Kunstmuseum Bern - Bảo tàng Nghệ thuật Bern ở Thụy Sĩ đã công bố danh sách tất cả tác phẩm nghệ thuật được tìm thấy trong tài sản bí mật của Cornelius Gurlitt, một người Đức sống ẩn dật, bao gồm những kiệt tác bị Đức quốc xã cướp từ các chủ sở hữu là người Do Thái thời Chiến tranh Thế giới II. Theo Reuters, Kunstmuseum Bern vừa qua đã được chỉ định là nhà thừa kế duy nhất của bộ sưu tập và đã cam kết áp dụng một chính sách hoàn toàn minh bạch liên quan các tác phẩm nghệ thuật này.
Một số kiệt tác trong “bộ sưu tập Cornelius” tại Kunstmuseum Bern.
Bộ sưu tập hơn 1.200 tác phẩm nghệ thuật trong tài sản của Gurlitt đã bị che giấu suốt nhiều thập niên qua cho đến khi thanh tra thuế của Đức phát hiện trong cuộc đột kích vào một căn hộ ở Munich vào tháng 2-2012. Một nhóm đặc nhiệm của chính phủ đã xác định 3 tác phẩm rõ ràng đã bị Đức quốc xã cướp và chúng sẽ được trả lại cho người thừa kế hợp pháp. Kunstmuseum Bern cho biết sẽ không nhận bất kỳ tác phẩm mà các chuyên gia cho là đã bị đánh cắp và bằng cách công bố danh sách đầy đủ này, bảo tàng hy vọng có thể tìm ra các chủ sở hữu hợp pháp. Trong những năm gần đây, Thụy Sĩ đã nỗ lực tránh tai tiếng là một thiên đường tài chính bất hợp pháp, và Kunstmuseum Bern muốn tránh những rủi ro pháp lý liên quan việc nhận các tác phẩm nghệ thuật tranh chấp. Danh sách dài được công bố trên trang web của Kunstmuseum Bern gồm tất cả tác phẩm của các bậc thầy hội họa thời hiện đại và thời Phục hưng đã được tìm thấy trong căn hộ của Gurlitt ở Munich và tại nhà ông này ở Salzburg, Áo. Trong số tác phẩm đáng chú ý có các kiệt tác của Marc Chagal, Picasso, Otto Dix, Henri Matisse, Eugene Delacroix, Gustave Courbet... Cornelius Gurlitt, đã qua đời vào tháng 5 năm nay, là con trai Hildebrandt Gurlitt, nhà buôn nghệ thuật nổi tiếng mang nửa dòng máu Do Thái, người từng được Đức quốc xã chỉ định trong những năm 1930 và đầu những năm 1940 đứng ra bán tài sản và tác phẩm nghệ thuật cướp của người Do Thái và các tác phẩm Đức quốc xã gọi là “tác phẩm nghệ thuật xuống cấp” lấy từ các bảo tàng và phòng trưng bày ở Đức. Cornelius Gurlitt chưa hề tiết lộ với ai về bộ sưu tập khổng lồ này trong nhà mình cho đến khi bị phát hiện. Kunstmuseum Bern cho biết thông tin về bộ sưu tập khổng lồ này vẫn là một “công việc đang tiếp diễn” và sẽ bổ sung các chi tiết trong quá trình điều tra.
Theo SGGP