Thứ Hai, 28/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/09/2014 00:00 1899
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhật Bản là một quốc đảo nằm về phía Đông Bắc của lục địa châu á gần với Trung Quốc. Thời phong kiến, do phương tiện tàu bè chưa tối tân, khoảng cách Biển Đông Trung Hoa và Eo biển Triều Tiên ngăn Nhật Bản với châu Á lục địa, tuy không tạo nên “Thành cao” nhưng đã tạo ra “Hào sâu”- hào sâu tự nhiên đó đã ngăn trở những đội quân xâm lược xung quanh muốn chiếm Nhật Bản. Thế là Nhật gần như biệt lập riêng một sơn hà với Trung Quốc, nơi từng được coi là “Thiên triều”, là mẫu hình thiết chế nhà nước và trung tâm văn hóa quốc tế của cả Đông Á thời phong kiến. Đầu thế kỷ XIX, khi cách mạng công nghiệp thành công ở các quốc gia phương Tây, làm cho phương Tây hùng mạnh trở thành nơi tụ hội của văn minh mới, trong khi đó Nhật vẫn là vùng đảo khu biệt về địa lý, mang đặc thù văn hoá rất riêng so với phương Tây.

1. Vị thế văn hóa riêng của Nhật Bản

Có thể nói rằng vị trí khu biệt tương đối đó đã tạo điều kiện duy trì sự ổn định, an toàn cho Nhật Bản. Trong lịch sử, Nhật Bản chưa từng bị nước ngoài đô hộ. Khi quân Nguyên Mông hùng hổ tấn công 2 lần thì đều bị bão biển nhấn chìm tàu thuyền gần hết, một lần bỏ dở cuộc chinh phạt, lần sau một số tàu thuyền bị bão đắm, số quân tướng tràn lên bờ đều bị các samurai thiện chiến của Nhật tiêu diệt hoàn toàn. Đến khoảng những năm 50 của thế kỉ XIX, khi các nước phương Tây bắt đầu xâm lấn châu Á, thì hầu hết các quốc gia vùng này từ Trung Quốc to lớn đến các nước nhỏ khác đã trở thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của các nước thực dân, đế quốc. Nhung xứ sở Hoa anh đào lại thoát khỏi nạn kiếp bị đô hộ nhờ vị trí khu biệt về địa lý, xa lạ về văn hóa và nhờ các tư tưởng canh tân, học hỏi du nhập điều hay của ngoại bang kể cả của những kẻ đối địch với mình. Trên thực tế, từ sau cách mạng Minh Trị, Nhật Bản với quá trình hiện đại hoá đất nước đã không ngần ngại học hỏi, làm theo và dần gắn bó với cộng đồng quốc tế, có vị thế quan trọng hẳn hoi, nhưng vẫn duy trì các chính sách hướng tới biệt lập tương đối với luồng giao lưu chính của cộng đồng thế giới, nhằm giữ bản sắc riêng và lợi thế riêng của mình trong cạnh tranh toàn cầu.

Ngay từ thời cổ xưa, Nhật Bản đã từng nhìn vào Trung Hoa như một tấm gương, Nhật Bản cử những sứ bộ hào hứng sang các triều Đường, Tống, Nguyên, Minh… giao lưu, có người còn ở lại làm quan cho triều đình Trung Hoa. Trong những chừng mực nào đó, Nhật đã cố gắng du nhập và mô phỏng văn hoá Trung Hoa, cải tiến cho phù hợp ở Nhật, ví dụ cải tiến chữ Hán, tham khảo các điển tích Trung Hoa trong sáng tác văn học; nhấn mạnh tính chất Thiền “Zen” của đạo Phật, chấp nhận một số giáo lý của đạo Khổng. Về điểm này có thể rút ra rằng: Nhật Bản học hỏi để làm ra cái riêng của Nhật là “Giản lược và quyết liệt”- tính chất đó được thể hiện rõ từ những nét bút Nho, những bức tranh, cốt truyện hay đường kiếm của họ. Và cũng may thay, Nhật Bản chưa bao giờ trở thành chư hầu nhược tiểu của đế chế Trung Hoa như một số nước láng giềng khác, thậm chí nhiều lúc còn mở rộng cửa cho các nhà cách mạng của Trung Quốc và nước khác đến trốn tránh chính quyền đàn áp. Nhật Bản thích giữ cái riêng của mình, có giai đoạn thời Mạc phủ đã thi hành chính sách biệt lập (Sakoku) kéo dài hơn hai thế kỉ từ 1639 đến 1859, “đóng cửa nhưng không cài then” đối với thế giới, chỉ để một cảng buôn bán nhỏ cho người Trung Quốc và Hà Lan ở phía nam, cho đến khi chính quyền Tokugawa buộc phải mở cửa ba cảng biển cho các tàu buôn của Nga, Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ. Chính sách biệt lập lâu dài của giai đoạn đó cũng có mặt tích cực là góp phần giúp Nhật Bản tiếp tục xây dựng và duy trì tính đồng nhất về văn hóa như tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ, áp dụng rộng sâu các qui tắc ứng xử và tập quán kinh tế- xã hội kiểu Nhật, hướng nhận thức mọi người vào việc chấp nhận những phương thức chung trong tư duy và hành động vì cả tập thể, xã hội, quốc gia; đề cao tinh thần cao thượng, trung tín, danh dự của samurai trong đạo đức người Nhật. Như vậy, Nhật Bản đã chủ động, khôn khéo du nhập tinh hoa của những nền văn hóa tiên tiến, văn minh hơn mà không bị trải qua quá trình bị đô hộ xâm lược hoặc bị ép buộc bởi bạo lực, cưỡng bức. Ngay cả thời kỳ chiếm đóng của Mỹ sau chiến tranh (1945 - 1950) thì dù sao Mỹ vẫn là đại diện cho phe đồng minh đóng quân ở đó để thực hiện sứ mệnh quốc tế nhằm giải giáp hoàn toàn các thế lực quân phiệt, giúp Nhật tái thiết sau chiến tranh.

