Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2016 04:30 644
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với niềm đam mê cổ vật, những nông dân, giáo viên đã sở hữu được một kho báu lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam ngay trên mảnh đất đầy nắng và gió Lào ở Nghệ An.

Anh Nguyễn Duy Long, nông dân ở xóm 9, xã Văn Thành, huyện Yên Thành đã bỏ nhiều thời gian, công sức đi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm cổ vật. Hiện, “bảo tàng” tại gia của anh có hàng ngàn cổ vật giá trị. Đến thăm gia đình nông dân Nguyễn Duy Long, nhiều người ngỡ ngàng bởi không gian cổ xưa như tự ngàn năm đang tồn tại nơi này. Cổng vào sân với hàng trăm chum vại, chóe sành, cối đá, bình gốm… có niên đại hàng trăm năm, được bài trí xen dưới những cây cảnh bon sai có độ tuổi thuộc hàng trưởng lão trông thật độc đáo và ấn tượng. Trong nhà, những bộ tủ chè, tràng kỉ, những chiếc tủ kính trưng bày trên đó là những đồ sứ, đồ gốm, đồ gỗ, đồ đồng như : Ấm, âu, ang, bát, bình, chân đèn, chân đế, chậu, chén, chum, đĩa, hộp, liễn, lọ, thạp, thống, tước, tượng các loại… Tất cả được xếp thành từng nhóm, từng niên đại khác nhau rất quy củ và khoa học trông như một bảo tàng thực sự.

Anh Long và chiếc bình vôi bằng sứ thời Lê.

Học xong THPT, Nguyễn Duy Long (SN 1971) ở nhà lấy vợ và nối nghiệp nông gia. Ngoài mấy sào ruộng khoán, anh Long còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và buôn bán thêm ở chợ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ siêng năng, tháo vát nên kinh tế gia đình anh khấm khá hơn so với mặt bằng chung của xóm. Anh yêu thích cổ vật từ nhỏ, cuộc sống ổn định, anh quyết tâm theo đuổi niềm đam mê. Những chuyến xa nhà tìm kiếm cổ vật ngày càng tăng, và sau mỗi chuyến đi, anh mang về nào đồ sứ, đồ gốm, đồ đồng…

Từ năm 2000, anh Long bắt đầu cuộc săn tìm cổ vật ở địa phương, sau đó đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đến cả những vùng đồng bào thiểu số xa xôi để sưu tầm.

Để am hiểu, người nông dân giàu đam mê ấy phải tự học, đọc nhiều cuốn sách về khảo cổ, sách nghiên cứu về xã hội học, sách về lịch sử. Anh nói: “Khi đã thực sự đam mê và dày công nghiên cứu cộng thêm với kinh nghiệm thì chỉ nhìn thôi cũng biết đồ gốm đó thuộc thời đại nào”.

Còn đối với anh Nguyễn Đức Vượng, hiện đang là giáo viên mỹ thuật trường Tiểu học Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, bắt đầu việc sưu tầm từ những năm học lớp 8, sau 18 năm, anh đã có trong tay một bộ sưu tập tiền xu cổ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp từng lưu hành từ cách đây hơn 2.000 năm TCN cho đến nay trên đất nước ta.

Anh Vượng giới thiệu bộ sưu tập tiền xu cổ của mình.

Anh Vượng hiện đang sở hữu gần như đầy đủ các loại tiền cổ qua các thời kỳ của Việt Nam, kể từ thời nhà Đinh (970-980) với đồng “Thái Bình hưng bảo”, đồng tiền đầu tiên do người Việt Nam đúc và lưu hành cho đến thời vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại (1925-1945) với đồng “Bảo Đại thông bảo”. Do số lượng xu cổ khá nhiều nên được anh Vượng cho vào từng hũ để đóng, cất. Anh Vượng cho biết, để có được bộ sưu tập tiền cổ như hiện nay, anh đã bỏ không ít công sức và tiền bạc. Có những đồng tiền cổ của Việt Nam anh phải nhờ người lặn lội sang tận Trung Quốc để mua lại. Thậm chí, có những đồng tiền cổ anh sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua về.

Hiện anh Vượng đang sở hữu hơn 30 đồng tiền quý của Việt Nam và Trung Quốc chưa từng được ghi chép lại trong sách vở.

Trăn trở về giá trị văn hóa cổ vật, anh Long và anh Vượng cho biết, hiện nay cổ vật đang rất nhiều mà người hiểu được giá trị quý báu của chúng, say mê và ra sức sưu tầm, bảo quản chúng thì hiếm có nên cổ vật rất dễ bị trôi nổi, hư hỏng và “chảy máu đồ cổ” ra nước ngoài. Vì vậy, các anh sẽ đóng góp xây dựng nơi đây thành một bảo tàng trưng bày cổ vật để nhiều người cùng chiêm ngưỡng, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống truyền lại cho thế hệ sau.

Thùy Ngân

baovanhoa.vn

Chia sẻ: