Thứ Tư, 23/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/09/2014 17:44 1648
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nước Mỹ xa xôi. Thật tình cờ mới đây chúng tôi có dịp đến Mỹ tham gia chương trình Hội thảo và trải nghiệm của một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực châu Á.

Bảo tàng Lịch sử thiên nhiên của Mỹ.

Bảo tàng trẻ em có phụ đề tiếng Việt

Một tuần mới với những chương trình Hội thảo dày đặc khiến chúng tôi không có nhiều thời gian, mà sau đó mới có dịp chậm lại để thăm thú một số nơi. Đến thành phố San Jose chẳng hạn. San Jose nằm trong vùng Vịnh San Francisco, nơi có cộng đồng Việt Nam lớn thứ hai tại Mỹ. Bảo tàng khám phá của trẻ em (Children’s Discovery Museum) nằm trung tâm thành phố San Jose. Đây là một trong những bảo tàng hàng đầu nước Mỹ. Năm 1990, bảo tàng mở cửa với mục đích phục vụ cho trẻ em, gia đình và trường học đến khám phá và học hỏi; là nơi kết nối trẻ em với cộng đồng, với văn hóa, và kích thích sự sáng tạo của trẻ. Toàn bộ bảo tàng được sơn màu tím, thiết kế bởi kiến trúc sư Ricardo Legorreta, người Mêhicô; nội dung trưng bày nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục và sự tương tác đa dạng với trẻ em.

Những chương trình của bảo tàng như BioSite (đưa bài học lý thuyết ở trường lớp vào cuộc sống) và Discovery Youth (dành cho lứa tuổi từ 5 đến 12 đến học tập và trải nghiệm) bao gồm các chủ đề trong xã hội của cộng đồng, đã giúp kết nối và nâng cao khả năng sáng tạo cho trẻ nhỏ, tạo ra nhiều triển lãm tương tác tự định hướng, khám phá mở rộng. Bảo tàng đã được xếp hạng là một trong mười bảo tàng của trẻ em tốt nhất nước Mỹ và là một trong năm trung tâm khoa học hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, phần chú thích trong khu vực trưng bày và tương tác luôn duy trì 3 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Mêhicô.

Xem nghệ thuật châu Á ở San Francisco

Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (Asian Art Museum) mở cửa đón khách từ năm 1966, trên cơ sở các sưu tập hiện vật của nhà tư bản công nghiệp Avery Brundage. Thời gian đầu, bảo tàng chỉ có 27 nhân viên, gồm các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Á, và nghệ thuật Hy Lạp (nghệ thuật Đông Nam Á được bổ sung vào năm 1985, nghệ thuật Hàn Quốc bổ sung năm 1989). Sau ngày thành lập, Avery Brundage tiếp tục sưu tầm và đóng góp các sưu tập hiện vật cho bảo tàng cho đến khi ông qua đời vào năm 1975. Ngày nay, bảo tàng đã sở hữu hơn 17.000 sưu tập hiện vật, với những bộ sưu tập lớn nhất và toàn vẹn nhất nước Mỹ về các công trình nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ từ khắp các quốc gia châu Á. Mỗi năm có khoảng 2.500 hiện vật mới được trưng bày và giới thiệu tới công chúng.

Chúng tôi ghé quầy thông tin mượn thiết bị thuyết minh âm thanh (audio guide), tranh thủ hỏi thăm cô hướng dẫn nơi trưng bày nghệ thuật Việt Nam, cô xin lỗi và cho biết ở đây chưa có trưng bày này. Tham quan một vòng, cuối cùng tôi cũng tìm được phần trưng bày về Việt Nam nằm khiêm tốn ở tầng 3, trong khu trưng bày rộng lớn về nghệ thuật Đông Nam Á. Một chiếc trống đồng loại I (trống Đông Sơn) và một góc tủ kính nhỏ trưng bày đồ gốm men Bắc Việt Nam thế kỷ XV-XVI. Cả mấy nghìn năm văn hóa Việt chỉ có bấy nhiêu tại đây. Có thể đó là lý do mà cô hướng dẫn không biết chăng? Một nỗi buồn man mác xâm chiếm...

Khu phức hợp bảo tàng lớn nhất thế giới

Đến Washington D.C, rảo bước trên National Mall mà không thăm Viện Smithsonian (The Smithsonian Institution) thì quả thật rất đáng tiếc. Đây là khu phức hợp nghiên cứu và bảo tàng lớn nhất thế giới với tổng cộng 19 bảo tàng (16 trong số đó nằm ngay ở Washington vốn đã có thêm khoảng 40 bảo tàng khác nữa) lưu giữ hơn 142 triệu hiện vật và tác phẩm trưng bày. Lâu đài Smithsonian (Smithsonian Castle) là tòa nhà đầu tiên của Viện Smithsonian khi mới thành lập, là một kiến trúc cổ bằng đá đỏ kiểu như lâu đài có những tháp canh nên thường được gọi là "The Castle” tức lâu đài. Nơi đây trưng bày lịch sử thành lập, mục tiêu cũng như cách tổ chức của cơ quan văn hóa phi lợi nhuận lớn nhất Hoa Kỳ này.

Viện Smithsonian lấy theo tên một nhà khoa học người Anh - James Smithson, ông sống và làm việc ở London. Năm 1826 trong di chúc ông để lại gia tài cho người cháu trai với điều khoản là khi cháu chết nếu không có con cái thì gia sản được trao cho "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở Washington dưới tên Viện Smithsonian - nơi thu thập và truyền bá kiến thức đến mọi người”.

Lâu đài Smithsonian được hoàn tất năm 1855, bên trong bài trí đẹp mắt, phần trưng bày những hình ảnh xưa rất nghệ thuật. Ngay phía ngoài là quầy thông tin, giải đáp những thắc mắc cho khách thăm quan muốn tìm hiểu về hệ thống bảo tàng do Viện Smithsonian điều hành. Nhân viên ở đây là những người đứng tuổi, những tình nguyện viên không hưởng lương, chỉ với mong muốn phục vụ công chúng.

Sau khi nghỉ chân uống ly Espresso tại Castle Café, chúng tôi tiếp tục băng ngang dãy cỏ xanh rộng lớn National Mall sang thăm Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên phía đối diện. Đây là một trong những bảo tàng lớn của Viện Nghiên cứu Smithsonian. Bảo tàng mở cửa đón công chúng vào ngày 17-3-1910. Hiện nay, bảo tàng sở hữu hơn 126 triệu mẫu cây cối, động vật, xương hóa thạch, đá, quặng mỏ và thiên thạch; và là nơi làm việc của hơn 180 chuyên gia, là nơi quy tụ các nhà khoa học đông đảo nhất thế giới. Không thể nói hết sự phong phú hiện vật trong các khu trưng bày rộng lớn của bảo tàng, trong đó phải kể đến các khu trưng bày nguồn gốc của loài người, từ "người vượn” cho đến "người văn minh”, "cây nhân loại”, quá trình tiến hóa của loài người, biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên và những ảnh hưởng đến đời sống nhân loại trên thế giới.

Chúng tôi cũng tham quan Bảo tàng Hàng không và Không gian (Air and Space Museum) trong khu phức hợp này. Bảo tàng có hai cơ sở, một ở National Mall và một cơ sở mới rộng lớn gần sân bay quốc tế Washington Dules, là nơi lưu giữ các kiểu máy bay dân dụng cũng như quân sự và các thiết bị về thám hiểm không gian lớn nhất thế giới. Bảo tàng thành lập ngày 12-8-1946 theo sắc lệnh của Quốc hội.

Tất nhiên, còn nhiều những di tích, bảo tàng, danh thắng... những trải nghiệm mà bài viết nhỏ này chưa chuyển tải được hết. Song hơn ba tuần trên đất Mỹ, bay từ Tây sang Đông, điều khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng, không chỉ là những cảnh đẹp, những di tích lịch sử, những món ăn Mỹ, hay món ăn Việt trên đất Mỹ mà chúng tôi đã thấy và học được cách mà người Mỹ làm bảo tàng.

Ngô Thế Bách

daidoanket.vn

Chia sẻ: