vào năm 1912. Hiện nay, người ta trưng bày bức tượng này tại bảo tàng Altes, Berlin (Đức).
Xuất thân bí ẩn
Nefertiti trong tiếng Ai Cập cổ nghĩa là "mỹ nữ giá lâm". Một vài bằng chứng cho thấy bà đến từ thị trấn Akhmim, đồng thời là con gái hoặc cháu gái của quan chức Ay trong triều. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng bà sinh ra ở nước ngoài. Dù thế nào đi nữa, thì danh tiếng, vẻ đẹp và sức mạnh của nữ hoàng vẫn là một bài toán hóc búa đối với các nhà nghiên cứu.
Thời điểm chính xác Nữ hoàng Nefertiti kết hôn với con trai hoàng đế Amenhotep III, vị Pharaoh tương lai của Ai Cập Amenhotep IV, không rõ ràng. Nhiều người tin rằng nữ hoàng kết hôn năm 15 tuổi, trước khi hoàng tử Akhenaten lên thừa kế ngai vàng. Họ cùng nhau cai trị đất nước vào khoảng thời gian từ năm 1.353-1.336 trước Công nguyên. Họ có 6con gái, và theo suy đoán, có thể có một con trai.
Trên các tấm phù điêu cổ khắc họa cặp vợ chồng và con gái của họ, nhà vua và hoàng hậu luôn gắn bó như hình với bóng. Họ thường xuyên cưỡi ngựa cùng nhau, thậm chí là hôn nhau công khai. Đây là hình ảnh lãng mạn và tình cảm hiếm thấy trong các miêu tả về pharaoh cổ đại.
Một bệ thờ đá vôi miêu tả Pharaoh Akhenaten, Nữ hoàng Nefertiti và ba cô con gái, niên đại năm 1350 trước Công nguyên. Ảnh: New World Encyclopedia.
Tôn thờ thần Mặt Trời
Nữ hoàng Nefertiti và người chồng đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng giáo phái Aten, trong đó đưa thần Mặt trời trở thành vị thần tối cao trong tín ngưỡng đa thần của người Ai Cập cổ đại.
Hai người đổi tên để bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào tín ngưỡng mới này. Hoàng đế Amenhotep IV đổi tên thành Akhenaten (hoặc Akenhaten như trong một số tài liệu tham khảo), Nữ hoàng Nefertiti cũng đổi thành Neferneferuaten-Nefertiti (Người đẹp giáo phái Aten)
Vua và hoàng hậu được cho là trở thành thầy tế. Thường dân phải thông qua họ để gia nhập Aten. Gia đình hoàng tộc sống trong một thành phố được xây dựng với mục đích tôn vinh vị thần Mặt Trời tối cao. Bằng chứng là có rất nhiều đền thờ tại thành phố và ở trung tâm cung điện. Thành phố cổ đại có tên Akhenaten và bây giờ là el-Amarna.
Nữ hoàng Nefertiti cõ lẽ là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất nắm quyền cai trị trong thời cổ đại. Nữ hoàng và Pharaoh có thể xem là bình đẳng về quyền lực. Một số phù điêu mô tả bà mang vương miện của một Pharaoh hoặc cảnh bà hạ gục nhiều đối thủ trong trận chiến. Cũng theo ghi chép, nữ hoàng Nefertiti bỗng nhiên biến mất sau 12 năm tại vị. Lý do bà biến mất hiện vẫn còn là ẩn số.
Hình khắc mô tả Nữ hoàng Nefertiti lớn bằng chồng cho thấy tầm quan trọng của bà, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Brooklyn, Mỹ. Ảnh: Brooklyn Museum.
Một số học giả cho rằng, có thể nữ hoàng đã qua đời. Có người lại suy đoán nữ hoàng được đưa lên cùng nhiếp chính với chồng, bình đẳng về quyền lực, và bắt đầu mặc trang phục nam nhân. Giả thuyết khác đưa ra là nữ hoàng lên nắm quyền sau khi chồng băng hà, lấy hiệu là Pharaoh Smenkhkare. Xác ướp của bà đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Mới đây, tiến sĩ Nicholas Reeves, nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Arizona, Mỹ tin rằng ông đã tìm thấy lối đi bí mật trong lăng mộ Pharaoh Tutankhamun - được cho là con trai của Nefertiti, dẫn đến nơi an nghỉ của nữ hoàng.
Lê Hùng