Nhật Bản luôn có điều kiện dành cho mình khả năng tự chủ và tự do trong việc lựa chọn những khả năng và nhân tố thích hợp cho phát triển văn hóa- xã hội và thực sự họ chọn đường đi rất hiệu quả cho mình. Có thể nói họ giữ độc lập nhưng biết dùng chính sách tìm cách học hỏi, du nhập từ ngoài để phục vụ mục tiêu: tìm cách đứng được trên vai những người khổng lồ để làm cho mình cao lớn nhanh.

Sau khi tiến hành cách mạng Minh Trị ít lâu, người nước ngoài đến Nhật rất đông, người Nhật bắt đầu học cách mặc đồ Âu mạnh mẽ, ăn bánh mì bơ, phó mát, dùng dao nĩa. Có lúc tưởng chừng một số nhân tố văn hoá nước ngoài lấn át được phần nào văn hóa bản xứ. Tới khi cao trào đó lắng dịu xuống, văn hóa truyền thống Nhật Bản lại trỗi dậy và xảy ra quá trình "Nhật Bản hoá" những gì được du nhập, thâu nhận, trao đổi và học hỏi được từ phương Tây. Chính vì vậy, việc du nhập, tiếp biến yếu tố văn hóa ngoại lai đã không phá hỏng, làm lai căng nền văn hóa bản xứ hay chia cắt văn hóa xứ sở này, trái lại còn giúp Nhật Bản tạo dựng được những hình mẫu văn hóa đặc sắc của mình. Với tư cách là một quốc gia dân tộc, Nhật Bản đã duy trì được nền văn hoá thuần nhất, riêng biệt, đặc sắc của mình từ thời tiền sử đến tận thời hiện đại và điều này làm nên sức mạnh của Nhật Bản, tạo nên một vị thế hiếm có của Nhật trên thế giới trong thời gian qua. Văn hóa Nhật Bản tiêu biểu cho một nền văn hóa cân đối, phát triển về nhiều mặt: văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, văn hóa đô thị và văn hóa làng quê, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, văn hóa đa chủng loại của dân tộc. Nhật Bản đã tìm được sự kết hợp hài hòa không phải ở mức liên kết mềm yếu giữa các yếu tố mà là sự liên kết giữa các đỉnh cao và trạng thái cực đoan của các yếu tố. Đó là sự kết hợp giữa núi cao, rừng sâu với biển xanh dịu dàng, giữa cơn bão tuyết với từng cánh hoa mong manh, giữa thanh kiếm sắc của các shogun với hoa anh đào mùa xuân... Trong đời sống xã hội, đó là sự kết hợp giữa Thần đạo đầy sức mạnh và linh thiêng với nét từ bi nhân ái của đạo Phật, giữa những yếu tố tâm linh vừa đè nặng vừa khơi dậy sức sống tinh thần, giàu bản sắc dân tộc với tính nhiều màu vẻ của thời đại. Có thể nói không có dân tộc nào nhạy bén với cái mới bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những biến đổi của thế giới, đánh giá cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật Bản. Khi xác định được trào lưu đang thắng thế, họ sẵn sàng chấp nhận, nghiên cứu và học hỏi để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ. Sự phong phú của một nền văn hóa đa dạng, đa chủng loại trong văn hóa Nhật Bản thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên nhân tố nội sinh đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội Nhật Bản hiện đại. Hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân Nhật Bản qua nhiều thời kỳ lịch sử. Cần cù học tập để thêm hiểu biết và vận dụng kiến thức phục vụ xã hội. Hệ thống giáo dục được xem như là chìa khóa làm cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định về mặt chính trị. Việc đầu tư cho giáo dục có ý nghĩa to lớn đối với đất nước. Nhà nước, bằng mọi cách suốt hàng thế kỷ qua, đã tạo lập ra hệ thống có thể đào tạo lực lượng lao động có hiệu quả cao, đưa đất nước tiến tới hiện đại hóa. Ở cấp độ cá nhân, người Nhật ngày nay được đánh giá chủ yếu dựa vào học vấn chứ không phải địa vị gia đình, địa vị xã hội và thu nhập. Hơn nữa, sự theo đuổi học tập không phải để thỏa mãn nhu cầu tức thời nào đó mà đơn giản họ tin tưởng sâu sắc giáo dục phải là sự cố gắng suốt đời. Phần lớn người Nhật muốn hoàn thiện mình hơn và học hỏi là cách tốt nhất để đạt mục đích. Chế độ xã hội Nhật Bản tạo cho người dân Nhật niềm tin rằng: số phận, cơ may của họ được định đoạt bởi sự chăm chỉ học hành và điều quan trọng là họ tin rằng ngay từ đầu họ đều có cơ hội bình đẳng như nhau. Do vậy, ý niệm về sự bình đẳng là một đặc điểm quan trọng của hệ thống giáo dục. Phần lớn người Nhật tin rằng họ đang sống trong một môi trường xã hội công bằng, trong đó nguồn gốc xuất thân, tài sản thừa kế không quan trọng bằng sự cố gắng bản thân. Như vậy, nhờ giáo dục, nền văn hóa Nhật Bản phát triển trên cơ sở quần chúng nhân dân có trình độ văn hóa đồng đều, tạo điều kiện cho những giá trị nhân văn phát triển. Học tập những thiết chế xã hội và đạo lý gia đình của Khổng tử, người Nhật có ý thức xây dựng đời sống gia đình, là tổ ấm làm nguôi quên những bất bình và bực dọc với xã hội. Gia đình là đơn vị mà con người gắn bó với nhau bằng huyết thống và quan hệ tình nghĩa. Chính vì vậy mà ở Nhật, việc giáo dục gia đình được đặc biệt chú ý. Gia đình trực tiếp giáo dục con cái thành người. Mở rộng ra, ở các xí nghiệp, nhà máy, người Nhật cũng có xu hướng vận dụng quan hệ gia đình để quản lý nhân viên trong các xí nghiệp, nhà máy. Điều này cũng lý giải tại sao người Nhật rất đoàn kết trong các tổ chức tập thể. Chính tất cả những yếu tố trên góp phần làm cho văn hóa Nhật Bản giàu tính nhân văn.

2. Một nền văn hóa giàu bản sắc nhất quán trong đặc điểm dân tộc và tính thời đại

Nền văn hóa Nhật Bản từ truyền thống đến hiện đại là một nguồn mạch dồi dào giàu bản sắc, nhất quán trong đặc điểm dân tộc và tính thời đại. Có nhiều cách giải thích khác nhau về bản sắc dân tộc của văn hóa Nhật. Có người cho rằng, do quần đảo Nhật Bản ở xa khơi, đất nước Nhật chưa hề bị một đạo quân xâm lược nào chiếm đóng, kể từ trước 1945. Những điều kiện tự nhiên và xã hội đó dễ tạo cho dân tộc phát triển thuần nhất, phẩm chất của dân tộc thấm sâu và tạo thành truyền thống lâu bền, phong tục tập quán thành nếp sống bền vững, sở thích trong cuộc sống trở thành thị hiếu thẩm mỹ. Lại có ý kiến cho rằng, chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và thơ mộng là một thử thách lớn lao và nguồn nuôi dưỡng vô tận cho sức sống của dân tộc Nhật Bản. Đất trồng trọt nghèo nàn chiếm 13% diện tích, còn lại là rừng núi hiểm trở hoang dại. Dân tộc Nhật Bản phải tiến hành cuộc đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên khắc nghiệt để đảm bảo cuộc sống, thực tế gay gắt ấy tạo cho con người ở nơi đây sự cần cù, bền bỉ. Sự phân chia quyền lực trong hàng chục thế kỷ của các shogun (những võ sĩ đạo xuất sắc thành một đạo quân), tinh thần võ sĩ đạo thể hiện như một lý tưởng, một lối sống đã mài sắc ý chí chiến đấu của nhiều lớp thanh niên. Giáo lý của đạo võ sĩ có tám đức tính căn bản nhất mà người võ sĩ phải rèn luyện: Đức ngay thẳng: giúp cho con người quyết định công việc một cách nhanh chóng, thẳng thắn, hợp với lẽ phải, không trái với lương tâm. Đức dũng cảm: nếu chỉ là dám xông vào nơi nguy hiểm, ác liệt nhất của trận chiến và hy sinh thân mình, đó là nhiệm vụ của con nhà võ. Còn thực chất của đức dũng cảm là biết sống khi cần phải sống, biết chết khi nào cần thiết. Thấy việc nghĩa không làm, không phải là dũng cảm. Đức tính này phải được rèn luyện từ nhỏ. Con trai của người võ sĩ cần được luyện tập, chịu đói khát, khổ sở để khôn lớn, xông pha vào cuộc đời để khỏi bỡ ngỡ. Luyện tập được tính dũng cảm, bình tĩnh thì lúc gặp nguy nan vẫn sáng suốt. Đức nhân từ: là tình thương rộng lượng, nhân ái, là đức tính cao cả nhất của người võ sĩ. Nếu như tính ngay thẳng, công bằng và dũng cảm là những đức tính nam nhi thì lòng nhân từ có cái mềm mại làm nên sức mạnh nữ giới. Nhưng cái nhân từ của người võ sĩ cũng không giống như đức nhân từ của người phụ nữ. Nếu ngay thẳng quá đáng thì trở thành thô bạo, nếu nhân từ quá mức sẽ trở nên nhu nhược. Vì vậy những người dũng cảm nhất là những người dịu dàng nhất và những người giàu tình thương chính là những người dám chiến đấu dũng cảm. Đức lễ phép: có nghĩa là làm sao cho người khác thật tình vui vẻ trước những cử chỉ lịch sự của mình. Những cử chỉ lịch sự đó phải thể hiện một cách đứng đắn, thể hiện đức từ bi, bác ái tự đáy lòng mình mà ra. Biết tự kiểm soát mình: là biết tự kiềm chế, làm cho mình có dũng khí khác thường, làm cho xã hội vui tươi, đời sống có ý vị hơn. Những ai không tự chủ được mình để cho những điều lo lắng bên trong bộc lộ ra ngoài thì không phải là hạng người có dũng khí. Không hề tỏ ra một dấu hiệu vui mừng hay giận dỗi, đó là câu nói cửa miệng của các võ sĩ. Chân thực: nếu không chân thực thì lễ phép chỉ là giả tạo và trò cười. Người võ sĩ phải có đức tính chân thực cao hơn các tầng lớp xã hội khác. Lời nói của người võ sĩ có trọng lượng như một lời hứa chắc chắn không cần văn tự, bởi vì danh dự của người võ sĩ còn cao hơn giá trị của văn tự nhiều. Trung thành: lòng trung thành rất quan trọng trong mối quan hệ chủ tớ ngày xưa. Theo đạo võ sĩ thì quyền lợi giữa gia đình và những người trong gia đình đều đồng nhất, không tách rời nhau. Song giữa gia đình và Thiên hoàng, nếu phải hy sinh một bên thì người võ sĩ không ngần ngại hy sinh gia đình của mình để phụng sự Thiên hoàng. Khi người võ sĩ không đồng ý kiến với chủ soái, việc làm trung thành của anh ta là tìm mọi cách để chủ soái thấy được sai lầm của mình. Người võ sĩ có thể kêu gọi lương tâm của chủ soái và bày tỏ lòng trung thành của mình bằng cả sự hy sinh những giọt máu cuối cùng. Trọng danh dự: là ý thức mạnh mẽ, sâu sắc về giá trị và thanh danh của người võ sĩ. Khi người khác nói xấu mình, đừng trả thù họ mà nên suy nghĩ mình đã làm tròn bổn phận chưa. Phải biết hổ thẹn khi phạm đến điều gì tổn hại đến danh dự. Biết hổ thẹn là một trong những đức tính cần được giáo dục cho tuổi trẻ. Xã hội Nhật Bản có ba tầng lớp chính là quý tộc, võ sĩ và nông dân, thợ thủ công. Có thể nói cách sống của tầng lớp võ sĩ có ảnh hưởng đến xã hội Nhật trong lối sống nhiều nhất. Tầng lớp võ sĩ chuộng sự đơn giản nhưng sâu lắng do ảnh hưởng của thiền, họ luôn tìm thấy cái đẹp trong sự đơn giản khiết bạch. Chính tinh thần thượng võ của giới võ sĩ đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân Nhật Bản, nên nhờ vậy mà nước Nhật điêu tàn sau chiến tranh trở nên một nước hùng mạnh nhất nhì thế giới, và cũng nhờ đó mà nước Nhật tiến bộ hơn hầu hết các nước châu Á khác trước chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật Bản là một dân tộc có ý thức về thế giới tinh thần, rèn luyện để tạo nên sức mạnh về tinh thần. Điều này thể hiện rõ ở lĩnh vực tôn giáo. Ở Nhật, nhiều tôn giáo cùng tồn tại: đạo Shinto (Thần đạo), đạo Phật, đạo Thiên chúa và nhiều tôn giáo khác. Trong đó, rất nhiều người Nhật theo cả hai tôn giáo: đạo Phật và Thần đạo. Thần đạo không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường vì không có kinh bổn và đối tượng thờ cúng duy nhất. Thần đạo thờ các vị thần linh thiêng trong trời đất, thờ tổ tiên, thờ hồn người chết, đặc biệt là thờ các anh hùng dân tộc có công lao với đất nước. Do vậy, Thần đạo gắn liền với dân tộc. Thần đạo và Phật giáo ở Nhật Bản ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành tính cách con người nơi đây. Thần đạo mài sắc ý chí và đem lại sức mạnh tinh thần. Còn Phật giáo giúp vào sự rèn luyện thân thể. Thần đạo không ngừng thúc đẩy con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống thì đạo Phật lại giúp con người loại bỏ và hạn chế dục vọng để giữ gìn sự bền bỉ, kiên trì cho những mục đích của mình. Hai tôn giáo hòa quyện với nhau, tạo nên một con người Nhật luôn biết chủ động, tĩnh tâm, không vô tâm nhưng cũng không bị lôi cuốn vào vòng sắc dục. Trong văn hóa, tôn giáo dễ được xem là những yếu tố thuộc phạm vi tâm linh không dễ đóng góp vào sự phát triển xã hội, nhưng chính Nhật Bản đã biết khai thác mặt tích cực của Thần đạo, Nho giáo và Phật giáo như một trong những động lực của sự phát triển xã hội. Các tôn giáo không đẩy tâm linh vào chỗ mê tín, dị đoan, mà ngược lại góp phần xác định sức mạnh và quyền lực của những giá trị tinh thần, của tâm linh để phục vụ cho cuộc sống. Người Nhật như ấp ủ, nung nấu trong tâm linh, trong thế giới tinh thần những dự kiến, những tâm thức cho sáng tạo và hành động. Vì vậy, có nhiều người cho rằng, tâm hồn người Nhật có một cái gì đó thần bí, bí ẩn. Thực ra cái gọi là bí ẩn chỉ là sự kiên trì nỗ lực, nuôi dưỡng ý chí cho một mục đích đang và sẽ thực hiện, ở những thời điểm thích hợp, trước những yêu cầu của xã hội, của đất nước, sức mạnh ấy bùng lên, tỏa ra thành một lực lượng vật chất và tinh thần vĩ đại, và lịch sử đã chứng minh cho điều đó, chứng minh cho sự vươn lên thần kỳ của đất nước này. Văn hóa Nhật Bản trong hàng ngàn năm đã tạo nên những nghi lễ, những tập quán trong văn hóa ứng xử, trang phục và cách ăn uống. Người Nhật quý khách nhưng không quá vồ vập tay bắt mặt mừng mà vẫn giữ nghi lễ trong cách cúi chào, trong lời mời mọc. Từ người dân trong đời sống hàng ngày đến vị nguyên thủ quốc gia trong cuộc họp lớn của nhà nước vẫn cúi mình đáp lễ như phong tục tập quán không thể khác đi của dân tộc. Trà đạo là một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ XII. Chỉ một ly trà xanh nho nhỏ nhưng với người Nhật nó lại như một ốc đảo trong tâm hồn. Họ cho rằng thông qua trà đạo có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân. Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ hòa, kính, thanh, tịch. Hòa là hòa bình, kính là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu, thanh tức là thanh tịnh, thanh khiết, còn tịch là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo: an nhàn. Bên cạnh đó, y phục thời trang cũng là một nét sinh hoạt văn hóa của người Nhật, đặc biệt là đối với người con gái. Cách búi tóc của các cô gái Nhật rất cầu kỳ, mái tóc trước được dựng cao làm cho khuôn mặt có vẻ riêng, còn những món tóc được uốn lượn cầu kỳ là một nét thẩm mỹ đoan trang và duyên dáng. Trang phục truyền thống của người Nhật là kimono, một chiếc áo choàng được giữ cố định bằng một vành khăn rộng cuốn chặt vào người cùng với một số dây đai và dây buộc, ống tay áo dài và rộng thùng thình. Kimono của nam giới có vành khăn đơn giản và hẹp hơn. Kimono cho phụ nữ thường có các họa tiết hoa, lá và các biểu tượng thiên nhiên khác, phản ánh tình yêu thiên nhiên của người Nhật Bản. Ngày nay, kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Phụ nữ Nhật mặc kimono phổ biến hơn nam giới, phái nam dùng kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo. Những phong tục và nghi lễ của Nhật Bản đã góp phần tạo nên cuộc sống nền nếp, đảm bảo cho sự phát triển của xã hội, tạo nên một nền văn hóa Nhật mang đậm yếu tố nội sinh. Giữ gìn và phát huy nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc của người Nhật là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao Nhật Bản không diễn ra tình trạng cướp bóc hay tư lợi trong thảm họa động đất, sóng thần vừa qua, và có nhiều người Nhật đang trở thành đội quân cảm tử, bất chấp mạng sống của mình trong các nhà máy điện hạt nhân. Trong quá trình phát triển, văn hóa Nhật không bảo thủ đóng kín mà nhạy cảm tiếp nhận những cái mới. Tuy nhiên, người Nhật luôn biết giữ gìn bản sắc dân tộc. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và phương Tây đến văn hóa Nhật Bản là không nhỏ, nhưng người Nhật đã biết tiếp nhận ở một cách riêng, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa Nhật.

3.Văn hóa có chỗ đứng cao trong cạnh tranh quốc tế

Hiện nay, trong tổng số hơn 120 triệu dân của Nhật, chỉ có 2-3 triệu người thiểu số chủ yếu thuộc dân tộc Ainu và Triều Tiên, số còn lại đều thuộc về dân tộc Nhật. Về ngôn ngữ, tiếng Nhật là ngôn ngữ phổ thông được dùng trên khắp lãnh thổ, nhưng lại được sử dụng ở những nước khác một cách khó khăn. Hệ tư tưởng Nhật Bản từ xưa đến nay là sự kết hợp một cách thực dụng giáo lý của 3 tôn giáo là Thần đạo (Shinto), Phật giáo và Khổng giáo. Người Nhật cho rằng tôn giáo nếu dùng đúng mức độ, liều lượng thì có tác dụng như thang thuốc gia truyền có tính bổ dưỡng cao và dùng được lâu dài, vì vậy, họ kính trọng và theo tôn giáo rất đông (Năm 1889- Minh Trị thứ 22 đã ban hành hành Hiến pháp nêu rõ “Toàn thể nhân dân Nhật Bản đều có quyền tự do tín ngưỡng”), vì thế có nhiều người Nhật là tín đồ cùng một lúc của 2- 3 tôn giáo. Người ta ước tính hiện số người theo Thần đạo khoảng hơn 54 %; theo đạo Phật chừng xấp xỉ 41 %; theo Thiên chúa giáo gần 1 % còn lại là các tôn giáo khác. Nói về đời sống tôn giáo ở Nhật có người nói: khi tổ chức đám cưới người Nhật hay tổ chức theo phong tục Thần đạo ở đền hoặc một số người theo nhà thờ Thiên chúa giáo, trong cuộc sống thì vận dụng một số triết lý của đạo Khổng, đến khi qua đời lại làm theo phong tục Phật giáo ở các chùa. Xét về lịch sử, Thần đạo là tôn giáo phổ biến nhất, xuất hiện sớm nhất tại Nhật. Thần đạo suy tôn dân tộc Nhật- dân tộc Đại hòa là cao quý hơn mọi dân tộc khác, Nhật Bản là nước mẹ (Oyaguni) của các dân tộc, chủng tộc khác và là đất nước của các thần thánh (Shinkoku) còn hoàng đế Nhật được tôn vinh là hiện thân của trời xuống cai quản dân chúng Nhật. Thần đạo là cơ sở văn hóa tâm linh, có ý nghĩa nhất định trong việc thống nhất nước Nhật, nó khuyến khích, đề cao lẽ sống trung tín, kỷ luật, xả thân vì cấp trên, vì Thiên hoàng tối thượng. Vì thế, thời phong kiến khi vì lãnh chúa, hoặc trường hợp sau chiến tranh thế giới thứ 2, khi Thiên hoàng buộc đầu hàng đồng minh, nhiều quân nhân đã tự sát để thể hiện lòng trung của mình.

