Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/03/2015 22:02 1663
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Rất nhiều kiệt tác nghệ thuật không được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng mà cất giữ trong kho của bảo tàng. Tại sao vậy?

Các con số không biết nói dối. Tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York, chỉ 24/1.221 tác phẩm của Pablo Picasso trong bộ sưu tập thường xuyên được trưng bày phục vụ công chúng. Tương tự, chỉ 1/145 tác phẩm của họa sỹ theo trường phái khái niệm Ed Ruscha, 9/156 tác phẩm của họa sỹ siêu thực Joan Miró được trưng bày. Những bức tường của Bảo tàng Louvre, Tate, Met hay MoMA được sắp xếp, trang trí hoàn hảo, khiến người xem luôn có cảm giác trên đó là những gì tuyệt vời nhất, có giá trị nhất. Tuy nhiên, những tác phẩm kinh điển (của các viện nghệ thuật hàng đầu thế giới) lại được cất giữ kín đáo trong kho của bảo tàng, công chúng không thể tiếp cận. Tại đây, nhiệt độ, ánh sáng, cách bày trí phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt để chúng được bảo vệ tốt nhất. Những con số dưới đây có thể khiến bạn ngạc nhiên. Tate chỉ trưng bày 20% bộ sưu tập thường xuyên, Louvre 8%, Guggenheim 3%, Berlinische Galerie 2%. Những tác phẩm được trưng bày gồm 6.000 tác phẩm điêu khắc, hội họa; 80.000 ảnh; 15.000 bản in của các nghệ sỹ như George Grosz và Hannah Hoch. Giám đốc Berlinische Galerie Thomas Kohler giải thích: “Chúng tôi không có đủ không gian để trưng bày tất cả tác phẩm nghệ thuật”. Diện tích của Berlinische Galerie là 1.200m2, suốt nhiều thập kỷ qua, bảo tàng này chỉ trưng bày rất ít so với số lượng tác phẩm họ mua và được trao tặng. Bảo tàng là nơi lưu giữ ký ức hay văn hóa, nhưng tại đây, cũng như ở nhiều bảo tàng khác trên khắp thế giới, nhiều tác phẩm hiếm khi được thấy ánh mặt trời.

Thiếu không gian chỉ là một trong rất nhiều lý do. Đôi khi nó liên quan đến thẩm mỹ, một số tác phẩm không phù hợp với cách bố trí mới của bảo tàng (thường là người quản lý mới sẽ tổ chức lại bảo tàng theo ý mình, tác phẩm nào được trưng bày, tác phẩm nào không phụ thuộc vào thẩm mỹ cá nhân của họ) và được đưa vào kho. Công chúng cũng góp phần không nhỏ quyết định tỷ lệ tác phẩm trưng bày - không trưng bày. Sẽ có thời điểm nào đó nghệ sỹ này được công chúng quan tâm nhiều hơn, ban quản lý bảo tàng căn cứ vào đó để tổ chức lại trưng bày. Ví dụ, tác phẩm The Large Blue Horses (1911) của Franz Marc được The Walker Art Center mua năm 1941 (từ Adolf Hitler), sau khi thành lập đúng 1 năm. Eric Crosby, quản lý bảo tàng cho biết: “đây là một trong những tác phẩm huyền thoại của The Walker Art Center, nhưng lại hiếm khi được trưng bày. Nó là tác phẩm điển hình của Walker những năm 1940, mặc dù vậy nghệ thuật đương đại đã thay đổi, vì thế mà chúng tôi ít trưng bày hơn”. Tháng 9.2016, The Large Blue Horses sẽ được trưng bày trong triển lãm đặc biệt nhân kỷ niệm 75 năm thành lập The Walker Art Center.

Một số tác phẩm không được trưng bày vì dễ bị hư hỏng hoặc đã hư hỏng nặng (không thể bảo quản trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng thông thường), như kiệt tác Young Hare(1502) của Albrecht Durer (Bảo tàng Albertina, Vienna). Đây là bức vẽ màu nước, được coi là chuẩn mực hội họa nhiều thế kỷ sau đó, cũng là linh vật không chính thức của Vienna.Young Hare chỉ được trưng bày tối đa 3 tháng trong điều kiện khí hậu bình thường, sau đó phải bảo quản trong điều kiện độ ẩm 50%. Sau 10 năm bảo quản nghiêm ngặt, năm 2014, tác phẩm này mới được trưng bày nhưng cũng chỉ trong thời gian rất ngắn. Nó sẽ được trưng bày trở lại vào năm 2018. Hay tác phẩm The Swimming Pool (1952) của Henri Mattise (Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York). Tháng 2 vừa qua, bức tranh được trưng bày trong triển lãm Henri Matisse: The Cut-Outs. Bảo tàng đã mua lại tác phẩm này năm 1975 và không được trưng bày (tính đến tháng 2.2015) gần 20 năm, do bị hư hỏng khá nặng (chất liệu vải bố bị đổi màu, dễ gãy nát), phải phục hồi. Việc nó được triển lãm lần này là nỗ lực rất lớn. Ngay sau khi triển lãm đóng cửa, bức tranh sẽ được đem đi bảo quản trong môi trường phù hợp.

Cũng có khi vấn đề lại nằm ở tiêu chuẩn, quan điểm về chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa, như tác phẩm Mural on Red Indian Ground (1950) của Jackson Pollock (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tehran, Tehran). Trong những năm cuối cùng của Đế chế Shah (Iran), Hoàng hậu Farah Pahlavi sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại có giá trị cực lớn, tính theo giá trị hiện tại là vài tỷ USD. Năm 1977, các tác phẩm của Picasso, Pollock, Warhol... được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tehran, nhưng đến Cách mạng Iran 1979, chúng bị coi là suy đồi, các nhà quản lý bảo tàng đã đem cất giữ trong tầng hầm, an toàn cả về an ninh và điều kiện khí hậu. Đa phần tác phẩm này vẫn được cất giữ bí mật cho đến hiện nay.

Nhu cầu tiếp cận những tác phẩm, bộ sưu tập cất giữ trong kho của bảo tàng đang rất cao. Nhiều viện nghệ thuật đang tìm cách đưa chúng ra trưng bày. Bên cạnh số hóa các tác phẩm, một ý tưởng không kém hấp dẫn là tiếp cận hình ảnh của các tác phẩm qua giá đỡ trượt, đằng sau kính. Trung tâm lưu trữ Hermitage (mở cửa năm 2014) đã và đang cung cấp tour du lịch, giúp khách có thể tiếp cận những bộ sưu tập chưa từng được trưng bày. Một số bảo tàng ở Mỹ đã cung cấp trung tâm lưu trữ có thể tiếp cận. Tate, MoMA, Met thì nỗ lực mở rộng không gian trưng bày…

Thanh Lan (Theo BBC)

daibieunhandan.vn

Chia sẻ: