Hơn 7 thập kỷ đã qua nhưng những câu chuyện về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám còn được lưu giữ, kể lại thông qua nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng Quảng Ninh và Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều.
Những hình ảnh về Chiến khu Đông Triều ở Bảo tàng Quảng Ninh.
Về hình ảnh, hiện Bảo tàng Quảng Ninh có các bức ảnh về một số địa danh như miếu sát bờ sông, nơi nghĩa quân Đệ tứ chiến khu tập trung trước khi tấn công giành chính quyền ở Cẩm Phả tháng 8-1945; đình Hổ Lao (xã Tân Việt), cơ sở sản xuất vũ khí cung cấp cho Chiến khu Đông Triều. Về nhân vật có ảnh chân dung đồng chí Hải Thanh, Trần Cung, Nguyễn Bình và sư Tuệ, những người lãnh đạo đầu tiên của Chiến khu Đông Triều và tập thể Trung đội Ký Con, Tiểu đội Phan Đình Phùng, những đơn vị đầu tiên ở Chiến khu. Ngoài ra còn có bức tranh “Công nhân Vùng mỏ giành chính quyền” của hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc tái hiện lại cảnh khởi nghĩa giành chính quyền theo lời kể của nhân chứng.
Cùng với đó, những hiện vật ở Bảo tàng cũng nói lên khá nhiều điều về Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh. Hiện vật gồm có: Chiếc nồi tôn của một người phụ nữ tên là Cầu đã dùng để nấu cơm cho bộ đội Chiến khu; 1 con dao, 2 thanh kiếm và 1 khẩu súng trường mà bộ đội ở Chiến khu đã dùng để đánh giặc; 1 chiếc cối tán thuốc súng; 3 vỏ lựu đạn, một chiếc khuôn mìn mà Xí nghiệp cơ khí Mạo Khê đã dùng để sản xuất mìn cho Chiến khu; bộ đồ sửa chữa dọc đường gồm: Búa, kìm, dao, cưa; 1 chiếc khuôn làm lương khô, 2 chiếc ống đựng lương khô, 1 chiếc đèn đất. Có những hiện vật rất quý mà lãnh đạo Chiến khu vẫn thường dùng như: Chiếc áo nhà sư của tướng Nguyễn Bình; lá cờ búa liềm mà tướng Nguyễn Bình vẫn mang theo; nghiên mực mà đồng chí Võ Giác Nguyên, cán bộ lãnh đạo Chiến khu vẫn thường dùng.
Nhìn chung, mảng tư liệu, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh hiện lưu giữ ở Bảo tàng không nhiều. Lý do nằm ở chỗ mãi đến năm 1964, Bảo tàng Quảng Ninh mới được thành lập, thời điểm này khá xa so với mốc thời gian năm 1945 nên nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật đã bị thất lạc khó sưu tầm. Tuy nhiên, ngần đó hiện vật cũng đã gợi ra những nét phác hoạ sinh động về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Quảng Ninh.
Một địa điểm khác cũng lưu giữ hiện vật, tư liệu về Cách mạng Tháng Tám là Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều. Nhà lưu niệm được UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) xây dựng tại khuôn viên chùa Bắc Mã năm 1989 (thôn Bắc Mã, xã Bình Dương). Ở đây còn lưu giữ và trưng bày các hiện vật, tư liệu và hình ảnh hào hùng của quân và dân ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa do những nghĩa quân Chiến khu xưa sưu tầm về. Hệ thống hiện vật đa phần là vũ khí của nghĩa quân và lực lượng vũ trang cách mạng đơn sơ như: Gậy gộc, giáo mác, mã tấu, kiếm, chông (cả chông tre và chông sắt) lựu đạn, dao găm, súng lục tịch thu của bọn phỉ, một khẩu súng trường Mutskotong do nghĩa quân đánh đồn Đông Triều đã thu được và còn tiếp tục sử dụng trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp sau này, bánh xe của khẩu súng đại liên do công nhân xưởng cơ khí Mạo Khê trực tiếp sản xuất.
Ngoài ra còn có mũi khoan tay, chiếc xẻng đào hầm, áo và cờ của đồng chí Nguyễn Bình, chiếc nồi đồng để nấu cơm cho nghĩa quân, một chiếc cân tay chuyên dùng để cân gạo được trưng bày tại đây. Cùng với đó có một số bức ảnh của Tiểu đội Trần Phú và Tiểu đội Phan Đình Phùng, 2 đơn vị thuộc Chiến khu năm xưa. Hiện vật, tư liệu và hình ảnh tuy không nhiều nhưng cũng là những bằng chứng sinh động về tinh thần và trí tuệ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân; là sản phẩm của ý chí tự lực tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta. Ông Phạm Văn Hoan, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TX Đông Triều, cho biết: “Trước đây, địa phương đã sưu tập được nhiều hiện vật, tư liệu để lưu giữ tại Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều. Hiện tại, chưa có kế hoạch sưu tầm bổ sung thêm hiện vật, tư liệu. Chúng tôi có phân công nhân viên đến đây làm nhiệm vụ bảo quản tư liệu, hiện vật”.
HUỲNH ĐĂNG