Đạo Phật được du nhập vào Nhật từ năm 538 từ ấn Độ qua ngả Triều Tiên, Trung Quốc, người Nhật được coi là hóa thân của đức Thích Ca và sáng lập ra Phật giáo Nhật Bản là Thái tử Shotoku (572- 622). Triết lý ‘Nhân quả” được người Nhật vận dụng không chỉ trong lối sống mà vào trong mọi lĩnh vực, kể cả khoa học kỹ thuật, kể cả vũ trụ quan “Nhỏ trong to, to trong nhỏ”- trong cái to có chứa cái nhỏ và ngược lại, vì thế phải bắt đầu làm việc tốt từ những việc nhỏ và trong kỹ thuật, nếu hiểu được điều này thì mọi kết cấu sẽ theo hướng hợp lý, tiện lợi, đẹp đẽ, chứa đựng cả triết học lẫn mỹ học và luật “nhân quả”.

Tư tưởng Nho giáo được du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ thứ V sau công nguyên. Nhiều chuyên gia đã gọi chủ nghĩa tư bản ở Nhật là “chủ nghĩa tư bản Khổng tử” không phải là không có lý. Nhiều điểm trong tư tưởng Nho giáo được Nhật Bản vận dụng hiệu quả về cách tu thân của kẻ sĩ, trách nhiệm nghĩa vụ, đạo lý của mọi người nhất là kẻ sĩ trong xây dựng chính quyền và quốc gia. Có điều người Nhật tiếp thu không máy móc, từ xa xưa người Nhật luôn tự hào về thế mạnh có năng lực tháo vát, ứng biến trong cuộc sống thực tiễn, họ gọi là “Yamato damashi- Tinh thần Nhật Bản”, nên các điều xơ cứng của đạo Khổng thì không được tiếp nhận ở Nhật, vì họ cho rằng không chỉ đạo Khổng mà nhiều tư tưởng khác của Trung Hoa mang tính sách vở hàn lâm- tức là “Kara zae”. Đến tận ngày nay, chính phủ Nhật vẫn sử dụng các cố vấn rất đa dạng. Họ có thể gồm các chuyên gia tài chính, tiền tệ; các nhà văn hóa; những nhà kinh tế theo học thuyết Keynes, những người ủng hộ kinh tế học Mác-xít; các học giả say mê triết học Trung Hoa. Một điều hơi đặc biệt là trong khi nhiều nước càng hiện đại hóa thì các tôn giáo có xu hướng bị thế tục hóa, nhưng Nhật Bản thì tôn giáo vẫn tồn tại như một thành tố văn hóa quan trọng làm nên sự độc đáo, hài hòa, an bình, cân bằng trong xã hội hiện đại.

Người Nhật không chỉ học tập về tư tưởng nước ngoài mà họ thấy được cốt lõi sự trì trệ đất nước thời Mạc phủ là doanh nghiệp yếu kém, văn hóa Nhật lúc đó không tôn trọng thương nhân, thế là họ hô hào tầng lớp được tôn quý nhất xã hội là võ sĩ tham gia đi đầu trong kinh doanh, buôn bán. Họ cũng nhận ra rằng: muốn phát triển thương nghiệp thì nhanh nhất là học các nước phương Tây đã có nền thương mại phát triển lâu đời cùng với luật pháp chuẩn mực, bảo đảm. Có thể nói, khẩu hiệu “Obei ni oikose” (Vượt lên trên châu Âu và nước Mỹ) là hiệu kèn và mệnh lệnh chiến đấu của nhà nước Minh Trị nhằm đuổi kịp phương Tây về kinh tế, quân sự và lấy lại danh dự cho quốc gia.

Sau những năm Minh trị Duy tân, Nhật Bản đã chuyển từ một nước phong kiến lạc hậu thành một nước công nghiệp hóa nhờ học tập và áp dụng đúng cách nhiều lĩnh vực từ phương Tây để đạt mục tiêu “Phú quốc, cường binh” (Fukoku Kyohei), tránh được họa xâm lăng của các cường quốc và xây dựng đất nước cường thịnh lâu dài. Để có nền pháp trị làm chuẩn mực xã hội và được quốc tế công nhận là một nước đứng vào hàng ngũ các nước phương Tây văn minh, Nhật Bản đã tham khảo hệ thống pháp luật của các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Đức, Pháp để soạn thảo và ban hành một hiến pháp thành văn. Có luật pháp làm nền tảng, người Nhật học tập mô hình nghị viện, mở rộng nền dân chủ, thúc đẩy phương tiện thông tin đại chúng phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp Nhật. Xin tổng kết một số nét cơ bản trong văn hóa doanh nghiệp Nhật, được xây dựng nhờ quá trình học tập nước ngoài và xây dựng, phát triển trên cơ sở văn hóa Nhật: - Trước tiên, doanh nghiệp Nhật xem trọng chất lượng lượng toàn diện (Chất lượng từng khâu sản xuất chứ không chỉ chất lượng cuối cùng + tinh thần trách nhiệm, đạo đức làm việc của nhân viên toàn doanh nghiệp). - Các thành viên công ty đều được coi là các khâu quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp. Khâu này tôn trọng hoạt động của khâu kia, tín nhiệm khâu kia và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tôn trọng quyền cá nhân và tín nhiệm nhân viên, nhưng có kiểm tra, đánh giá. Cũng chính sự tôn trọng và tín nhiệm này đã mở rộng tuyệt đối phạm vi trách nhiệm của cá nhân nên các vấn đề nảy sinh rất ít. - Duy trì quan hệ chan hòa, để hễ ai có vấn đề- nhất là liên quan đến đạo đức thì phát hiện giải quyết ngay. Người Nhật chú trọng lễ nghi, thứ bậc, coi đó là một tiêu chí để đánh giá về một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng nhưng mọi người dù các vị trí khác nhau vẫn hay tổ chức giao lưu, chơi thể thao, đi picnic ngoài giời làm việc rất thân ái. - Xây dựng sự đồng thuận, nhất trí cao, tránh manh mún, bè phái là miếng đất cho kẻ xấu len lỏi, cơ hội. - Tận tụy, hết lòng vì công việc được giao là một biểu hiện của đạo đức kinh doanh Nhật. Nhân viên và doanh nghiệp là một chỉnh thể thống nhất, cùng thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp, do đó toàn thể nhân viên có thể hy sinh hết thảy cho lợi ích doanh nghiệp - Nhỏ trong to và to trong nhỏ, việc gì nhỏ mà có lợi cho tu dưỡng cũng làm việc gì lợi to mà hại cho doanh nghiệp cho xã hội cũng không làm thì không bị sa ngã, tay nhúng chàm. Phát huy lợi thế quy mô nhỏ của các đơn vị nhỏ trong doanh nghiệp: ít người- giảm phiền hà quan hệ dưới trên và dưới; lợi thế về uyển chuyển linh động- thuận tiện cho quá trình sản xuất; dễ huy động toàn bộ nhân viên vào việc tham gia quản lý, nghiên cứu, áp dụng các sáng tạo, sáng kiến … - Có tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các nhân viên, giữa cấp trên và dưới, giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa doanh nghiệp với khách hàng. Trong doanh nghiệp và rộng ra cả xã hội, người Nhật dân chủ trong bàn bạc rộng rãi khi tìm sáng kiến, nhưng khi quyết định thì người lãnh đạo chịu trách nhiệm lựa chọn, tổ chức thực hiện. Văn hóa Nhật thiên về mềm dẻo trong ứng xử giao tiếp nhưng cương quyết bảo vệ quan điểm và quyền lợi của mình. Trọng tầng lớp elite tài năng, chân chính của xã hội nên có chính sách đúng trong sử dụng, đãi ngộ, xây dựng phát triển và tôn vinh họ tương xứng với đóng góp của họ… Phân tích, nhấn mạnh các đặc điểm văn hoá nói trên chúng tôi muốn làm rõ thêm việc người Nhật đã thực hiện nhuần nhuyễn quá trình dung hợp giữa văn hoá bản địa với văn hóa ngoại quốc, tạo ra một nền văn hoá mới vừa khác với cái ngoại nhập, vừa cao hơn cái mình vốn có, điều đó góp phần làm nên hương sắc văn hoá Nhật Bản trong vườn hoa văn hóa thế giới và trong nền kinh tế toàn cầu, hàng hóa mang thương hiệu Nhật có sức cạnh tranh cao, được đông đảo khách hàng thế giới ưa chuộng...

(Lê Hiền lược dịch- Source: erct.com)

Pubweb team

cinet.gov.vn

Chia sẻ: